;
Đạo Phật từ khi ra đời đến nay đã hơn 25 thế kỷ, tuy trải qua bao cuộc thăng trầm, biến cố, nhưng vẫn tồn tại và phát triển, đó là nhờ hai chúng đệ tử Phật: Xuất gia và tại gia. Chúng xuất gia là các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni... giữ vai trò chính trong công việc kế thừa và truyền bá Phật pháp, còn Cư sĩ tại gia, tức Ưu bà tắc, Ưu bà di hay còn gọi là Cận sự nam, Cận sự nữ giữ vai trò hộ trì Phật pháp, hỗ trợ chúng xuất gia tu hành đúng như chánh pháp, góp phần quan trọng chính yếu cho sự thịnh suy của đạo Phật.
Trong nhiều bài kinh, đức Phật đã từng tuyên bố sự thịnh suy của Tam bảo ở thế gian này đều do chính bên trong các hàng đệ tử của Phật quyết định, không có ai bên ngoài có thể hủy diệt, phá hoại; chỉ có chính những con sâu bọ, vi trùng sinh ra từ thân con sư tử mới có thể giết chết con sư tử (Sư tử trùng thực sư tử nhục).
Do đó, để tránh khỏi tình trạng ấy, người cư sĩ ngoài việc bản thân tu học ra, còn cần phải biết cách hộ pháp đúng, giúp cho các vị được mệnh danh là Sứ giả của Như Lai, bậc được tôn kính trong mọi người (Chúng trung tôn) vững tiến, đúng hướng, an định trong công cuộc phụng sự chúng sanh, đem lại hạnh phúc cho nhân loại và đưa đạo Phật trí tuệ, từ bi tỏa sáng muôn nơi. Muốn được như vậy người cư sĩ cần phải hộ pháp theo những tiêu chuẩn sau:
1- Tôn kính Tam bảo, chứ không phải tôn sùng Tam bảo:
Tam bảo là Phật-Pháp-Tăng là ba thứ quý báu, dù hiểu về mặt Sự hay Lý thì cũng là những thứ quý báu nhất trên đời:
Về Sự:
Khi Phật còn tại thế:
- Phật: Chỉ đức Phật cách đây hơn 2.500 năm, đã từ bỏ đời sống hoàng tộc sung sướng khoái lạc, xuất gia tìm Chân lý, đoạn trừ rốt ráo phiền não và đã giác ngộ con đường giải thoát khổ đau cho mình và mọi người.
- Pháp: Những lời Phật dạy, hay đệ tử Phật đã chứng quả A la hán... nói ở dạng truyền khẩu, khoảng 300 năm sau mới kết tập viết ra thành Tam tạng.
- Tăng: Nói chung là những đệ tử Phật xuất gia từ trước đến nay.
Sau Phật tịch diệt đến nay:
- Phật: Chỉ cho các hình, tượng Phật bằng đủ các loại vật liệu: Giấy, gỗ, đồng, đá, xi măng, ngọc quý v.v...
- Pháp: Chỉ cho Tam tạng: Kinh-Luật-Luận chứa đựng những lời dạy của Phật và các hàng Thánh tăng đệ tử Phật đã nói.
- Tăng: Chỉ chung các hàng đệ tử Phật xuất gia.
Về Lý:
- Phật: Chỉ cho bản tánh sáng suốt ngay nơi tự tâm của mỗi con người vốn có, bình đẳng ai ai cũng có chứ không phải chỉ có ai làm lễ Quy y có chứng điệp... mới có Phật này.
- Pháp: Chỉ cho Chân lý của cuộc đời này, là Sự thật không thể chối cãi, nó không những nằm trong kinh điển Phật, mà còn nằm trong tất cả các pháp thế gian. Chân lý ấy là cuộc đời này là khổ, vô thường, vô ngã; là nguyên nhân đưa đến khổ, là con đường diệt trừ khổ, là hạnh phúc đạt được khi diệt trừ được khổ.
- Tăng: Chỉ cho bản tính thanh tịnh hòa hợp đoàn kết với mọi người, bất kể giai cấp, trình độ, chính trị, tôn giáo... Tính thống nhất vẹn toàn là biểu hiện Tăng trong chính mỗi cá thể đều muốn hướng tới.
Như vậy, về Lý hay Sự thì Tam bảo đối với người cư sĩ nói riêng và mọi người nói chung đều nên đáng tôn kính.
Thế thì tại sao tôn kính mà không phải tôn sùng? Tôn sùng tức là tôn kính và sùng bái đến mức thần tượng hóa, cho đối tượng mà mình lạy lục như một vị Thần có thể ban phước giáng họa, một vị giáo chủ đầy quyền năng với những lời ban bố lạnh lùng: Theo ta thì được, nghịch ta thì mất v.v... mang đầy tính hù dọa, bắt buộc van xin. Sự tôn sùng này dẫn đến mê tín, cuồng tín hoàn toàn trái ngược với giáo lý đạo Phật là đạo Vô ngã, Duyên khởi, không chấp nhận số mệnh của mình do bất cứ đấng sáng tạo, thần linh, hay thế lực nào quyết định, và nhất là trái hẳn với ý Phật.
Trong những lần dạy bảo đệ tử, Phật vẫn ví mình như người chỉ đường mà thôi, đi theo hay không là do chính mỗi người, “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, cũng có khi xưng là thầy nhưng ví như ông thầy thuốc chữa bệnh, chẩn đoán bệnh và cho thuốc, uống hay không, tin hay không là do chính bệnh nhân; chưa kể có lúc Ngài còn nói các ngươi đừng vội tin những lời ta nói, mà hãy tự trải nghiệm, xác minh là đúng rồi hãy tin, cho đến ngài còn là vị thầy tu tuy tuổi đã là bậc trưởng thượng tôn túc, vẫn khiêm hạ, quên mình la lết khắp nơi, gặp bất cứ ai cũng chắp tay cúi lạy: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều là Phật cả”... và còn rất nhiều... chúng ta có thể thấy trong Kinh điển. Những công hạnh của ngài thật vĩ đại uy nghiêm, nhưng chưa bao giờ cho mình là một đấng sáng tạo hay giáo chủ đầy uy lực, để mọi người tôn sùng cả!
Bởi tôn sùng Phật như một vị Thần linh, nên người cư sĩ thời nay, phải lặn lội đi tìm tranh ảnh tượng Phật bằng các vật liệu quý, gỗ phải gỗ trầm, đá phải đá ngọc, bỏ ra vô số tiền của đến tận các nơi xa xôi trên thế giới, thỉnh về thờ cúng thì mới linh thiêng, mới giải trừ bệnh tật, mới gia đình hòa thuận, mới làm ăn phát đạt...Chùa chiền, tượng Phật xây thờ, thì phải làm lớn để đạt kỷ lục... hay phải làm bằng ngọc lấy từ nước ngoài... mới xứng tầm trú xứ là trung tâm văn hóa du lịch tâm linh v.v... Còn nữa, thờ Phật phải nhiều, Bồ tát và chúng La Hán phải đông (thanh tịnh đại hải chúng). Thế là, người cư sĩ đi quyên góp, vận động tiền của để làm, cho rằng như thế mới là hộ pháp tối đa!
Thật sự, công đức làm tượng, tranh Phật rất là to lớn. Điều đó là Phật tử ai cũng thấu hiểu. Vì sao? Vì tạo hình tượng trang nghiêm để chiêm ngưỡng, nhắc nhở, giáo dục, an ủi cho số đông mọi người về mặt tinh thần hướng thượng và tất nhiên lợi ích cho tín đồ Phật giáo là chính.
Phải chăng với số tiền kếch xù hàng tỉ tỉ đồng... trích ra một phần để làm tượng Phật, còn lại xây dựng cô nhi viện, viện dưỡng lão, bệnh viện, trường học, nhà tình thương, phòng thuốc từ thiện, ấn tống kinh sách v.v... (có thể mang tên của cơ sở Phật giáo...) thì lợi ích được vẹn toàn, chia đều mọi người, bất kể tôn giáo... đúng như tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, và pháp thân Phật luôn hiện bày khắp nơi, Phật pháp được lưu truyền vững chắc (ăn sâu trong lòng mọi người), việc hộ pháp được phát huy triệt để vượt cả không gian, thời gian mãi mãi về sau.
Vả lại, chúng ta còn nhớ câu chuyện Thiền sư Đơn Hà khi trời mưa lạnh trong thảo am cần củi đốt sưởi ấm, bảo học trò tìm vật gì để đốt được; học trò tìm mãi không có, nói chỉ có tượng Phật là bằng gỗ thôi. Thiền sư bảo mang xuống và chính tận tay ngài bổ làm đôi đút vào lò sưởi trước sự ngạc nhiên kinh sợ của chú học trò nhỏ.
Chính vì vậy, về sau các vị Tổ thường đem chuyện này ra dạy bảo đồ chúng: Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật xi măng không độ được búa, Phật kim cương không độ được sự xói mòn, và dù Phật bằng vật liệu quý gì, to lớn cỡ nào cũng không qua được sự thật: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, như lịch sử đã chứng minh, giờ chỉ còn trong đống đổ nát hoang tàn, hoài niệm... không nên cố xây cất cho lớn, cho nhiều, cố giữ lấy ông Phật ở bên ngoài mà phải xây cái ông Phật ở trong tâm thật lớn mới là quý nhất.
Chưa kể, vì tôn sùng quá mức, ngoài những vật liệu quý, kích cỡ lớn ra, người cư sĩ còn tô phết lên hình tượng Phật, Bồ tát bằng đủ màu sắc, kiểu dáng, họa tiết Âu có, Á có, Tây Tạng có... đầy vẻ huyền bí. Phật, Bồ tát lộ thiên giữa trời mưa nắng, thì khoác lên cái áo phủ kín toàn thân, trên áo đề đầy tên tuổi của người cúng áo... gọi là tạ lễ, cầu xin chứng giám. Những việc này, người cư sĩ hiểu đúng đạo Phật, không nên tôn sùng Phật kiểu ấy, mà phải tôn kính Phật, thờ Phật dù nhỏ, ít, bằng vật liệu thô sơ, miễn sao tôn nghiêm, tố hảo và bằng tấm lòng chí thành là được.
Những ý tưởng ấy bản thân thông suốt rồi tác động đến các vị Tăng lãnh đạo đồng cảm (kiến hòa đồng giải), để việc tôn trí Phật tượng tại Tự viện trong mức độ vừa phải, không thiên lệch ở hình thức một cách quá mức tốn kém, mà nên chú trọng ở nội dung đạo Phật bình dị, trong sáng, chuyên chở đến mọi người những tính Phật, việc Phật, chất liệu Phật đầy ắp tình thương người, hơn là những ngôi tượng cao vút chọc trời, cho mọi người đến du lịch hành hương xem ngắm hay xì xụp lễ lạy van xin như một vị Thần.
Cũng vậy, đối với Pháp, người cư sĩ luôn có thái độ tôn kính chứ không phải tôn sùng cho rằng pháp của Phật là siêu việt nhất, hơn hết. Bởi tôn sùng pháp của mình là nhất nên phát sinh tư tưởng độc tôn, chê bai các pháp khác của các học thuyết thế gian... Từ đó sinh ra tà kiến, mâu thuẫn, đố kỵ nguy hại đến tiền đồ Phật pháp.
Ngoài ra, người cư sĩ phải biết trạch pháp, dựa trên nền tảng ba pháp ấn: Vô thường, Vô ngã, Niết bàn giải thoát, tránh ủng hộ pháp tà ngụy giả danh Phật giáo, hoặc phân biệt kỳ thị pháp của Nam Tông, Bắc Tông, Nguyên thủy, Đại thừa, cho đến pháp môn tu Thiền, Tịnh hay Mật v.v... dẫn đến nội bộ Phật tử chia rẽ nhau, mất đoàn kết.
Đối với Tăng, là những con người bằng xương bằng thịt thật, đang trong thời gian tu hành tiến đến giải thoát, người cư sĩ phải tôn kính, lấy đó làm gương cho mình nương theo, không tôn sùng các vị như thánh nhân, thần tượng... rồi một mai các vị không được toàn bích như thế thì sinh tâm thất vọng, chê bai, thậm chí đánh mất niềm tin vào Tam bảo mà mình đã tốn công vun trồng hun đúc từ lâu, đi đến cải đạo...
Bởi các vị cũng còn là phàm Tăng, chưa phải Thánh Tăng, dĩ nhiên không tránh khỏi những lỗi lầm, và nghiệp dĩ của cái thân ngũ uẩn. Nếu các vị có sai phạm thì sự nặng nhẹ dựa trên giới luật của Phật mà phân xử, người cư sĩ chúng ta phải bình tĩnh góp ý xây dựng trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vị Tôn túc có thẩm quyền, chớ nên hành động, phản ứng bộc phát thiếu cân nhắc, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Ngoài ra, không những không thần tượng một vị Tăng nào, mà người cư sĩ cũng không nên phân biệt các vị Tăng tu theo các hệ phái khác nhau. Đối với một vị Tăng tu theo Phật giáo Nam tông, hoặc Bắc tông, hoặc Khất sĩ v.v... đều tôn kính như nhau và ủng hộ việc làm của tất cả không phân biệt, miễn sao đó là việc đem đến lợi ích chính đáng cho mọi người.
2- Cận sự, chứ không phải thân cận:
Người cư sĩ còn được gọi là người cận sự, là gần gũi phụng sự Phật pháp chứ không phải gần gũi chư Tăng, xem chư Tăng như là bà con, bạn bè... khiến cho các vị phải bận bịu, dao động, ảnh hưởng đến tiến trình tu hành, và uy tín đối với quần chúng. Một vị Tăng theo đúng như tinh thần của Phật dạy trong kinh Di Giáo, thì đúng là không có thì giờ lo việc ngoài, chỉ luôn luôn sống trong chánh niệm.
Thật ra, thời nay không ít các cư sĩ bỏ hết thời gian đến chùa làm việc công quả, hầu hạ chư Tăng. Điều này rất quý với những ai lo việc nhà đã xong, muốn gieo trồng công đức, kết duyên lành với chốn già lam, tạo phước báu cho mai sau; nhưng để trốn tránh việc nhà, bỏ bê việc phụng dưỡng gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái...) thì điều đó không đúng, ngược lại chẳng thấy phước báu an lạc đâu mà còn phiền não tăng thêm, thậm chí còn làm giảm uy tín của chốn Thiền môn. Vì mọi người sẽ cho rằng Chùa là nơi các người trốn lánh việc đời, và đầu têu chính là các vị Tăng.
Hơn nữa, những cận sự nữ lại thường xuyên đến chùa nhiều hơn cận sự nam. Quý bà, quý cô có thể làm việc nhà một cách cho có bổn phận, nhưng lại sốt sắng nhiệt tình vô tư làm việc cho chư Tăng từ những công việc giặt giũ, cơm nước, lau dọn phòng xá... Những việc làm này đều phát xuất từ tấm lòng chân chất cầu phước, toàn tâm toàn ý muốn giúp đỡ chư Tăng có nhiều thời gian hơn để lo việc Phật sự to tát, thay vì phải chăm sóc bản thân...
Tuy nhiên, việc làm tốt này đôi khi cũng mang tính ích kỉ (muốn riêng mình làm) cầu phước cho mình. Biết đâu để bản thân quý Tăng giặt giũ quần áo, tự phục vụ mọi sinh hoạt cá nhân lại chính là để các vị có khoảng thời gian ngắn trong ngày trải nghiệm, thấm thía những pháp học về vô thường, hạnh viễn ly, độc cư, ly dục... hỗ trợ tích cực trên bước đường giải thoát, và Phật sự ấy đâu thể gọi là nhỏ!
Chưa kể đến nếu không khéo, mình còn là tác nhân khiến các vị vi phạm giới luật, dễ duôi, giải đãi trên con đường đạo, nhất là đối với các vị Tăng trẻ. Vì trong giới luật, Phật đã nghiêm cấm Tỳ kheo không cho Tỳ kheo ni không phải là bà con mà hầu hạ giặt giũ y áo cho mình. Đây là phạm tội xả đọa.Tỳ kheo ni là người đồng tu, đức Phật còn nghiêm cấm huống là cư sĩ nam, nữ mà không phải bà con! Ngoài ra, còn chịu sự đàm tiếu của kẻ xấu, ảnh hưởng danh dự tăng đoàn, Phật pháp. Hộ pháp như thế coi chừng trở thành hoại pháp!
Phải hiểu cận sự ở đây là gần gũi những công việc cho Phật pháp, chung cho tập thể Tăng đoàn... từ những công việc chùa nhỏ nhặt, ghê nhớp như cọ rửa nhà vệ sinh chung, phụ dọn nhà bếp, nấu ăn, quét sân, lau chùi chánh điện, thay hoa, tưới cây v.v... cho đến những công việc to lớn hơn cần những đóng góp về tri thức thế gian, vật chất, tiền bạc để xây dựng chùa, in kinh, hay các việc từ thiện xã hội... tùy khả năng của mỗi người đóng góp, công đức đều bằng nhau; chứ không phải là gần gũi một vị Tăng nào để phụng sự.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam trước đây đã từng có các bậc cư sĩ tiền bối hộ pháp mẫu mực như ngài Thiều Chửu, Tâm Minh Lê Đình Thám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền v.v... đã cận sự phụng sự Phật pháp chấn hưng Phật giáo. Vả lại, chắc chắn người cư sĩ khi gần gũi mãi một vị tăng sẽ phát sinh nhiều tình cảm buồn vui ghét giận hờn... chấp thủ cho rằng thầy tôi... như thế, như thế...rồi phân biệt thầy kia, thầy nọ... và ngược lại, vị Tăng kia cũng khó tránh khỏi phiền não nhất định. Đề cuối cùng người cư sĩ phải thốt lên “Đi chùa càng thấy phiền não hơn?!”.
Chính vì vậy, gần gũi chư Tăng là việc hết sức tế nhị, là phương tiện quyền xảo, một khi thực thi thì ít nhiều đều có lợi ích đôi bên (Tăng, tục) nhưng cũng coi chừng lợi bất cập hại. Tăng sĩ thì nhiễm thói đời của cư sĩ, và cư sĩ lại xem thường, ngã mạn đối với chư Tăng. Tốt nhất việc gần gũi chư Tăng để hầu hạ... nên để cho các hàng Tỳ kheo, Sa di trẻ là thị giả v.v..., người cư sĩ hộ pháp nếu không phải bà con, chỉ nên dừng lại ở mức cận sự Phật pháp mà thôi.
3- Cung dưỡng chứ không phải cung ứng:
Cúng dường thật ra là nghĩa cung dưỡng, tức cung cấp nuôi dưỡng các Tăng để các vị an tâm tu hành, truyền bá chính pháp, giúp đời giải thoát bớt những khổ đau về tinh thần, cũng như thể xác, chứ không phải cung ứng theo nhu cầu đòi hỏi của đối tượng.
Ngay khi Phật chưa thành đạo, ngài đã nhận sự cung dưỡng bát cháo sữa của nàng mục nữ Sujata, vượt qua được cơn đói lã do thực hành khổ hạnh. Đó là sự cúng dường Phật đầu tiên của người cư sĩ. Đến khi cuối đời nhận bát cháo nấm của ông Cunda (Thuần đà), là sự cúng dường Phật cuối cùng của người cư sĩ.
Hạnh tu của người Tăng sĩ, vốn là hạnh “ăn xin” (khất sĩ). Trên xin giáo pháp của chư Phật để nuôi dưỡng thiện tâm, dưới xin chúng sanh vật thực để nuôi dưỡng cái thân tứ đại. Thân tứ đại có khỏe, thì tâm mới an, mới có thể tu hành đắc đạo. Người cư sĩ hộ pháp cung cấp cho các vị tu hành bốn thứ: quần áo, ăn uống, đồ dùng ngủ nghỉ, thuốc men, cũng tức là gieo nhân bố thí, tạo duyên với những người có đạo hạnh, Thánh hiền giúp đời sau này. Công đức ấy rất lớn.
Ngày xưa, một vị Tăng tu hết sức đơn giản: đi chân đất, đầu trần khất thực, tối kiếm gốc cây mà ngủ, ăn một bữa không chọn lựa, xin gì ăn nấy, gặp chỗ sống bằng nông nghiệp thì có thể ngày nào cũng phải ăn rau củ, gặp xứ sống bằng nghề chăn nuôi, chài lưới thì ăn thịt cá suốt. Chính vì vậy, Phật mới chế ra Tam tịnh nhục là không thấy,không nghe, không nghi, bất đắc dĩ phải ăn thịt cá thì phương tiện như thế. Trong thời đại hiện nay, nhất là ở các nước phương Đông theo Phật giáo Bắc truyền, Tăng sĩ không đi khất thực, có trụ xứ tịnh thất, chùa, tu viện ở v.v... thì cũng có quá nhiều nhu cầu hết sức thực tế.
Ngoài bốn thứ vừa nêu trên, các vị cần phải có tiền tiêu cá nhân, không thể mỗi thứ mỗi chút xin xỏ, có phương tiện xe cộ đi lại học hành, máy tính, điện thoại di động, quần áo không thể chỉ ba y (bộ) là đủ, chỗ ăn ở v.v... tất cả đều là những nhu cầu chính đáng tối thiểu. Người cư sĩ với trách nhiệm hộ pháp phải có bổn phận cung cấp cho các vị Tăng về lượng cũng như chất một cách vừa đủ, nhưng không nên cung ứng theo đòi hỏi của các vị.
Hoặc vì thương, mà tạo điều kiện đầy đủ cho các vị sử dụng tiêu xài vật dụng quá xa xỉ, hiện đại, dư giả, đối với các bậc tu hành đã thấm mùi tương chao thì không thành vấn đề, nhưng đối các vị Tăng trẻ thì dễ bị tha hóa trước cám dỗ vật chất. Dù gì, người cư sĩ cũng nên cung dưỡng chư Tăng trong tinh thần cốt lõi của đạo Phật là trung đạo, là đúng nhất, sẽ tránh được mọi dị nghị cho rằng đạo Phật nói thiểu dục tri túc mà làm thì ngược lại.
4- Lợi hành chứ không phải lợi dụng:
Lợi hành là một trong Bốn Nhiếp pháp của hàng Bồ tát xuất gia, tại gia (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự) đây là hạnh dấn thân đưa đạo vào đời của các vị Tăng, nhất là trong thời đại hiện nay. Người Tăng sĩ thời nay không thể ngồi yên nhập thất tu hành, xa lánh thế gian mà phải hòa nhập trong dòng đời, không những với tư cách là người lãnh đạo tinh thần, mà còn tham gia điều hành kinh tế. Họ có thể tạo tài chính độc lập cho bản thân tu học, cho trụ xứ sinh sống, phục vụ nhu cầu tâm linh cho mọi người, chí ít cũng giảm gánh nặng lo lắng cho hàng cư sĩ, đồng thời giải quyết số tầng lớp lao động, đóng góp tích cực cho xã hội, quốc gia.
Như những cơ sở sản xuất tương chao, cơ sở may pháp phục, nhà hàng chay, nông trại trồng cây, nhà in, phòng phát hành kinh sách, tổ chức du lịch hành hương v.v... trên tinh thần: Tạo lợi nhuận để phụng sự chúng sanh, tức cúng dường Như lai.
Các vị Tăng không thể ứng thân biến hóa thành nhiều để thực thi, nào là việc tu học, sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa, nào là việc quản lý kinh doanh, tăng gia sản xuất v.v... người cư sĩ lúc này phải đóng vai trò cộng tác bằng tâm lực, tài lực, kinh nghiệm thế gian... tích cực hỗ trợ lợi hành chứ không nên lợi dụng mượn đạo tạo đời.
Hiện nay, có một số những tổ chức kinh doanh nhỏ hoặc lớn lợi dụng mối quan hệ với chư Tăng Ni Phật giáo mập mờ đánh lận con đen, nghe tên hiệu cứ tưởng của Phật giáo, hóa ra chỉ là lợi dụng, chưa kể những buổi đấu giá từ thiện... hoành tráng cố mời các vị Tăng làm bình phong để họ trục lợi, tô bóng thương hiệu. Người cư sĩ hộ pháp cũng phải nên sáng suốt cảnh giác đề phòng bị lợi dụng. Nếu không thì hộ pháp chẳng thấy, mà còn tiếp tay bọn xấu phá hoại đạo pháp.
Tóm lại, còn rất nhiều những tiêu chuẩn, những điều nêu trên chưa phải là tất cả, nhưng có lẽ cũng là cần thiết cho người cư sĩ thời nay hộ pháp. Chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm thịnh suy đạo pháp lên các vị Tăng, mà phải cùng các vị chung vai góp sức. Chất liệu thì đã có, đó là cả kho tàng Phật pháp minh triết, các Tăng sĩ như những kiến trúc sư, cư sĩ như người thợ thi công.
Người kiến trúc sư vẽ giỏi, sáng tạo mà dàn thợ thi công dở, vụng về; hoặc kiến trúc sư vẽ sai, thiếu đạo đức, thợ thi công hay, phát hiện làm ngơ, không báo động chỉnh sửa kịp thời, để cuối cùng tòa nhà rạn nứt, sụp đổ, rồi đổ thừa trách nhiệm cho ai?!
Điều này đáng phải nên suy ngẫm!
Nguồn http://chuaxaloi.vn