;
Hà Nội: Người dân chiêm bái Tôn Tượng Phật Hoàng trước giờ khai mạc Đại hội PG
Dát vàng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc
Là người đã từng có duyên lành được chiêm bái tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc quý mạ vàng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, đã cảm nhận được sự linh thiêng và năng lượng diệu kì toát ra từ Tôn Tượng, chúng tôi vô cùng háo hức và vinh dự khi được gặp gỡ với người nghệ nhân tài hoa ấy.
Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với anh Tư chính là sự chất phác, chân thật, giản dị. Bằng giọng nói ấm áp, gần gũi, với khuôn mặt luôn vui tươi, rạng rỡ, anh đã cho chúng tôi thật nhiều chia sẻ thú vị và ý nghĩa. Là một người con của vùng đất Thái Bình vào nam lập nghiệp, anh Đinh Danh Tư bắt đầu học nghề năm 19 tuổi. Từ đó đến nay, mọi tâm huyết, sức lực của anh đều dành trọn cho công việc tạc tượng của mình, bất chấp mọi vất vả, gian lao, cực nhọc trong nghề. Là một người có tuổi đời rất trẻ nhưng với đôi bàn tay tài năng, anh đã được nhận được sự tín nhiệm và đánh giá cao của Ban Trị sự Thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh và củanhóm doanh nhân có duyên lành được sở hữu khối ngọc quý từ Ca Na Đa. Để anh và nhóm thợ của mình chính là những người thợ Việt lần đầu tiên làm nên công trình lớn, ý nghĩa này.
Lắng nghe chia sẻ của anh, tôi thực sự hiểu ngọc quý và hiếm thế nào. Hiện nay, hầu như chỉ có ở 3 quốc gia trên thế giới có ngọc là Mianma, Canada và Đức. Nhìn những mảnh ngọc thô ráp chưa qua chế tác trên mặt bàn, tôi vô cùng thán phục và trầm trồ trước tài năng của các nghệ nhân đã làm nên tác phẩm tuyệt vời, mang giá trị cao, cả về mặt nghệ thuật và tâm linh. Qua bàn tay lành nghề, khéo léo của những người thợ tâm huyết, khối ngọc thô ráp sần sùi đã biến thành tác phẩm tượng sáng bóng, mang màu sắc tinh khiết, vẻ đẹp diệu kì. Nghe anh kể về các công đoạn chế tác mà tôi, một cô sinh viên chỉ biết khâm phục.
Anh Tư sử dụng những máy móc tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên điểm thú vị là anh luôn có sự nghiên cứu, sáng tạo không ngừng. Anh dồn mọi tâm sức, trí lực vào việc chế tác Phật ngọc. Chế tác Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ khối ngọc 4,5 tấn là công việc mang đầy tính nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng, tỉ mỉ, chuyên nghiệp. Yêu cầu đối với dự án đòi hỏi sự chính xác đến từng tiểu tiết. Anh nhấn mạnh với chúng tôi một quy tắc vàng không bao giờ được phép quên trong công việc, đó là “không cho phép nhỡ”. Tôi hiểu: không cho phép có bất cứ sai sót nào. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, cả pho tượng sẽ không được hoàn chỉnh, mất đi khối ngọc quý.
Công việc khó khăn, phức tạp, yêu cầu tay nghề cao như vậy, nhưng lại được anh nói bằng sự bình thản, mộc mạc càng làm chúng tôi thêm ngưỡng mộ và kính nể. Anh và các cộng sự đã làm việc miệt mài ngày đêm, rất tâm huyết để hoàn thành đúng kế hoạch, đạt chất lượng cao, kịp cho Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII. Nghe anh tâm sự, lại một lần nữa tôi khắc sâu trong lòng mình bài học: Người thầy đâu phải chỉ là người đứng trên bục giảng. Thầy ở quanh ta. Ở bất cứ công việc, ngành nghề nào.
Anh Đinh Danh Tư cùng các nghệ nhân đã dồn tâm sức, làm việc miệt mài và hoàn thành bức tượng chỉ trong vòng 4 tháng. Anh chia sẻ, khó khăn đầu tiên và lớn nhất đó chính là tìm tư liệu gốc, chân thật về vua Trần Nhân Tông mà đã dần bị dòng thời gian xóa mờ. Bởi vua Trần Nhân Tông là nhân vật có thật. Thứ hai, độ cứng và giẻo của khối ngọc quý mà máy móc hiện đại cũng không dễ có thể thi công được. Anh đã dành rất nhiều tâm huyết tự nghiên cứu, sáng chế thiết bị cho phù hợp, hoàn thiện, cải tiến mỗi ngày. Anh và các cộng sự đã dồn hết tâm huyết và say mê cho Tôn Tượng. Là một Phật tử, tôi vô cùng biết ơn các anh đã lao động say mê để có kết quả với tính nghệ thuật và tâm linh cao như chúng tôi đã từng được chiêm bái.
Có một điều đặc biệt quý giá là người nghệ nhân tài hoa này sẵn sàng chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm cho mọi người. Anh tâm nguyện rằng đào tạo và giúp đỡ nhiều bạn trẻ biết nghề là rất tốt. Đây là cách hay để đóng góp cho phát triển đất nước. Chúng tôi càng thêm cảm phục trước tấm lòng người Phật tử tài đức này.
Anh Đinh Danh Tư đã trả lời rất nhiều thắc mắc của chúng tôi, từ việc phân loại đá, ngọc đến các mỏ đá quý, từ những khó khăn trong nghề đến những lo lắng khi tôn tạo tượng Phật Hoàng, từ cảm nhận của anh về Hà Nội và TP HCM lẫn tương lai của nghệ thật tạc tượng. Tôi thấy anh trả lời rất đơn giản, dễ hiểu và nhiệt tình.
Kết thúc buổi giao lưu ý nghĩa và ấm cùng này Tiến Sỹ Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Thái Hà Books thay mặt những người có mặt gửi lời cảm ơn và tặng anh những cuốn sách ý nghĩa.
Buổi gặp gỡ diễn ra đã hơn 1 ngày mà dư âm của những chia sẻ, những bài học từ anh Tư vẫn vang vọng mãi trong tôi. Tôi nhớ ai đó đã nói: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp”. Và tôi tin, không ai trong chúng tôi không cảm nhận được những phẩm chất cao quý toát ra từ con người anh Đinh Danh Tư – nghệ nhân tài hoa đã thổi hồn vào ngọc.
Thúy Ngọc