;
Tới Hồ Hoàn Kiếm hẳn nhiều người cũng không còn lạ lẫm gì với hình ảnh một tòa tháp đứng sừng sững giữa phố. Đó là tháp Hòa Phong – dấu tích duy nhất còn sót lại của ngôi chùa bề thế nhất Thăng Long xưa – chùa Báo Ân. Cùng tìm hiểu ngôi chùa nổi tiếng từng tồn tại trong lịch sử này trong bài viết dưới đây!
Chùa Báo Ân xưa được xây dựng trên một khu đất rộng gần 100 mẫu, bên bờ phía đông Hồ Hoàn Kiếm. Mặt trước chùa hướng ra sông Hồng, mặt sau dựa vào Hồ Hoàn Kiếm. Với vị trí đắc địa này, chùa Báo Ân xưa được ca tụng như “động tiên” giữa chốn kinh kỳ.
Ngày nay, chùa Báo Ân chỉ còn sót lại tòa tháp Hòa Phong nằm trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, gần Hồ Hoàn Kiếm.
Do nằm ngay Hồ Hoàn Kiếm là một trong những địa điểm vui chơi ở trung tâm Hà Nội nên du khách có thể dễ dàng di chuyển đến địa điểm tham quan bằng phương tiện cá nhân hay công cộng.
Nếu di chuyển bằng xe máy, xuất phát từ phố Lý Thái Tổ bạn đi đường Tràng Thi, rẽ trái tới phố Hàng Khay. Đi tiếp 200m, rẽ trái vào phố Đinh Tiên Hoàng, sau đó di chuyển khoảng 80m là thấy tháp Hòa Phong. Nếu đi bằng xe bus, bạn có thể tham khảo một số tuyến xe bus đi ngang hoặc có điểm dừng gần đó là 09, 14, 08…
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA CHÙA BÁO ÂN HÀ NỘI
Chùa Báo Ân được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn (khoảng năm 1842), do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đứng ra kêu gọi quyên góp và chủ trì xây dựng.
Tháng 11/1885, sau khi hoàn thành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thực dân Pháp bèn tiến hành đổ đất, cạp Hồ Gươm và lấp toàn bộ các chỗ trũng của Hà Nội. Cùng lúc đó, Toàn quyền Đông Dương là Jean-Marie de Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Tới năm 1888, Pháp cho phá huỷ chùa Báo Ân để xây dựng bưu điện. Đêm ngày 22/1/1891 hàng trăm nóc nhà ở phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Vôi đã bị thiêu rụi. Đêm ngày 28 vụ cháy thứ hai xảy ra tiêu huỷ cả thôn Cự Lâu. Lúc này, chùa Báo Ân chỉ còn là một mảnh đất hoang tàn. Ngày nay, chỉ còn duy nhất toà tháp Hoà Phong là dấu tích chùa Báo Ân còn sót lại.
CHÙA BÁO ÂN HÀ NỘI – NGÔI CHÙA BỀ THẾ BẬC NHẤT HÀ THÀNH THẾ KỶ XIX
Chùa Báo Ân không chỉ là công trình mang đậm dấu ấn nhà Nguyễn, mà còn mang nét lịch sử, văn hoá, kiến trúc Phật giáo độc đáo, tiêu biểu của tư tưởng “cư Nho mộ Thích” tức học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng đạo Phật. Với quy mô 180 gian, 36 nóc nhà trên diện tích rộng gần 100 mẫu, chùa Báo Ân được đánh giá là một trong những công trình bề thế bậc nhất kinh kỳ thế kỷ trước.
Theo các tư liệu còn sót lại, chùa Báo Ân khi xưa được tả, từ con đường dẫn vào cổng chùa có tháp Hòa Phong, sau đó vượt qua cầu đúc lát gạch là đến lầu hộ pháp, hai bên có 4 ngọn tháp đối xứng cao ba tầng. Đi tiếp là đến “Đại hùng bửu điện” nơi đặt nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát được sơn son thếp vàng, và khảm xà cừ vô cùng tỉ mỉ. Ngoài ra, chùa còn có hành lang tô đắp, chạm trổ cảnh “Thập điện Diêm Vương” rất sống động.
CHÙA BÁO ÂN VÀ NHỮNG DẤU ẤN CÒN SÓT LẠI ĐẾN NGÀY NAY
Mặc dù là từng là ngôi chùa bề thế nhất kinh kỳ lúc bấy giờ nhưng Báo Ân có lẽ cũng là ngôi chùa “đoản mệnh” nhất với tuổi thọ chỉ khoảng trên dưới 40 năm. Ngay từ năm 1876, chùa Báo Ân dường như đã mất đi quang cảnh như “động tiên” thuở ban đầu.
Và cho đến ngày nay dấu ấn duy nhất còn sót lại của ngôi chùa này chỉ còn một toà tháp Hoà Phong cổ kính, nằm trên bờ hồ Hoàn Kiếm hơn trăm năm nay.
Tháp Hòa Phong có dáng vuông vức, được làm bằng gạch trần, gồm 3 tầng nhỏ dần lên phía trên. Tầng 1 có cửa mở về bốn hướng theo lối vòm cuốn, phía trên khắc các chữ: Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn, Báo Phúc môn. Tầng 2 với bốn góc xây trụ vuông đặt tượng 4 con nghê đầu hướng về phía đông. Tầng 3 trên cùng đề “Hoà Phong Tháp”, đỉnh nhô cao, phía trên có trang trí bầu hồ lô bằng đá.
Với kết cấu tầng 1 to hơn hẳn hai tầng trên, tháp Hòa Phong được đánh giá là có lối kiến trúc hiếm thấy trong kiến trúc Phật giáo.
Nguồn: Vin Wonders