;
Năm ngoái, tôi có cuộc trò chuyện với thầy Thiện Tâm - một nhà sư người Việt đang
tu học ở Mỹ. Chúng tôi chọn thầy làm nhân vật phỏng vấn vì vị tu sĩ này có một hoạt động xuyên suốt nhiều năm qua, là đem thiền vào nhà tù ở Mỹ.
"Tu viện bất thường" là cách thầy gọi tên pháp đường và thiền đường đặc biệt - nhà tù - nơi thầy giảng giáo lý, hướng dẫn tập thiền. Thỉnh thoảng thầy lại "đi gặp người anh em" ở một tiệm cà phê hoặc đâu đó thuận tiện cho cả hai. Người anh em là cách thầy gọi những phạm nhân đã ra tù sau thời gian chấp án. Trước đó, họ là thiền sinh đặc biệt được thầy hướng dẫn ở "tu viện bất thường".
Gọi nhà tù là "tu viện bất thường" cũng đúng, vì ở đó, các phạm nhân được giáo dưỡng theo cách đặc biệt. Và đặc biệt hơn khi họ có thể được gặp những vị thầy thuộc các tôn giáo khác nhau để được nghe chia sẻ về đạo lý, cách thức sống thiện, chuyển hóa ác tâm để trở thành người tử tế.
Đạo nào cũng hướng con người đến điều thiện. Tuy cách thức khác nhau nhưng nếu có đạo, tôi tin con người sẽ sống tích cực hơn, dễ chấp nhận với những biến cố của cuộc sống.
Là Phật tử, tôi tin nhân quả, hiểu vô thường nên khi nghĩ, nói, làm một việc gì đó, tôi luôn cân nhắc. Nếu mình tạo điều xấu, ngay cả một ý nghĩ thoáng qua, đó cũng là lúc mình gieo một nhân xấu cho bản thân. Tin vào quy luật nhân quả không phải để né tránh hậu quả, đổ lỗi thoát thân mà là để tránh gieo nhân xấu. Khi đã tin nhân quả, con người cũng sẽ biết "lánh dữ, làm lành", chấp nhận đối mặt với khổ đau để vượt qua vì biết, đây là "kết quả" mình từng tạo ra.
Khi đến với phạm nhân, thầy Thiện Tâm một mặt lý giải cho họ hiểu ra triết lý đó, đã được Đức Phật truyền dạy cách đây hơn 25 thế kỷ. Mặt khác, thầy hướng dẫn họ tập dừng lại các suy nghĩ lăn tăn, làm tốt công việc hiện tại của mình.
"Phạm nhân, đa số họ đều trải qua những giai đoạn cực kỳ đau khổ. Có thể vì họ không biết giải quyết khổ đau, chuyển hóa khó khăn của bản thân nên đã gây ra đau khổ cho người khác. Họ cần được chữa lành, trị liệu thân tâm, từ đó mới có thể chuyển hóa để trở nên tích cực hơn", thầy nói với tôi.
Được chấp nhận, cảm thông, tha thứ, thương yêu và được hướng dẫn phương pháp thiền cụ thể, phạm nhân trở nên điềm tĩnh hơn. Một con người điềm tĩnh sẽ nhìn thấy mọi việc rõ ràng hơn. Trong nhà Phật, đó chính là định sinh tuệ. Nhờ phát sinh trí tuệ mà con người có ánh sáng trong suy nghĩ, lời nói, việc làm hàng ngày. Họ vẫn là phạm nhân, vẫn chấp hành án phạt nhưng họ dần tốt hơn trong suy nghĩ.
Món quà của sự thay đổi từ người phạm tội là động lực để vị thầy người Việt, trông khá gầy gò, tiếp tục dấn thân. Thầy bắt đầu vào các trại tù hướng dẫn thiền tập từ năm 2013, đến nay đã 10 năm. Nhưng trò chuyện với tôi, thầy nói: "Tôi nghĩ mình chỉ là người đưa tin với những bài pháp và phương pháp thực tập cho pháp hữu, chứ không dám nói mình là người giảng dạy".
Sự khiêm nhường ấy, tôi ít nhiều cũng nghe thấy trong lời của một người khác – Thích Minh Tuệ - hành giả luôn xưng "con", coi mình là người đang tập học - nhưng đã nhận được rất nhiều sự yêu mến thời gian qua.
Nhiều năm trước, tôi theo một vị thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thăm, chia sẻ với phạm nhân ở Bến Tre, Thái Nguyên. Nhiều phạm nhân hỏi về cách để sám hối lỗi lầm. Tôi thường xúc động khi nhìn thấy những người biết hối lỗi vì tin rằng họ sẽ thay đổi được bản thân. Con người, ai cũng có tham sân si, đôi lúc vì thiếu kiềm chế mà tạo tội, nhưng xét cho đến cùng, trong họ vẫn có hạt giống thiện, nên có thể cải hóa được nếu có cách thức đúng, kiên trì.
Nhớ về thầy Thiện Tâm hay những vị thầy có tuệ tâm khác, tôi vững dạ tin rằng, giữa sự bi quan về những điều xô bồ ít nhiều đang diễn ra trong giới Phật giáo, vẫn còn nhiều tu sĩ lặng lẽ làm đúng lời Phật dạy.
Họ, ít nhất, đã soi lên một ánh sáng thuần khiết bằng trí tuệ và thân tâm, giúp mỗi người tự nhìn vào bản thân, để khơi dậy những điều thiên lương sẵn có trong tâm hồn, chuẩn bị gieo trồng những hạt mầm tốt vào đất tâm.
Lưu Đình Long - Theo VNE