;
Một ngày kia, ông A-Nan đang ngồi thiền bỗng thấy đất rung động. Ông bèn hỏi đức Phật vì duyên cớ gì mà đất động như vậy. Đức Phật dạy rằng trong số các nhân duyên làm cho đất chuyển động, có một nhân duyên là khi Như Lai sắp nhập Niết-bàn. Ông
A-Nan giật mình, khẩn khoản thỉnh cầu đức Phật lưu lại thế gian nhưng đức Phật không nhận lời. Thấy ông A-Nan buồn rầu, đức Phật khuyên: “ông đừng lo buồn nữa, sự vật đều như thế cả. Các pháp hữu vi đều vô thường. Có sinh ắt phải có tử. Có hợp ắt phải có tan”.
Sau đó, đức Phật sai ông A-Nan thỉnh các vị tỳ-khưu về hội họp, Ngài khuyên tất cả cần giữ giới hạnh thanh tịnh, tu tập ba mươi bẩy phẩm trợ đạo, đi đến giải thoát, và Ngài báo cho mọi người biết Ngài sắp nhập Niết-bàn. Thấy các tỳ-khưu than khóc, Ngài dạy: “Sự vật đều vô thường. Có hội hợp tất có biệt ly. Hãy giữ trọn vẹn các pháp mà tôi đã nói thì coi như tôi còn ở đời, không khác” rồi Ngài nói kệ rằng:
“Tôi muốn bỏ thân này, Tấm thân già suy yếu.
Nay xả tuổi thọ rồi, Tạm nương mệnh ba tháng...
Những pháp tôi đã nói Là thày của các vị.
Tu tập đừng bỏ quên, Chuyên cần và tinh tiến,
Như tôi sống khác gì.”
Đức Phật và đoàn tùy tùng tiếp tục du hành; khi đi qua thành Tỳ-Da-Ly, đức Phật ngửa mặt lên nhìn thành và mỉm cười, nụ cười hàm ý vĩnh biệt. Đến thôn Cưu-Bà, Ngài ngồi nghỉ dưới gốc cây. Dân chúng trong thôn kéo đến đỉnh lễ Ngài và khi hay tin Ngài sắp nhập Niết-bàn thì họ than khóc.
Ngài bèn an ủi họ và nói pháp cho họ nghe. Tất cả hoan hỉ xin thọ tam quy ngũ giới và thỉnh Phật cùng chúng tăng ngày hôm sau đến hưởng sự cúng dàng của họ.
Đức Phật và các tỳ khưu nghỉ tại khu vườn của ông Thuần-Đà. Sau khi thọ trai do ông Thuần-Đà cúng dàng, đức Phật dạy ông ta rằng: “Chỗ còn lại của thức ăn này, hãy đào đất mà chôn đi, đừng để cho ai ăn nữa.” Tối hôm đó, đức Phật đau bụng dữ dội, mất ngủ suốt đêm; tuy vậy sáng hôm sau Ngài vẫn lên đường đi Câu-Thi-Na. Giữa đường, cơn đau lại nổi lên, Ngài ngồi nghỉ dưới một cội cây và sai ông A-Nan đi kiếm nước cho Ngài uống.
Ông A-Nan nói: “Lạch nước gần đây vừa có mấy trăm chiếc xe đi qua nên đục lắm, xin Thế Tôn đợi một chút, tới sông con sẽ múc nước”. Đức Phật bảo ông cứ đi. Lạ thay, khi ông A-Nan tới lạch nước thì nước đã trở nên trong vắt! Uống nước xong, đức Phật ngồi nghỉ. Bỗng có một người bộ hành đi tới lễ Phật và dâng hai tấm y vàng.
Ông này tên là Phất-Sa-Ca, một đệ tử của đạo sĩ Ka-La-Ma (đó chính là vị đạo sĩ mà khi xưa đức Phật đã gặp). Đức Phật nhận một tấm y và bảo ông Phất-Sa-Ca cúng dàng tấm kia cho ông A-Nan. Ông Phất-Sa-Ca xin làm đệ tử Phật và được Phật nói pháp cho nghe.
Dùng thần thông, đức Phật biết ông Thuần-Đà đang thắc mắc về việc sức khỏe của Phật suy sụp là do bữa cơm mà ông đã cúng dàng, Ngài bảo ông A-Nan tìm dịp để nói cho ông ấy biết rằng bữa cơm mà Như Lai nhận trước khi thành đạo và trước khi nhập Niết-Bàn là rất quí. Ai đã dâng hai bữa cơm ấy phải vui lên, chớ nên thắc mắc.
Sau đó đức Phật đi về phía rừng cây sa-la gần thành Câu-Thi-Na. Ông A-Nan sửa soạn chỗ nằm cho đức Phật, giữa hai cây sa-la. Đức Phật nằm nghiêng về phía tay mặt, đầu hướng về phía Bắc, trong thế sư tử tọa.
Các vị tỳ khưu ngồi vây quanh đức Phật, tất cả đều biết đức Phật sẽ nhập Niết-bàn vào gần sáng. Lúc đó, không phải là mùa hoa, ấy thế mà các cây sa-la nở hoa trắng xóa, hoa rụng phủ lên áo của đức Phật. Theo lệnh của đức Phật, ông A-Nan đi vào thành Câu-Thi-Na báo tin cho dân chúng biết. Họ đến đông đảo, đức Phật nói pháp cho họ nghe.
Trong số những người đó, có một người tu ngoại đạo, quán thông kinh sách, thọ đã 120 tuổi, tên là Tu-Bạt-Đà-La. Ông ta xin yết kiến đức Phật, ông A-Nan không thuận vì đức Phật đang mệt; tuy nhiên đức Phật bảo cứ cho ông ta vào. Ông hỏi một câu, đức Phật đáp, ông đại ngộ, xin xuất gia thành sa-môn. Đức Phật ưng thuận. Như vậy ông Tu-Bạt-Đà-La là người cuối cùng được Phật độ.
Ông không nỡ thấy đức Phật nhập Niết-Bàn nên tự ý vào Hỏa quang tam-muội để nhập Niết-Bàn trước Phật (lúc này, các ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền -Liên, La-Hầu-La đều đã viên tịch, còn ngài Ma-Ha Ca-Diếp đang đi hoằng pháp ở xa).
Đức Phật phó chúc: “Đừng thấy Như Lai nhập Niết-bàn mà cho là chánh pháp của Như Lai mất hẳn. Chánh pháp đã được Như lai giảng giải cặn kẽ cho mọi người, Như Lai không dấu diếm gì cả. Các vị đừng đi tìm một chỗ nương tựa bên ngoài nào khác. Mỗi người phải lấy chánh pháp làm nơi nương tựa.
Mỗi người phải là một hòn đảo cho chính mình. Tam Bảo có sẵn trong tâm mỗi người, khả năng giác ngộ là Phật, pháp môn tu học là Pháp, duyên hỗ trợ cho tu tập là Tăng. Tam Bảo ở trong mỗi người, đó là nơi nương tựa an ổn nhất. Hãy an trụ trong chính niệm, trong tứ niệm xứ...
Hỡi các tỳ khưu, ai còn thắc mắc điều gì về giáo pháp thì đây là lúc nên hỏi”.
Nói ba lần như vậy mà không ai lên tiếng. Đức Phật đưa mắt yên lặng nhìn đại chúng rồi nói: “Này các tỳ-khưu, hãy nghe Như Lai nói đây: vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các vị hãy tinh tiến lên để đạt giải thoát”.
Nói xong, đức Phật nhắm mắt.
Bỗng nhiên đại địa rung động. Hoa sa-la rụng xuống như mưa. Mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni đã nhập Niết-bàn.
(Chép trong Kinh Đại Bát-Niết-Bàn)
GS Nguyễn Văn Phú
Sơn Thạch Lâm
Kính lạy đức Thế Tôn, Cho đến hôm nay đọc lại phẩm kinh này con vẫn không cầm được nước mắt.
Thích 8 Trả lời 3/25/2016 1:46:05 PM