;
Về ở xóm 4, xã Cổ Đảm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Văn Hải, SN 1990, một người bố trẻ vừa gặp nạn thương tâm đang nuôi đứa con trai 14 tháng tuổi thiếu thốn đủ bề. Hoàng hôn xuống, khi nhà nhà đã sum vầy bên bữa cơm tối, thì bố con Hải đang lay lắt trong căn phòng chỉ rộng hơn chục mét vuông. Thật không cầm được nước mắt khi người cha trẻ cụt đôi tay ngồi trên chiếc chõng tre, dùng đôi chân thương tật cố giữ cho đứa con trai bé bỏng không té ngã xuống sàn nhà. Đứa con trai có lẽ đã quá đói, bà nội chưa kịp pha sữa, cứ khóc thét liên hồi.
Tai nạn thương tâm vĩnh viễn cướp mất đôi tay của người cha, mẹ lại dứt áo bỏ đi, bé Duy Khôi 14 tháng tuổi ở xóm 4, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang sống những ngày đầy lay lắt, bất hạnh…
Dù đã đọc qua lá đơn về hoàn cảnh của bố con Hải, nhưng nghe Hải và bà Hường (mẹ Hải) thuật lại cái ngày Hải gặp nạn đầy thương tâm mà chúng tôi không cầm được nước mắt. 7 tháng trước, sau khi vợ sinh con nhỏ, vì hoàn cảnh quá khó khăn, Hải xa vợ con vào tỉnh Kontum phụ giúp làm mái che. Số phận thật nghiệt ngã với chàng trai trẻ. Do bất cẩn Hải để thanh sắt chạm vào đường dây điện. Chỉ trong chốc lát toàn thân Hải bị điện giật cháy đen. Đưa Hải đến bệnh viện không một ai tin là Hải sẽ còn có cơ hội sống sót. Các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon tum đã làm tất cả để cứu sống Hải trước khi chuyển khẩn cấp người cha trẻ đang quá nguy kịch về thành phố Hồ Chí Minh chữa trị.
Những tháng ngày nằm viện Hải trải qua thời khắc đau đớn, tuyệt vọng nhất của đời người. Một loạt các ca phẫu thuật đã được các bác sỹ tiến hành để cứu lấy mạng sống của Hải, như cắt bỏ hai cánh tay để ngăn vết thương gây hoại tử; phẫu thuật lấy da cấy ghép chiếc chân trái bị bỏng nặng. Điều kì diệu đã đến, đã cho Hải cơ hội sống tiếp cuộc đời, nhưng khi tỉnh lại Hải đã đau đớn tột cùng, tinh thần bị chấn động dữ dội. Hải không thể nào tin những gì đang xảy ra với mình là sự thật.
Bị điện giật, Hải đã trở thành một người tàn phế khi phải cắt bỏ đi đôi tay, còn đôi chân cũng chịu dị tật suốt đời.
“Chỉ khi tỉnh hẳn em mới biết mình bị tai nạn, em mới biết đôi tay lành lặn ngày nào đã không còn, em như một tấm thân bất động. Khi đó cảm giác của em thật khủng khiếp. Em đau đớn, tuyệt vọng vô cùng. Nhiều lúc em không thể nào tin đó là sự thật, chỉ là cơn ác mộng”– Hải thuật lại giây phút tỉnh lại trong bệnh viện.
Khoảng thời gian nằm viện là quá cơ cực với Hải và gia đình. Chi phí điều trị tốn kém, gia chủ thuê Hải cũng thuộc diện nghèo khó chỉ hỗ trợ được hơn chục triệu, nên gia đình Hải ở quê nhà phải cầm cố, vay mượn khắp xóm làng hàng trăm triệu đồng mới có kinh phí chạy chữa. Gần 5 tháng nằm viện, từ một chàng trai lành lặn, khỏe mạnh, thân hình Hải biến dạng, ốm yếu chỉ còn cân nặng chưa đầy 50kg.
Hải đang rất đau và ngứa khi vết thương ở chân chưa lành hẳn.
Trở về quê với một tấm thân tàn phế, nợ nần chồng chất khiến cuộc sống của Hải và gia đình thêm bội phần khó khăn. Đang còn rất tuyệt vọng, đang lúc khó khăn nhất, cách đây hơn hai tháng vợ Hải lại rời bỏ tổ ấm gia đình, để lại bé Duy Khôi 12 tháng tuổi cho Hải và bà nội. Hải đã nhiều lần liên lạc với vợ, cầu mong vợ quay trở về để chăm sóc con khi con trai còn quá bé bỏng, còn thèm khát sữa mẹ. “Em đã nói với vợ em, dẫu không còn thương yêu em thì còn đó đứa con trai, cố chăm con cho lớn rồi tính. Em đã thế này rồi thì em sẽ tạo điều kiện cho cô ấy thôi, nhưng cô ấy không hồi âm, vẫn bặt vô âm tín cho đến lúc này” – Hải ngậm ngùi kể.
Cảnh gà trống nuôi con đã khốn khó, huống gì một chàng trai trẻ mất đi cả đôi tay phải chăm đứa con trai còn khát sữa, vừa chập chững bước đi. Biết con khát sữa, biết thời tiết có thể làm con bị cảm lạnh, rồi thấy con ngã nhào xuống nền nhà nhưng Hải gần như bất lực. Cũng vì thế mỗi lần bé Duy Khôi bập bẹ gọi “mẹ, mẹ”, mỗi lần con trai tập ngã nhào xuống sân, xuống nền nhà là mỗi lần Hải rơi nước mắt vì quá thương con.
Đã hơn hai tháng nay, vì thấy bà Hường vất vả lo toan cho bố con, nên dẫu còn rất yếu, vẫn còn đau và rất ngứa, Hải đã cố tập để biến đôi chân thành đôi tay có thể chăm sóc con trai, đỡ đần phần nào cho mẹ. Tập mãi không được, cộng với những điều bất lực, tuyệt vọng trong cuộc sống, Hải đã không ít lần có ý định tìm đến cái chết.
Duy Khôi rất muốn bố bế lên. Nhưng bé không biết được rằng bố em đã không còn đôi tay để có thể làm điều thiêng liêng đó.
“Làm một người đàn ông, một người cha mà em đã không chăm được con, lại còn làm tội cả mẹ, cả người thân nữa. Em sống mà như không tồn tại nên nhiều khi em không muốn sống nữa anh ạ. Nhưng cứ nhìn con trai, cứ nghĩ đến cảnh mẹ đã bỏ đi, giờ mất thêm bố thì cháu sẽ sống với ai, em lại không thể nào làm được. Em muốn sống, em sẽ cố để nuôi cháu khôn lớn”- Hải nói rồi cúi đầu hôn đứa con trai tội nghiệp bé bỏng của mình.
Không còn đôi tay Hải dùng chân đỡ con trai dậy mỗi khi con té xuống nền nhà.
Bế cháu thơ khát sữa, nhớ mẹ đang ngồi gọn trong lòng đôi chân người bố tàn phế, ốm yếu, bà Hường khóc sụt sùi: “Trời ơi, sao thương cháu tôi thế này? Không biết kiếp trước cháu tôi có tội gì không mà mới lọt lòng đã phải chịu cảnh bất hạnh thế này thế này cơ chứ. Từ hôm mẹ cháu đi, bố nó lại không có đôi tay lành lặn để có thể vỗ về, nên mỗi khi cháu đói ăn hoặc trở giấc cháu nó cứ khóc thét lên. Tui thương cháu không ngủ được, phải kê chiếc giường nhỏ ngay bên cạnh để vỗ về, cho cháu uống sữa”.
Một mình bà Hường giờ phải chăm cùng lúc hai bố con Hải. Từ tắm giặt, vệ sinh, ăn uống của Hải và bé Duy Khôi, mình bà phải lo liệu.
Rồi bà Hường thở dài cho chuỗi ngày khó khăn, cơ cực phía trước của Hải và bé Duy Khôi: “Đến mặc cái áo, ăn bát cơm bố nó cũng không tự làm được, phải một tay tui lo liệu. Không biết rồi cháu Khôi nó sẽ sống ra sao khi cha nó đã thương tật thế rồi, lại còn nợ nần chồng chất chưa biết khi nào trả được”.
Chia tay tôi, người mẹ khốn khổ cùng lúc đút cháo cho đứa con trai thương tật và đứa cháu nội tội nghiệp gửi gắm, “Hoàn cảnh hai bố con nó quá bi đát, gia đình tôi đã sức tàn lực kiệt mất rồi, tôi cầu mong anh giúp đỡ để các nhà hảo tâm có thể đỡ đần cho bố cháu phần nào. Chỉ cần bố cháu có thêm kinh phí lắp được đôi tay giả, có thể đút được thìa cơm, thìa cháo, giữa đêm khuya pha cho con được bình sữa là gia đình tui cũng đã cảm tạ lắm rồi”.
Mọi hảo tâm chia sẻ xin gửi về:: Anh Nguyễn Văn Hải, thôn 4, xã Cổ Đạm, huyên Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
SĐT: 0123.513.3638
Văn Dũng
Nguồn: http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/rot-nuoc-mat-canh-nguoi-cha-tre-mat-doi-tay-cham-be-tho-khat-sua-20170321215452726.htm