Ngài Đại Tăng thống đã đón đoàn tại cửa phương trượng. HT.Thích Trí Quảng cùng phái đoàn đã thắp nến, dâng hương, hoa sen cúng dường lên Đức Phật.
HT.Thích Trí Quảng thắp nến trước bàn thờ Phật theo nghi lễ Phật giáo Campuchia
Hoà thượng Trưởng phái đoàn GHPGVN đã thăm hỏi sức khoẻ của ngài Đại Tăng thống, bày tỏ niềm vui được gặp lại ngài ngay trên đất nước Campuchia sau nhiều lần gặp gỡ tại các hội nghị, sự kiện Phật giáo quốc tế tổ chức tại nhiều quốc gia mà hai ngài là khách mời đặc biệt đại diện cho Phật giáo hai nước.
Ngài Đại Tăng thống Tep Vong bày tỏ niềm vui khi được
tiếp đón đoàn cấp cao GHPGVN thăm Campuchia
Hai vị Hoà thượng đã ôn lại những dấu ấn lịch sử và mối thâm giao giữa Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là Phật giáo giữa hai nước từ nhiều năm trước.
“Đầu thế kỷ XX, nhiều vị Tăng Việt Nam đã sang Campuchia tu học, sau đó truyền bá Phật giáo Nam tông về Việt Nam như chư vị HT.Siêu Việt, Giới Nghiêm, Bửu Chơn…; ngược lại cũng có nhiều vị Tăng Việt Nam đưa Phật giáo Đại thừa vào Campuchia. Hiện nay, tại đất nước Chùa Tháp có rất nhiều người Việt sinh sống, và cũng có rất nhiều sư sãi Nam tông Khmer đang tu học trên đất nước Việt Nam, trong lòng GHPGVN. Chuyến thăm Phật giáo Campuchia lần này theo truyền thống tốt đẹp đó, đồng thời phát triển mối quan hệ giữa Phật giáo và hai đất nước qua Phật giáo trong mục đích chung là xây dựng nền hoà bình, vì sự an lạc cho số đông”, HT.Thích Trí Quảng phát biểu.
TT.Thích Thiện Thống, Uỷ viên Thư ký HĐTS, Thư ký đoàn đã thông tin tóm tắt đến Hoà thượng Đại Tăng thống về tình hình hoạt động của GHPGVN. Theo đó, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 10.000 sư sãi Nam tông Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer đều có Đại tạng kinh tiếng Campuchia.
TT.Thích Thiện Thống thông tin về GHPGVN
“Chúng tôi ủng hộ con đường trung đạo mà GHPGVN đã đi trong lịch sử, qua việc đấu tranh bảo vệ Chánh pháp năm 1963, trong việc thành lập GHPGVN năm 1981, cũng như đang đi hiện nay. Bản thân tôi đã chứng kiến những khổ đau do chiến tranh, những thiệt hại trầm trọng do các chính sách cực đoan gây ra cho đất nước và người dân, trong đó có Phật giáo. Là đệ tử Đức Phật, chúng ta cần tham gia xây dựng xứ sở theo con đường trung đạo, tránh xa các cực đoan, nhằm xây dựng sự hoà hợp, lợi lạc cho số đông”, Hoà thượng Đại Tăng thống chia sẻ.
HT.Tep Vong bày tỏ niềm tri ân đối với đất nước và Phật giáo VN đã giúp đỡ Campuchia vượt qua những khó khăn trong quá khứ và tiếp tục hỗ trợ trong hiện tại
Trao quà lưu niệm
Cũng trong buổi sáng này, đoàn đã đến thăm HT.Bour Kry, Đại Tăng thống phái Thamayut Nikya tại trụ sở Đại học Phật giáo Preah Sihamoniraja (Phnom Penh).
HT.Bour Kry đã có lời chào mừng đến Hoà thượng Trưởng phái đoàn cùng các thành viên tháp tùng. Sau thời kinh ngắn chúc phúc cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia luôn phát triển và bền vững, Hoà thượng Đại Tăng thống cũng đã thông báo đến đoàn các hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục của Phật giáo Vương quốc Campuchia. Đại Tăng thống Bour Kry ngỏ lời mong muốn trong tương lai sẽ có các hoạt động trao đổi, giao lưu giáo sư, Tăng sinh, sinh viên giữa các Học viện PGVN với các đại học Phật giáo tại Campuchia.
Đại Tăng thống Bour Kry tiếp đoàn GHPGVN
Hoà thượng Đại Tăng thống cho biết: Tại Campuchia, Phật giáo được Hiến pháp công nhận và bảo vệ. Các hoạt động Phật sự được điều hành theo hệ thống quản lý hành chánh của Bộ Lễ nghi và Tôn giáo từ Trung ương đến địa phương. Tất cả việc bổ nhiệm các nhân sự thuộc Phật giáo đều phải có sự đồng thuận của hai vị Đại Tăng thống thuộc hai hệ phái Maha Nikaya và Thamayut Nikaya mới trở nên chính thức và hợp pháp.
Hai vị lãnh đạo Phật đã gặp gỡ nhau trong nhiều hội nghị quốc tế trước đây
HT.Thích Trí Quảng đã nhắc lại những dịp 2 vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo hai đất nước đã từng gặp nhau tại các hội nghị, sự kiện Phật giáo quốc tế ở Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… trong tình đạo vị thân thiết. Trước khi tạm biệt, hai Hoà thượng đã trao tặng những món quà lưu niệm ý nghĩa.
Trước khi tham dự tiệc chay theo lời mời của ngài Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo, đoàn đã được hướng dẫn tham quan Hoàng cung, thăm chùa Phật Ngọc Bích (chùa Vàng chùa Bạc) – một địa chỉ văn hoá-chính trị-tôn giáo quan trọng ở thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia; đặt hoa, cầu nguyện tại Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam.
Thăm và cầu nguyện tại Đài Tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam
Tham quan Hoàng cung
Nhân chuyến thăm hữu nghị Phật giáo Vương quốc Campuchia, cùng ngày phái đoàn cấp cao GHPGVN đã đến thăm Bộ Tôn giáo và Lễ nghi Vương quốc Campuchia. Sau lời chào hỏi xã giao giữa hai bên, ông Bộ trưởng đã thông tin về tình hình tôn giáo tại Campuchia. Theo đó, mặc dù Hiến pháp công nhận đạo Phật là quốc giáo ở đất nước chùa tháp, với 95% dân số là tín đồ Phật giáo, nhưng không vì thế mà chính phủ có những hạn chế đối với các tôn giáo khác. Ki-tô giáo chiếm khoảng 2%, Hồi giáo khoảng 1%..., ảnh hưởng trong xã hội không nhiều.
Hiến pháp quy định mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, có quyền tin hoặc không tin theo một tôn giáo nào đó, nhưng không có quyền chỉ trích, xúc phạm đức tin của người khác.
Chính phủ Vương quốc Campuchia rất chú trọng công tác đào tạo sư sãi. Hiện nay, hệ thống giáo dục Phật giáo ở đây hoàn chỉnh từ tiểu học, trung học cho đến đại học (có 3 trường đại học Phật giáo), trong tương lai gần, sẽ xây dựng thêm một trường đại học. Chính phủ ý thức tầm quan trọng của công tác đào tạo Tăng tài đủ khả năng tham gia các công tác xã hội, không chỉ hoằng pháp mà còn góp phần cải thiện xã hội theo hướng tốt đẹp trong truyền thống của đất nước Campuchia.
Ông Bộ trưởng bày tỏ niềm tiếc nuối rằng thời gian lưu lại Campuchia của đoàn GHPGVN quá ngắn, ông muốn được mời đoàn đi thăm nhiều danh thắng, di sản văn hoá ở nhiều địa phương của đất nước ông, để qua đó, Hoà thượng Trưởng đoàn và các thành viên tận mắt chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của đất nước Campuchia về mọi phương diện sau khi thoát khỏi nạn diệt chủng mà Việt Nam đã có công sức, hy sinh xương máu rất nhiều.
HT.Thích Trí Quảng đã cảm ơn thịnh tình, sự chu đáo và trọng thị của Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia đã dành cho đoàn từ lúc đạt chân đến Sân bay quốc tế Pochentong. “Trước sự phục hồi kỳ diệu của đất nước và Phật giáo Vương quốc Campuchia, qua những con số, thông tin mà ngài Bộ trưởng và các vị quan chức thuộc Bộ đã cung cấp, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Phật giáo nói riêng và đất nước Campuchia nói chung sẽ tiếp tục phát triển bền vững”, Hoà thượng nói.
Hoà thượng cũng đã chúc mừng Campuchia trong thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc các vai trò điều phối quốc tế, khu vực về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá…, vị trí Campuchia ngày càng được thế giới đánh giá cao. Hoà thượng cũng bày tỏ sự đáng tiếc rằng thời gian này là mùa An cư kiết hạ của chư Tăng Ni ở Việt Nam nên không có điều kiện lưu ngụ lâu để được tham quan đất nước Chùa Tháp theo lời mời của ông Bộ trưởng.
Ông Bộ trưởng cũng thông tin đến đoàn rằng, 2012 là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, hai đất nước láng giềng có đến 10 tỉnh chung biên giới. Ông cho biết thêm rằng, Việt Nam có chính sách rất thân thiện, tình cảm và bình đẳng đối với người dân Campuchia ở các tỉnh có biên giới với Việt Nam nói riêng và người Campuchia nói chung, không hề có sự phân biệt đối xử trong các dịch vụ y tế, mà còn giúp đỡ phía Campuchia rất nhiều trong việc mở trường học, đi lại, xây nhà, làm đường, cứu trợ thiên tai, đầu tư kinh tế tạo công ăn việc làm cho người dân… “Hai dân tộc, hai đất nước như hai anh em thương và hiểu lẫn nhau”, ông Bộ trưởng bộc bạch thân tình.
Như đã nói, là một vương quốc lấy Phật giáo làm quốc giáo, nên hình ảnh Phật giáo như ảnh tượng Đức Phật, cờ Phật giáo hiện diện khắp nơi, tại các công sở hành chánh của chính phủ, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng và dễ cảm thông với tất cả những ai là đệ tử Đức Phật, dù đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, dù có mang trên mình sắc tộc nào.
Buổi làm việc với Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia đã khép lại chương trình làm việc chính thức của đoàn GHPGVN trên đất nước Chùa Tháp.
“Chuyến Phật sự này của đoàn GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp”, HT.Thích Trí Quảng, Trưởng đoàn đã đúc kết trong phiên họp đúc kết kinh nghiệm chiều tối 12-6 sau khi tham khảo ý kiến của tất cả thành viên trong đoàn. Sáng 13-6, đoàn sẽ đi thăm một số chùa Việt Nam và Phật tử kiều bào tại Phnom Penh, sau đó sẽ rời Campuchia về nước vào chiều cùng ngày.
Hoàng Độ (từ Phnom Penh) - Nguồn Ghpgvn