;
Trong 30 năm mà đã phải mất 20 năm để chỉnh đốn nhân sự , hoàn chỉnh Hiến chương và hoạch định phương án đi vào nề nếp. Trong suốt thời gian đó, sinh hoạt của Giáo Hội mang tính cầm chừng, tưởng như lúng túng chưa có lối thoát. Nhưng, những năm gần đây của 10 năm sau cùng, Giáo hội có những chuyển biến tích cực, không những phục hưng nội lực mà còn gắn kết với những thăng tiến của xã hội, và đóng góp tâm linh cho đất nước đang đối mặt nhiều khó khăn.
Tuy Giáo hội chưa đầy đủ các Ban Trị sự phủ kín các tỉnh thành theo đơn vị hành chánh của quốc gia, nhưng cũng đã có những sinh hoạt đồng bộ lễ nghi tôn giáo đến hoạt động xã hội. Song song đó, các am tự viện vươn dậy qua những sinh hoạt mới về đạo tràng, về pháp tu, cả những lãnh vực văn học trên báo giấy, trên diễn đàn mạng lưới toàn cầu và có mặt trên cả sân khấu nghệ thuật. Việc tự phát của các chùa viện góp phần cho xã hội được đơm hoa, xác định được sức sống của Phật giáo trong lòng xã hội. Các tu sĩ trẻ ngày càng được trang bị kiến thức; một số tu sĩ lăn xã và sáng tạo để hoằng pháp, không những vùng sâu vùng cao mà còn trong trại giam. Hinh ảnh Bố Đại Hòa Thượng cũng được một số anh em Tiếp Hiện chùa Pháp Vân thực hiện làm quen với quần chúng trong những dịp lễ Phật giáo. Một số ngành nghề trong xã hội, tu sĩ và cư sĩ Phật giáo chưa đủ điều kiện tham gia mang tính đại biểu như công thương, kỷ thuật, khoa học, sáng chế…
Những họat động nổi cộm như từ thiện xã hội, một số chùa vẫn còn sinh hoạt theo cao trào, theo truyền thống nên kết quả chưa đạt như ý. Một số rất ít những cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn mang lại hiệu quả có ý nghĩa thật sự. Kiến tạo cơ sở vật chất bị lạm phát đưa đến cung thừa cầu thiếu trở nên phí phạm. Điều nầy giáo hội chưa có quy định rõ về nhu cầu kiến thiết, mô thức kiến tạo, điều kiện xây dựng mang tính nghệ thuật tôn giáo. Phật giáo đang có khuynh hướng nặng về hình thức trong khi nội chất tu dưỡng bị xao lãng. Một số cơ sở phát động phong trào tu Tịnh giúp cho quần chúng có căn cơ thấp tìm nơi nương tựa tâm linh, cũng từ đó, một số nơi bị lạm phát về mô thức, trống vắng nội lực. Phật giáo đang cần những đạo tràng tu tập các pháp môn thật hữu hiệu để giải quyết sự mất cân bằng tâm lý trong cuộc sống hiện nay. Các tệ nạn sư giả vẫn còn là vấn đề nan giải. Giáo hội vẫn chưa giải quyết nơi ăn chốn ở cho Tăng Ni sinh từ các tỉnh thành dồn về tu học, và một số Tăng Ni sinh chưa đủ khả năng tự túc chi phí , chưa có sự hỗ trợ của thầy tổ và của bá tánh, vì thế việc học hành không ít khó khăn, chưa định hướng được mục đích và môn học, không đủ tiêu chuẩn vào Học viện, dẫn đến lỡ thầy lỡ thợ, chơi vơi giữa phố thị phồn hoa, ảnh hưởng oai nghi của một tu sĩ. Các giảng sư trẻ hiện nay góp phần không nhỏ đưa quần chúng đến với đạo Phật. Các giảng sư đó đã chứng tỏ khả năng vốn có, cần phải bồi dưỡng thêm về kiến thức và nội lực sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Có những giảng sư có tài thu hút quần chúng, nhưng không qua trường lớp đạo lý, tùy tiện dẫn giải giáo lý sai lệch, kéo giáo lý xuống ngang tầm giá trị đạo đức thế tục. Ban Hoằng pháp từng tổ chức nhiều lớp giảng sư và bồi dưỡng, nhưng kết quả quá khiêm tốn, vì hướng trình chưa cụ thể, chưa nắm đúng trọng điểm yêu cầu.
Về hành chánh, thỉnh thoảng xuất hiện những văn thư đột xuất chưa đúng nguyên tắc. Một số hạ tầng cơ sở chưa nắm vững ngôn ngữ của văn thư và ngôn ngữ thuộc văn học, dẫn đến một văn thư dài dòng lê thê chỉ hàm chứa nội dung ít ỏi. Mỗi năm cần có những lớp hành chánh đào tạo cho cán bộ giáo hội các cấp.
Kế hoạch mỗi ký 5 năm vẫn chưa có nhiều sáng tạo. Tuy tất cả đã vào nề nếp, nhưng xét thấy những phạm vi cư sĩ trong các ngành nghề của xã hội, vẫn chưa được quan tâm và kết hợp đúng mức. Tổ chức Giáo hội mang tính Tăng sĩ hơn là mang tính quần chúng. Thanh thiếu niên, học sinh, tiểu thương, quân đội, lực lượng bán vũ trang, lực lượng hành chánh, công nhân, nông dân, người cao tuổi…vẫn chưa được trở thành những đơn vị Phật tử cơ bản; Chính vì thiếu hạ tầng cơ sở mà hoạt động và huy động của Giáo hội mang tính hạn chế. 30 năm qua, Giáo Hội Phật giáo là giáo hội của lớp tu sĩ chứ không phải giáo hội của quần chúng Phật giáo, muốn Đạo Phật đi vào quần chúng, cần phải tổ chức lại hệ thống dọc xuyến suốt từ thượng đến hạ tầng xã hội. Huy động quần chúng tham gia tất cả mọi sinh hoạt đoản kỳ cũng như trường kỳ theo kế hoạch của đại hội.
Giáo hội chưa có tiếng nói trung thực và kịp thời trước những biến cố trong xã hội và trong quốc gia. Các giảng sư né tránh vấn đề nhạy cảm, cũng có giảng sư phát biểu theo khuynh hướng cá nhân, không đại diện cho toàn bộ Phật giáo, vì thế làm lệch lạc tinh thần giáo lý đạo Phật trước vấn đề chính trị và xã hội. Tuy nhiên, 10 năm trở lại, Giáo hội nỗ lực xây dựng các cơ sở tại Đông Âu và một vài vùng phụ cận để tín đồ tha hương có nơi quy ngưỡng. Một vài hoang đảo cũng mọc chùa, giúp cho dân tộc xác định lãnh thổ của tổ tiên; Tuy là việc làm hậu thuẩn nhỏ, cũng đã nói lên trách nhiệm đối với dân tộc đang đối diện sóng gió.
Nhiệm kỳ năm năm sắp tới và kỷ niệm 30 năm có mặt, Giáo hội cần có những kế sách thông thoáng mang tính chủ động và nhạy bén mới đáp ứng kịp thời những yêu cầu của dân tộc. Kinh tế, chính trị, kiến thức, khoa học…đang đồng bộ phát triển, Giáo hội cần tìm hướng đi đúng để không những tự phát triển mà còn đóng góp tích cực cho xã hội. Đội ngũ cán bộ giáo hội cần tập huấn nhiều, vì hiện nay, cán bộ giáo hội vẫn còn lầm lẫn tác phong hành chánh và tác phong tôn giáo, việc hành chánh cứ như việc chùa, đôi khi còn tùy tiện mà không theo nguyên tắc.
30 năm qua, tuy có chậm chạp phát triển, nhưng một khi đã phát triển, cái trớn đó nầy sinh ra nhiều sáng tạo để Giáo hội linh động hơn, các tu sĩ và am tự viện cũng mạnh dạn phát triển theo chiều hướng tích cực hơn . Dẫu sao, bộ mặt Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều tín hiệu tốt đẹp hơn thập niên 90 của thế kỷ XX về trước. Vấn đề là Phật giáo nói chung và Giáo Hội nói riêng cần mạnh dạn thể hiện bản lãnh tự quyết và tính sáng tạo độc lập để chủ động trong việc điều hàng Phật sự.
30 năm một chặng đường dài của kiếp người, nhưng đoạn đường ngắn của một tổ chức tôn giáo đang tồn tại. Quá khứ luôn là nền tảng xây dựng tương lai; một quá khứ tiêu cực sẽ là kinh nghiệm tiến lên tích cực, một quá khứ sáng giá sẽ là tương lai cho những sáng tạo tiếp theo của thế hệ trẻ. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam – 30 năm nhìn lại vẫn còn là vấn đề mang tính thời sự của một dân tộc.