;
Lễ hội này thật sự rất có ý nghĩa và có ảnh hưởng lớn đến nếp sống tâm linh của người dân. Hơn hai thập kỷ qua, lễ hội quan trọng này đã không được tổ chức.
Với sự cởi mở về chính sách của chính phủ hiện nay, lễ hội Phật giáo tại chùa Shwedagon đã được phục hồi, người dân được phép tổ chức trở lại.
Lễ hội được khai mạc từ ngày 22-2 và kéo dài trong vòng nửa tháng với nhiều hoạt động, nghi thức, nghi lễ truyền thống mang đậm nét Phật giáo. Lễ hội Chùa vàng Shwedagon ở Yangon là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Myanmar.
Chùa vàng Shwedagon tọa lạc trên một đỉnh đồi và nổi bật trên nền trời của thành phố Yangon. Khi màn đêm xuống, với ánh đèn pha tập trung, quần thể tháp, tượng ở chùa Vàng trở nên sáng lung linh, nổi bật ở một vùng trời. Có thể nói rằng, trong một đất nước còn kém phát triển như Myanmar mà xây dựng được một công trình vĩ đại như chùa vàng Shwedagon thì thật là đáng phục.
Sở dĩ gọi là chùa Vàng là vì hầu hết các công trình kiến trúc cùa chùa đều được dát vàng lá. Trên tàng lọng ở đỉnh ngọn tháp chính của chùa được gắn 4.351 viên kim cương, và ngay trên đỉnh của ngọn tháp gắn một viên kim cương 76 carats.
Theo truyền thuyết, chùa Shwedagon đã tồn tại 2.600 năm, và năm 2012 này chính là năm kỷ niệm ngôi chùa tròn 2.600 năm tuổi. Cũng theo truyền thuyết, chùa Shwedagon là nơi tôn trí 8 sợi tóc của Đức Phật, đó là những sợi tóc mà Đức Phật đã ban tặng cho hai thương gia đến đảnh lễ, xin làm đệ tử của Ngài khi Đức Thế Tôn tại thế.
Lễ hội được mở màn với đoàn diễu hành vào buổi sáng với hơn hàng ngàn người tham gia trong trang phục truyền thống, đi chân trần nhiễu quanh các ngôi tháp, điện của trong quần thể chùa. Tiếng cồng ở khắp các góc điện của chùa Shwedagon đều đồng loạt gióng lên hòa cùng với tiếng tụng kinh trầm hùng của hàng trăm Tăng sĩ, tạo nên một không gian tâm linh vô cùng thiêng liêng, mầu nhiệm.
Theo lời của Ban Tổ chức, trong suốt 15 ngày diễn ra lễ hội, một nhóm 12 vị Tăng sĩ sẽ thay phiên nhau tụng kinh mãi không dứt cho đến ngày 7 tháng 3, lúc kết thúc của lễ hội.
Bên ngoài khuôn viên của chùa là không gian vui chơi giải trí và biểu diễn các tiết mục văn nghệ, bao gồm các chương trình múa rối truyền thống và các vũ công biểu diễn các điệu múa cổ truyền. Bên cạnh đó còn có khu vực ẩm thực, hội chợ, nơi trưng bày và buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ và thực phẩm từ khắp nơi trên đất nước.
Việc khôi phục lễ hội Phật giáo truyền thống tại chùa vàng Shwedagon đã khiến người dân Myanmar phấn khởi và vui mừng.
Một bà lão cho biết, bà đã đọc trên báo rằng lễ hội đã được cho phép tổ chức trở lại, nhưng bà đã không tin điều đó. Vì vậy, bà đi hai giờ đồng hồ bằng xe buýt từ thành phố Oakkan, quê của bà, phía Bắc của Yangon, để đến mục sở thị. Ông Myint Kyi, chồng của bà lão chia sẻ: “Thật là xấu hổ và đáng buồn khi chính phủ trong một quốc gia Phật giáo lại cấm tổ chức lễ hội quan trọng này trong một khoảng thời gian quá lâu như thế”. Bà lão thì vui mừng nói: “Sự khôi phục này làm cho tôi không chỉ hài lòng mà còn rất vui mừng. Bây giờ tôi nhận ra rằng, đất nước Myanmar chúng tôi đang đổi thay”.
Ông Khin Maung Aye, một nhà nghiên cứu Phật học và thành viên Ban Tổ chức của lễ hội này bày tỏ: “Trước đây, chính quyền đã ban hành lệnh cấm tổ chức lễ hội chùa Shwedagon vì những điều mà họ gọi là “lý do an ninh”. Con trai tôi năm nay 22 tuổi. Nó sinh năm 1989, và nó chưa bao giờ được chứng kiến lễ hội chùa Shwedagon. Tôi đã mơ ước về việc khôi phục lễ hội chùa Shwedagon trong nhiều năm nay. Bây giờ thì điều tôi ước mơ đã trở thành hiện thực. Tôi vô cùng hạnh phúc về điều này”.
Quảng Trí (Theo Associated Press) - VanhoaPhatgiao