;
>Người Phật tử trước thực trạng truyền thông đưa tin tiêu cực về Phật giáo
>Video bôi xấu tu sĩ Phật giáo: Nhìn từ thủ đoạn
Một trong những phản ứng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đối với việc truyền thông video bôi xấu tu sĩ Phật giáo xuất hiện
trong tháng 12/2014 là Công văn gửi các cơ quan truyền thông về việc đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng.
Phản ứng như thế là cần thiết, tuy nhiên, nếu nhìn từ chuyên môn truyền thông, thì có những vấn đề cần bàn luận.
Dưới đây là việc trao đổi những ý kiến như vậy, với mong muốn những nhà lãnh đạo Phật giáo có thể có thêm đôi chút những tham khảo phần nào có ích đối với việc giải quyết những sự kiện tương tự về sau.
Cơ chế lan truyền bằng báo mạng không phải chờ đến chu kỳ ra báo (báo giấy là một ngày), nên đơn vị thời gian phản ứng chỉ còn là từng giờ. Nếu sự việc đã kéo từ thượng tuần đến gần cuối tháng mới có phản ứng đề nghị không đăng tải khi chưa kiểm chứng là quá muộn.
Việc muộn màng đó còn bộc lộ một vấn đề khác, gay go hơn, phức tạp hơn, là câu hỏi vì sao chưa kiểm chứng, vì sao kiểm chứng chậm như thế, rồi từ đó, sẽ có kiểu tin “khó hiểu chưa kiểm chứng”, rất rối rắm.
Đối với trường hợp những tin như vậy, thì mâu thuẫn giữa của 2 lực ngược chiều che đậy ngăn chận và lan truyền phơi bày càng cao, tin càng trở nên có giá trị, càng nóng, càng hấp dẫn.
Công văn của GHPGVN về việc đăng tải tin chưa kiểm chứng liên hệ đến Phật giáo đã đẩy mâu thuẫn ngăn chận/lan truyền lên đến đỉnh cao, và như thế gián tiếp làm tăng giá trị của những bản tin muốn hạn chế. Tức là bên cạnh tác dụng ngăn chặn những loại tin như thế công văn là hành động hâm nóng một bản tin đã nguội sau 2 tuần và tăng giá trị của nó. Đây là một loại tác dụng phụ tác dụng ngoài ý muốn, của phương thuốc can thiệp hành chính vào hoạt động truyền thông đại chúng mà chúng ta cần lưu ý.
Truyền thông không tổ chức, không kiểm soát hiện nay, gồm blog cá nhân, facebook, diễn đàn mạng, thông tin bằng điện thoại di động nếu ở trong nước, và ở ngoài nước thì gồm cả đài phát thanh, đài truyền hình, trang web cả tiếng Việt, báo in giấy tiếng nước ngoài phát hành ở Việt Nam…
Truyền thông mạng xã hội, truyền thông nhà nước không thể kiểm soát này ngày càng phát triển, tỷ lệ công chúng ngày càng tăng cao. Vì vậy, phạm vi mà can thiệp hành chính có thể tác động đến truyền thông ngày càng thu hẹp, ngày càng hạn chế tác dụng. Phật giáo Việt Nam chúng ta nên chú ý đến điểm này trong phản ứng. Theo đó, tuy vẫn có thể phản ứng bằng con đường hành chính, nhưng phản ứng chủ yếu và thích hợp phải là sử dụng chính truyền thông để giải quyết những vấn đề truyền thông.
Ngày nay, việc ngăn chận hoàn toàn thông tin bằng biện pháp hành chính là không thể, mà nên tính đến việc hóa giải, trung hòa, đính chính hay bác bỏ bằng chính truyền thông mà thôi.
Trong hoạt động truyền thông, phương thức và nội dung đưa tin rất đa dạng, không chỉ quy về 2 loại có hoặc không. Với những tin “hot”, tin giật gân, “breaking news”, dù tin chưa kiểm chứng, người ta vẫn có thể đưa tin dưới nhiều vỏ bọc, chính những vỏ bọc “đang được kiểm chứng” (một cách diễn đạt việc chưa kiểm chứng có kết quả), “chưa thể kiểm chứng”, “việc kiểm chứng có nhiều khó khăn”, “đã kiểm chứng trong thời gian dài nhưng chưa có kết quả”… là yếu tố làm cho tin thêm hấp dẫn, thu hút.
Tin chưa kiểm chứng, kiểm chứng chưa có kết quả, kiểm chứng kéo dài… sẽ là những yếu tố làm tăng giá trị của tin, làm tăng sức thu hút, làm nâng cao tác động của tin.
Bên cạnh đó, cái kiểu đưa tin nửa kín, nửa lộ, chờ kiểm chứng… sẽ là tin mồi để làm nóng những tin sẽ đưa tiếp theo về vụ việc.
Cùng một bản tin mà báo Khánh Hòa đã đưa về vụ việc video bôi xấu tu sĩ Phật giáo, nếu diễn đạt khéo hơn, không ghi nhận về dư luận, mà nấp dưới việc ghi nhận khả năng giả mạo/sự thật, trông chờ vào kiểm chứng, thì sẽ khó mà có lý do để phạt dù vẫn đạt yêu cầu về nội dung.
Hơn nữa, công văn của giáo hội gửi các cơ quan truyền thông về việc đăng tải tin liên hệ đến Phật giáo chưa kiểm chứng có thể làm cớ để nêu những tin nghi vấn kiểu vì sao kiểm chứng quá lâu chưa có kết quả, một lần nữa nhắc lại vụ việc…, cũng rất bất lợi cho Phật giáo Việt Nam.
Thí dụ ở những trường hợp xung đột giữa 2 phe mà mỗi bên đưa một con số thiệt hại khác nhau. Chắc chắn không thể 2 bên đều đúng và có thể 2 bên đều sai, nhưng cơ quan truyền thông vẫn đưa tin đầy đủ với chú thích “không thể kiểm chứng”. Không thể kiểm chứng, không thể xác định độc lập… không phải là một tiêu chuẩn để đưa tin trong truyền thông. Vì vậy, nếu phía Phật giáo nêu đây như một tiêu chuẩn đưa tin đối với các cơ quan truyền thông, thì e có thể không hoàn toàn thuyết phục về mặt chuyên môn. Truyền thông chắc chắn không thể đưa một tin đã biết chắc chắn là sai, nhưng vẫn có thể đưa những dạng tin đồn (không chắc chắn thất thiệt) với chú thích rõ ràng.
Quan hệ với giới truyền thông là một dạng quan hệ thuộc loại phức tạp cực điểm. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam nên có sự chủ động chuẩn bị ở mức cao và cần hết sức uyển chuyển. Tôn giáo nói chung, không riêng gì Phật giáo, là một lãnh vực mà truyền thông rất nhạy cảm. Cũng cùng một sự việc, nhưng với đối tượng dân thường thì không là tin, nhưng có liên hệ đến nhân sự tôn giáo thì sẽ là tin cực nóng. Cần lưu ý đặc điểm này trong quan hệ truyền thông – tôn giáo khi có xảy ra vấn đề trong lúc tôn giáo không thể ra lệnh được cho truyền thông, dù là truyền thông chính thức, còn đối với cả lĩnh vực truyền thông (gồm truyền thông mạng, truyền thông xã hội…) càng nên tế nhị. Chẳng hạn như đối với Báo Phụ nữ TPHCM, thì đối với Phật giáo Việt Nam, theo tôi, đã có vấn đề trong quan hệ.
Nếu có thuận duyên, trong một bài tiếp theo cùng đề tài, chúng tôi sẽ đề xuất một mô hình để phật giáo Việt Nam đối phó những việc mà từ ngữ thông dụng hiện nay gọi là khủng hoảng truyền thông.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.