;
Tham dự có Ni sư Thích Diệu Nhẫn – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Minh Hải – Chánh Văn phòng Tỉnh hội, Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Quỳnh Lưu, đồng trưởng ban tổ chức lễ hội; Đại đức Thích Châu Phong – Phó Chánh thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Tuệ Minh - Ủy viên Ban Thường trực Tỉnh hội, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh, cùng Chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh.
Linh mục Phan Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nghệ An, Quản nhiệm Giáo xứ Vạn Thủy; Ông Chu Đức Thái – Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Hồng Tuyến – Trưởng Phòng An ninh Xã hội Công an tỉnh Nghệ An; Ông Phạm Quốc Vinh – Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An; Ông Trần Như Long – Phó Chi cục Thủy sản Nghệ An.
Ông Hồ Sỹ Nguyệt – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Quỳnh Lưu; Ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu; Ông Đào Đức Minh – Phó Trưởng Công an huyện; Ông Hồ Minh Tuấn – Chính trị Quân sự huyện; Anh Đặng Ngọc Minh – Bí thư Huyện Đoàn; cùng lãnh đạo cơ quan, phòng ban chuyên môn của huyện Quỳnh Lưu. Ông Trịnh Tứ Hiệp – Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đại diện 33 xã, thị trấn trong toàn huyện Quỳnh Lưu.
Khai mạc lễ hội năm nay cũng đón trên 2000 Phật tử, bà con nhân dân, du khách thập phương trong và ngoài tỉnh về bái Thu vãn cảnh, có những đoàn tận xa xôi như Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Sài Gòn, Long An,….
Ni sư Thích Diệu Nhẫn có diễn văn khai mạc nói về Bồ Tát Quán Thế Âm, mảnh đất Quỳnh Lưu và ý nghĩa lễ hội.
Như chúng ta đã biết: “Từ bao đời nay, hình tượng Phật bà Quan Âm đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ ấu thơ, thông qua các tác phẩm văn học dân gian. Trong tâm hồn người Việt, sự hiện thân của Phật Bà Quan Âm như là một đấng Thần linh, để cứu giúp sinh linh trong lúc nguy nan.
Đặc biệt, hình bóng Quan Âm Đại sỹ hiện thân với nhiều thế tướng để cứu độ nhân sinh, trong đó có hiện thân Quan Âm còn gọi là Quan Âm Nam Hải, để phổ độ cho hàm linh nơi hải viễn xa xôi. Mỗi khi ra biển, vượt muôn trùng ngàn dương, cũng như những sóng gió ba đào trong cuộc sống thì hình bóng Đức Phật bà Nam Hải lại hiện lên để độ đời, vơi đi những khổ đau”.
Quang cảnh lễ hội Quán Âm Nam Hải tại chùa An Thái - Nghệ An
Nhân dịp lễ hội, ban tổ chức phối hợp với Chi cục Thủy sản Nghệ An tổ chức phóng sinh 99.000 con tôm và thủy hải sản, bảo vệ gen giống các loài sinh vật biển. Cũng là thể hiện tinh thần từ bi, tạo sự cân bằng trong môi trường thiên nhiên, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dịp này, ban tổ chức đã trao 270 suất quà khuyến học, khuyến tài cho thanh niên học giỏi và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 vừa qua gây ra trận lũ lụt nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện trong bài phát biểu chúc mừng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao nội dung và ý nghĩa của các hoạt động do Ban Trị sự tổ chức tại Lễ hội như: Tụng kinh cầu nguyện cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh, dịch bệnh tiêu trừ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân ấm no hạnh phúc, biên cương hải đảo vững bền, ngư dân đi biển thuận buồm xuôi gió và cầu nguyện chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn, hợp tác thả giống phóng sinh, bảo vệ qũy gen, bảo vệ môi trường,..."
Đại đức Thích Minh Hải - Chánh Văn phòng - Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Nghệ an, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Quỳnh Lưu trụ trì chùa Yên Thái - Nghệ An.
Thời gian qua, cùng với Phật giáo tỉnh nhà, Phật giáo huyện Quỳnh Lưu, Tăng Ni và Phật tử trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động phật sự, góp phần quan trọng vào sự phục hồi, phát triển của Phật giáo huyện.Có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tích cực làm công tác từ thiện nhân đạo, cùng chung tay góp sức với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn, gặp khó khăn, gia đình chính sách. Chính quyền các cấp đánh giá cao trách nhiệm, sự cố gắng của sư trụ trì, các tu sỹ và Phật tử trên địa bàn huyện nói chung và chùa An Thái nói riêng trong việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo và mở rộng các chùa trên địa bàn.
Đại diện lãnh đạo huyện mong muốn: “Chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật giáo sẽ nỗ lực hơn nữa, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, thực hiện tốt đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chấp hành pháp luật Nhà nước; gìn giữ và phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân", góp phần tích cực cùng với chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện nhà xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thời gian tới, chính quyền các cấp tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo Quỳnh Lưu phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời đề nghị các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, Phật tử trong và ngoài huyện, con em xa quê trong thời gian qua đã phát tâm ủng hộ về vật chất, kinh phí để xây dựng chùa An Thái trong thời gian tới tiếp tục phát tâm, hỗ trợ nguồn lực cho nhà chùa để ngôi chùa An Thái sớm được hoàn thiện, trở thành ngôi chùa khang trang, to đẹp, xứng tầm trong khu vực”.
Sau khi gióng chuông, đánh chiêng trống khai hội; Linh mục Phan Xuân Thắng đã có bài phát biểu chúc mừng động viên lễ hội; Chư Tôn đức và đại biểu dâng hương, chúc nguyện, ra biển phóng sinh.
Dịp này, Phật tử Nguyễn Thị Bình và Phật tử Đào Thị Lê ở Quảng Ninh, cùng Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quỳnh Lưu ủng hộ 250 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó và các gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt bị ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 trên địa bàn huyện vừa qua; mỗi suất trị giá 500.000đ gồm 1 thùng mì, 10 kg gạo và tiền mặt 300.000đ.