;
Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________ __________
Số: 803/QĐ-HĐTS Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2023
QUYẾT ĐỊNH
V/v Phê duyệt Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
--------------
CHỦ TỊCH
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số: 271/2015/QĐ-HĐTS, ngày 14/07/2015 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt triển khai thực hiện 04 đề án của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ (2012-2017);
Xét Tờ trình số: 67/TTr-BVHTW ngày 06/10/2023 của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc đề nghị phê duyệt biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (thuyết minh và phương án thỉết kế kèm theo).
Điều 2. Giao cho Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với các Ban, Viện, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố và các Hệ phái Phật giáo Việt Nam triển khai phát huy biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Cụ thể:
- Nghiên cứu, ứng dụng vị trí đặt Biểu tượng dễ nhận diện, có ý nghĩa, phù hợp với không gian cảnh quan chung của công trình kiến trúc Phật giáo (ưu tiên ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo xây dựng mới) và đảm bảo quy định về bảo tồn di sản, di tích lịch sử văn hóa.
- Đảm bảo thực hiện theo đúng thiết kế được phê duyệt: quy cách, nội dung, hình thức, cấu trúc, chủ đề trang trí.
- Một số chi tiết có thể điều chỉnh, thay đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn nơi vị trí ứng dụng biểu tượng (đặt biểu tượng): chất liệu, kích thước, phần đế sen của biểu tượng.
- Triển khai phát huy, truyền thông dưới các hình thức về biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam tới toàn bộ Tăng Ni, Phật tử và công chúng.
Điều 3. Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự; Chánh Văn phòng Trung ương GHPGVN; Chánh Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Trưởng ban Ban Văn hóa Trung ương; Trưởng các Ban, Viện Trung ương, các Hệ phái Phật giáo và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Điều 4. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: TM. BAN THƯỜNG TRỰC
- Như Điều 3; CHỦ TỊCH
- Ban TTrHĐTS GHPGVN; (Đã ấn ký)
- Lưu: VP1, VP2. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
-----------------------------------------------
THUYẾT MINH
BIỂU TƯỢNG CHUNG KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hình thành và phát triển cùng với sự du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Mặc dù có những ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã sớm định hình với những đặc trưng và sắc thái riêng.
Những đặc điểm, đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam được hình thành trên cơ sở nền tảng điều kiện tự nhiên, xã hội, nhất là không gian cảnh quan, địa hình địa thế; xuất phát từ cách sử dụng vật liệu, kỹ thuật tạo dựng cũng như phong cách, ngôn ngữ diễn đạt bắt nguồn từ những quan niệm, tư tưởng của người Việt Nam.
Do đó, kiến trúc Phật giáo Việt Nam vừa mang tinh thần Phật giáo vừa mang tinh thần dân tộc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt dưới các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn…, kiến trúc Phật giáo Việt Nam phát triển trong sự thống nhất của nền kiến trúc truyền thống Việt Nam, đồng thời mỗi thời kỳ lại có đặc trưng, sắc thái riêng.
Từ miền núi, trung du đến đồng bằng; từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng mang những nét riêng do sự chi phối của quan điểm, tôn chỉ tông phái/hệ phái tu hành, điều kiện tự nhiên, văn hóa vùng miền cũng như đời sống xã hội của những cộng đồng cư dân là chủ nhân của vùng, miền đó.
Tất cả tạo nên một hệ thống các công trình và cảnh quan kiến trúc vừa đa dạng về quy mô, loại hình (gồm danh lam cổ tự và chùa làng), vừa phong phú về vật liệu sử dụng và kỹ thuật tạo dựng và mang đậm bản sắc của đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần, sinh hoạt tôn giáo của con người Việt Nam.
Hệ thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam vì thế vừa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của Phật giáo dân tộc vừa tạo nên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa sâu đậm.
Trong quá trình phát triển, đặc biệt là thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, sự du nhập của các yếu tố văn hóa bên ngoài diễn ra mạnh mẽ cùng với sự thay đổi, nhu cầu tu tập, tín ngưỡng Phật giáo thu hút tín đồ Phật tử ngày càng tăng, sự thay đổi công năng của những công trình kiến trúc Phật giáo cũng diễn ra nhanh chóng.
Bên cạnh những công trình kiến trúc Phật giáo được cải tạo mở rộng công năng hay xây dựng mới đã có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, kế thừa những đặc trưng kiến trúc truyền thống, chắt lọc tiếp thu những yếu tố mới một cách hài hòa đã tạo nên một hệ thống công trình kiến trúc Phật giáo phù hợp vừa giữ gìn được đặc trưng kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc vừa có đủ công năng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong điều kiện, bối cảnh hiện tại của các tự viện.
Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, cũng còn có những công trình kiến trúc Phật giáo khi cải tạo, tu bổ mở rộng công năng sử dụng đã gây xung đột, cưỡng bức công trình cũ/di tích, không phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian, cảnh quan chung dẫn đến làm giảm/mất giá trị kiến trúc truyền thống, thậm chí là phản cảm đồng thời làm giảm tính tôn nghiêm, linh thiêng của công trình tôn giáo (Phật giáo); hoặc cũng còn có nhiều công trình kiến trúc Phật giáo xây dựng mới lại được tư duy theo ý thích cá nhân hoặc tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách cứng nhắc, sao chép… nên đã tạo nên sự xa vời, lạ lẫm với văn hóa truyền thống, mất bản sắc văn hóa dân tộc, không gần gũi với người dân, giảm sự ấn tượng, thu hút đối với Phật tử, công chúng quốc tế.
Trước thực trạng trên cũng như trên cơ sở nhận thức được vai trò của Phật giáo nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng đối với văn hóa dân tộc, sự phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong định hướng, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, năm 2015, Ban Văn hóa Trung ương đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện 04 đề án, trong đó có Đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là xây dựng bộ quy chuẩn/hướng dẫn kiến trúc PGVN và biểu tượng chung kiến trúc PGVN nhằm định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam đồng thời nhận diện, quản lý kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiệu quả hơn. Sau hơn 8 năm nghiên cứu, thực hiện, đến nay, Đề án Kiến trúc đã hoàn thành Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Đây là kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu thực tiễn về việc xây dựng biểu tượng chung để nhận diện và cũng là thể hiện tính thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam như mục tiêu Đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đề ra.
II. CÁC CĂN CỨ
2.1. Cơ sở pháp lý
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
- Quyết định số 271/2015/QĐ.HĐTS ngày 14/07/2015 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt triển khai thực hiện 04 đề án của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ (2012 - 2017).
2.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
Biểu tượng Phật giáo (Buddhist symbolism) là việc sử dụng các biểu tượng như một phương pháp nghệ thuật thể hiện các phương diện triết lý Phật giáo. Trong đó, một số biểu tượng Phật giáo ban đầu (khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên) vẫn còn quan trọng cho đến ngày nay như: bánh xe chuyển pháp luân, hoa sen, tam bảo, cội Bồ đề.
Trong giai đoạn Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào thế kỷ I trước Công nguyên thì các biểu tượng như chữ Vạn, chày kim cương, tám cát tường và các biểu tượng khác lần lượt ra đời như các đồ pháp khí, tế lễ, bình bát khất thực, các biểu tượng nhân hình Phật giáo (Buddhist anthropomorphic symbolism)...
Trải qua hơn hai nghìn năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã được lan tỏa rộng khắp và trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Sức lan tỏa tư tưởng, tinh thần Phật giáo tới rộng rãi Phật tử, công chúng không chỉ qua hệ thống kinh sách mà qua hệ thống biểu tượng Phật giáo chiếm vai trò chủ đạo bởi người dân đến chùa, tiếp cận với kinh sách rất ít mà chủ yếu và trước hết là với các biểu tượng Phật giáo. Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, tuy có lúc thăng trầm, nhưng không khi nào biểu tượng Phật giáo mất đi vai trò của mình.
Để những tư tưởng, tinh thần Phật giáo thông qua các biểu tượng Phật giáo đến được với người dân là cả một quá trình chuyển tải phong phú về dạng thức, chất liệu, loại hình và không chỉ chứa đựng thuần túy là tinh thần Phật giáo mà còn là trí tuệ, sự thiện tâm, giác ngộ, mến mộ của những tư tưởng, bàn tay, khối óc của tất cả những người sáng tạo, xây dựng nên những biểu tượng ấ
Vì vậy, theo thời gian và sự lan tỏa Phật giáo ra thế giới, các biểu tượng của Phật giáo không chỉ được tăng thêm về số lượng, mà đến mỗi quốc gia, vùng miền, các biểu tượng tiếp tục được sáng tạo và được hệ thống hóa theo những hệ thống khác nhau.
Ở Việt Nam, trong lịch sử, đã có những thời kỳ Phật giáo phát triển hưng thịnh như thời Lý, Trần (thế kỷ 11 - 14), khi mà “đâu đâu cũng có chùa” thì các biểu tượng Phật giáo cũng được nghiên cứu, thể hiện vô cùng phong phú và phát huy vai trò một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Khối di sản Phật giáo Lý, Trần, đặc biệt là các biểu tượng Phật giáo để lại cho chúng ta ngày nay thật đáng ngưỡng mộ và đóng vai trò quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, nhất là trong thực tiễn hiện nay, những biểu tượng Phật giáo dần vắng bóng hoặc rất ít xuất hiện, nhất là ở những nơi sản xuất (nguồn cung) vật liệu, trang trí kiến trúc, do đó, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là từ Đài Loan, Trung Quốc rất phổ biến. Như vậy, vô hình chung, chúng ta không chỉ là nhân tố tích cực truyền bá văn hóa nước ngoài mà còn làm mất cơ hội cho nỗ lực kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hệ quả đó, song một trong những nguyên nhân cơ bản đó là chúng ta còn chưa chủ động, tích cực trong nghiên cứu, sáng tạo, xây dựng những biểu tượng Phật giáo chuẩn mực, đảm bảo ý nghĩa, tinh thần Phật giáo. Mặc dù biểu tượng Phật giáo là vô cùng phong phú, đa dạng có ý nghĩa sâu sắc về nội dung, mỹ thuật theo các hệ phái, vùng miền nhưng cho đến nay, trong các cơ sở tự viện hay kiến trúc Phật giáo Việt Nam chưa có sự thống nhất về biểu tượng chung nhận diện mà vẫn sử dụng các biểu tượng chung của Phật giáo thế giới (phổ biến là biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân) hoặc biểu tượng riêng của hệ phái Phật giáo (hoa sen ngọn đèn chơn lý của Hệ phái Khất sĩ) hoặc biểu tượng rồng chầu mặt trời... Trong khi đó, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo khác như Công giáo, Hồi giáo hay đạo Hòa Hảo, Cao Đài đều có biểu tượng chung dễ dàng nhận diện.
Vì vậy, Phật giáo là một tôn giáo lớn và là một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam đồng thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất không chỉ về tổ chức mà còn về tư tưởng, quản lý, hành động… nên việc xây dựng biểu tượng chung nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam, góp phần tạo sự thống nhất, tôn nghiêm, khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam.
Cùng với đó, trong mục tiêu của Đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, đồng thời với việc nghiên cứu, xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam thì việc nghiên cứu, xây dựng biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam là vấn đề cần thiết và cấp thiết nhằm tạo nên tính thống nhất (thống nhất trong đa dạng) trong nhận diện kiến trúc Phật giáo cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
3.1. Mục đích
- Xây dựng biểu tượng chung đảm bảo tính thống nhất cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thực hiện mục tiêu Đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đề ra: định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
- Tạo bộ nhận diện cho các ngôi tự viện/công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
- Góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý các cơ sở tự viện Phật giáo.
3.2. Yêu cầu
- Đảm bảo tính khoa học, chính xác, tư tưởng, triết lý, giáo lý và ý nghĩa Phật giáo.
- Hình thức biểu tượng cần đảm bảo kế thừa yếu tố văn hóa Phật giáo truyền thống, văn hóa dân tộc, chọn lọc các biểu tượng văn hóa tiêu biểu, đặc trưng và có ý nghĩa.
- Đảm bảo dễ tiếp cận, nhận diện và ứng dụng phù hợp với kiến trúc Phật giáo của các hệ phái, vùng miền trên cả nước.
- Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, khả thi, phù hợp thực tiễn.
IV. NỘI DUNG
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu thực tiễn về việc xây dựng biểu tượng chung để nhận diện và cũng là thể hiện tính thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam như mục tiêu Đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đề ra, biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam được thể hiện như sau:
4.1. Ý tưởng nội dung
Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên cơ sở ý tưởng nội dung thể hiện tinh thần Đạo pháp - Dân tộc (Đạo pháp trong lòng dân tộc) chắt lọc từ những biểu tượng, ý nghĩa, nội dung, hoa văn của biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam (Trống đồng Đông Sơn), biểu tượng của Phật giáo Việt Nam (logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và biểu tượng của Phật giáo thế giới (biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân, lá bồ đề).
4.1.1. Hoa văn trống đồng:
Trống đồng Đông Sơn là loại trống nổi tiếng và đẹp nhất trong những trống đồng của Việt Nam, là đại diện cho văn hóa Việt Nam.
- Hoa văn chi tiết: mặt trống hình tròn, nơi tập trung hoa văn đặc trưng, quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất.
- Các hoa văn tiêu biểu: mặt trời, chim Lạc, băng chữ S gấp khúc, đường tròn tiếp tuyến…
4.1.2. Logo Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
- Vị trí trung tâm: bao gồm các vòng tròn đồng tâm.
- Hoa sen (8 cánh), đài sen (8 hạt) được kế thừa nguyên bản từ logo GHPGVN hiện nay.
4.1.3. Biểu tượng Bánh xe Chuyển pháp luân, lá bồ đề:
Là những biểu trưng của Phật giáo, biểu tượng được sử dụng phổ biến trên thế giới.
- Bánh xe tròn có 8 nan tượng trưng cho Bát chính đạo để đạt được giác ngộ, bao gồm: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định.
- Lá bồ đề, cội bồ đề: biểu trưng cho sự giác ngộ. Biểu tượng lá đề được sử dụng phổ biến, đặc biệt thời Lý - Trần, đỉnh cao phát triển trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
4.2. Ý tưởng thiết kế:
- Hoa sen - Lá bồ đề - Bánh xe Chuyển pháp luân - Hoa văn trống đồng Đông Sơn cách điệu hòa quyện vào nhau tạo thành một khối thống nhất biểu trưng cho tinh thần, ý nghĩa: Đạo Pháp - Dân tộc.
- Ý nghĩa tổng thể của biểu tượng: Bánh xe pháp được vận chuyển do Đức Phật và Tăng đoàn, đặt trên đài sen có 03 cấp đế (thanh tịnh, giải thoát được nuôi dưỡng bởi Giới - Định - Tuệ).
4.3. Ý nghĩa các biểu tượng:
4.3.1. Các biểu tượng:
- Hoa sen: biểu trưng cho Phật giáo, sự thanh tịnh, giải thoát, an lạc của Phật giáo; biểu tượng (logo) của Phật giáo Việt Nam.
- Đài sen với các hạt: biểu trưng cho đạt chứng quả, giác ngộ, trong đó:
+ Hạt sen: biểu trưng cho pháp thân Phật.
+ Cánh sen: biểu trưng cho sắc thân Phật.
Hạt sen và cánh sen là sự dung hoà giữa pháp thân và sắc thân, trong nhân có quả, biểu trưng cho triết lý Trung đạo của Phật giáo.
- Lá đề: biểu trưng cho sự giác ngộ.
- Nan hoa Bánh xe Chuyển pháp luân hình đốt trúc: biểu trưng của Phật giáo, 8 nan tượng trưng cho Bát chính đạo và trí tuệ, giúp chấm dứt vô minh và đau khổ, vành bánh xe biểu thị cho sự kiểm soát và nhất tâm trong hành thiền; 08 nan thể hiện hình 08 đốt trúc, là biểu trưng cho tinh thần vô ngã, tính không của Phật giáo, gắn với thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.
- Hoa văn trống đồng Đông Sơn:
+ Mặt trời: biểu trưng cho bình minh, sự sống, phát sinh, phát triển.
+ Chim Lạc: vật tổ của người Việt.
+ Băng chữ S gấp khúc, đường tròn tiếp tuyến (tượng trưng những tia chớp): biểu tượng cho mưa thuận gió hòa, phát sinh, phát triển.
4.3.2. Các con số:
- Số 3: 3 cấp đế và 3 vòng tròn: biểu trưng cho Giới - Định - Tuệ (tam vô lậu học) và Phật, Pháp, Tăng (tam bảo) suốt 45 năm thuyết pháp hoá độ chúng sinh của Đức Phật.
- Số 4: 4 cụm chim Lạc, khối đế 3 cấp 4 cạnh: biểu trưng cho Tứ diệu đế và 12 hành chuyển pháp luân.
- Số 8: hoa sen 8 cánh, đài sen 8 hạt, mặt trời 8 tia, 8 hình chim Lạc, 8 nan bánh xe… tượng trưng cho Bát chính đạo cùng với giới định tuệ làm kim chỉ nam, dẫn dắt chúng sinh đến sự giải thoát, giác ngộ, an lạc và Niết bàn.
- Số 45: 45 lá bồ đề, 45 chữ S gấp khúc, 45 hình tròn tiếp tuyến: tượng trưng cho 45 năm Đức Phật và Tăng đoàn tuỳ căn cơ, tuỳ thời và tuỳ quốc độ đã tiếp nối nhau thắp sáng ngọn đèn chính pháp, thuyết pháp giáo hoá độ sinh.
4.4. Hình thức mỹ thuật:
4.4.1. Hình dáng:
Gồm 2 phần:
- Biểu tượng: hình tròn trong lòng được trổ thủng tạo bởi 8 nan bánh xe (căm xe) chuyển pháp luân được kết nối vận động/chuyển động bởi 8 hình chim Lạc bay.
- Phần đế: hình hoa sen, nhìn nghiêng, được làm rộng, nâng đỡ, ôm gọn biểu tượng với phần chân đế hoa sen giật 3 cấp.
Trong đó, hình tròn biểu tượng của số O, của sự tròn đầy, viên mãn. Tính Không phá đi sự chấp Có, chấp Không, chấp Tướng, chấp Tác. Tính không là sự không “có”, cũng không “không”; vừa là Bản thể, vừa là Duyên khởi, mà từ đó lưu xuất ra các Duyên... Người tu đúng chính pháp sẽ chứng quả vị Phật Duyên giác.
- Tổng hòa hình dáng biểu tượng: Biểu tượng (thể hiện dưới dạng logo) hình tròn trên đài sen được tạo bởi hình Bánh xe pháp vận chuyển trên đài sen thanh tịnh, giải thoát, và được nuôi dưỡng bởi Giới - Định - Tuệ (3 cấp đế).
4.4.2. Trang trí:
- Các họa tiết, hoa văn trang trí tập trung thể hiện ý nghĩa biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và khai thác tối ưu đặc trưng các hình ảnh, biểu tượng để làm nổi bật được:
+ Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam.
+ Đặc trưng Phật giáo Việt Nam.
+ Đặc trưng Phật giáo thế giới.
Tổng hòa trang trí biểu tượng: Biểu tượng được kết hợp đặc trưng họa tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn (biểu tượng cho văn hóa dân tộc Việt Nam) với biểu tượng logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bánh xe Chuyển Pháp Luân, lá đề (biểu tượng của Phật giáo) để biểu thị ý nghĩa Đạo pháp - Dân tộc (Đạo pháp trong lòng Dân tộc); Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam và Phật giáo thế giới.
- Kế thừa truyền thống:
+ Kế thừa biểu tượng hình tròn: mặt trống đồng, Logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân đều có bố cục hình tròn.
+ Bánh xe Chuyển pháp luân, lá bồ đề là biểu tượng Phật giáo được sử dụng phổ biến trên nhiều công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam cũng như trên thế giới, phổ biến ở các vị trí nhận diện như trên đỉnh tam quan, chính điện, một số được thể hiện ở các góc mái, trang trí trên tường…, nhất là các công trình kiến trúc của các hệ phái Phật giáo miền Trung, miền Nam Việt Nam.
+ Các dạng thức mỹ thuật của các hoa văn trang trí: hoa sen, đài sen, lá đề, bánh xe chuyển pháp luân, mặt trời, chim Lạc, chữ S gấp khúc, đường tròn tiếp tuyến… được tham khảo, chắt lọc, xây dựng trên cơ sở các tư liệu lịch sử tiêu biểu, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể (di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).
4.4.3. Kích thước, chất liệu
Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam được làm bằng các chất liệu, kích thước khác nhau phù hợp với điều kiện thực tiễn của các cơ sở tự viện, không gian, cảnh quan, diện tích… của công trình kiến trúc nơi ứng dụng biểu tượng.
V. ỨNG DỤNG BIỂU TƯỢNG
- Là một phần nhận diện của kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Đây là biểu tượng chung để nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam, vì vậy, nơi đặt biểu tượng là những vị trí dễ nhận diện, hài hòa với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc (biển tên chùa, tam quan, chính điện…) đảm bảo tính “thống nhất trong đa dạng”. Trong đó:
+ Ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo là di tích hoặc hiện đang tồn tại: đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn di tích; lựa chọn vị trí phù hợp; hài hòa về kích thước, màu sắc, chất liệu… và phù hợp trong thể chung các biểu tượng của công trình kiến trúc Phật giáo hiện tồn tại.
+ Ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo xây dựng mới: vị trí dễ nhận diện, hài hòa với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc (biển tên chùa, tam quan, chính điện…) và phù hợp trong thể chung các biểu tượng vốn có của công trình kiến trúc Phật giáo truyền thống.
- Là một biểu tượng độc lập biểu trưng cho Phật giáo Việt Nam: được ứng dụng trên các loại hình sản phẩm biểu tượng, trang trí trên các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa Phật giáo, đồ lưu niệm…