;
Trước đây, do cuộc sống còn nhiều khó khăn về kinh tế, mọi người cứ đầu tắt mặt tối ngoài đồng để kiếm miếng cơm manh áo lo cho gia đình. Bọn trẻ ăn uống thiếu thốn đạm bạc và không nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của cha mẹ. Đứa lớn có nhiệm vụ chăm sóc đứa bé để cha mẹ an tâm làm việc. Nhìn chung, bọn trẻ vẫn lớn nhanh, ngoan ngoãn, chăm làm, siêng học và có tính độc lập cao. Tuy có thiếu thốn về mặt vật chất, nhưng các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, chăm sóc và đoàn kết với nhau. Đất nước ta vượt qua cảnh đói nghèo và đạt được tốc độ phát triển như ngày nay hoàn toàn là nhờ vào đức tính kiên cường, chịu thương chịu khó, hiếu học và chăm làm của các thế hệ cha anh ngày xưa.nguoiphattu.com
Ngày nay, thời thế đã đổi khác. Không còn phải đối mặt với cảnh đói nghèo cơ cực, con người được hưởng thụ những ưu đãi về tiện nghi vật chất. Thế nhưng, việc nuôi nấng, chăm lo và dạy dỗ thế hệ trẻ đạt những thành tựu cao hơn so với những thế hệ trước vẫn đang là nỗi trăn trở của nhiều nhà xã hội học ngày nay. Làm thế nào để con trẻ trở thành những mẫu người đạo đức và thành đạt trong xã hội luôn là mối ưu tư hàng đầu của các đấng sinh thành. Vấn đề tuy khó nhưng không phải không thể làm được. Việc tìm hiểu, ứng dụng đạo Phật vào trong đời sống, kết hợp với những thành quả của tâm lý học lứa tuổi cùng với những kinh nghiệm dân gian chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề, giúp con trẻ được sống trong môi trường yêu thương, hiểu biết và cảm thông sâu sắc.
Ai cũng biết rằng nuôi trẻ là một việc rất khó nhọc. Khi mới sinh ra đời, bé cần được nâng niu bú mớm, ẵm bồng và chăm sóc. Cần phải thay tã, giặt giũ quần áo và vệ sinh bé thường xuyên. Da bé non nớt đỏ hỏn nên cha mẹ lúc nào cũng để mắt trông nom và che chở cho bé luôn được an toàn. Lớn lên chút nữa, mẹ phải khuấy thêm bột cho bé ăn, phải nghiền rau cải, khoai củ và tính toán cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Đến lúc bé biết bò, biết đi, mẹ vẫn luôn cận kề chăm nom gìn giữ và gần như không rời mắt khỏi bé phút giây nào. Mẹ phải thường xuyên trao đổi những ánh mắt nụ cười, những lời ngọt ngào ân cần và phải đóng vai người bạn nhỏ để cùng chơi với bé nữa. Ngoài ra, để giúp bé hình thành các phản xạ và mau chóng biết nói, cha mẹ còn cho bé chơi những đồ chơi có màu sắc, phát ra âm thanh và chuyện trò với bé càng nhiều càng tốt. Chỉ lúc bé ngủ, mẹ mới được nghỉ ngơi đôi chút. Vì vậy, quả thật không ngoa khi nói rằng nuôi trẻ là một việc mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Nuôi trẻ vất vả, khó nhọc như thế đấy mà dạy trẻ còn khó hơn rất nhiều. Dạy trẻ phải dạy từ thuở còn thơ thì hiệu quả giáo dục mới cao. Ví như khi trồng một cây cảnh, người thợ phải uốn cành và tạo kiểu dáng cho cây từ lúc cành còn non mềm dễ uốn; nếu để cây lớn, cành đã to cứng rồi mới uốn thì việc đó không thể nào làm được. Cũng như vậy, muốn dạy trẻ tốt, cha mẹ phải tinh tế, khôn ngoan, hiểu biết, rõ ràng và nhất quán dạy bé từ khi tuổi còn thơ ấu. Tùy mỗi tình huống, lúc thì cha mẹ cần ngọt ngào, dịu dàng, ân cần khuyên nhủ dạy bảo bé; lúc lại cần cứng rắn, nghiêm khắc và cương quyết để bé hiểu ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà không phạm lỗi nữa; Chẳng hạn, khi bé đi vấp vào ngạch cửa, bị té đau và khóc ré lên, cha mẹ cần phải vỗ về, an ủi để làm cho bé hết tấm tức khóc mà khuây khỏa trở lại. Mặt khác, lúc bé không chịu ăn, nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ rồi đạp đổ thức ăn, chúng ta nên nghiêm khắc, cương quyết giải thích cho bé hiểu rằng lỗi lầm của bé là đáng trách, không chấp nhận được và từ nay về sau bé không được tái phạm nữa. Nếu chúng ta dễ dãi, thiếu cương quyết thì sẽ làm hư trẻ, tạo điều kiện cho lỗi lầm đó lập đi lập lại mãi. Ngay từ khi bé khoảng một tuổi, chúng ta phải xác định cho bé hiểu rằng ý muốn nào của bé có thể chấp nhận được và ý thích nào không được. Ở tuổi này, trẻ đã hiểu được thế giới xung quanh và đến độ tuổi lên hai thì thế giới riêng đã định hình rồi nên lúc đó bé rất khó sửa. Cha mẹ cũng phải chú ý giữ gìn chánh niệm vì rằng mỗi lời nói, hành động và cách cư xử của bản thân sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ thơ. Cha mẹ chính là những thần tượng mà con trẻ hay để tâm học hỏi và bắt chước. Một điều cần lưu ý nữa là sự hòa hợp, đồng tình và nhất trí của cha và mẹ rất quan trọng trong việc dạy dỗ, định hình và phát triển nhân cách đạo đức cho trẻ thơ.
Đến tuổi học mẫu giáo, bé đến trường hòa nhập vào đời sống tập thể. Bé sẽ có nhiều bạn mới. Cô giáo là nhân vật rất quan trọng trong đời sống của bé từ giai đoạn này trở đi. Các bậc cha mẹ nên liên lạc thường xuyên với cô giáo để nắm bắt và điều chỉnh kịp thời những điều bất như ý xảy ra trong đời sống của con trẻ. Nên nhớ rằng, ở nhà thì bé chịu ảnh hưởng của cha mẹ; đến trường thì bé chịu ảnh hưởng của thầy cô và bạn bè. Cô giáo là người có chuyên môn và có trách nhiệm dạy cho bé những chuẩn mực đạo đức của xã hội thông qua những câu chuyện kể, những tình huống và những cách hành xử trong đời sống thường ngày. Cha mẹ và cô giáo cần phải hợp tác và thống nhất với nhau về mục đích và các phương cách dạy dỗ bé để việc giáo dục đạt hiệu quả cao.
Ở độ tuổi này, bé thích quan tâm giúp đỡ cha mẹ và có thể làm việc được rồi. Chúng ta hãy tạo điều kiện cho bé làm những việc nhẹ, vừa sức với bé như: xếp đồ chơi vào thùng, nhặt đồ rơi cho cha mẹ hay cắm bàn chải đánh răng vào đúng chỗ v.v… Tuyệt đối không nên ngăn cản bé mà hãy dịu dàng, kiên nhẫn hướng dẫn bé làm việc bằng những lời dạy cụ thể, rõ ràng, đơn giản và ngắn gọn. Nên nhớ rằng: giáo dục lao động là một trong những tiêu chí hàng đầu để hoàn thiện nhân cách đạo đức của con người. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dành nhiều thời gian quan tâm và chia sẻ những tâm tư tình cảm của bé. Hãy chăm chú lắng nghe bé kể chuyện về bạn bè, cô giáo và những điều vui buồn trong cuộc sống. Khi cần thiết, chúng ta sẽ khuyến khích động viên hay góp ý điều chỉnh một vài suy nghĩ, nhận xét của bé. Hãy nghiêm túc làm việc này từ lúc con còn bé cho đến khi trưởng thành. Trong lúc chia sẻ tâm tư với bé, cha mẹ hãy quên đi vai trò của mình mà hãy đóng vai người bạn thân của bé. Như thế, cha mẹ sẽ thiết lập được cầu nối tình cảm với con trẻ, hiểu và thông cảm với con hơn và khi cần, có thể điều chỉnh kịp thời một vấn đề xảy ra ngoài ý muốn.nguoiphattu.com
Chúng ta cũng đừng quên cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở độ tuổi từ 5-7. Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy rằng trẻ nhỏ tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng hơn nhiều so với người lớn. Các em có khả năng bắt chước cách phát âm và tự mình tìm ra các quy tắc phát âm. Việc học tiếng Anh sớm không những không ảnh hưởng đến tư duy học tiếng Việt mà ngược lại còn giúp trẻ nói tiếng Việt logic hơn. Cho trẻ học tiếng Anh sớm sẽ giúp bé nghe và nói tiếng Anh ngày càng tốt hơn. Chúng ta nên thường xuyên cho bé nghe đĩa tiếng Anh đồng thời nhanh chóng tìm một địa chỉ dạy tiếng Anh đáng tin cậy để đăng ký cho bé học.
Thông thường, bé rất thích tìm hiểu về thế giới xung quanh và thích nghe kể chuyện. Cha mẹ cần trau dồi thêm nhiều kiến thức về Phật học, khoa học cũng như về các chuẩn mực đạo đức xã hội cần thiết cho việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Chẳng hạn, chúng ta có thể kể cho bé nghe những mẩu chuyện nhỏ về đức Phật, đức Bồ tát Quán Thế Âm v.v… để giúp bé tăng trưởng tình thương yêu, hiểu biết và cảm thông đối với cha mẹ, mọi người và mọi loài chung quanh. Đặc biệt, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu về luật nhân quả để gieo mầm đạo đức cho con từ lúc mới chập chững vào đời. Theo kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi, việc giáo dục bằng luật nhân quả tạo ấn tượng rất sâu sắc và mạnh mẽ đối với trẻ thơ. Tốt hơn hết, chúng ta nên dung hòa cả hai cách giáo dục con cả bằng luật nhân quả lẫn bằng kiến thức khoa học. Ví dụ, khi trẻ làm đổ cơm nhiều trong khi ăn, chúng ta nên dạy cho bé rằng: “Con ơi, mỗi hạt cơm này thấm đầy mồ hôi và nước mắt của chú nông dân ngày đêm lao động vất vả để có cơm cho con ăn đấy. Con cố không làm đổ cơm nữa nhé! Con biết không, nếu ăn cơm mà làm đổ nhiều cơm thì kiếp sau con sẽ phải làm con gà hay con vịt để nhặt từng hạt lúa, hạt cơm mà ăn đấy. Con có muốn làm con gà, con vịt không?” Hằng ngày, chúng ta tụng kinh lễ Phật và cũng dạy cho con trẻ lễ Phật theo: “Con à! Nếu mình thường hay lễ bái chư Phật và chư Bồ tát, đời sau mình sẽ trở thành người cao quý”(Chúng tôi xin phép giới thiệu ấn phẩm mới “Nhân quả minh họa” của chùa Hoằng Pháp để hỗ trợ cho quý vị trong việc dạy dỗ con thơ). Giúp cho trẻ nhận thức không chưa đủ, cha mẹ cần trau dồi cho bé ngày càng thêm tin tưởng, kính yêu chư Phật và chư Bồ tát đồng thời chú ý hướng dẫn bé thực hành việc lễ bái Phật thường xuyên cho đến khi trở thành thói quen của bé. Như thế, chúng ta có thể an tâm hy vọng sau này con trẻ lớn lên sẽ trở thành một Phật tử thuần thành, một người con ngoan hiền và một công dân có nhân cách và phẩm chất đạo đức cao thượng.
Khi trẻ ngày càng lớn lên, cha mẹ không thể không quan tâm đến việc biến đổi tâm sinh lý của con mình. Cần hiểu rằng: tâm lý trẻ ở mỗi lứa tuổi đều có những nét đặc thù riêng. Ở lứa tuổi tiểu học, bé rất thích các trò chơi vận động như chạy, nhảy, nô đùa. Tuy nhiên, hệ xương của bé đang trong quá trình phát triển nên dễ bị cong vẹo, gẫy dập nếu va chạm mạnh. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan tâm, hướng các em đến các hoạt động vui chơi lành mạnh và an toàn. Ở nhà, bé bắt đầu tham gia lao động tự phục vụ bản thân và gia đình như tắm giặt, nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Do khả năng kiềm chế cảm xúc còn non nớt, bé rất dễ xúc động và cũng dễ nổi giận: bé hay khóc mà cũng nhanh cười. Bé rất hồn nhiên vô tư, thật thà và ngay thẳng. Nhân cách của các em lúc này còn mang tính tiềm ẩn và đang hình thành. Chúng ta cần phải kiên trì, tế nhị và khéo léo dùng những lời nhẹ nhàng mang tính gợi mở giúp hình thành những phẩm chất đạo đức, ý chí và năng lực tốt đẹp cho trẻ thơ. Cha mẹ nên là những tấm gương về nghị lực trong mắt trẻ. Mọi việc bé thường vâng theo sự sắp đặt của người lớn. Thế nên, chúng ta có thể kiểm soát việc học hành và vui chơi của trẻ. Hãy đề ra quy tắc là bé phải hoàn thành xong các bài tập ở nhà mới được xem tivi hay chơi game v.v… và nghiêm túc kiểm soát thường xuyên để trẻ thực hiện đúng quy tắc này. Nếu bé sử dụng máy vi tính trong phòng riêng, bạn hãy âm thầm nhờ chuyên viên cài đặt chương trình ghi nhận lại tất cả các trang web mà trẻ đã truy cập trong ngày để tiện bề quản lý con mình. Chúng ta cần thận trọng trong vấn đề này vì ngày nay hệ thống internet nối mạng khắp toàn cầu, trong đó có những trang web không được “trong sạch” cho lắm.nguoiphattu.com
Đến lứa tuổi thiếu niên (trung học cơ sở), cơ thể trẻ phát triển nhanh nhưng không đồng đều về mọi mặt. Đây là lứa tuổi dậy thì nên chiều cao và cân nặng của trẻ tăng đột ngột. Hệ cơ xương đang được cốt hóa nên dễ cong vẹo biến dạng. Vì thế cha mẹ nhớ thường xuyên nhắc nhở trẻ nên đứng thẳng và ngồi thẳng mọi lúc mọi nơi. Hệ thần kinh phát triển mạnh nhưng chưa cân bằng: trẻ dễ rơi vào tình trạng hưng phấn hay ức chế cao; vì thế trẻ rất hiếu động, khó làm chủ cảm xúc. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra vấn nạn bạo lực học đường. Hoạt động chủ đạo của trẻ trong giai đoạn này là giao tiếp nhóm bạn. Trẻ muốn vươn lên làm người lớn, muốn được đối xử như người lớn. Nhiều phẩm chất tâm lý mới được hình thành như: nhu cầu tình bạn, khả năng tự ý thức, muốn thiết lập cuộc sống độc lập, năng lực tự đánh giá. Tuy nhiên, trẻ còn hấp tấp, vội vàng, thích phê phán, diễn đạt ý nghĩa còn hạn hẹp, chưa chính xác nên rất cần chúng ta chỉ dẫn và uốn nắn thêm. Lứa tuổi dậy thì này đánh dấu sự trưởng thành của hệ sinh dục nên trẻ rất tò mò, muốn tìm hiểu và khát khao trải nghiệm chuyện yêu đương, thậm chí cả chuyện quan hệ gối chăn. Để gỡ rối chuyện khó này, cha mẹ không nên che giấu, ngăn cản trẻ tìm hiểu vấn đề mà ngược lại nên tế nhị, dịu dàng giải thích cho trẻ hiểu rõ ý nghĩa về những biến đổi tâm sinh lý gần đây của bản thân, về quan niệm truyền thống của gia đình và xã hội đối với chuyện ái ân lứa đôi, nhất là hậu quả của việc có con ngoài ý muốn. Mẹ nhẹ nhàng bảo:
- Con biết không, cơ thể của con đến tuổi dậy thì rồi nên con có những cảm xúc khác lạ làm con muốn biết rõ chuyện tình cảm của người lớn. Tuy nhiên, ở độ tuổi con tốt hơn hết là hãy tập trung vào việc học hành. Đến khi con trưởng thành, có công việc ổn định thì hãy tính đến việc lập gia đình. Lúc đó con sẽ có tất cả: sự nghiệp vững vàng và gia đình hạnh phúc.
- Các bạn con hiện nay vẫn có người yêu nhau và quan hệ với nhau đấy thôi?
- Tình yêu ở lứa tuổi các con thật trong sáng, thơ ngây nhưng đừng nên kết hợp với tình dục. Tình dục ở lứa tuổi vị thành niên rất nguy hiểm. Nếu sau này chia tay nhau – mà chuyện này dễ xảy ra lắm - thì người trong cuộc sẽ rất xấu hổ, ngượng ngùng mỗi khi gặp lại nhau. Tệ hơn nữa là quan hệ tình dục dễ dẫn đến việc có con ngoài ý muốn và như thế một loạt thảm kịch chắc chắn xảy ra.
- Tại sao có con ngoài ý muốn lại gặp chuyện không hay vậy mẹ?
- Thứ nhất, các con đang ở độ tuổi vị thành niên, còn đang đi học, chưa đủ chin chắn, vững vàng và khôn ngoan để có con và nuôi dạy con tốt. Thứ hai, khi có thai, người phụ nữ rất mệt mỏi và yếu đuối. Rồi họ phải chi tiêu rất nhiều để sanh nở và nuôi em bé. Vì vậy có thai trước hôn nhân sinh ra nhiều vấn đề rắc rối. Đáng buồn hơn nữa là em bé đó không có cha và rất bất hạnh so với các bạn cùng tuổi mà người mẹ cũng đau khổ lắm bởi vì gia đình và xã hội không chấp nhận và lên án chuyện có con ngoài hôn nhân.
Vì vậy, con biết không: một anh thanh niên tốt và một cô gái tốt khi yêu nhau sẽ giữ gìn tình yêu thật trong sáng, không quan hệ tình dục trước hôn nhân để duy trì hạnh phúc lâu dài và bền vững cho cuộc sống lứa đôi sau này. Họ kiên nhẫn chờ đợi đến khi trưởng thành, có việc làm ổn định, có thu nhập cao rồi mới kết hôn. Cuộc hôn nhân của họ sẽ được pháp luật bảo vệ và mọi người ủng hộ.
Phải giải thích tế nhị để trẻ hiểu rõ và có quan điểm đúng đắn, thấu đáo đối với việc quan trọng này. Đó là phương cách tốt nhất bảo vệ trẻ khỏi sa vào những rắc rối về tình dục trong độ tuổi còn quá non nớt dại khờ. Trong trường hợp trẻ có những rung động, cảm xúc mới lạ với bạn khác giới, cha mẹ đừng nên quát tháo, ngăn cấm mà hãy xem đó là chuyện bình thường, tự nhiên. Chúng ta chỉ cần định hướng cho tình cảm của trẻ đi đúng hướng: trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ, dẫu yêu vẫn phải học tốt, luôn là con ngoan, trò giỏi. Qua thời gian, thông thường loại tình cảm này sẽ phai nhạt đi mặc dầu cũng có rất ít trường hợp mối tình tuổi ô mai này sẽ ngày càng đậm đà, chín chắn và trưởng thành.
Ở độ tuổi thanh niên học sinh (trung học phổ thông), cơ thể trẻ tăng trưởng vừa phải và đạt mức phát triển gần như của người lớn: hệ cơ xương dần dần hoàn thiện; chiều cao và cân nặng phát triển chậm lại; sức mạnh cơ bắp tăng nhanh; hệ tuần hoàn hoạt động bình thường tạo ra sức chịu đựng và độ tập trung cao hơn; trẻ làm chủ được cảm xúc và tâm trạng của mình. Cha mẹ cần giáo dục cho trẻ cách ăn uống, nghỉ ngơi, học tập và rèn luyện điều độ để trẻ phát triển đầy đủ và hoàn thiện về mọi mặt. Trẻ thể hiện tính độc lập trong quan hệ với mọi người, có trách nhiệm với gia đình, chủ động tìm hiểu kết bạn cùng giới và khác giới. Tình yêu của trẻ trong độ tuổi này có tính hồn nhiên, thầm kín và dễ vỡ. Trẻ muốn chứng tỏ bản thân, muốn được đối xử yêu thương, tôn trọng và bình đẳng với người lớn. Trẻ rất muốn có sự độc lập tự quyết định. Tuy nhiên do vẫn còn non nớt thiếu kinh nghiệm nên trẻ cũng cần sự góp ý chỉ dẫn của cha mẹ. Hoạt động chủ đạo trong giai đoạn này là học tập hướng nghiệp để định hướng, chuẩn bị nghề nghiệp tương lai. Trẻ vẫn còn ham chơi, thích có nhiều bạn bè, nhưng vì ý thức được tương lai nên dốc sức học, chủ động tìm thông tin và chọn trường (có tham khảo thêm ý kiến của cha mẹ, bạn bè và thầy cô). Người lớn phải biết quan tâm chú ý, lắng nghe và góp ý hướng dẫn cho trẻ đi đúng hướng trong sự yêu thương, tôn trọng và cảm thông đối với con mình.
Tóm lại, cha mẹ có trách nhiệm rất lớn trong suốt quá trình nuôi dạy con trẻ từ lúc còn thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Ròng rã hơn 18 năm dài, Người lúc là người cha hiền/ mẹ hiền, lúc là người thầy đầy tình thương và trách nhiệm, lúc lại là người bạn thân cùng tâm sự, chia sẻ ngọt bùi cay đắng với con thơ. Vì tương lai của con trẻ, cha mẹ đã hy sinh vô cùng vô tận để dâng tặng cho con bao hoa trái tươi ngọt trong cuộc đời. Công lao trời biển của cha mẹ, con cái khó lòng thấu hiểu trọn vẹn. Chẳng thế mà dân gian vẫn có câu rằng: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Cha mẹ xưa nuôi ta khó nhọc thế ấy. Để đến ngày nay, khi được làm cha, làm mẹ, ta lại hết lòng dành trọn cuộc đời nuôi dạy con khờ, làm kiếp tằm nhả tơ kéo kén sưởi ấm từng bước đăng trình cho con thơ yêu dấu.
Đoan Thanh