;
I. Thân thế:
Hòa thượng Thích Huệ Hiền, thế danh Lương Trung Hiếu, sinh năm 1955, tại Sài Gòn, nguyên quán Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Thân phụ là cụ ông Lương Văn Ngãi, một nhà yêu nước kháng Pháp. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Năm, một vị kính tin Tam Bảo. Do ảnh hưởng truyền thống tốt đẹp gia đình nên chú Lương Trung Hiếu sớm trở thành người Phật tử thuần thành.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, đã ghi danh vào Trường kịch nghệ thuật, thuộc Nhạc viện Tp.Hồ Chí Minh, nhưng cố Hòa thượng giác ngộ cảnh khổ của cuộc đời nên phát tâm xả bỏ trần tục tìm chốn thiền môn để xuất gia.
II . Xuất gia và tu học:
Năm 1971, phát tâm thọ trì Ngũ giới với cố Ni trưởng hiệu Nhật Mãn tự Tịnh Nguyện, trụ trì An Linh Cổ Tự, tại xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Xét thấy bản chất thông minh, tánh tình hòa nhã hiền lành, hình dáng khôi ngô tuấn tú, cố Ni Trưởng Tịnh Nguyện hướng dẫn chú thư sinh Lương Trung Hiếu về Tổ đình Long Thiền xuất gia với cố đại lão Hòa Thượng thượng Huệ hạ Thành, nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Tổ đình Long Thiền. Được Hòa thượng Bổn sư cho pháp danh là Nhật Cao tự Huệ Hiền.
Với bản tánh thông minh hiền từ và tinh tấn tu học, nghiêm túc giữ gìn thiền môn quy tắc nên được Hòa thượng Bổn sư cho thọ Sa Di giới. Với tấm lòng quyết chí theo đường giải thoát giác ngộ và hạnh đức khiêm cung nên năm 1973, được Hòa Thượng Bổn sư cho phép thọ cụ túc giới.
Trong Giới Đàn này, đại lão Hòa thượng thượng Huệ hạ Thành, chư vị Giới sư cao tăng thiền đức trong các Sơn môn pháp phái lớn ở Miền Đông chứng đàn truyền trao giới pháp.
Năm 1979 và năm 1980, cố Hoà thượng Thích Huệ Hiền an cư kiết hạ tại Tổ đình Long Thiền, được nghe những bộ kinh, luật bằng Hán ngữ do cố đại lão Hòa thượng, nguyên Tăng thống GHPG Cổ truyền và chư tôn đức pháp sư nổi tiếng trong môn phong giảng dạy, như cố đại lão Hòa thượng thượng Bửu hạ Ý, cố Hòa Thượng thượng Pháp hạ Lan.
Với bản tính thông minh sẵn có, không bao lâu cố Hòa thượng Thích Huệ Hiền trở thành vị giảng sư trẻ, trong môn phong pháp phái lúc bấy giờ.
III. Sự nghiệp Đạo pháp
Năm 1978 được Giáo hội Phật giáo Cổ truyền bổ nhiệm làm trụ trì chùa Thanh Long, tọa lạc phường Trung Dũng, Tp.Biên Hòa.
Chùa Thanh Long còn gọi là “chùa Xóm ga”, là nơi lưu dấu chân hành đạo của Hòa thượng Tăng thống thượng Huệ hạ Thành. Trong những năm 1968 đến 1971, Ngài thường xuyên mở khóa an cư kiết hạ, trường hương cho chư tăng ni hệ phái tu học, trong đó chư tăng ni ngày nay đã trưởng thành đang phục vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Năm 1973, Chùa Thanh Long còn là nơi chăm sóc nuôi dưỡng cán bộ cách mạng và trong những ngày giải phóng đất nước 30/04/1975.
Năm 1981, cố Hoà thượng chính thức là đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai tại đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Năm 1982, tham gia công tác Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, chức vụ Phó thư ký Tỉnh hội.
Năm 1986, được đại hội Phật giáo tỉnh cử giữ chức vụ Chánh Thư ký. Từ khóa IV đén khóa V, cố Hòa thượng giữ chức vụ Phó ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký.
Cố Hoà thượng được đại hôi Phật giáo toàn quốc suy cử Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa V, khóa VI, khóa VII, Phó ban Trị sự thường trực Tỉnh hội khóaVI, khóa VII.
Năm 2007, được sự tín nhiệm của môn phong pháp phái, đề cử cố Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Trụ trì Tổ đình Long Thiền. Do đó, Giáo hội chánh thức bổ nhiệm làm Trụ trì ngôi Tổ đình Long Thiền, đây là ngôi chùa di tích lịch sử cấp quốc gia, một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất của xứ Trấn Biên – Đồng Nai.
Năm 1996 cho đến nay cố Hòa thượng được cử giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai.
Năm 2010, cố Hòa thượng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa tỉnh Đồng Nai.
Từ năm 1986 đến 2012, Hoà thượng được cung thỉnh làm giới sư nhiều giới đàn do Tỉnh hội tổ chức, như Đại giới đàn “Huệ Thành”, “Nguyên Thiều Siêu Bạch”, làm Giáo thọ a xà lê sư đàn Sa di, đệ nhất, đệ nhị, đệ tam tôn chứng, Đàn Tỳ kheo, truyền giới cho 2.548 Giới-tử Tỳ kheo, Sa di và Bồ Tát, và Thập Thiện giới.
IV. Sự nghiệp dân tộc và hoạt động xã hội:
Năm 1974, cố Hòa thượng tham gia phong trào thanh niên tu sĩ Phật giáo Cổ truyền đấu tranh chống chế độ bắt quân dịch của quân đội Sài Gòn. Hoạt động nầy đã đưa thanh niên tu sĩ Phật giáo Cổ truyền được cấp giấy hoãn quân dịch.
Từ năm 1997 đến 2012, cố Hòa thượng là ủy viên Ủy ban Mật trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai, đồng thời đắc cử đại hội Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VI, khóa VII và khóa VIII, và đại biểu Hội đồng Nhân dân phường Trung Dũng từ năm 1990 đến 2010.
Năm 1979, cố Hòa thượng tích cực hưởng ứng phong trào quyên góp tịnh tài tịnh vật ủng hộ đất nước Campuchia hồi sinh do Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai phát động.
Từ năm 2000 đến 2012 cố Hòa thượng được các cơ quan Nhà nước tín nhiệm, chấp nhận cho đỡ đầu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở Nhơn Trạch.
Trong công tác từ thiện xã hội, cố Hòa thượng thường xuyên thăm viếng ủy lạo cho bà con nghèo các huyện, thị thành trong tỉnh Đồng Nai, các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận và và ủy lạo bà con ruột thịt bị thiên tai, địch họa tại các tỉnh Kontum, Daklak, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Trị, Huế, Bình Thuận và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long Đồng Tháp, An Giang.
Bên cạnh đó, cố Hòa thượng còn cứu tế gạo, tặng quà tết cho bà con nghèo tại phường Trung Dũng, đỡ đầu cho các học sinh nghèo hiếu học, chăm lo cho bà con nghèo vui xuân, xây nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết…..
Suốt 32 năm phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc, công tác Giáo hội, công tác Mặt trận, công tác Dân vận, công tác Hội đồng Nhân dân..., Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Giáo hội, cho Tổ quốc, cho xã hội, cho tăng ni và mọi người.
Để ghi nhận những cống hiến của cố Hòa thượng, lãnh đạo Giáo hội và Nhà nước cũng như các cơ quan ban ngành, đoàn thể tặng thưởng nhiều huy chương và bằng khen cao quý như sau:
- Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết của UBTW MTTQ VN.
- Bằng tuyên dương công đức của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Nhiều bằng khen thưởng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.
- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo Hội chữ Thập đỏ Việt Nam.
- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Dân vận.
- “Sao Vàng Đồng Nai” 2008.
- Nhiều bằng khen giấy khen người tốt việc tốt, hoàn thành công tác Dân vận, công tác Mặt trận, công tác Tôn giáo…
V. Thời gian viên tịch:
Suốt quá trình 32 năm phục vụ cho Đạo Pháp - Dân Tộc, cố Hòa thượng là bậc lãnh đạo hài hòa khiêm tốn, hoạt bát, được tăng ni Phật tử trong ngoài tỉnh mến mộ quý kính.
Nhưng rồi theo định luật vô thường, cố Hòa thượng đã xả báo thân an tường thị tịch vào lúc 15 giờ 30, ngày 28 tháng Giêng năm Quý Tỵ, (nhằm 9/03/2013) với 60 tuổi đời, 40 hạ lạp.
Cố Hòa thượng về cõi trời Tây để lại sự mất mát lớn lao cho Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, môn phong pháp quyến và Tăng ni Phật tử.
Nam mô tân viên tịch Long Thiền tổ đình, Thanh Long tự, từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập nhất thế húy Nhật Cao, thượng Huệ hạ Hiền, Lương công Hòa thượng Giác linh chứng minh.
Môn đồ Pháp quyến