nguoiphattu.com Đầu xuân lên chùa lễ Phật cầu may đã trở thành truyền thống và nét đẹp trong văn hóa cổ truyền không chỉ của những người con Phật mà còn của nhiêu người dân Việt Namkhắp mọi miền đất nước.
Khoảnh khắc giao thời thiêng liêng, đón năm mới, trước chính điện trang nghiêm, khói hương trầm mặc, mỗi người con Phật lên chùa lễ
Phật đều thấy tâm hồn thanh thản, trút xả phiền não để trở về với tâm trong sáng, thanh tịnh, lòng đầy hoan hỷ trong niềm vui rộn ràng. Mừng vui nhất là bắt gặp hình ảnh Đức Phật Di Lặc, với nụ cười từ bi, hỉ xả mà vơi đi biết bao nhiêu điều phiền muộn, bám níu.
Hình ảnh Đức Phật Di Lặc với nụ cười từ bi cũng biểu trưng cho hạnh phúc, may mắn và thành đạt, những điều mà con người luôn nguyện mong đạt được mỗi khi một năm mới bắt đầu. Hình ảnh Đức Phật Di Lặc còn nhắc nhở mỗi người con Phật khi đến với cửa thiền cần buông xả, quên đi những tham, sân, si vướng bận, thực hành hạnh nguyện hỉ xả, tha thứ không chấp ngã để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn và hướng thiện hơn. Và do đó, hình ảnh Đức Phật Di Lặc cũng là hình ảnh mà mỗi người con Phật ngưỡng vọng trong những ngày đầu xuân năm mới.
1. Đôi điều về lịch sử Đức Phật Di Lặc:
Trong kinh điển Phật giáo, cả Nam tông và Bắc tông, những ghi chép về Đức Phật Di Lặc xuất hiện khá phổ biến. Đức Phật Di Lặc hay còn gọi là Bồ tát Di Lặc, vị Phật thứ 5 và cũng là vị Phật cuối cùng xuất hiện ở kiếp vị lai. Di Lặc[1] trong tiếng Phạn là Maitryea, dịch nghĩa là Từ thị tức là người có tấm lòng từ bi. Tên chính của ngài là A dật đa (Ajita) chữ Hán dịch là Vô Năng Thắng. Sở dĩ Phật Di Lặc có hiệu là Từ thị bởi trong quá khứ, vì muốn giáo hóa chúng sinh nên lúc mới phát tâm tu hành, Ngài không ăn thịt, do nhân duyên ấy nên được gọi là Từ thị. Chữ Từ là lòng từ, là chi đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Lòng từ này không đợi có một ngoại duyên nào tác động làm cho phát khởi mà có sẵn một cách tự nhiên, rộng rãi, bao dung, bình đẳng không phân biệt. Chính vì lẽ đó mà nó có năng lực làm cho thế gian luôn tiếp nối chủng tính của chư Phật không bao giờ chấm dứt.
Đức Phật Di Lặc hiện trú tại cung trời Đâu suất[2] (Tusita) một trong sáu tầng trời, đợi đủ nhân duyên sẽ xuống cõi ta bà hóa độ chúng sinh. Trên cõi trời Đâu suất, được phân làm hai phần nội viện và ngoại viện. Phần nội viện là Tịnh độ của Bồ tát Di Lặc. Thiên chúng sống nội viện do có công năng giữ gìn giới luật, nhất là tu tập Bát quan trai giới, nên được thanh tịnh, không bị đọa lạc còn thiên chúng ở ngoại viện là những vị do làm nhiều điều thiện ở trần gian được sinh lên đây nhưng đến khi hết phúc thì cũng đọa lạc trở lại.
Kinh điển ghi lại rằng Đức Phật Thích Ca đã thụ ký cho Ngài làm vị Phật tương lai ở cõi ta bà này vào hội Long Hoa. Tôn giả Di Lặc nguyện ở đời vị lai khi con người sống đến 80.000 tuổi sẽ thành Phật hiệu là Di Lặc Như Lai. Phật Di Lặc là vị Phật thứ năm trong hiền kiếp (Bốn vị Phật đã ra đời trong hiền kiếp đó là: Đức Câu lưu tôn, Đức Câu na hàm, Đức Ca diếp[3], và Đức Thế tôn), tức là tiếp nối đức Phật Thích Ca tại cõi ta bà này để giáo hóa chúng sinh. Như vậy vào kiếp vị lai, lúc tuổi thọ của con người sống đến 80.000 năm, Ngài hạ sinh xuống cõi nhân gian và thành Phật dưới gốc cây Long Hoa, chia làm ba hội thuyết pháp, hóa độ vô số chúng sinh nên gọi là Long Hoa Tam hội. Trong Mật giáo, Di Lặc Bồ tát là một trong 9 vị tôn ở Trung đài Mạn-đồ-la[4] Thai tạng giới, vị trí phía đông bắc đức Đại Nhật Như Lai.
Lịch sử truyền thừa của Duy thức tông[5] cũng coi Đức Phật Di Lặc như là sơ tổ của tông phái này. Theo truyền thuyết, Khi Đức Phật Di Lặc ở trong nội viện cung trời Đâu suất đã đáp ứng lời thỉnh cầu của ngài Vô trước[6] (Asanga), thị hiện tại nước A-du-già-na thuộc miền Trung Ấn, tuyên thuyết năm bộ đại luận cho Vô trước, gồm: Du già sư địa luận, Phân biệt du già luận, Đại thừa trang nghiêm luận, Biện trung biên luận, Kim cang bát nhã luận. Ngài Vô trước đã tiếp nhận học thuyết do Bồ tát Di Lặc giảng dạy, sau đó đem năm bộ đại luận này chỉnh lý lại rồi nương theo đó mà thành lập Duy thức tông.
2. Hình tượng Đức Phật Di Lặc:
Trong đạo Phật cũng như trong dân gian, tượng Đức Phật Di Lặc thường được biết đến với 3 hình ảnh phổ biến là: Tượng Ngài ngồi một mình, cười tươi, áo hở ngực, bụng phệ; Tượng Ngài ngồi cười tươi, áo hở ngực, bụng phệ chung quanh có 6 em bé và tượng Ngài đứng, cười tươi, áo hở ngực, bụng phệ, tay vác bị lớn.
Tượng ngài ngồi bụng to, miệng cười rất tươi. Bụng to biểu trưng cho lòng trống rỗng, tâm luôn hỷ xả. Cho nên có câu ca tụng Ngài rằng: "Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ; lòng từ thường xả, xả những việc khôn xả trong thế gian". Đức Di Lặc có nụ cười rất đặc biệt, gọi là Nụ cười Di Lặc. Niềm vui lớn lao đó biểu hiện từ trong tâm hoan hỷ mà ra. Cho nên khi nhìn vào ai cũng cảm nhận được và làm cho mình cùng hoan hỷ theo. Nụ cười của Ngài cũng là sự thể hiện hai đức hạnh quý báu trong đạo Phật, đó là hỷ, xả. Có hỷ, xả chúng ta mới nở nụ cười vui tươi chân thật, hạnh phúc. Có hạnh phúc thì cuộc sống mới có ý nghĩa và thật đáng sống.Hỷ tức là vui theo việc làm tốt của người, thuật ngữ nhà Phật gọi là tùy hỷ công đức. Xả tức là bỏ, bỏ tất cả những điều phiền muộn do người tạo ra cho ta. Nếu chúng ta không thể xả được những điều phiền muộn ấy thì cũng như chúng ta không tiêu hóa được dư thừa của thực ăn trong cơ thể vậy. Nụ cười bất tử của Đức Phật Di Lặc đem lại cho con người niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống, tin tưởng vào đạo pháp và vui trong niềm vui đạo pháp. Có nụ cười của Đức Phật Di Lặc tức là còn sự miên trường của mạng mạch Phật pháp.
Tượng Di Lặc có sáu đứa trẻ bu quanh, sáu đứa trẻ biểu trưng cho lục tặc tức là sáu thằng giặc, chính là sáu căn[7] của mỗi con người đang ngày đêm quấy phá tâm thức mình. Chúng bắt tâm thức rong ruổi theo lục trần[8] để rồi đánh mất bản tính thanh tịnh vốn có. Đức Phật Di Lặc biểu trưng sự tỉnh thức, luôn chánh niệm tỉnh giác để thúc liễm thân tâm khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Mặc dù sáu thằng giặc ngày đêm luôn quấy phá, nhưng Ngài vẫn thong dong tự tại, không lay động tâm thức, luôn hoan hỷ cười tươi. Sáu căn đích thực là giặc. Nhưng khi sáu căn thanh tịnh thì từ nơi đây bản tính trạm nhiên hiển bày chứ không từ đâu xa hết.
Tượng ngài mang túi vải càn khôn có liên quan đến câu chuyện ứng thân hóa độ của Ngài. Tương truyền vào thời nhà Lương, Trung Quốc, Đức Phật Di Lặc thị hiện ở chùa Nhạc Lâm, Châu Minh, huyện Phụng Hóa, Trung Quốc với thân hình mập mạp, bụng lớn, miệng luôn nói cười khác người; nhưng không ai biết tên họ của ngài là gì mà chỉ thấy Ngài luôn mang một túi vải trên vai. Lúc đi khất thực, ăn xong còn dư bao nhiêu Ngài đều cho vào túi vải đó hết, nên người đời gọi Ngài là Bố đại Hòa thượng (Hòa thượng mang túi vải). Tương truyền ngày nào Ngài đi guốc thì trời nắng, mang dép cỏ thì trời mưa, nhất nhất đều diệu dụng lạ thường.
Một điều đáng lưu ý, trên đây là ba hình tượng của Bồ tát Di Lặc mà chúng ta cần phải biết, tránh nhầm lẫn tượng Thần tài trong dân gian. Tượng này cũng tương tự như tượng Di Lặc, nhưng khác ở chỗ hai tay đỡ thỏi vàng có dòng chữ Kim ngọc mãn đường (Vàng ngọc đầy nhà). Người ta mua về trưng bày trong nhà để cầu mua may, bán đắt, đắc thọ, đắc tài, đắc lộc. Phải chăng do hình ảnh Đức Phật Di Lặc luôn tươi cười vui vẻ, hoan hỷ, là hình ảnh mang lại nhiều sự may mắn, thành đạt mà các nghệ nhân dân gian đã xây dựng nên hình ảnh tượng Thần tài với nhiều nét tương tự hình ảnh Đức Phật Di Lặc với mong muốn đem lại hạnh phúc, may mắn cho nhân gian.
3. Mùa Xuân và hình ảnh Đức Phật Di Lặc:
Trong ý nghĩa biểu tượng hoa sen tám cánh, người ta quy ước rằng năm cánh trên tượng trưng cho năm hạnh: Tinh tấn, Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí tuệ và Từ bi. Ba cánh dưới tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Tinh tấn tượng trưng cho Đức Phật Thích ca, Hỷ xả tượng trưng cho Phật Di Lặc, Thanh tịnh tượng trưng cho Phật Di Đà, Trí tuệ là Văn Thù Bồ tát và Từ bi là ngài Quan Thế Âm. Hạnh hỷ xả chính là yếu tố cơ bản giúp cho chúng ta thăng tiến trên con đường hoàn thiện nhân cách và đạo đức của mình. Hỷ xả là chất liệu quý báu để cho mọi người có thể bao bọc, thương yêu nhau, cùng hóa giải những oán kết gây khổ đau triền miên, mang lại an lạc hạnh phúc cho mọi người. Nếu trên con đường tu tập chúng ta không có tâm hỷ xả thì khó tháo gỡ những vướng mắc cố chấp dẫn đến khổ đau sinh tử là điều tất yếu. Chỉ khi nào trong chúng ta luôn có sự hiện hữu của tâm hỷ xả, biết buông bỏ những cố chấp hẹp hòi vị kỷ, xóa bớt hận thù, oan trái thì lúc ấy chúng ta mới cảm nhận được niềm an lạc hạnh phúc thực sự.
Chúng ta thấy Đức Phật Di Lặc thành đạo dưới gốc cây Long Hoa, tuổi thọ đến tám vạn bốn ngàn, do tu tập hạnh hỷ xả nên niên hạn được gia tăng. Trong cuộc sống điều này cũng dễ hiểu. Một người mà tâm luôn luôn hoan hỷ, tràn đầy lòng bao dung, độ lượng, người ấy không bao giờ bị tổn hại do các độc tố tham, sân, si gây nên. Sống lành mạnh, thuần phát, không chất chứa những uất ức trong lòng, thong dong tự tại, biết buông bỏ mọi điều, thì tuổi thọ dài lâu là điều tất yếu.
Trong ngày đầu năm mới người ta thường chúc nhau những gì tốt đẹp nhất và không gì hạnh phúc hơn khi chúc nhau những niềm vui, những hạnh phúc của Đức Phật Di Lặc, đúng như nụ cười hoan hỷ, hoàn mãn, tự tại luôn hiện hữu trong hình tượng Đức Phật Di Lặc. Nụ cười xuất phát từ trong tâm thanh tịnh, không vướng bận chính là nụ cười bất diệt. Mùa xuân về mà chúng sinh đầy đủ pháp tài là mùa xuân sáng dậy niềm vui trong lòng, giàu có bởi thấy lại cơ ngơi lớn lao của tâm mình. Mùa xuân tràn đầy tâm hồn giải thoát là mùa xuân bất diệt. Ta có an lạc thảnh thơi, có suối nguồn xuân bất tận thì đem tặng cho đời. Do vậy chúng ta phải lo kiến tạo mùa xuân giải thoát trong mình, đó là lòng thanh tịnh không bị lạnh giá đóng băng của mọi cố chấp tù hãm nhỏ nhoi, mà phải phát dậy biên cương vô hạn của cõi lòng, đó mới đúng nghĩa là đón mừng Xuân Di Lặc thực sự.
Chính chỗ thiết yếu đó mà Đức Phật Di lặc được gọi là con người hạnh phúc, con người hạnh phúc thường viên mãn, vui tươi. Cái viên mãn, vui tươi đó là nhờ trong lòng không có những đám mây phiền não che lấp mặt trời trí tuệ, mà dù sáu đứa giặc vây quanh, Ngài vẫn thấy như không. Còn chúng ta thấy chướng nên trán nhăn, mày cau, mắt đỏ, gương mặt đau khổ. Cái khổ đó chính vì mình không chịu nổi sáu đứa giặc phá phách nên tự nhiên sanh ra bực dọc, khó chịu. Nếu lục trần phá phách mà mình không thấy chướng, thì cái phá đó trở thành đùa vui với nhau. Chúng ta không ai chẳng có sáu đứa giặc đó nhưng nó thành giặc hay bạn là chính tại mình. Thế nên biết tu nơi sáu căn rồi tự nhiên được an lành tự tại. Dù chưa thành Phật, hiện đời ta cũng hạnh phúc tràn trề. Ngày nào, tháng nào cũng đều là ngày tháng vui tươi, năm nào cũng là năm đẹp đẽ, vì vậy mà chúng ta hay chúc nhau một mùa xuân miên viễn. Đó là mùa xuân Di Lặc, mùa xuân hạnh phúc, mùa xuân mà trong lòng không phiền muộn lo âu.
Hiểu đúng lý nhân quả của đạo Phật, chúng ta không nên theo những cám dỗ của đời thường mà phải thấy được giá trị miên viễn của tâm lượng rộng mở, từ bi hoan hỷ. Chính các yếu tố tâm lý này sẽ làm thăng hoa đời sống cho mình và cho người. Chúng ta phải cảm nhận được giá trị về sự buông xả tất cả để được tất cả. Buông xả hận thù khổ đau thì sẽ đón nhận được hạnh phúc, an lạc; buông xả tham sân si để được trí tuệ và lòng vị tha để mỗi khi mùa xuân về, ta cũng lại thấy cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa. Do vậy, mỗi mùa xuân Di Lặc là một lần gợi nhắc cho chúng ta nỗ lực thực tập hạnh hỷ xả. Nếu ai cũng thực tập hạnh này thì thế giới sẽ thanh bình, tươi đẹp. Và, nhân loại sẽ không còn hận thù khổ đau triền miên, đó mới là ý nghĩa đích thực của mùa xuân Di Lặc.
Phúc Nguyên
[1] Trong Duy ma kinh thập chú có giải nghĩa về Đức Phật Di Lặc: Di Lặc là họ, A-dật-đa là tên chữ. Con của vị Bà la môn ở Nam Thiên Trúc (Ấn Độ).
[2] Cung trời Đâu suất là cõi trời thứ tư, còn có tên gọi là Đâu suất đóa, Đâu suất đà, Đô sử đa…Dịch là Tri túc (biết đủ), Diệu túc (đầy đủ tuyệt diệu), Hỉ túc (vui đủ).
[3] Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) còn phiên là Câu Lưu Tần, Ca la cưu thôn đà...; Câu na hàm (Kanakamuni) còn phiên là Câu na mâu ni, Ca nặc ca mâu ni…; Ca diếp (Kac’yapa) là một vị Phật thời quá khứ khác với một trong mười Đại đệ tử của Đức Phật cũng là Ca diếp. Đây đều là những vị Phật thời quá khứ trước khi Bồ tát Di Lặc thị hiện.
[4] Dịch nghĩa là Đàn, Đạo tràng hay bức họa đồ, ở đây hiểu theo nghĩa là bức họa, nơi tụ hội của tất thảy thánh hiền, tất thảy công đức thì gọi là Mạn đồ la.
[5] Là tên gọi khác của Pháp tướng tông. Tông này lấy pháp môn vạn pháp duy thức làm chủ.
[6] Phiên tiếng Phạn là A tăng già, Ngài là Tổ của phái Duy thức tông.
[7] Sáu căn đó là: Nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân, ý
[8] Lục trần gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.