;
Sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, tác giả Trần Mai Hạnh, là một trong những quyển sách được nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội phát hành nhân dịp lễ 30/4/2015. Sách là một quyển tiểu thuyết tư liệu lịch sử, xen lẫn giữa ký sự, tư liệu và hư cầu, rất có giá trị trong nghiên cứu chiến tranh Việt Nam. Sách giới hạn thời gian từ tháng 1/1975, sau trận Phước Long cho đến ngày 30/4/1975 với một số ghi chú sau đó.
Tôi đọc quyển sách này trong dịp 30/4/2015, với một trong những quan tâm chính là Phật giáo miền Nam Việt Nam trong giai đoạn nói trên đã được tác giả Trần Mai Hạnh ghi nhận lại thế nào.
Dưới đây là một số ghi nhận:
“Ngày 9-1, Thiệu đến Vương Cung Thánh Đường (Nhà thờ Đức Bà) dự lễ cầu nguyện cho “chiến sĩ và đồng bào Phước Long” (theo cách nói trong Tuyên cáo của Thiệu). Thánh lễ cầu nguyện do cha Huỳnh Văn Nghi chủ lễ. Tham dự có đầy đủ bộ sậu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó: chủ tịch hạ viện, chủ tịch tối cao pháp viện, chủ tịch giám sát viện, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, các tổng, bộ trưởng và rất nhiều tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm thì tới dự lễ cầu nguyện tại “Việt Nam Quốc Tự”.
Và một đoạn khác ở trang 227: “Ninh Chữ cách Phan Rang năm dặm về phía Bắc, là quê Thiệu. Thiệu vốn theo đạo Phật, mãi đến khi theo phò Diệm mới bỏ đạo Phật theo đạo Thiên chúa. Khi đã leo lên ngôi Tổng thống, thỉnh thoảng Thiệu cũng về quê thăm mồ mả. Cái chính là Thiệu rất mê tín. Nghe Quỷ Cốc Tử ở Đài Bắc rồi cả thầy tướng riêng của mình ở Sài Gòn phán, Thiệu rất sợ chuyện động mồ động mả, ảnh hướng đến sinh mạng chính trị của Thiệu. Thiệu đã cho công binh xây ở quê nhà một ngôi chùa lộng lẫy giữa lưng chừng núi, để mẹ Thiệu đêm ngày ở đó tu nhân tích đức”.
“Buông phịch tấm thân nặng nề xuống chiếc ghế bành bọc da đỏ, Tổng thống Dương Văn Minh gọi Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng của nội các mới chưa kịp ra mắt tới, hỏi:
- Sao, tình hình giải pháp chính trị tới đâu?
Vũ Văn Mẫu trả lời:
- Trình Tổng thống! Tình hình tốt đẹp. Đại sứ Pháp Meriông đảm bảo việc liên lạc với Mật trận.
Ngay lúc ấy, Dương Văn Minh đứng lên gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với Thích Trí Quang. Cuộc điện thoại diễn ra hết sức ngắn ngủi và bi đát:
- Thưa thầy! Người thầy cho đi bắt liên lạc đã về chưa?
- Chưa về!
- Như vậy vấn đề sáng nay chưa có kết quả?
- Không xong!
- Tôi tin thầy, bây giờ thầy nói vậy tôi còn biết tin ai, còn đánh gì nữa, còn giải pháp gì nữa!
- Tôi tu hành không biết về chính trị và quân sự, Đại tướng tự quyết định lấy”.
Tuy nhiên, người đọc cũng sẽ thấy nhân vật Thích Trí Quang cũng ngây thơ như Đại sứ Pháp. Giờ đó mà còn thương lượng gì nữa, ai mà chịu. Còn liên lạc thì cử người ra Hà Nội thì may ra, chứ liên lạc với Mặt trận hay trại David thì liên lạc làm chi?
Trên đây là ghi nhận đến bạn đọc từ một quyển sách nhiều tư liệu lịch sử để bạn đọc có một số thông tin về Phật giáo miền Nam Việt Nam trong những ngày tháng 4/1975. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất phái Ấn Quang tham gia sâu vào chính trị nhưng hiệu quả thì không có gì. Vai trò của Phật giáo Ấn Quang không là gì hết, lại trở thành chỗ để cho bị mỉa mai, chế giễu. Một bài học có thể rút ra là Phật giáo nên giới hạn trong việc tu hành, chỉ nhập thế trước những vấn đề chung của xã hội, không nên vướng sâu vào chính trị như ở miền Nam trước 1975.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.