nguoiphattu.com Tất cả con người trên thế gian đều có khả năng trở thành một vị Phật, nếu sống và thực hành đúng bát chánh đạo. Không cần phải thờ lạy tượng Phật, không cần phải đi chùa, không cần phải tự xưng là Phật tử hay Điều ngự tử. - Tại sao vậy?
Câu Hỏi: From: backieuphong
Phật Thích Ca là người Ấn Độ mà người ta không tạc hình Đức Phật mầu đen mà lại tạc mầu trắng, có người lại bầy trò tạc tượng Phật bằng đá Ngọc Bích, cũng như tượng Phật Bà Quan Âm cũng tạc mầu trắng, lại trông rất giống Đức Mẹ Maria... là người da trắng... Cũng xin mở dấu ngoặc là tượng Phật Ngọc trước khi đem đi diễu hành tại Mỹ thì lại được đưa về Việt Nam (mà không được đưa về Ấn Độ hay Tích Lan (Ceylon) để cầu chứng... Câu hỏi này đã được nhiều Phật tử thắc mắc nhưng chưa ai dám trả lời rõ ràng. Tóm lại, những người "bạn" Phật Tử hãy đọc lại lịch sử Phật Giáo đi và đem những điều ấy mà dậy bảo lẫn nhau, đừng có "cãi lại Đức Phật và Lịch Sử Phật Giáo" mà cãi gàn cãi bướng theo kiểu cứ nhận xằng 90% công dân là Phật Giáo đồ... Mong lắm thay... mọi Phật Tử thoát được lòng u minh, tăm tối để khỏi suốt ngày đấm ngực người khác, không đấm ngực mình...
Lời giải đáp của BBT.PHTQ Canada:
Trên đây là lời của một vị theo đạo khác, qua email, không phải Phật tử, cho nên không hiểu sâu, không hiểu thấu đáo giáo lý đạo Phật. Cũng vậy, người tuy theo đạo Phật, nhưng chỉ biết đi chùa, hùa theo các người truyền bá mê tín dị đoan trong các chùa chiền, tu sĩ cũng như cư sĩ, thì khó cảm nhận pháp vị an lạc hạnh phúc từ nơi chánh pháp.
Tượng Phật hay tượng Bồ tát nếu tạc từ đồng đen, sẽ có màu đen, tạc từ vàng hay đồng sẽ có màu vàng hay đồng, tạc từ đá trắng, đá xanh, sẽ có màu trắng hay xanh. Đó là điều hiển nhiên, có gì phải tranh cãi.
Đức Phật lịch sử là con người có thật, không hoang đường, hoang tưởng, huyễn hoặc, huyền thoại, không nói chuyện trên trời dưới biển. Ngài đản sanh và sống tại Ấn Độ như bao nhiêu con người trên thế gian này. Ngài tu hành gian khổ và đắc đạo, cũng ngay trên thế gian này, chứ không đợi vãng sanh về cực lạc mới chịu tu, cho dễ, cho sướng.
Các tôn giáo khác thường chỉ thờ 1 vị giáo chủ, gọi là độc thần, còn tất cả con người trên thế gian nếu thuận theo giáo chủ, thuận theo giáo hội, thì sẽ được lên thiên đàng để làm tôi tớ, làm đầy tớ của vị giáo chủ, không bao giờ được bình đẳng, đó là tư tưởng nô lệ, hèn yếu, kém cỏi.
Ngày nay nhiều người tuy miệng niệm Phật, nhưng không chịu học hiểu giáo lý, cho nên không biết cách áp dụng vào đời sống hàng ngày để được an lạc hạnh phúc hiện đời, và đạt giác ngộ giải thoát sau này. Họ suốt tháng quanh năm cứ nói chuyện chờ vãng sanh (chết), chờ Phật rước, không màng tu tâm dưỡng tánh, tu nhân tích đức, không tìm hiểu rõ ràng những lời đức Phật dạy, tin bừa tin càng những người khoác áo cà sa, tại gia hay tại chùa, tuyên truyền những tà pháp về việc vãng sanh, không cần tu hành, chỉ cần niệm Phật 10 tiếng thôi, cũng được vãng sanh! Như vậy, đức tin này khác chi ngoại đạo, khác chi cải đạo?
Mê tín đến mức đó chỉ cách cuồng tín một sợi tơ!
Giáo lý đạo Phật dạy rất rõ ràng rằng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật đã thành đạo ngay dưới cội cây bồ đề tại xứ Ấn độ, cách nay hơn 2600 năm.
Tất cả con người trên thế gian đều có khả năng trở thành một vị Phật, nếu sống và thực hành đúng bát chánh đạo. Không cần phải thờ lạy tượng Phật, không cần phải đi chùa, không cần phải tự xưng là Phật tử hay Điều ngự tử. - Tại sao vậy?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành, đắc đạo, tìm được chân lý tối thượng là: trên thế gian này, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, thành phần, xuất xứ, địa phương, nam nữ, già trẻ, mọi con người đều có khả năng thành Phật, bởi vì ai ai cũng có bản tâmsáng suốt, chân chánh và thanh tịnh.Nếu dẹp tan tham sân si, bản tâm sẽ hiển lộ, gọi là thành Phật, cũng như dẹp tan mây đen, mặt trời sẽ sáng tỏ. Dẹp một phần, sáng tỏ một phần. Dẹp toàn phần, sáng tỏ toàn phần.
Người da trắng, da đen hay da màu tu hành cũng thành Phật được. Cho nên, người Việt Nam tạc tượng Phật giống người Việt Nam; người Tàu, người Tây, người Thái tạc tượng Phật giống người Tàu, người Tây, người Thái; điều này có thể hiểu được theo giáo lý đạo Phật.
Tuy nhiên, tượng Phật có mục đích trang nghiêm đạo tràng, để người tu tập đảnh lễ, công phu, hành pháp, suy ngẫm, thiền quán, trì chú, niệm Phật, sống noi theo công hạnh của chư Phật, cho nên gọi là tôn tượng hay bảo tượng.
Trong đạo Phật, chỉ có giáo lý là cao siêu, nhiệm mầu, trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu, không có tượng Phật nào linh thiêng huyền bí cả. Chỉ có số người, buôn thần bán thánh, kinh doanh tôn giáo, núp bóng thiền môn, tuyên truyền tà pháp, ra sức phổ biến, linh tượng thánh tượng, hoa mạn đà la, hoa mạn thù sa, hoa trời rải xuống, linh thiêng huyền bí, nhất là thời gian, Phật Ngọc đầu tiên, mới đem lưu hành, tại xứ Hoa kỳ. Cũng may hiện nay, không còn ai tin, linh thiêng huyền bí, chuyện rất nhãm nhí, nơi tượng Phật Ngọc, cho nên các chuyện, hoa mạn đà la, ánh sáng chiếu rọi, không còn phổ biến, chẳng còn ai tin.
Người khác đạo còn có từ tâm chúc các Phật tử thoát được u minh tăm tối. Cho nên mọi người tu theo Phật phải trưởng dưỡng từ bi, khai mở trí tuệ, phải luôn nhớ rằng, mục đích cứu cánh của đạo Phật là: giác ngộ và giải thoát.