;
Với lòng thành hướng về Tam bảo - tôn kính vua Trần Nhân Tông, ngưỡng mộ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do ngài sáng lập ban đầu tại chùa Lân, đại gia đình Phật tử Trần Lê Oanh ở Công ty gỗ Thanh Hà CC2A, đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội sau khi tham quan chùa Lân đã phát tâm cúng dường pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Được sự hoan hỷ hứa khả của chư Tăng lãnh đạo Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, sau hơn 6 tháng tìm mua gỗ quý trong nước và khu vực đều không đạt được, gia đình Phật tử Trần Lê Oanh sau chuyến tham quan tại Mỹ tháng 11 năm 2007, ký được hợp đồng mua cây gỗ quý dáng hương, loại gỗ thơm tại Nam Mỹ, tổng thể 5,1m3 và làm các thủ tục chuyển về Việt Nam.
PT.Trần Lê Oanh đã đến nghệ nhân Đào Văn Bồi 84 tuổi ở làng Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội ký hợp đồng tạc pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Khối gỗ quý về đến Việt Nam đã được chuyển đến xưởng gỗ của con trai cụ nghệ nhân Đào Văn Bồi là Đào Văn Bắc 52 tuổi và cũng là nghệ nhân đã được Nhà nước công nhận. Cụ Đào Văn Bồi đã chỉ đạo con trai và cháu nội trực tiếp làm. Sau hai tháng thi công, khối gỗ quý dáng hương đã thành pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma có chiều cao thân tượng là 3,2m, bệ đỡ cao 0,65m, chiều rộng bệ đỡ 0,95m, nặng khoảng 3,2 tấn với nét chạm khắc vô cùng tinh tế và thiền vị.
Ngày 1-6-2008 (28-4-Mậu Tý), đại diện chư Tăng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử và Phật tử ở các đạo tràng Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang đã về làm lễ rước và cung nghinh pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma về chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Đúng 9 giờ 35 phút, pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma rời làng nghệ nhân Thiết Úng về chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.
Đến trưa, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã về đến chùa Lân, trước sự cung đón của toàn thể chư Tăng Ni thiền viện cùng hơn 300 Phật tử. Pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma được tôn trí phía sau chánh điện và trước sân nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma có màu hồng tươi của gỗ dáng hương và đường vân mây đặc biệt cùng với mùi thơm từ lòng gỗ man mác tỏa ra xung quanh tượng ngài. Thầy phó trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã ghi nhận đây là sự cúng dường vô giá của gia đình Phật tử đối với Tổ sư Thiền và dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.