;
Và ngay sau đó, Thành hội sinh viên học sinh Sài Gòn đã quyên góp vận động ủng hộ xây bức tượng thờ người nữ học sinh anh hùng tuổi 15 đặt ngay công trường Diên Hồng trước cửa chính chợ Bến Thành ngày nay với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, phật tử thành phố và sinh viên, học sinh.
Sự hy sinh anh dũng của nữ sinh tuổi 15 đã dấy lên phong trào đấu tranh như một làn sóng dâng trào, sục sôi trong giới học sinh sinh viên và nhân dân thành phố Sài Gòn.
Nối tiếp truyền thống đấu tranh bất khuất của những học sinh Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, Hòa thượng Thích Quảng Đức, Nhất Chi Mai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình…rừng rực những cuộc xuống đường, biểu tình, đấu tranh chống lại chế độ độc tài và tàn bạo của Ngô Đình Diệm và bè lũ xâm lược đế quốc Mỹ.
"Ngày mai tụi mình đi biểu tình"
Nữ sinh Quách Thị Trang sinh năm 1948, tại làng Cổ Khúc, quận Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, nay là Đông Hưng, Thái Bình trong 1 gia đình có 6 anh em. Thân phụ của Trang là ông Quách Văn Bội, thân mẫu là bà Hà Thị Vân.
Năm 1954, sáu anh em của Trang (thứ tư) đã theo mẹ vào Nam sinh sống ở khu vực Chí Hòa, Sài Gòn. Riêng thân phụ của Trang bị kẹt ở lại miền Bắc không đi cùng mấy mẹ con và khoảng 3 tháng sau, mẹ con Trang được tin báo ông Bội đã từ trần.
Vào Nam, gia đình Trang sống ở vùng Chí Hòa trong xóm lao động nghèo. Nhờ siêng năng và tảo tần buôn bán nên người mẹ đã nuôi các con học hành. Quách Thị Trang được học trường tư thục Trường Sơn, sau giờ học mấy anh em phụ giúp mẹ buôn bán.
Gia đình Trang là gia đình Phật tử rất mộ đạo nên cuộc sống hiền lương được thấm trong máu các anh em của Trang từ bé. Đạo đức, lương thiện và tốt đạo, đẹp đời luôn được hình thành trong nhân cách anh em nhà Trang, đặc biệt là Trang, cô bé rất hiếu thuận và thương người.
Bắt đầu từ sự kiện ngày 6-5-1963, Tổng giám mục Ngô Đình Thục (anh Tổng thống Diệm) đi thăm nhà thờ La Vang – Quảng Trị trước Lễ Phật Đản hai ngày nên khắp nơi treo đầy cờ Phật giáo.
Di ảnh Phật tử Quách Thị Trang
Sự việc khó chịu này, lập tức được báo lên Tổng thống Diệm ra chỉ thị “quy định treo cờ tôn giáo” theo đó, cờ Phật không được treo trong và ngoài khuôn viên sân chùa đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong giới tăng ni phật tử cả nước ngay trong đại lễ Phật Đản.
Sáng ngày 21.08.1963, sau khi đánh úp các chùa trong toàn quốc, tổng thống Ngô Ðình Diệm triệu tập nội các và báo tin là quân luật đã được thiết lập giới nghiêm trên toàn lãnh thổ vì Cộng quân đã xâm nhập các châu thành và vùng phụ cận thủ đô Sài Gòn. Ông cũng cho các vị Bộ trưởng hay về việc đánh chiếm các chùa và bắt giữ hàng ngàn “bọn tăng ni làm loạn”.
Bộ trưởng bộ Ngoại giao Vũ Văn Mẫu đập bàn lên tiếng phản đối hành động dã man của chính quyền. Ông bỏ buổi họp ra về, cạo đầu để bày tỏ lập trường mình và gửi thư từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Rồi ông bôn ba đi tìm các vị khoa trưởng và các giáo sư đại học đồng nghiệp cũ của ông, vận động thành lập “Phong trào trí thức chống độc tài”.
Hành động quả cảm của ông Vũ Văn Mẫu đã châm ngòi cho phong trào sinh viên và học sinh bùng cháy trong toàn quốc. Sinh viên Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ (Đại học Bách khoa) bãi khóa ngay trong buổi chiều 21.08.1963.
Giáo sư Lê Sĩ Ngạc của Trung tâm đứng lên tán đồng lập trường của sinh viên và lên án chính sách tàn bạo của chính quyền. Chiều ngày 22.08.1963 Khoa trưởng Y khoa Sài Gòn là bác sĩ Phạm Biểu Tâm gửi đơn từ chức, nên ông bị bắt giam và ngày hôm sau 23.08.1963, nghe tin ông bị bắt, tất cả sinh viên Y khoa kéo nhau đến trường.
Họ bàn tính kế hoạch chia thành từng nhóm đi thuyết phục các vị Khoa trưởng và giáo sư các khoa từ chức. Ðồng thời bàn kế hoạch vận động thành lập một Ủy ban chỉ đạo Sinh viên Liên Khoa. Chiều hôm ấy Ủy ban này được thành lập, do sinh viên Tô Lai Chánh đứng làm Chủ tịch gồm có 18 sinh viên.
Ðại diện cho Dược khoa có cô Lê Thị Hạnh, Y khoa: Ðường Thiện Ðồng, Văn khoa: Lâm Tường Vũ, Kiến trúc: Nguyễn Hữu Ðống, Công chánh: Nguyễn Thanh, Sư phạm: Nguyễn Văn Vinh, Luật khoa: Tô Lai Chánh. Ủy ban Liên Khoa lập tức phát động phong trào biểu tình, bãi khóa từ Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ lần lượt lây sang sinh viên các trường Y khoa, Luật khoa, Dược khoa, Mỹ thuật …
Chỉ trong thời gian vài tuần lễ, phong trào bãi khóa lan tới tất cả các cấp trung học ở toàn quốc. Sáng ngày 24.08.1963 trên ba ngàn sinh viên và học sinh tụ tập tại trường Luật khoa Sài Gòn để đón tiếp giáo sư Vũ Văn Mẫu.
Họ vây quanh ông Mẫu, hoan hô ông vang dội. Ðồng thời Ủy ban chỉ đạo tung ra một bản tuyên ngôn mà họ đã biểu quyết ngày hôm trước qua, yêu cầu chính quyền:
1.Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.
2.Trả tự do cho tăng ni và tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện bị giam giữ.
3.Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo.
4.Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.
Bản tuyên ngôn kết thúc bằng những câu sau đây: “Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho 4 nguyện vọng khẩn thiết trên. Ðồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc”.
Chỉ trong vòng 3 hôm sau ngày chính quyền Diệm - Nhu ra tay đánh úp các chùa, bắt tăng ni Phật tử, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rung động thủ đô Sài Gòn.
Ngày 25/08/1963, 300 sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường Diên Hồng phía trước chợ Bến Thành. Cuộc biểu tình này đã được tổ chức một cách tài tình bởi vì trong tình trạng giới nghiêm, khắp nơi tại thủ đô đều có các đơn vị võ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn.
Từng toán nhỏ sinh viên và học sinh đã ở nhiều ngả đường đi tới. Vào khoảng 10 giờ sáng đột nhiên biểu ngữ được tung ra trước chợ Bến Thành và cuộc biểu tình thành hình. Các trung đội Cảnh sát chiến đấu gần đó được tin liền kéo tới đàn áp.
Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Một em nữ sinh tên Quách Thị Trang bị trúng đạn tử thương. Một số sinh viên trốn thoát được. Một số bị thương. Khoảng 200 người bị bắt giữ.
Tử thi Quách Thị Trang bị mang đi mất. Ngay chiều hôm đó chính quyền đô thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước.
Sau cuộc biểu tình ngày 25.08.1963, sinh viên và học sinh đã trở thành đối tượng khủng bố và đàn áp của chính quyền. Các phân khoa đại học và các trường trung học lớn tại Sài Gòn đều được dây thép gai và những hàng rào cảnh sát canh gác. Ðể đáp lại biện pháp này, sinh viên và học sinh tổ chức bãi khóa. Họ còn vận động với các giới giáo sư của họ gửi thư từ chức.
Trong lúc đó, trên đài phát thanh Sài Gòn, chính quyền kêu gọi phụ huynh học sinh kiểm soát con cái mình đừng cho chúng “mắc mưu Cộng sản”. Ông Phan Văn Tạo, tổng giám đốc Thông tin mở cuộc họp báo đưa 2 thiếu nhi khoảng 15-16 tuổi ra để 2 em này tự nhận là Cộng sản xúi giục cùng bạn đi biểu tình.
Cuộc họp báo này không chinh phục được ai bởi vì trong thâm tâm các bậc phụ huynh đều biết vì lý do gì mà con cái mình tham dự vào cuộc tranh đấu. Dưới sự đàn áp của bạo quyền, đất nước mang 1 bộ mặt rách nát, tả tơi.
Vấn đề không còn là vấn đề thành bại của cuộc tranh đấu Phật giáo. Vấn đề là vấn đề sinh mệnh và thể diện của cả 1 dân tộc. Một bầu không khí u uất nặng trĩu đè nặng lên cả trên đất nước. Không những dân chúng mà cả đến quân đội và nhiều thành phần trong lực lượng chính quyền và cảnh sát cũng thấy áp lực nặng nề và u uất đó.
Trước lúc xuống đường biểu tình, Trang bỏ ăn, bỏ học và khóc mãi khi nghe tin các thầy trong chùa bị bắt và sát hại. Hằng ngày, Trang đến chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang để nghe các Thầy giảng đạo và nhận các bản tin tức đem phổ biến cho đồng bào phật từ.
Rồi Trang cũng tuyệt thực, cầu nguyện theo gương các thầy. Đến ngày 24-8, Trang và cô bạn học tên Yến nhận được tin, sáng mai sẽ có 1 cuộc biểu tình ở chợ Bến Thành, để tranh đấu cho các Thầy và học sinh, sinh viên bị bắt. Hai bạn trẻ thấy phấn chấn hẳn lên chờ đợi trời sáng để xuống đường. Tối hôm đó, Trang đến nhà Yến vừa khóc vừa mừng chung với Yến.
Trang nói: “Ngày mai tụi mình đi biểu tình. Nhưng không cho mẹ Trang biết, vì sợ mẹ sẽ ngăn cản. Trang chỉ cho chị Nhung (chị gái Trang) biết thôi”. Suốt đêm ấy, Trang và Yến gần như không ngủ thao thức trong lòng.
Theo sách “Chấn hưng Phật giáo” của Hòa thượng Thích Thiện Hoa soạn năm 1970 mô tả: Sáng ngày 25-8-1963, Trang thức dậy thật sớm, ăn mặc xong rồi xin phép mẹ đến nhà bạn chơi và rủ Yến cùng đi. Hai chị em đến nơi hẹn với Yến, rồi cùng nhau bắt xe taxi chạy đến khu vực chợ Bến Thành.
Trong khi đứng chờ đợi bạn bè xuống đường, từ cửa bên hông chợ, một đám người ùa ra như nước chảy tay cầm biểu ngữ phía trước đồng thanh hô vang những câu khẩu hiệu yều cầu chính quyền thả các tăng ni phật tử và không được đàn áp tôn giáo.
Lúc này, từ các ngã hẻm, đường xung quanh khu vực chợ xuất hiệm thêm nhiều nhóm sinh viên học sinh, Phật tử ùn ùn kéo đến công trường Diên Hồng khí thế ngất trời. Đoàn biểu tình vẫn hiên ngang đi tới, vượt qua khỏi mặt tiền chợ Bến Thành.
Trong lúc đó, rất đông bọn hung thần cảnh sát chiến đấu được lệnh đến ngăn chặn súng lăm lăm trong tay sẵn sàng nhả đạn. Bầy thú dữ đang gầm gừ lập thành hàng rào chắn, chặn bước tiến của đoàn người biểu tình. Chợt nghe 2 tiếng súng nổ vang lên xé rách trời xanh, Yến giật mình quay lại nhìn, cô nhìn thấy Quách Thị Trang mặc áo ngắn đã ngã gục trên đường nhựa.
Bên cạnh Trang là tên cảnh sát ác ôn Lê Văn Kem phó trưởng bót quận Nhất, tay đang cầm súng mới vừa giết người xong.
Lúc đó khoảng 9 giờ sáng 25-8-1963. Bầu trời lúc ấy như nhuộm màu màu đỏ trên áo trắng thiên thần trào dâng sóng giận dữ cuồng nộ khiến cho hơn 10 người biểu tình bị thương, 200 người khác bị bắt nhưng vẫn ào ào tới quyết sống còn với bọn ác ôn khát máu.
Trong lúc hỗn độn đó, bọn cảnh sát đã vội vàng mang xác nữ sinh Quách Thị Trang mang đi chôn ở nghĩa trang Bộ Tổng Tham mưu hòng phi tang dấu vết tội ác.
Trong nhật trình của một CIA Mỹ ghi rằng: “25/8/1963: Sinh viên, học sinh biểu tình rất đông trước chợ Bến Thành ủng hộ Phật Giáo. Cảnh sát can thiệp. Có xô xát. Một số người bị thương. Một thiếu nữ bị chết (Quách Thị Trang). 1.380 người bị bắt đưa xuống trại Huấn luyện Quang Trung.”
Xây tượng Quách Thị Trang vì sao sáng bất tử tuổi trăng rằm
Sau cái chết anh dũng của nữ sinh 15 tuổi Quách Thị Trang trong cuộc biểu tình sáng ngày 25-6-1963, làn sóng đấu tranh của sinh viên học sinh tại Sài Gòn và các thành phố miền Nam trào dâng mạng mẽ, quyết liệt làm tiền đề cho sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngay sau đó. Ngày đó, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã viết bài hát ca ngợi gương anh dũng hy sinh của Quách Thị Trang mà mọi học sinh sinh viên thuộc nằm lòng"
“Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng
Giữa khung trời mây mây trắng với trăng thanh
Rồi một sớm có bao nhiêu đầu xanh
Siết tay nhau, giục giã em lên đường…
Tôi với em không hề quen biết
Xót xa nhiều khi viết đến tên em
Vì đại nghĩa, máu em đã hòa thêm
thắm tô lên trên tà áo trinh nguyên…”
Những câu hát một thời vang dội cả thành phố Sài gòn, làm xao xuyến bao trái tim sinh viên học sinh thuộc thế hệ thập niên 1960. Cũng từ đó, hàng năm đến ngày lễ Phật Đản, thấp thoáng trong dòng người ngược xuôi qua phố, có những người từng là học sinh, sinh viên năm ấy lặng lẽ đến trước bùng binh Quách Thị Trang trước cổng chợ Bến Thành nhìn tượng Quách Thị Trang để hồi tưởng và tưởng niệm người anh hùng tuổi học sinh.
Tượng Liệt nữ Quách Thị Trang ở trước chợ Bến Thành
Nhiều bạn bè của Trang ngày xưa cùng xuống đường trong ngày tang tóc ấy đã bùi ngùi tiếc nối suốt mấy chục năm qua khi Trang ngã xuống, bạn bè của cô không có mặt bên cạnh cô, họ đã bị bọn cảnh sát chặn lại từ bùng binh ngã sáu Phù Đổng…
Một người bạn của Trang kể lại, sau ngày Diệm đổ, chúng tôi vào tìm thăm mộ Trang ngay thì thấy phần mộ cũng tử tế và hương khói đàng hoàng.
Chắc là do những người lính Phật tử có lòng ở đó, đã âm thầm chăm sóc mộ Trang. Ba năm sau anh Ðoàn trưởng Huỳnh Bá Huệ Dương đã cùng gia đình Trang cải táng đưa Trang về chùa Phổ Quang cho đến hôm nay. Người ta thấy có mấy em học sinh Phật tử, đệ tử của một vị Hòa thượng khả kính, thường xuyên đến hương khói, chăm sóc phần mộ của Trang sạch sẽ và đẹp, nhất là vào những ngày Phật Ðản.
Dạo đó, trong dư luận vẫn còn có người xuyên tạc ý nghĩa cuộc đấu tranh này, cho là bọn trẻ bị người lớn xúi giục theo giọng điệu của bọn chó săn Diệm- Nhu.
Thật ra ai cũng biết, Trang là 1 cô bé có tâm hồn cao đẹp và trong sáng. Vốn có năng khiếu văn nghệ nên từ nhỏ Trang đã biết thổi sáo, rất tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của trường và chùa tổ chức.
Trang đã khóc nhiều khi nhìn thấy trên báo chí, hình ảnh 8 em trong gia đình Phật tử Huế bị xe thiết giáp của Ðặng Sỹ cán chết không toàn thây trước đài phát thanh, thấy ngọn lửa các Thánh tử vì đạo, nhất là đêm 20.08.1963, chùa Xá Lợi bị tấn công và các thầy bị bắt đi hết.
Trang quyết định dấn thân, xuống đường cùng bà con Phật tử và bạn bè, đòi cho được sự bình đẳng tôn giáo. Và…Trang đã ngã xuống như 1 dáng đứng sinh viên-học sinh, nối tiếp Trần Văn Ơn ngày trước.
Ngày 26.08.1963, sau cái chết của Trang đúng 1 ngày, từ Bruselles (Vương quốc Bỉ), Hội Thanh niên Thế giới đã đánh bức điện về Việt Nam phản đối chính phủ Ngô Ðình Diệm đã tước bỏ quyền tự do dân chủ của thanh niên, sinh viên học sinh Việt Nam với nội dung: “Kính gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn.
Hội Thanh niên Thế giới phản đối sự kỳ thị đáng ghét đối với đồng bào Phật giáo của ông và việc đóng cửa các trường đại học cùng đàn áp hung bạo đối với thanh niên, sinh viên cũng như bắt bớ và gạy tang tóc cho bao người. Chúng tôi đòi hỏi ông phải trả lại quyền lợi cho mọi người công dân và tôn trọng tự do dân chủ”. Nhà thơ Tâm Hải cũng viết những dòng đầy sự tiếc thương và ngưỡng mộ:
“Tôi viết tên Trang cả triệu lần
Bao niềm thương tiếc lẫn phân vân
Hy sinh tranh đấu chống cường bạo
Muôn triệu con tim thoát ngục trần
Phật giáo sáng ngời trang sử mới
Non sông tưởng nhớ nữ anh hùng
Ngàn thu trân trọng người Trinh nữ
Ðốt nén hương thơm khấn nguyện cầu.”
Năm 1964, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tang tóc trong vụ ám sát đẫm máu, giới Sinh viên Học sinh Sài Gòn đã thành lập một ban kiến tạo xây dựng tượng đài Quánh Thị Trang gồm các anh Vũ Quang Hùng (Trưởng ban, sinh viên Đại học Khoa học, từng công tác ở báo CA TPHCM, báo PL TPHCM hiện đang nghĩ hưu). Hai Phó ban là các anh Nguyễn Thanh Hùng (sinh viên Ðại học Bách khoa) và anh Ðào Ðức Long (sinh viên Thanh Sinh Công).
Một buổi sáng đầu năm 1964, anh Dương Văn Ðầy ( Ba Đầy - lúc đó sinh viên Khoa học – BCB - chuẩn bị vào y khoa) rủ bạn bè cầm sổ vàng cùng đi gặp các vị tướng tá cảm tình với sinh viên học sinh, chống đối và lật đổ Diệm - Nhu để vận động quyên góp tiền xây tượng cho nữ sinh Quách Thị Trang.
Ba Ðầy đến gặp tướng Trần Văn Ðôn, ông rất hoan hỷ, ký ngay 10.000 đồng và giới thiệu đi gặp các nhân vật khác như tướng vợ chồng tướng Thái Quang Hoàng ký ngay 5.000 đồng.
Vũ Quang Hùng quyên thêm ít tiền nữa rồi phân công cho Nguyễn Thanh Hùng đi thăm viếng gia đình nữ sinh Quách Thị Trang mượn di ảnh chị và tìm điêu khắc gia, họa sĩ Mai Lân đặt khắc tượng Trang.
Trong số sinh viên thực tập có anh Vũ Chinh tức Ðặng Ðức Siêu trong nhóm Nguyễn Khắc Hiếu ở tù chung với Hùng, nên anh Chinh rất tích cực trong việc này.
Tạc tượng xong, Ban kiến tạo chuẩn bị kế hoạch xây chớp nhoáng bệ thờ, đặt tượng ngoài công trường Diên Hồng (nay là bùng binh Quách Thị Trang) trong dịp đoàn Sinh viên Học sinh biểu tình chống Nguyễn Khánh kéo về dừng lại trước chợ Bến Thành để tưởng niệm Quách Thị Trang và nhiều sinh viên lên phát biểu “Ðả đảo Nguyễn Khánh”.
Anh Vũ Quang Hùng nhớ lại lúc chuẩn bị đặt tượng: “Thời cơ thuận tiện nhất sẽ là nhân một cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh. Đó là ngày sinh viên, học sinh biểu tình chống “Hiến chương Vũng Tàu” của Nguyễn Khánh, khoảng cuối tháng 9-1964.
Tối hôm trước, chúng tôi mướn 1 xe tải Land-Rover, mua sẵn xi măng, gạch và cát chất lên xe, đồng thời lấy tượng Quách Thị Trang về để trong phòng anh Thanh Hùng, sáng sớm hôm sau đặt tượng lên xe hơi.
Cuộc biểu tình diễn ra tại dinh Gia Long vào khoảng từ 8 giờ đến 10 giờ sáng và tiếp đó diễu hành tới chợ Bến Thành. Khi đoàn biểu tình tới cổng Nam chợ, xe Land-Rover dừng lại, chúng tôi mang gạch, xi măng, cát ra xây ngay chiếc bệ, đặt tượng bán thân Quách Thị Trang lên.
Mọi việc diễn ra chớp nhoáng đến nỗi có người chưa kịp hiểu đoàn biểu tình dừng lại để làm gì thì tượng đã đặt xong. Tượng dựng xong, có một số người quá khích muốn đập phá nhưng thật bất ngờ, anh em giang hồ chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối khi đó mang dao, gậy tới bảo vệ pho tượng suốt ngày đêm nên rốt cuộc tượng vẫn còn đó”.
Khi đoàn biểu tình giải tán thì tượng Quách Thị Trang đã sừng sững đứng vững chắc giữa công trường Diên Hồng rồi như trong câu chuyện thần thoại.
Rất lạ lùng làm sao, ngay sau đó và về sau cảnh sát không dám động đến hay phá hủy. Cũng trong năm này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đặt tên chị cho 1 cô nhi viện lớn, nuôi hơn 7.000 trẻ em mồ côi tọa lạc ở phía sau chùa Việt Nam Quốc Tự.
Năm 1965, được sự đồng ý của Chính phủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, thượng tọa Thích Mãn Giác đã cùng Trưởng đoàn Sinh viên học sinh Sài Gòn, cho đặt 1 tấm biển đồng đề dòng chữ “Liệt nữ Quách Thị Trang” tại bệ tượng ngay dưới Tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn.
Sau 1975, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sỹ và nơi chị đã hy sinh cũng được chính thức mang tên quảng trường Quách Thị Trang.
Ngày nay ai đi qua đó đều nhìn thấy bức tượng thân thương đã đi vào lịch sử cùng tên tuổi Quách Thị Trang như 1 vì sao sáng mãi trong lòng sinh viên học sinh Sài gòn và sáng mãi trong lòng những thế hệ sinh viên học sinh Việt Nam.
Theo Nam Yên - PNTD