;
>Có thể ban hành cái gọi là "thông tư quản lý tiền công đức" hay không?
>HT Thích Bảo Nghiêm: “Không nên hành chính hóa quản lý công đức”
>Về dự thảo Thông tư muốn 'ôm' tài sản của các cơ sở tôn giáo
>Suy nghĩ về 'Thông tư quản lý tiền công đức'
Báo Thanh tra đăng 2 bài báo phản ánh sự việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 489/UB-VX1, ngày 23/1/2017 “về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”.
Sau khi Báo đăng, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến về Tòa soạn, đề nghị làm rõ thêm các vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc này. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi ý kiến với Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn.
PV:Theo nhận xét của ông thì nội dung Công văn số 489/UB-VX1 ngày 23/1/2017 đúng hay là trái quy định của pháp luật?
Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn: Có thể hiểu, đây là công việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo nên bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải tuân thủ các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 489/UB-VX1 là trái quy định tại Khoản 6 Điều 7 Luật này quy định quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc: “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho” (Luật quy định “cứng”: Chỉ có chủ thể là tổ chức tôn giáo mới có quyền “nhận” tài sản tự nguyện tặng cho, trong khi Công văn số 489/UB-VX1 của UBND tỉnh Quảng Ninh “quy định” khác, cho phép “thêm” một chủ thể khác là đại diện cơ quan Nhà nước… “cùng nhận” tài sản (“hòm công đức chỉ được mở kiểm kê bằng 2 khóa, một khóa của đại diện cơ quan nhà nước quản lý, một khóa do người chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo”).
Nhân đây, xin lưu ý: Công văn số 489/UB-VX1 được ký ban hành ngày 23/1/2017 - thời điểm đó Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đang còn hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đối chiếu với Pháp lệnh này và các văn bản hướng dẫn, có thể thấy cũng không có quy định nào cho phép cơ quan Nhà nước “cùng nhận” hòm công đức.
Hay, nói cách khác, tuy chỉ là một văn bản hành chính nhưng Công văn số 489/UB-VX1 của UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra một “quy định” trái cả Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (nay đã hết hiệu lực) và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
PV: Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Hội trường của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14, ngày 27/10/2018, Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu quan điểm cho rằng, việc địa phương quản lý hòm công đức mà chỉ áp dụng đối với chùa thờ Phật của Phật giáo mà không thấy áp dụng đối với nhà thờ của Công giáo là không đảm bảo chính sách mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Đề nghị ông bình luận, làm rõ thêm nhận định này từ góc nhìn pháp lý?
Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn: Trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, thì hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên (theo Khoản 1) là “phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Nội dung phát biểu của Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho thấy, dù ông đã tránh sử dụng cụm từ “phân biệt đối xử” nhưng theo tôi, đã là vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước và áp dụng pháp luật thì phải rất sòng phẳng mà nói rằng: Việc quản lý hòm công đức chỉ áp dụng đối với chùa thờ Phật của Phật giáo mà không thấy áp dụng đối với nhà thờ của Công giáo chính là đã có sự “phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng” là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc áp dụng quy định như thế này vào thực tế cuộc sống e rằng sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu và khó lường.
Bên cạnh đó, áp dụng quy định tại Công văn số 489/UB-VX1 sẽ gián tiếp cản trở việc thực hiện quyền công dân, trong khi cần nhấn mạnh “cản trở quyền công dân” cũng là hành vi bị nghiêm cấm và đã được quy định tại khoản c Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Vì sao có thể nói như vậy? Vì với tình hình tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy Nhà nước chưa được đẩy lùi một cách hiệu quả (bằng chứng: Nhiều vụ tham nhũng “khủng” với hình ảnh “con voi” vẫn… “chui lọt lỗ kim”) thì chắc chắn có vô cùng nhiều trường hợp người hảo tâm sẽ… rất “ngại” thực hiện “quyền” của mình được tự nguyện tặng, cho tổ chức tôn giáo tài sản hợp pháp của họ một khi việc quản lý khoản tiền này vẫn buộc phải làm theo quy định tại Công văn của UBND tỉnh Quảng Ninh: “hòm công đức chỉ được mở kiểm kê bằng 2 khóa, một khóa của đại diện cơ quan Nhà nước quản lý, một khóa do người chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo”.
PV: Công văn số 489/UB-VX1 trái Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Còn với các luật khác có liên quan?
Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn: Về nguyên tắc, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng công chức Nhà nước trong thi hành công vụ, chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định; cũng tức là những gì pháp luật không quy định thì không được phép làm. Trong khi đó, các luật khác có thể liên quan đến tình huống này, như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước; Bộ Luật Dân sự… đều không có quy định nào có thể sử dụng làm căn cứ pháp lý để UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 489/UB-VX1. Điều này thể hiện sự đồng bộ cần thiết giữa các văn bản luật, đồng thời góp phần ngăn ngừa có hiệu quả sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh không phải là chủ sở hữu tài sản nhưng những quy định mang tính “định đoạt” việc kiểm soát và chi tiêu tài sản là tiền công đức tại Công văn số 489/UB-VX1 cũng không phù hợp với quy định tại Điều 195 Bộ Luật Dân sự về “Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu”, theo đó: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật” (xin nhấn mạnh: Theo quy định của “luật”, tức là theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý chỉ dưới Hiến pháp).
Căn cứ quy định tại Điều 238 Bộ Luật Dân sự năm 2015, khoản tài sản (tiền công đức) sau khi đã được người hảo tâm chuyển giao (qua hòm công đức) thì quyền sở hữu thuộc về người được chuyển giao tài sản là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Như vậy, để trở thành chủ thể có quyền “định đoạt” hoặc quyền “tham gia định đoạt”, pháp luật buộc UBND tỉnh Quảng Ninh phải được sự ủy quyền của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc là chủ sở hữu tài sản sau khi nhận chuyển giao tài sản từ phía người hảo tâm.
Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa?
Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!
Thanh Uyên
http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/su-kien/cong-van-489ub-vx1-ve-quan-ly-hom-cong-duc-cua-ubnd-tinh-quang-ninh-tu-mot-goc-nhin_t114c1152n140993.
quản lý hòm công đức ghpgvn tỉnh quảng ninh công văn số 489/ub-vx1 thông tư quản lý tiền công đức tiền công đức quản lý tiền công đức lấy tiền công đức tt thích thanh quyết