;
Chùa Cổ Lễ là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau.
Chùa được xây dựng từ thời Lý, hiệu là “Thần Quang tự”, là nơi thờ Phật và Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không. Trước đây, chùa có kiến trúc bằng gỗ. Trải qua sự phong hoá của thời tiết và thời gian, ngôi chùa cổ xưa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chùa Cổ Lễ với kiến trúc độc đáo ở thành Nam. Ảnh: Trần Việt Đức
Đến năm 1902, Đệ nhất sư tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì chùa và đã cho trùng tu, tái thiết lại ngôi chùa theo kiến trúc mới.
Chùa Cổ Lễ là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông Tây như: Cổng chùa, tháp Cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, Tam quan, Phật giáo hội quán, đền thờ Trần Hưng Đạo (Linh Quang từ), phủ Mẫu, chùa chính, gác chuông.
Tượng Phật tại chùa Cổ Lễ.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ có kiến trúc độc nhất vô nhị, kết hợp giữa văn hoá Đông – Tây với kết cấu “tiền Phật, hậu Thánh” nhưng lại mang dáng dấp của một thánh đường Gia-tô giáo với mái vòm, trần, tường có những bức bích họa rực rỡ vừa hiện đại, vừa cổ kính.
Điều này được thể hiện qua những hoa văn, họa tiết, phù điêu… của Việt Nam trên nền mái vòm theo kiến trúc Gothic.
Điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc chùa Cổ Lễ chính là tháp Cửu phẩm liên hoa. Tháp cao 32m, do 9 tầng hoa sen liên kết hợp thành, mang ý nghĩa “cửu trùng” là 9 tầng trời.
Quả chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm và là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam
Theo tương truyền, quá trình xây dựng chùa không sử dụng những vật liệu hiện đại như xi măng, sắt thép... mà chỉ tận dụng từ các nguyên liệu nội địa như vôi, gạch, cát, mật, muối…
Tháp Cửu phẩm liên hoa có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc dẫn tới đỉnh
Không chỉ gây ấn tượng về mặt kiến trúc, chùa Cổ Lễ còn hút khách ghé thăm nhờ sở hữu những “báu vật” độc đáo. Trong đó, nổi bật là quả chuông cổ lớn bậc nhất Việt Nam - Đại Hồng Chung.
Quả chuông cổ lớn bậc nhất Việt Nam.
Theo tài liệu lưu trữ, quả chuông được đúc vào khoảng những năm 1936. Trong quá trình đúc chuông, vì tôn kính ngôi chùa linh thiêng nên nhiều tín đồ, phật tử đã công đức cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó.
Tuy nhiên, khi quả chuông vừa được đúc xong thì kháng chiến nổ ra. Nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ nước. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và đặt trên bệ đá cho du khách tham quan.
Cũng bởi điều này mà trong gần 100 năm tồn tại, quả chuông ở chùa Cổ Lễ chưa từng được đánh một lần nào từ đó đến nay.
Với những giá trị tiêu biểu, năm 1988, chùa Cổ Lễ được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia
Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn/ VietNamNet