;
Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa Thượng Thích thượng Nguyên hạ Lai Ân Sư !
Chiều
nay con chợt hay tin
Duyên
trần Ngài mãn, đăng trình phương xa
Ân
tình kỷ niệm thiết tha
Tâm
thành góp nhặt hương hoa cúng dường
Hôm
nay đến mùa hè, con đang sắp xếp các chương trình cho mùa Phật Đản, mùa an cư
và sắp về lại vùng Santa, Ana, Cali và thăm lại Ngài lần nữa thì chợt nhận được
tin của Thầy Quảng Thường báo đến là Ông (cho con được phép gọi Ngài với danh
xưng “Ông” gần gũi thân thương như thuở sinh tiền) vừa viên tịch. Thế là hết! Một
cây đại thọ Bồ Đề gốc Bình Định tại xứ Hoa Kỳ lại vừa ngã xuống. Bao nhiêu ân
tình kỷ niệm với Ông lại hiện về trong ký ức, con ghi lại đây với niềm kính tưởng
và đúc kết làm những bài học cho đàn hậu học trong giây phút tiễn đưa Giác Linh
Ông.
Con
có hạnh duyên biết đến Ông khi con đến thăm các tự viện : Kim Sơn, An Lạc, Đức
Viên và những Phật tử quen vùng San Jose vào mùa hè năm 2005 và đến thăm Ông tại
Chùa Hồng Danh, đường 17. Con nhận thấy rằng nơi đó cũ kỹ, chật hẹp, thiếu thốn
nhiều phương tiện. Tuy Ông đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe không tốt mà còn theo hạnh
nguyện : “kiến lập đạo tràng khắp nơi nơi
xứ xứ, phá lưới mê trùng trùng”, làm chỗ quy tụ tu học nương nhờ cho Tăng
Ni Phật Tử, hạnh nguyện đó thật đáng tán thán. Nếu như Ông muốn yên thân, tìm đến
Chùa nào đó để ở tịnh dưỡng thì hẳn là an nhàn hơn. Nền kinh tế Hoa Kỳ dạo đó
trong tình trạng èo uột, xuống dốc, thất nghiệp, số lượng Phật tử còn ít ỏi,
duy trì và phát triển một ngôi chùa thật là khó khăn. Ai bảo Tây Phương là sung
sướng, đầy đủ, có phước nhiều? Cũng tùy trường hợp thôi, có người cả đời loay
hoay vất vả xoay trở để trả nợ nần, không được thảnh thơi từ vật chất cho đến
tinh thần. Thế nhưng, vạn sự khởi đầu nan, “Bồ
Tát không vào địa ngục thì ai vào địa ngục?”, Các vị cao Tăng dấn thân hành
đạo thì có ngại gì khó khăn gian khổ, bất chấp điều gì xảy đến nơi mình, miễn
là làm được việc lợi lạc cho Đạo Pháp và chúng sanh. Ở đời, không lấy thành bại
để luận anh hùng mà xem xét tâm chí, việc làm, phấn đấu trong mỗi hoàn cảnh như
thế nào? Dù sao đi nữa, Ông đã kiên tâm kiến lập Chùa Hồng Danh để rồi được các
thế hệ đi sau phát huy và hiện diện một ngôi già lam đúng nghĩa trong cõi đời
là phần cống hiến thiết thực với tất cả nhiệt tâm, nhẫn nại và dấn thân cho
pháp luân thường chuyển, xóa bớt nỗi khổ niềm đau, cho đời thêm ánh sáng, niềm
tin, an lạc.
Những
năm sau, con gặp Ông trong giỗ cúng Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích thượng
Đồng hạ Thiện tại Chùa Quang Thiện. Sau đó, Thầy trò huynh đệ cùng
ngồi xoay vần bên nhau trà đàm và tâm tình, chia sẻ về những gì Chư Tăng Ni có
thể giúp cho nhau trong công việc Phật sự
để tiếp nối Đạo nghiệp Tổ ấn trùng quang..Con lắng nghe Ông kể chuyện súc tích
nhưng đầy ấn tượng và cảm động về những kỷ niệm, tấm gương của các Tổ Sư Bình Định
để đàn hậu học biết, ghi nhớ, chiêm nghiệm, học hỏi,…Sau này, đến các ngày giỗ
cúng của Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích thượng Huyền hạ
Quang, ông run run rót trà hiến dâng Giác Linh và chia sẻ đầy cảm động vì Ngài
Huyền Quang với vai trò như Sư Thúc của Ông trong Môn Phái ( Sư Phụ thế phát xuất
gia cho Ông là Ngài Huyền Ấn), Ông rất đồng cảm với những gì mà Ngài đã làm và
hi hiến cho Đạo Pháp. Ông đã hiến dâng một đời trai cho đất nước khi vận nước
lênh đênh, chiến tranh, đau khổ, khi “quốc
gia lâm nguy, thất phu hữu trách” một Tu Sỹ đi khắp nơi để gieo trồng chủng
tủ thiện và ánh sáng Phật Pháp cho những ai cần đến.
Để
cho Ông yên tâm tịnh dưỡng, cũng như tình huynh đệ như thủ túc, hỗ tương lẫn
nhau, con đã về ở và sinh hoạt Phật sự tại Chùa Hồng Danh hơn một năm
(2010-2011) cho đến khi Chùa Hồng Danh đã mua lại được và làm chủ sở hữu căn
nhà mới, mọi việc tạm ổn hơn. Con luôn xem Thầy Quảng Thưởng và Thầy Quảng Huân
như hai người em của mình để chia sẻ, giúp tạo các Thầy bớt đi cảm giác trống vắng
bơ vơ trong khi Ông dưỡng bệnh và báo hiệu sẽ ra đi. Tuy nhiên, phước đức của
con còn có hạn nên chưa có thể giúp được nhiều để phát triển Chùa Hồng Danh trở
nên bề thế, trang nghiêm như lòng mong
muốn và làm sao có thể thay thế phần nào vai trò của Ông được.
Những
năm sau này, khi có thời gian thuận tiện con đều đến thăm Ông. Con rất an tâm
là có Chú Tâm Định, Sư Cô Tịnh Phước cũng như Tăng Ni Phật tử tại Chùa Bát Nhã,
Thầy Quảng Thường cùng Phật Tử Chùa Hồng Danh thường xuyên thăm viếng và lo cho
Ông chu đáo. Con có lời tâm tình thưa với Ông :
“Về Chùa Hồng Danh, tâm huyết của
Ông, nay Thầy Quảng Thường đã trưởng thành rồi, không như khi xưa nữa, hơn nữa
còn có các huynh đệ phối hợp, nay đã mua được căn nhà rồi, các Lễ Phật Đản, Vu
Lan có đến 40 Tăng Ni đến tham dự sum tựu, Ông hãy yên tâm tịnh dưỡng. Cốt yếu
sao Ông giữ được sức khỏe để trụ lâu hơn làm chỗ dựa tinh thần cho đại chúng,
thân tâm an hòa thanh thản là được. Thượng Tọa Minh Dung có nhắc Ông dưỡng khỏe
lại để rồi cùng di du lịch Châu Âu, Châu Úc và hành hương xứ Phật. Vậy Ông hãy
điều dưỡng cho khoẻ lên rồi đi.”
Mặc
dù Ông chưa đủ khoẻ lại để đi du lịch các nơi nhưng mỗi lần chư Tôn Đức gần xa
trở về Cali, thăm Chùa Bát Nhã và viếng Ông, con quan sát nhận thấy Ông vui lắm.
Đó là niềm vui tinh thần được sống trong niềm yêu thương, săn sóc của Huynh Đệ
khiến cho Ông cảm thấy Chùa Bát Nhã là nơi thích hợp nhất cho giai đoạn cuối đời
mình.
Việc
gì đến thì trước sau cũng phải đến, cơn vô thường không chừa bỏ một ai. Nay
duyên đã mãn, Ông trút bỏ báo thân ngũ uẩn như cỗ xe cũ kỹ, già nua, nhiều bệnh
tật để nhẹ nhàng thong dong về Xứ Phật. Thế là cuộc hẹn hò lên Tu Viện Sơn Tùng
trong giỗ Ngài Huyền Quang sắp đến, về thăm lại Chùa Hồng Danh cũng như đi tham
quan các châu lục và hành hương xứ Phật đành khép lại. Rồi mai đây, thân của Ông
được đem đi trà tỳ, cát bụi trở về với cát bụi nhưng tâm tình, kỷ niệm, lời nhắc
nhở dạy bảo của Ông vẫn mãi còn vang vọng. Ông là một chứng nhân lịch sử và đem
hết sức mình cống hiến trong các giai đoạn thăng trầm lịch sử của Việt Nam thời
cận đại và gieo mầm hoằng pháp hải ngoại. Hình ảnh một bậc tiền bối đơn giản,
chân thật, bộc trực, nặng tình cảm, hết lòng lo nghĩ đến Giáo Hội Phật Giáo và
quan tâm mọi Phật sự vẫn còn sống mãi trong lòng Tăng Ni Phật tử khắp nơi nơi.
. Quả thật : “Trực Tâm thị Đạo Tràng”. Tuy Ông đau yếu nhưng bất cứ lễ hội,
nơi nào cần đến sự hiện diện của Ông, Ông đều cố gắng tham dự, không từ nan. Lập
trường, chí nguyện, tình pháp lữ, sơn môn, tấm lòng của Ông đối với Đạo Pháp và
Dân Tộc sắt son, trung kiên, chung thủy. Chính vì vậy mà Ông được Tăng Ni Phật
Tử tại Hoa Kỳ này hết lòng kính quý và cung thỉnh vào ngôi vị Chứng Minh Đạo Sư
nhiều Đạo Tràng Chùa Duyên Giác, Chùa Quang Thiện, Chùa Hồng Danh, Chùa Bát
Nhã, nhiều khóa an cư, thọ giới tại Tu Viện Kim Sơn, Chùa Quang Nghiêm, Chùa Phật
Tổ, Chùa Phật Đà, Phật Học Viện Quốc Tế và trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất Hoa Kỳ.
Giờ
này Ông đã nằm xuống rồi, đã mượn báo thân hữu lậu vào đời thì thế nào đến lúc
cũng tùy duyên buông xả. Một cuộc đời, một sự thị hiện, một sứ mệnh đã hoàn mãn
và để lại bao nhiêu bài học quý giá cho mọi người chiêm nghiệm về Sanh Lão Bệnh
Tử, Vô Thường, Khổ trùm phủ kiếp nhân sinh về : “phú quý không say mê, bần cùng không thay đổi và vũ lực không khuất phục”,
giữ được sơ tâm xuất gia và cống hiến hết sức mình đến hơi thở cuối cùng vì Đạo
Pháp- Chúng sanh, làm tốt Đạo đẹp Đời.
Cũng
đến lúc Ông mãi nằm yên và nghỉ ngơi dài hạn. Ông sẽ không còn chịu đựng những
cơn đau bức hoại nơi thân ngủ uẩn, sẽ không còn phải lo lắng cho những khập khiễng
khó khăn của cư dân và Phật tử người Việt đến Hoa Kỳ sao cho an cư lạc nghiệp,
những biểu hiện lục hòa “thống nhất” hay không “thống nhất” trong Giáo Đoàn Phật
Giáo, những khắc khoải, ưu tư cho tiền đồ Đạo Pháp, Dân Tộc, thế hệ tương lai,…
cũng đến hồi dừng lại, Ông đã trải thân cả đời để thể nghiệm, cả đời để thị hiện
và chúng con kịp hiểu để trưởng thành và kế tục Đạo nghiệp Ông để lại. Không chờ
đợi đến Môn Đồ Pháp Quyến đi bái thỉnh, Chư Tăng Ni Phật Tử khắp nơi nơi hay được
ai tin cùng nhau về Chùa Bát Nhã, Chùa Hồng Danh, nhà quàng Peek Family để làm
Lễ Tiễn Đưa, Tưởng Niệm, Thọ Tang cho Giác Linh Ông thật là đông đủ trang
nghiêm. Bao nhiêu tấm lòng luyến tiếc nhớ thương, ngậm ngùi đó cũng đã nói lên
được quá trình sống và hoạt động của Ông như thế nào và ân tình giao cảm với mọi
người nồng hậu đến mức nào.
Phủ phục trước Kim Quan Ông hôm nay con lại nhận thêm một tang tóc nữa đến với đời con. Nhưng Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, người đi dấu vết chưa nhòa. Chính Đức Phật hoá duyên đến 80 tuổi cũng viên tịch, nay Ông cũng đến tuổi 80. Lễ Di Quan – Trà Tỳ của Ông nhằm đúng vào ngày Rằm Tháng Tư Quý Tỵ - ngày Vesak Tam Hợp, thật là viên mãn. Xin thay mặt cho đàn hậu học, những người thọ hưởng ân tình giáo dưỡng của Ông, chúng con nguyện sẽ tiếp bước Ông đi, đem hết sức mình phụng sự cho Đạo Pháp, Dân Tộc chúng sanh, cho pháp luân thường chuyển, cùng nhau về bến giác, mang đến an vui, hạnh phúc, thăng hoa, cho thế giới thêm Chân Thiện Mỹ. Nguyện Giác Linh Ông vẫn luôn chứng minh, hộ trì cho chúng con đi trọn hành trình kiếp nhân sinh và trở về bảo sở.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Nhị Thế, Hồng Danh Đường Thượng, Húy thượng
Nguyên hạ Lai, tự Duyên
Tín, Hiệu Chánh Nghiêm Đại Lão Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh Liên Tòa Thùy
Từ Chứng Giám.