;
Tham dự buổi lễ có HT. Thích Thanh Đàm – Phó Pháp chủ GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TW GHPGVN kiêm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An; TT. Thích Thọ Lạc –UV Thư kí HĐTS TW kiêm Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; ĐĐ. Thích Viên Như – UV HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; ĐĐ. Thích Quảng Hiền – Phó trưởng ban Thường trực GHPGVN tỉnh Đắc Nông.
Đại diện chính quyền có ông Phan Thanh Đoài - Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An; ông Thái Văn Hằng – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Văn Long - phó Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An; ông Võ Văn Tiến – phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nghệ An; ông Cao Văn Tám – phó Trưởng phòng PA88 Công an tỉnh Nghệ An; ông Võ Viết Thanh - Bí thư thành ủy Tp Vinh; ông Nguyễn Hoài An – Chủ tịch UBND Tp Vinh; đại diện lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, xã Nghi Đức và hơn 3.000 Tăng, Ni, nhân dân, Phật tử trong và ngoài tỉnh về tham dự.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Định Tuệ có diễn văn khai mạc, theo đó chùa Đức Hậu được xây dựng từ khoảng thế kỉ 12, cùng với một quần thể tâm linh “Tam giáo đồng nguyên” gồm: chùa, đền, đình, miếu, đây từng là một địa chỉ văn hóa tâm linh của người dân thành phố Vinh và vùng lân cận. Trước kia, chùa lợp bằng tranh, chỉ có 2 gian, đến năm 1943 nhân dân đóng góp công đức tu sửa thành chùa ngói và xây thêm một gian nữa gọi là nhà muống.
Điều đặc biệt là nhà muống này có cột hình vuông. Sau này, do chiến tranh nên chùa bị tàn phá bởi bom đạn, người dân cũng mất đi nơi thờ tự. Hiện nay, trong chùa còn gian nhà gỗ đặt trong chính điện là gốc tích cổ nhất, đây là gian Thiêu Hương của đền Đức Hậu, ngôi đền thờ Cao Sơn - Cao Các nằm phía Tây chùa Đức Hậu, được xây dựng từ thế kỉ XIV. Năm 2011, Ban Tôn giáo tỉnh và Giáo hội Phật giáo Nghệ An đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để phục dựng lại chùa.
Buổi lễ có hơn 3000 Tăng ni, Phật tử tín đồ tham dự.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, chùa Đức Hậu với tổng diện tích được quy hoạch xây dựng 24.462,10m2, gồm hai phần riêng biệt thông qua đường quy hoạch rộng 7m, diện tích xây dựng công trình 7.176,72m2; diện tích cây xanh, sân đường nội bộ, bãi đỗ xe: 17.285,38m2; Quy hoạch xây dựng các công trình kiến trúc bao gồm: Tam quan cao 2 tầng, Giảng đường, Chính điện hoa sen rộng 1.000m2, không gian bên trong là hình tròn và tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca tay cầm hoa sen, cổng tam quan những hình cánh sen, các thiền thấp hình búp sen, nhà khách, nhà Tăng được cách điệu từ những lá sen, song song với đó là lầu chuông, lầu khánh, tháp xá lợi, nhà tưởng niệm, thất chuyên tu…
Cũng tại buổi lễ, thay mặt BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, ĐĐ. Thích Minh Hải - Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã đọc Quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Đức Hậu.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu trao Quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Đức Hậu cho Đại đức Thích Định Tuệ, đánh dấu một một giai đoạn chuyển mình, một bước ngoặt lớn cho ngôi chùa và địa phương này.
Được biết, Đại đức Thích Định Tuệ xuất gia học đạo với cố đại lão HT. Thích Quang Đạo tại Tổ đình Phước Viên – Đồng Nai. Với tinh thần hoằng pháp lợi sanh, dấn thân vì đạo thầy đã phát nguyện về vùng đất nắng nóng gió lào xứ Nghệ để hướng dẫn bà con Phật tử tu tập trong sự tha thiết thỉnh cầu bấy lâu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Long, phó trưởng Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ chúc mừng Đại đức Thích Định Tuệ, đồng thời công bố trao quyết định phục hồi xây dựng chùa Đức Hậu của UBND tỉnh cho Đại đức tân trụ trì, ông đánh giá cao tinh thần Phật pháp của bà con Phật tử, nhân dân và ghi nhận những hoạt động nổi bật của thầy Định Tuệ với các chương trình vu lan, Phật đản, cầu an đầu năm…để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, nhân dân địa phương; Ông cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức, cá nhân ủng hộ tài lực và vật lực để công trình tâm linh này sớm hoàn thành.
Thay mặt Chư tôn đức chứng minh, HT. Thích Thanh Nhiễu có đạo từ tán thán Đại đức tân trụ trì, đồng thời nhấn mạnh vai trò của người con Phật xuất gia trong việc hoằng truyền tiếp nối chánh pháp trong đó vị thầy trụ trì chùa có sự liên hệ chặt chẽ trong việc đưa giáo pháp của Đức Phật đến với Phật tử và nhân dân.
Hòa thượng nêu lên sự gắn bó mật thiết của ngôi chùa trong đời sống của người dân Việt từ xa xưa tới nay. Chính vì sự quan trọng của ngôi chùa, cho nên từ vua chúa cho đến người dân đều mong muốn xây dựng chùa. Đối với Phật giáo Việt nam, cả hai thời Lý - Trần đều lấy Phật giáo là chủ đạo về tâm linh với tinh thần văn hoá quốc gia, các vị vua đã đưa Phật giáo vào đời sống đạo đức, chính trị, xã hội của quốc gia và của chính triều đại mình.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu ban đạo từ.
Hòa thượng cũng đã sách tấn Đại đức tân trụ trì nghiêm trì giới luật của người xuất gia, tận tâm tận lực làm tròn trách nhiệm mà Giáo hội đã giao phó, tổ chức tu tập và các hoạt động Phật sự tại chùa theo quy định của pháp luật nhà nước và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cuối buổi lễ, Chư tôn đức niêm hương bạch Phật tiến hành động thổ tâm linh cùng đại chúng cầu nguyện cho ngôi già lam Đức Hậu sớm được thành tựu viên mãn.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Hồng Lam - Liên Thương – Hữu Tình