;
TỔN HẠI CHÚNG SANH GIỚI
(giới tổn hại chúng sanh)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử bất đắc phản mại đao trượng, cung tiễn...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử thì không được buôn bán dao, gậy, cung, tên, những khí giới sát sanh. Không được chứa cân non, giạ thiếu, không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người, không đuợc ác tâm trói buộc người và phá hoại việc thành công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
3. Lời giảng
Giới trước nói về tội thấy ngôi Tam Bảo bị tai nạn, khổn ách mà mình không lo cứu chuộc.
Giới này ngăn cấm sự cố ý cất chứa đồ vật hoặc nuôi dưỡng những súc vật phi pháp, làm tổn hại cho chúng sanh.
Một hành giả Bồ Tát cần phải lấy tâm từ bi hỷ xả làm cơ bản, lấy lục độ vạn hạnh làm phương tiện. Từng giờ, từng phút tùy duyên làm việc cứu độ chúng sanh, khiến cho chúng sanh được yên tâm vì sinh mạng của mình không bị đe dọa.
Không được chứa những khí cụ sát hại thân mạng, tài vật của chúng sanh, khiến chúng sanh lúc nào cũng cảm thấy bất an. Làm như thế thì làm sao còn là tâm hạnh của Bồ Tát nữa?
Giới này thất chúng Phật tử đều có thể phạm, cho nên cả tại gia lẫn xuất gia đều phải giữ gìn nghiêm cẩn. Cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa đều bị ngăn cấm. Nhưng có chỗ nói trong luật Tiểu Thừa cho phép nuôi chó để giữ nhà. Đây là trường hợp đặc biệt được khai miễn.
Hơn nữa, Phật tử tại gia tu học Phật pháp, hãy còn không được tùy tiện làm việc mua bán không đúng, huống chi là chúng xuất gia?
Trong kinh Thiện Sanh có dạy: “Nếu ưu bà tắc vì việc nuôi sống phải làm nghề buôn bán, khi đã thỏa thuận giá cả xong thì không được vì người trước mua giá rẻ mà bán cho người sau vì họ trả giá cao hơn. Nếu người mua trước trả chưa đúng giá thì nói họ trả thêm, nếu không hành động đúng như vậy thì phạm tội thất ý”.
Làm nghề mua bán, tâm lý chung thường thích khi mua hàng vào thì dùng cân già và khi bán ra thì dùng cân non. Làm như vậy là vì muốn thu nhiều lợi. Điều đó phát xuất từ tâm tham lam, và không phải là lối mua bán chính đáng, đem vốn cầu lời. Do đó, là Phật tử không được phép hành động như vậy.
Người Phật tử tại gia không phải không được buôn bán, nhưng buôn bán phải có lương tâm, thực hànhcâu: “Đồng tẩu vô khi”, nghĩa là đối với tất cả mọi người cũng đều phải thành thật không được khi dễ, giả dối.
Đức Phật đối với đại chúng dạy rằng: “Nếu là mộtPhật tử đã thọ Bồ Tát giới, tuyệt đối không được làm sáu điều:
1. Không được buôn bán dao, gậy, cung, tên, những khí cụ sát sanh. Dao, gậy, cung, tên là những hung cụ làm tổn hại sanh mạng chúng sanh. Là Phật tử không được phép cất chứa, cũng không được những thứ này. Vì cất chứa thì khó tránh khỏi một lúc nào đó, dùng những thứ ấy làm tổn hại chúng sanh. Còn nếu buôn bán thì người khác sẽ dùng những thứ ấy làm hại chúng sanh.
2. Không được chứa cân non, giạ thiếu. Đây là những dụng cụ dùng để dối gạt người, làm cho người bị tổn thất tài vật. Thí dụ như một cân dầu, đúng tiêu chuẩnlà có 16 lượng, nhưng nếu dùng cân non thì chỉ còn 14 hoặc 15 lượng mà thôi. Như thế, người mua phải bị mất một hoặc hai lượng dầu. Cũng như bán gạo, nếu dùng đấu nhỏ đong gạo cho người, thì người mua có thể bị thiếu nửa thăng hay một thăng gạo. Gạo, dầu là nhu yếu phẩm của đời sống hằng ngày. Nếu dùng đấu nhỏ dối gạt một cách công khai hay mờ ám khi mua bán, đổi chác với người, sẽ làm cho người bị tổn thấtrất lớn. Vì thế, nếu Phật tử làm việc như vậy, thì không phù hợp với đạo Bồ Tát và phải bị khổ quả thật nặng về sau.
3. Không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Vấn đề này có hai trường hợp:
- Chính mình làm quan, rồi lợi dụng quyền thế, đặt ra nhiều yêu sách bức bách tiền của đối với người dân lương thiện.
- Mình không có địa vị quan quyền, nhưng có giao tiếp, thân mật với người có quyền thế.
Lúc mình muốn đến người nào đó để cầu tài vật, nếu người ấy đưa ra thì thôi, bằng ngược lại, không đáp ứng chỗ mong cầu của mình, không được toại ý mình, liền mượn thế lựccủa quan quyền ra oai dọa nạt. Sở dĩ phải làm như vậy, vì nếu không, sẽ không dễ gì lấy được tài vật của người. Ép bức, xâm đoạt tài vật của người như thế, không phải là hành vi của người Phật tử chân chính. Nếu làm như vậy và lấy được tài vật của người thì thuộc về giới trộm cắp, thuộc vào căn bản trọng tội.
4. Không được ác tâm trói cột người: Điều này liên quan đến điều trước là khi bạn đến đặt yêu sách tước đoạt tài vật của người, nếu người kia không bằng lòng, bạn liền sanh tâm độc ác, mượn thế lực quan quyền phao vu cho người ấy có tội, đoạn bắt người ấy trói lại, dùng các thứ hình phạt tàn ác hành hạ, làm cho thân thể người ấy bị thương tích, thậm chí bị tàn phế.
5. Không được phá hoại công việc thành công của người. Việc làm này cũng như hai việc trên, nghĩa là bạn đến người khác yêu sách lấy tài vật, nhưng không được như ý nguyện của mình, sau này gặp dịp sự nghiệp của người ấy sắp thành công, bạn bèn khởi tâm độc ác, tìm những biện pháp phá hoại, làm sự nghiệp của người không thể thành công. Việc làm này cũng rất độc ác, nên Phật tử tuyệt đối không được làm. Chúng ta nên biết: phá hoại sự nghiệp của người cũng không thể đem lại sự thành công cho chính mình, như vậy hà tất chúng ta phải phá hoại sự thành công của người, làm chi những việc “thương thiên hại lý” như thế?!
6. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó: Mèo là động vật chuyên bắt chuột, cũng gọi là “địa hành la sát”. Nhưng phải nhìn nhận chuột là giống đáng ghét. Tuy nhiên, Phật tử phải luôn luôn có tâm từ bi, thấy loài vật đau khổ còn không chịu được, thì làm sao có thể nuôi mèo để bắt chuột, làm thương hại sanh mạng của nó. Như thế là thuộc về tội “giáo tha tác” và “kiến tác tùy hỷ” (bảo người làm và thấy người làm thì sanh tâm vui mừng).
Chồn có nhiều loại khác nhau, nhỏ thì bằng con chuột cống, lớn thì có con lớn như con mèo. Con vật này có khả năng bắt chuột và các thứ khác rất giỏi. Nếu bạn nuôi nó sẽ làm tổn hại các động vật khác.
Việc nuôi heo, chó cũng không được. Vì lúc nuôi thì không nói chi, nhưng lúc lớn thì chắc chắn phải cắt cổ, cạo lông chúng. Vì thế tuyệt đối không được nuôi. Nuôi sinh mạng rồi lại giết sinh mạng. Có thể nói: Trong ân đức đã có oán thù. Vì khi bạn nuôi dưỡngchúng thì có ân đức với chúng, nhưng khi chúng bị giết, tất nhiên sẽ ôm lòng oán hận đối với bạn. Như vậy, tốt hơn là bạn đừng nên nuôi.
Sáu luật nói trên đều thuộc về Ác Luật Nghi. Tổn hạisanh vật, thương hại từ tâm, đều không phải là việc làm của Phật tử. Cho nên: “Nếu cố nuôi dưỡng, Phật tử này phạm khinh cấu tội”.
Nếu chiếu theo kinh văn thì Phật dạy tất cả có sáu điều ngăn cấm, nhưng tại sao khi kết luận, Phật chỉ nói “nếu cố nuôi thì phạm khinh cấu tội?”
Nên biết đấy là Phật dạy chúng ta đối với việc nuôi dưỡng hãy còn không được làm thì làm sao có thể cho phép chúng ta làm những việc ác hơn như: cất chứa hay buôn bán dao, gậy, cung, tên v.v... Vì thế không cần nói cũng có thể suy luận ra để biết.
Điểm thứ hai là tuy kinh văn kết thúc bằng một việc không được cố ý nuôi dưỡng những loài vật kể trên, nhưng bao hàm luôn cả năm loại trên, cho nên không cần nói rõ.
KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh