;
Hỏi: Con kính bạch sư cô! Con có một vấn đề mong sư cô giải đáp. Con thấy rằng đi xuất gia là việc tốt, hành động đó xuất phát từ Bồ Đề Tâm. Nhưng nhiều người không hiểu, cho rằng xuất gia là vất vả, buồn tẻ, cô đơn lúc về già. Thưa sư cô, con cũng muốn xuất gia nhưng gần đây con lại gặp một số người nói với con rằng con không có căn tu, số mệnh không phải ở chùa. Những người ở nhà ốm không ở được mới phải lên chùa. Vậy con muốn hỏi sư cô, cái gọi là căn tu ấy có đúng không?
Con có nghe nói “tu là chuyển nghiệp”, nhưng không biết tu như thế nào mới chuyển được nghiệp, chuyển được nhiều hay ít? Con lo lắng rằng liệu sau này con xuống tóc xuất gia rồi, nếu nghiệp lực khiến con phải hoàn tục thì làm sao để điều này không xảy ra ạ? Vì con thấy nhiều người tu bỏ dở giữa chừng.
Con kính mong sư cô hoan hỷ trả lời để con có thêm hiểu biết ạ. Kính chúc sư cô sức khỏe và tinh tấn.
Đáp: Sư cô Lĩnh Nghiêm trả lời:
Bồ Đề Tâm là niềm khát khao đạt tới đời sống an lạc, giải thoát, không vướng bận muộn phiền đau khổ. Bồ đề tâm còn là lòng từ bi, thương xót và muốn làm vơi bớt khổ đau của con người và muôn loài. Người có Bồ Đề Tâm lớn mạnh chắc chắn sẽ đi xuất gia, không có ai ngăn cản được. Cho dù họ ở ngôi vị cao sang quyền quý, hay có một đời sống ấm êm, sung túc thì khi nhân duyên tới họ cũng sẽ bỏ tất cả để đi tu.
Căn tu là người có nền tảng tu tập từ kiếp trước. Căn là gốc rễ, nền tảng. Tu là sửa chữa (tu sửa, tu bổ). Người có căn tu là người trong kiếp trước đã biết tới Phật pháp, đã ít nhiều có tín tâm và sự tu tập. Căn mỏng là người cũng có duyên với Phật pháp nhưng kiếp trước mới tu hoặc tu chưa giỏi, còn nhiều yếu kém vụng về. Người này khi gặp duyên cũng sẽ đi tu nhưng đời tu có khó khăn, chật vật vì còn nhiều thói hư tất xấu, nhiều chất phàm tục và có thể giữa chừng bỏ về đời (số này nhiều chứ không phải ít).
Người có căn cơ trung bình là người đã có nhiều duyên lành với Phật pháp từ kiếp trước. Có một đời sống đạo đức, tinh thần trong sáng. Tu tập đàng hoàng, không quá tinh tấn nhưng cũng không biếng lười, không xuất sắc nhưng cũng không yếu kém. Có đủ niềm vui trong đời sống xuất gia, sống đời hiền thiện nhưng cũng không có đóng góp gì lớn lao cho đạo pháp.
Người có căn cơ sâu dày là người đã tu tập trong nhiều đời nhiều kiếp, đã đạt tới một nền tảng thanh tịnh, về cơ bản đã giảm bớt được ái dục, tham, sân, si nên nội tâm vốn có sẵn sự an tĩnh, có lòng từ bi vượt trội hơn người. Người này đi tu sẽ tiến bộ rất mau và trở thành người rất hữu ích cho xã hội và làm rạng rỡ chánh pháp.
Những người tu hành chân chính thường trầm tĩnh, ít nói, không thích ồn ào, ưa nơi vắng lặng. Trong sự bình yên, thanh tịnh họ tiếp xúc được với sự an lạc trong nội tâm. Sự an lạc này tuyệt vời hơn nhiều so với những thú vui trần tục, nói cười rộn ràng. Người đời không chạm tới được sự an lạc tuyệt vời đó nên cho rằng đời sống ấy tẻ nhạt, buồn chán. Họ nghĩ rằng đi tu là rời xa người thân, khi ốm đau không ai chăm, già không ai phụng dưỡng. Thế nhưng một vị xuất gia chân chính, có an lạc, có từ bi, có trí tuệ sẽ được rất nhiều người thương yêu, kính trọng, vâng lời. Vị ấy luôn có bạn đồng tu, đệ tử, Phật tử giúp đỡ nên không hề đơn côi.
Người tu giỏi và có kinh nghiệm thì khi tiếp xúc với ai đó sẽ biết người ấy có căn tu hay không, nếu xuất gia sẽ tu giỏi hay tu yếu. Cái thấy này xuất phát từ công phu tu tập và kinh nghiệm sống. Còn người ngoài không hiểu đạo thường phán bừa theo sự suy luận hạn hẹp của mình cùng với những thành kiến sẵn có, không đáng tin cậy.
Lễ truyền đăng tại Làng Mai.
Có người rất muốn đi tu nhưng không đủ phước duyên để xuất gia, nên họ tu tại gia và phát nguyện kiếp sau sẽ đi xuất gia. Sang kiếp sau họ quên mất lời nguyện nên cơ thể đổ bệnh, cứ lên chùa là khỏi. Căn bệnh là trợ duyên nhắc họ về lời nguyện kiếp trước. Đây chỉ là trường hợp rất cá biệt, còn thông thường người có căn tu sẽ tự mình tìm tới cửa đạo. Người đời thấy vậy cho rằng ốm đau bệnh tật là đi tu, chưa kể xem xong phim Lan và Điệp rồi kết luận bậy rằng thất tình, thất chí thì … đi tu. Đó là suy nghĩ sai lầm xuất phát từ cái nhìn thiển cận. Họ chỉ nhớ tới Lan và Điệp là những nhân vật nghệ thuật hư cấu, mà không nhớ tới Vua Trần Nhân Tông - Một vị minh vương tài đức vẹn toàn ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, đưa đất nước bước vào thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau khi làm tròn việc nước Ngài từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý để đi xuất và đã giác ngộ thành Phật. Ngài xuất gia năm 41 tuổi, ở độ tuổi chín chắn và vinh quang nhất.
Thái Tử Tất Đạt Đa, cũng cùng đẳng cấp với vua Trần Nhân Tông, cũng là một vị vua tương lai, Ngài đang có: tuổi trẻ, danh vọng, quyền lực, giàu sang, tình yêu, hạnh phúc gia đình. Là những thứ mà người đời mơ ước có được dù chỉ một vài thứ trong số đó. Thế nhưng khao khát giác ngộ và muốn cứu giúp mọi loài thoát khỏi cảnh khổ đau mà Ngài đã vứt bỏ tất cả để xuất gia tu hành và đã giác ngộ, chấm dứt được phiền não, đạt tới trí tuệ và từ bi viên mãn trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông cũng xuất gia tu hành khi nàng mới ngoài 20 tuổi. Ngài Huyền Quang, Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là một vị quan đại thần. Tổ Bồ Đề Đạt Ma là hoàng tử, con trai thứ ba của vua Chí Vương nước Quốc Hương, thuộc Nam Thiên Trúc (Dekhan), tức Ấn Ðộ. Sư Bà Trí Hải một danh sư lẫy lừng trong thời đại của chúng ta, sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Pháp đã bỏ lại tất cả để đi xuất gia. Sư bà cũng xuất thân từ dòng dõi đế vương. Mặc dù đã cạo bỏ mái tóc xanh, khoác lên thân tấm áo nâu sòng nhưng người con gái đức hạnh, tài sắc vẹn toàn ấy vẫn mãi là niềm ước mơ, khao khát của bao vương tôn công tử, và các bậc trí thức lúc bấy giờ.
Thế nên, phải biết rằng có đủ duyên phước mới xuất gia được. Tuy nhiên, người có phước lớn, đức dày thì gặp được thầy giỏi, bạn hiền, môi trường tu tập thanh tịnh. Trong điều kiện ấy người tu sẽ có nhiều an lạc, hạnh phúc và tiến bộ rất mau trên con đường tâm linh. Nhưng nếu có duyên với Phật pháp nhưng phước mỏng, đức kém thì khó gặp thầy giỏi, bạn hiền, đời tu khó khăn, chật vật, đôi khi còn bị lạc vào danh lợi rồi tự làm hao tổn phước đức của mình.
Đi xuất gia là việc tốt nhưng chỉ tốt khi tìm được minh sư và môi trường tu học chân chính. Do đó người phát tâm xuất gia cũng phải cân nhắc, lựa chọn môi trường đừng vội vàng hấp tấp.
“Tu là chuyển nghiệp”. Ở đây là chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Vậy làm sao để đo được mức độ “chuyển nghiệp” của mình? Tu là sửa, mình sửa được nhiều thì chuyển nhiều, sửa được ít thì chuyển ít. Quan sát xem tu một thời gian mình có bớt tham, bớt nóng, bớt hậu đậu,… bớt những tật xấu chưa; có tăng thêm niềm vui, an lạc, từ bi hỷ xả không?
Có những người tu yếu, không có an lạc nên bỏ về đời. Cũng có người tu giỏi, có hạnh phúc trong đời tu nhưng hết duyên nên gặp chướng ngại phải về đời. Nếu muốn tu trọn vẹn thì phải hết lòng thực tập. Chuyên cần tu hành và siêng năng làm việc phụng sự Tam Bảo, phụng sự chúng sinh thì trí tuệ, phước đức sẽ tăng trưởng. Phước đức, trí tuệ đầy đủ thì đời tu sẽ viên mãn.
Chúc bạn vững bước trên con đường mà mình đã chọn.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=fc0M7qpSX6U|500|500}
Lê Thu Hương
Cho con hỏi E đau buồn vì nhiều chuyện muốn buông bỏ hết mọi thứ đau buồn ở trần gian đến nơi cõi phật để tịnh tâm xám hối làm phước cho chúng sinh Với muốn tâm mình thanh thản nhẹ nhõm có nên đi tu không ạ Thực sự con rất mệt mỏi với cuộc sống hiện tại Hiện giờ con đã có chồng nhưng chưa có con liệu nơi cửa phật có nhận con không ạ Con xin cảm ơn
Thích 11 Trả lời 4/9/2020 9:05:20 PM