nguoiphattu.com Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương, cỏ hoa sớm chiều vẫn rì rào theo tiếng gió khẽ nhắc tên Người. Tiếng tụng kinh mỗi đêm, hương án lung linh, ngấn lệ sụt sùi, bao ân tình chưa phôi, Người vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của Tứ Chúng, trong mạch sống của Phật Giáo Việt Nam, sử sách vẫn in đậm những nét son về một Cao Tăng Phật Giáo trong thế kỷ XX, một người con ưu tú của xứ địa linh nhân kiệt Bình Định.
Một buổi chiều kia vắng bóng Người Cỏ hoa héo úa, chẳng còn tươi Tứ chúng hoang mang lòng trống vắng Sau trước Thiền môn vắng tiếng cười,…
Trong thời gian gần đây con luôn hướng nghĩ về quê hương và Bình Định bởi vì con đang sắp xếp chuyến về thăm lại Việt Nam để thăm cha già đau nặng, héo hắt và kính viếng Chư Tôn Đức, già lam,…trong mùa hè này, sau mùa Phật Đản. Lòng con hân hoan khi nghĩ đến cảnh viếng thăm lại Tổ Đình Thiên Đức và đảnh lễ Hòa Thượng. Trong Kinh Phật có dạy câu : “Tương lai không ước vọng,… Hiện tại chính là đây”, thế là tâm nguyện tương ngộ, bái kiến Hòa Thượng một lần nữa của con trở thành một tương lai không bao giờ hiện thực được, trong khi hiện tại, thực tế phũ phàng hiện xảy ra : con vừa hay tin Hòa Thượng đã xả báo thân, trở về cõi Phật. Khi Sư Ông (cho con được gọi Hòa Thượng là Sư Ông như thuở trước) và Sư Phụ con (cố Hòa Thượng Thích thượng Đồng hạ Thiện) sinh tiền, Sư Ông thường xuyên ghé thăm đàm đạo với Sư Phụ con, khi đó con làm thị giả, trải qua ba thế hệ Sư Đệ cùng với con ở phòng thị giả : Đồng Kỳ, Đồng Liên, chú Tính. Con nhớ cái ngày con làm chú tiểu mới vô chùa làm thị giả pha trà cho Sư Phụ tiếp khách đó, con vụng về không biết pha, rót và dâng trà cho đúng cách, chính Sư Ông từ ái hướng dẫn rất cặn kẽ cách pha trà thế nào, cách tráng ly thế nào, cách rót trà vào ly và mang đến các vị Hòa Thượng thế nào,…Do uy đức và kinh nghiệm sống, giao tiếp nên Sư Ông đễ chinh phục lòng người và khiến họ nhớ mãi cho dù là chỉ qua vài lần gặp. Sư Ông có điểm đặc biệt là nhớ rõ tên và tánh cách của mỗi người sau mỗi lần gặp khiến mỗi lần gặp lại họ cảm thấy Sư Ông quan tâm đến họ, gần gũi và có mối tâm giao.
Cứ mỗi mồng Bốn Tết âm lịch chúng con đến tham dự cúng giỗ Ngài Giác Tánh cũng để đảnh lễ Khánh Tuế Sư Ông, chúng con lại có dịp chứng kiến được bao nhiêu người Phật tử gần xa câu hội chen nhau đảnh lễ và kính quý Sư Ông biết dường nảo. Sư Ông thường nắm tay dặn dò con : “Con cố gắng tu học bồi dưỡng cho thật tốt để sau này về kế thế cho Quý Ông, quý Thầy lo Phật sự, nhất là cho giáo dục Phật giáo tại Tỉnh nhà”. Sư Ông đối với con đặc biệt là điều dễ hiểu bởi 2 lẽ : 1/ Con làm thị giả cho Sư Phụ con thường dâng trà cho Sư Ông, 2/ Con là “người đi trước” của Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định khóa I ( sau năm 1975 đến 17 năm mới mở lại), con vừa học hơn nửa năm I thì Ban Giám Hiệu nhà trường đồng ý tuyển con (đại diện duy nhất của Trường) thi vào Đại Học Vạn Hạnh. Mỗi mùa Xuân đến, con về quê và tháp tùng chuyến xe của Trường Cơ Bản Phật Học đến đảnh lễ Sư Ông. Con thường cúng dường đến Sư Ông “trà xanh” và mỗi dịp như vậy, Sư Ông đều ban cho chúng con những lời huấn thị, nhắc nhở tâm tình làm hành trang cuộc sống. Có một độ Sư Ông đã thể hiện tình cảm rất gần gũi, thân thiết, quan tâm chia sẻ với con, đó là lúc con về thọ tang cho thân mẫu (2001). Trong dịp làm Lễ cúng cầu siêu và chẩn tế chung thất trai tuần đó, lẽ ra con đã thỉnh Sư Ông chứng minh và gia trì, thế nhưng vì có vài duyên khác nên con đã thỉnh Hòa Thượng ở Phù Cát với vai trò ấy. Khi xong tang lễ và hiếu sự, con đến Thiên Đức đảnh lễ Sư Ông để qua Ấn Độ tiếp tục tu học, Sư Ông gửi tặng cho con phần quà là 600 ngàn và nói : “con vừa đi học, lại vừa có thể về quê để lo hiếu sự với mẫu thân suốt 49 ngày thì tốt quá. Thầy chia sẻ sự ra đi mất mát của Sư Phụ con và mẫu thân con. Thầy với Sư Phụ con như tình Huynh Đệ và Thầy xem con cũng như đệ tử Thầy chứ không phân biệt. Đây là chút quà Thầy biếu tặng con, con hãy qua trở lại xứ Phật tu học cho tốt, làm hành trang cho chặng đường Phật sự sau này,…”. Con nhận phần quà trên tay cảm kích với thâm nặng ân tình. Quả thật lúc đó con cần 300 ngàn để trả cho thợ quay phim Đập Đá mà con phụ lo đám tang hết tiền để trả, đó là chưa nói đến tiền xe vào Saigon và uống nước dọc đường. Tất nhiên, con có thể tìm và ngỏ lời xin đối với vài người thân quen khác cho qua cơn thắt ngặt, nhưng dù sao, “tự nhiên” có người cơ cảm ban cho thì vẫn hơn. Gần đây, chính con là người soạn thư mời giúp cho một chùa gửi đến Sư Ông để Sư Ông có thể đến làm Lễ và sinh hoạt gieo duyên với các tự viện tại Hoa Kỳ một lần nữa cũng như đến thăm một Chùa Thiên Đức bên này thế nhưng sau đó Sư Ông suy yếu phải nhập viện. Đức Phật nhập niết bàn lúc 80 tuổi, còn Sư Ông sau 83 năm sinh hoạt nhiều và lao lực trong trần thế, chiếc xe đã cũ kỹ, báo thân đến lúc mòn mỏi và rời rã nên Người thuận xả, an nhiên thâu thần thị tịch ra đi. Lần lại hành trạng cả cuộc đời của Người : vào chùa khi mới 12 tuổi, tu học ở Thiên Đức, Hưng Long, Phật Học Đường Trung Phần Nha Trang với nhiều danh Sư : Ngài Giác Tánh, Ngài Giác Nhiên, Ngài Thiện Siêu, … pháp lữ đồng học của Sư Ông là những bậc Cao Tăng Thạc Đức : : Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh…. Sư Ông đã trải qua bao nhiêu chặng đường Phật sự, đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn lao : là Giảng sư khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, Chánh Hội Trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi, Chánh hội trưởng Hội Phật giáo tỉnh ĐakLak, trú trì chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh GiaLai – KonTum, thành lập và làm Giám đốc các trường Bồ Đề tại Pleiku, Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo QĐVNCH Vùng II Chiến Thuật, bao gồm các quân, binh chủng ở Cao Nguyên và Duyên hải Trung phần, khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài-gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát), Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền, trải qua 3 nhiệm kỳ : 2002-2007, 2007-2012 và 2012-2017, Sư Ông được suy cử vào Ủy viên Thường trực Hội Đồng Chứng Minh, Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định. Sư Ông đã làm Giáo Thọ, Năm 2003, Ngài làm Yết-ma A-xà-lê tại tại các giới đàn thuộc các quốc gia, châu lục khác nhau Ananda-Giác Tánh tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc (năm 2003), Đại giới đàn Chánh Nhơn, giới đàn Huệ Chiếu Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn, giới đàn Lâm Tế, Tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ (năm 2004). Quả thật với xứng danh “Thiên Đức”, uy đức bao trùm hoàn vũ, là bậc kế thừa xuất sắc chư Tổ Đức, liệt vị Tổ Sư và Ngài Giác Tánh, Sư Ông đã trùng hưng Tổ Đình Thiên Đức, ân đức mưa móc khắp xa gần, lãnh đạo và dìu dắt cho hơn 100 đệ tử xuất gia, tu học thành tựu từ Trung Cấp Phật Học cho đến Cử Nhân, Thạc Sỹ, Tiến Sỹ và hoằng pháp, trụ trì khắp trong nước cho đến Úc Châu, Hoa Kỳ, Người làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho Thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của Dân tộc. Nếu ai đó không rành đường, từ quốc lộ một hướng về xã phước Hưng, hỏi về Chùa Thiên Đức, dân làng gần xa đều biết. Người chứng minh đại lễ, ban đạo từ, giảng pháp, ứng phó đạo tràng cầu an, cầu siêu, tiếp xúc lợi lạc cho quần chúng hà sa không ngại ngần xa xôi, gian lao, mỏi mệt, chư Tăng ni lớp lớp đều đến đảnh lễ thọ giáo với Người, thấm nhuần ân khai đạo. Người có một hảo tướng, lông mày trắng, cốt cách phi phàm như một “Ông Tiên”, nụ cười ấm áp hiền hòa, đôi mắt long lanh, đầy nghị lực và soi sáng, giọng nói ái ngữ thâm trầm cuốn hút và đi sâu vào lòng người. Người kết tinh những đặc tính cao quý của bậc Đại Đạo Sư, làm Tòng Lâm Thạch Trụ che bóng mát bồ đề cho bao đàn hậu học… Vẫn biết hồng trần là cõi tạm, tứ đại huyễn thân, kiếp nhân sinh như một lữ khách, đến rồi lại đi, Người xả bỏ báo thân sau 83 năm rong chơi tự tại, thế nhưng định luật vô thường lạnh lùng khắt khe đó đã tạo nên cảnh sanh ly tử biệt và hàng tứ chúng ngẩn ngơ, bàng hoàng, xót lệ tiễn đưa Người. Kể từ đây, Phật Giáo Việt Nam mất đi một bậc Giáo Phẩm Chứng Minh, Phật Giáo tỉnh nhà Bình Định không còn một vị Trưởng Ban Đại Diện mô phạm, dấn thân, tôn kính, Tổ Đình Thiên Đức mất đi linh hồn nương tựa, hàng tứ chúng mất đi một vị Thầy, một người Cha tận tuỵ với trách nhiệm yêu thương chăm sóc,…,mất mát tang tóc to lớn này không sao bù đắp được như trong kinh Pháp Hoa mô tả : “Con dại nhằm thuốc đắng / Cha già biệt tha phương” Mùa hè năm nay con sẽ về thăm lại Tổ Đình Thiên Đức, sẽ không còn dịp bái kiến hầu chuyện bên Người mà chỉ còn lặng lẽ thắp nén hương tưởng niệm trước bàn hương án. Mọi thứ đã đổi thay, chỉ 2 năm trước thôi, con ấm lóng khi dẫn phái đoàn Chùa Phước Long, Gia Lạc, Phù Cát cũng như các gia đình tang sự tại chợ gồm, Phù Mỹ đến Chùa Thiên Đức là có Sư Ông tận tình tiếp đón, giờ này chỉ còn lại một khoảng chơ vơ trống vắng mênh mông. Quý Chư Tôn Đức mà con có dịp gần gũi thọ giáo tại Tỉnh nhà đã lần lượt ra đi : HT Huyền Quang, HT Đồng Thiện, HT Bảo An, HT Đổng Minh, HT Đổng Quán, HT Sơn Long, HT Nguyên Trạch, HT Phước Hải (Cát Minh),…Quãng thời gian tu học tại các già lam, tự viện, thời làm điệu, những kỷ niệm ân tình đối với quý Ngài là hành trang vô giá giúp cho con vượt qua được những thăng trầm biến thiên của cuộc sống, noi gương hạnh Bồ Tát của Quý Ngài mà không chùn bước trước bao nhiêu thử thách chướng duyên, vẫn giữ được chiếc áo và tư cách, phẩm hạnh của người xuất gia để không cô phụ ân tri ngộ, giáo hoá, yêu thương tin tưởng, nhắn nhủ ân tình của Quý Ngài, Quý Thầy. Rồi mai đây thân Người được đưa vào Bảo Tháp, tan trong lòng đất và nuôi dưỡng những mầm xanh. Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương, cỏ hoa sớm chiều vẫn rì rào theo tiếng gió khẽ nhắc tên Người. Tiếng tụng kinh mỗi đêm, hương án lung linh, ngấn lệ sụt sùi, bao ân tình chưa phôi, Người vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của Tứ Chúng, trong mạch sống của Phật Giáo Việt Nam, sử sách vẫn in đậm những nét son về một Cao Tăng Phật Giáo trong thế kỷ XX, một người con ưu tú của xứ địa linh nhân kiệt Bình Định. Con không được thọ tang trước hương án của Người tại Chùa Thiên Đức nhưng ngày Người ra đi con đánh dấu trong đời con có thêm một sự mất mát của một bậc Thầy, góp phần hun đúc nên con, ban cho con nguồn thương và lẽ sống. Con sẽ không gặp được Người với dáng dấp hình hài thân yêu nữa nhưng con sẽ luôn gặp Người trong tâm nguyện, trong từng chặng hành trình nhân thế. Nụ cười từ ái, lời an ủi nhẹ nhàng, lời huấn thị sâu xa,… đã thấm thành máu thịt, chất liệu sống cho đời con. Con xin hướng về Tổ Đình Thiên Đức đảnh lễ tri ân và tiễn biệt với niềm tin rằng Sư Ông sẽ chứng minh và gia bị cho con. Con xin tiếp nối bước đi Sư Ông, mang niềm tin, ánh sáng Đạo Pháp đến khắp nơi nơi, làm giảm bớt đi nỗi khổ niềm đau cuộc đời, giúp chúng sanh hướng về Chánh Đạo, sống an lành, thăng hoa, giải thoát. Con tin Sư Ông đang mỉm cười, chứng minh và gia bị cho con. Nguyện cầu Giác Linh Sư Ông cao đăng Phật Quốc, hoa khai kiến Phật để rồi tiếp tục hồi nhập Ta Bà, không rời Bi nguyện, hoá độ nhất thiết chúng sanh Ánh mắt Người luôn lunh linh soi sáng Nụ cười kia tan biến vạn sầu lo Hạnh ngộ Người, dẫu giây phút tình cờ Thêm nhiên liệu qua bến bờ sanh tử NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, SẮC TỨ THIÊN ĐỨC ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY Thượng QUẢNG Hạ PHƯỚC, Hiệu QUÁN HẠNH, Tự THIỆN NHƠN, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG ÂN SƯ TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH, THÙY TỪ CHỨNG GIÁM. Chùa Đại Bi Quan Âm, Cali, ngày 13/03 Quý Tỵ, PL 2556 Khể Thủ Hậu Học : Thích Đồng Trí ( Thích Minh Tuệ)