;
Những ngày vừa qua với loạt bài phóng sự điều tra của báo Lao Động về cách tu hành, ăn tiết canh, uống rượu tây, phát ngôn “bá đạo” của ông sư Minh Thịnh chùa Phú Thị, chưa dứt, tạo nên sự bức bối trong dư luận và đương nhiên nhiều nhóm ngoại giáo không từ khước miếng mồi béo bỡ này để lên giọng thuyết giáo xúc xiễm Phật giáo…; thì báo Thanh Niên lại tung ra một bài báo khác, như để nối tiếp sự kiện không giống ai của mấy ông sư tự cho mình là “những công dân đặc biệt áo nâu” sống ở chùa! Đó là bài “Dân Chàng Sơn “trả” sư trụ trì chùa làng” của tác giả T.N.
Nguyên do bởi đâu?
Chỉ với riêng với câu chuyện của bài báo này, người đọc khó hình dung được một vị sư trụ trì chùa Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) để mất lòng người dân đến thế với những việc làm mà chánh quyền địa phương phải mất công soạn ra tới 5 trang giấy, kể tội ông sư Minh Phượng với 7 lần bị lập biên bàn về các hành vi vi phạm pháp luật, bị lập biên bàn 4 lần khác về tội đào bới di tích gần Tam Bảo để xây…nhà vệ sinh! Chưa hết, năm 2012 bị lập biên bản 2 lần tội thay thế tượng Phật trong chùa, đem tượng mới bên ngoài vào...v..v.Nói chung đó là những tội xâm hại di tích đối với ngôi chùa cổ có tuổi thọ hơn 300 năm này.
Bài viết này xin không bàn tới chuyện đúng sai của sự việc, chỉ xin nói đến thái độ phản ứng của người dân nơi này và động thái giải quyết sự việc của chính quyền địa phương. Thật vậy, theo bài báo, ngày 8/12/2015 vừa qua, chánh quyền xã Chàng Sơn đã tổ chức cho người dân tới chùa để “đối thoại” với ông sư Minh Phượng nhưng cuộc đối thoại không thành do ông sư này “mệt” cần vào nghỉ ngơi sau 10 phút xuất hiện!. Những ai quan tâm đến vụ việc này xin vào You Tube và hỏi Google sẽ có thêm nhiều điều thú vị. Ở đây, trước tiên, chúng tôi, những người Phật tử phương xa sẽ mừng đến phát khóc với những hình ảnh, biểu ngữ viết bằng đủ lọai chất liệu như carton, thùng mì gói…đòi trả tượng lại cho chùa, và đề nghị ông sư Minh Phượng rời khỏi chùa, gây huyên náo một góc nhỏ làng quê yên bình, nếu đúng họ lả những người Phật tử thật sự ! Vâng , chúng tôi sẽ mừng cho Phật giáo nơi này có những Phật tử tuyệt vời như thế; hoặc nếu không là phật tử thì cũng là người dân quan tâm đến di tích lịch sử làng thôn của mình? Hai thành phần này chúng tôi hiện vẫn chưa rỏ lắm. Như vậy sẽ có một câu hỏi được đăt ra: Người dân bức xúc và hăng hái đến vậy xuất phát từ ý nghĩa nào trong hai thành phần đó!
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn “bản thân Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc VN xã cũng đã báo cáo huyện, thành phố về diễn biến ở chùa Chàng Sơn, địa phương cũng đã có văn bản đề nghị Ban Trị sự GHPGVN Tp Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để sư Thích Minh Phượng trụ trì ở một nơi tu hành mới, hợp người, hợp cảnh, hợp nhân duyên cũng như đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đa số nhân dân địa phương, trong tình hình hiện nay” (trích từ bài báo đã dẫn). Chúng tôi tự nhấn mạnh bằng những dòng có gạch đích. Đây là lần duy nhất của sự việc chúng ta thấy chánh quyền địa phương có nhắc tới tổ chức GHPGVN địa phương. Vậy trong quá trình từ khi nhậm chức trụ trì của ông sư Minh Phượng cho tới những lần vi phạm, và đặc biệt lần này tổ chức cho nhân dân tới tận chùa để “đối thọai”,chánh quyền sao không nhắc tới GHPGVN thành phố Hà Nội, hay Huyện hoặc xã cũng được? Tất nhiên chúng ta tin tưởng các vị lãnh đạo chánh quyền nơi đây cũng biết hoặc nghe nói đến Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sư, Ban Kiểm soát của tổ chức Phật giáo này ra sao đối với việc xử lý một vấn đề hay cá nhân tu sĩ PG. Nếu thật sự là như vậy thì chúng ta sẽ hiểu khác những dòng có gạch đích ở trên rằng chánh quyền “ra lệnh” cho GHPGVN Hà Nội thuyên chuyển ông sư Minh Phượng này đến những nơi “xấu”, thường xuyên vi phạm di tích quốc gia như ông ta mới có thể dung chứa ông ta (!) Nếu đó là một văn bản có ký tên đóng dấu hẳn hoi thì đương nhiên đó là sự nghiêm túc, không phải chuyện đùa.
Sự có mặt của Ban Đại diện GHPGVN các cấp trong các vấn đề giải quyết có liên quan đến Phật giáo, ngôi chùa hay tăng sĩ trú xứ, song hành với sự có mặt của đại diện chánh quyền các cấp. Tất cả đều mang tính tế nhị cao để đi đến thống nhất giải quyết sự việc ban đầu. Không có yếu tố huy động quần chúng trong những lần giải quyết như thế. Đó mới chính là biểu hiện của sự tôn trọng lẫn nhau, để trước hết giữ gìn được an ninh trật tự xã hội, không gây bất ổn trong quần chúng không cần thiết.
(Ảnh người dân được huy động đến tận chùa để cùng chánh quyền “đối thoại “ với ông sư Minh Phượng - Ảnh: Vũ Nguyên báo Thanh Niên)
Giận người một thì phải trách ta mười
Chúng tôi tuy không đồng tình lắm với ý kiến cho rằng quý Tăng Ni Phật giáo phía Bắc tu hành quá dễ dãi nên đã để xảy ra nhiều điều tiếng bất lợi, làm tổn hại đến thanh danh Phật giáo không ít. Nhưng với những sự việc diễn ra lâu nay, nếu đem thống kê lại thì rõ ràng nó xảy ra ở Tăng Ni Phật giáo phía Bắc hơi bị nhiều. Vì sao vậy? Xin được nói thẳng rằng chư Tăng Ni phần đông xuất gia muộn (Sa di hình đồng), học sơ qua vài lớp căn bản Phật học rồi được cử trụ trì rất nhanh. Thời gian trau dồi giới đức không nhiều, sống hòa mình trong các chốn tòng lâm chẵng mấy khi, để có thể chia sẻ cho nhau từng bước một tinh tấn trong sự tu học. Đó là chưa nói trước đây các vị chưa tích cực lắm thực thi giới luật nghiêm minh và an trú trong các giới hạ trường hằng năm cho nghiêm tịnh. Xét duyệt, tấn phong cũng không ngoài hàng rào cảm tính, dễ dãi nên các “Hòa thượng – Thượng Tọa” giờ bị lẫn lộn vàng thau, khó mà lường biết giã chơn.Trong vụ ông sư Minh Thịnh ở chùa Phú Thị (xã Mễ Sở, H. Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) ăn tiết canh, uống rượu ngoại rồi tự phong cho mình là “công dân đặc biệt áo nâu”, mà chỉ nghe vị nữ phục vụ nhà trù nói thôi chúng ta cũng đủ nổi da gà nói chi tới các nhà báo nhìn hình ảnh một ông sư xuống cấp trầm trọng như thế nào: “Sư các nơi đến đây, thầy nào cũng rượu chè suốt ngày, thầy Thích Minh Thịnh nhà tôi còn uống ít đấy”(trích báo Lao Động).
Một điều đáng buồn nữa là với vô số sự việc tác tệ như vậy mà truyền thông Phật giáo chúng ta dường như vẫn đứng bên ngoài ngó vô, tác động không nhỏ tới Trung ương Giáo hội, chậm tiếp cận sự việc để có thể giải quyết dứt điểm, tránh được sự nhiễu loạn thông tin và hình ảnh tăng sĩ PG xấu thấm sâu vào từng ngỏ ngách đời sống, quần chúng sút giảm niềm tin và sự tu hành nghiêm mật của chư Tăng Ni khác cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy có lẽ chúng ta nên cảm ơn các báo đã thay chúng ta nói lên nhiểu góc khuất mà chưa chắc báo chí Phật giáo chúng ta làm được, để nhanh chóng cắt bỏ đi từng ung nhọt gây nhức nhối cho cơ thể vốn lành mạnh của GHPGVN chúng ta.
Với Phật giáo phía Bắc, đồng ý “đất của vua, chùa của làng” người dân có quyền bày tỏ lòng quyết tâm để bảo vệ và gìn giữ, nhưng không phài bằng cách này, tức là qua mặt GHPGVN, Ban Đại diện Phật giáo các cấp, rồi tự cho mình cái quyền muốn đuổi hay cho ông sư nào đến trụ trì cũng được, tự tiện thành lập cái gọi là “Ban Hộ Tự” trái phép khi ông sư trụ trì còn đó; không thì kéo đến tụ tập đông người như thế này, dù có đứng về phía lẽ phải cũng sẽ trở nên sai quấy. Bởi vì, nếu tất cả là một Phật tử đúng nghĩa thì sự việc sẽ được giài quyết khác hơn, đẹp hơn mà vẫn tuân thủ pháp luật và giới luật nhà Phật một cách đúng mực. Trên nữa còn có cả một tổ chức mang tên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
PHÁP ĐẠO
Nói chi đến truyền thông Phật giáo.Ngay cả lãnh đạo TW.GHPGVN cũng bó tay hoặc làm ngơ vì sợ đụng chạm rồi lây đến mình.Không phải chuyện nầy mà nhiều chuyện khác ồn ào hơn rốt cuộc đâu lại vào đấy,chẳng làm rụng lông chân ai.Duy chỉ có điều tín đồ Phật tử ngày càng ngao ngán mà xa lánh Phật pháp,không màng tới chùa nữa,hoặc cải đạo v.v....ÔI!QUÁ ĐAU LÒNG QUÍ THẦY ƠI!!!
Thích 3 Trả lời 12/11/2015 1:43:01 PM