;
Trong kho tàng lịch sử dân tộc Việt Nam, Thái hậu Ỷ Lan là một trong số rất ít phụ nữ làm nên những kỳ tích lịch sử. Ngoài Thái hậu Ỷ Lan, người nữ Phật tử đầu tiên, đồng thời cũng là vị Ni sư đầu tiên, không ai khác hơn là Ni sư Diệu Nhân. Về vị Ni sư này, có hai nguồn sử liệu khác nhau ghi lại. Nguồn thứ nhất là sử liệu Phật giáo, tức Thiền Uyển Tập Anh(1) và nguồn sử liệu thứ hai là bộ chính sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 3(2) . Theo Thiền Uyển Tập Anh thì cuộc đời và sự nghiệp của Ni sư này được mô tả như sau:
I. THÂN THẾ
“Ni sư Diệu Nhân - viện Hương Hải, làng Phù Đổng huyện Tiên Du. Cô tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Yết Vương, bẩm tính hiền thục, ngôn hạnh có phép. Vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung. Đến tuổi cập kê, vua gả cho Châu Mục Chân Đăng họ Lê. Họ Lê mất, tự thề ở vậy giữ nghĩa không tái giá.
Căn cứ vào truyện Diệu Nhân ở đây, ta thấy Ni sư tên thật là Ngọc Kiều, là con gái lớn của Phụng Yết Vương. Phụng Yết Vương đúng ra phải là Phụng Càn Vương. Nhưng vì chữ Càn là kỵ húy của thời Trần, nên phải đổi thành chữ Yết. Nó giống như cửa Càn ở Nghệ An, mà theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 6(3) đã được vua Trần Anh Tông đổi thành cửa Cần vào năm 1312. Cho nên Phụng Càn Vương đã đổi thành Phụng Yết Vương.
Phụng Càn Vương là con của vua Lý Thánh Tông, tên thật là Lý Nhật Trung, được phong tước vào tháng 7 năm Ất Hợi Thông Thụy thứ 2 (1035), như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 2(4) đã chép : “Phong hoàng tử Nhật Trung làm Phụng Càn Vương, còn các hoàng tử khác thì phong hầu”. Đại Việt Sử Lược 2(5) chép Phụng Càn Vương thành Thừa Càn Vương : “Năm Ất Hợi Thông Thụy thứ 2 (1035) phong vương tử Nhật Trung làm Thừa Càn Vương”. Thừa chắc là một chữ khắc sai của chữ Phụng, vì tự dạng rất dễ bị lầm.
Sau khi được phong, Phụng Càn Vương đã trực tiếp tham gia lãnh đạo chính quyền. Vào tháng 10 năm Thông Thụy thứ 2 (1035), nhân có vụ người Ái Châu làm phản, vua Lý Thái Tông phải đem quân chinh phạt. Trong khi vắng mặt tại kinh đô, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 2(6), Phụng Càn vương đã được giao giữ chức lưu thủ kinh sư, trực tiếp nắm lấy quyền trung ương và chắc chắn có những thành tích tốt. Cho nên đến đầu xuân năm Đinh Sửu Thông Thụy thứ 4 (1037), khi vua Lý Thái Tông chính thức đi thân chinh đạo Lâm Tây và sai Khai Hoàng Vương làm đại nguyên soái đánh các châu Đô Kim, Thường Tân và Bình Nguyên, thì Phụng Càn Vương một lần nữa được giao cho làm kinh sư lưu thủ như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư(7) đã ghi. Vì thế, lúc vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đã đem con gái lớn của Phụng Càn Vương (là Ngọc Kiều) làm con nuôi của mình.
Đến khi lớn, nhà vua đã đem gả cho Chân Đăng họ Lê. Việc ấy Đại Việt Sử Ký Toàn Thư(8) đã ghi lại thế này : “Năm Quý Tỵ Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113), mùa hạ tháng 6, phu nhân của Châu Mục Chân Đăng là công chúa họ Lý mất”. Rồi viết thêm : “Phu nhân tên Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn Vương, Thánh Tông nuôi ở trong cung. Đến khi lớn, phong làm công chúa, gả cho Châu Mục Chân Đăng họ Lê. Họ Lê chết, tự thề ở góa rồi xuất gia làm Ni, đến nay mất, thọ 72 tuổi. Thần Tông tôn làm Ni sư”.
Sự kiện này trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép, và đây là lần đầu tiên tên tuổi một vị Ni sư được chính sử ghi lại. Cho nên, ta không có gì phải nghi ngờ, điểm lôi cuốn là trong số các công chúa của triều đại nhà Lý gả cho các Châu Mục ở vùng biên cương phía Bắc của tổ quốc, thì công chúa Ngọc Kiều được ghi chép tương đối chi tiết nhất với cả năm mất cùng tuổi thọ và một ít hành trạng, một điều mà các công chúa khác không có.
Sự tình ấy biểu lộ ảnh hưởng tác động của vị công chúa là Ni sư sau này. Nói cách khác, không phải cứ thuộc thành phần hoàng gia quý tộc là tức khắc cuộc đời được ghi chép đầy đủ vào sử sách. Nó đòi hỏi họ phải có những thành tích, có một tác động nào đó đối với lịch sử. Gần 20 năm sau khi mất, ảnh hưởng của Diệu Nhân vẫn còn mạnh mẽ không chỉ trong quần chúng, mà còn đối với các tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Cho nên, vua Lý Thần Tông mới phong làm Ni sư.
Đó là, gần 20 năm sau khi mất, Diệu Nhân đã được vua Lý Thần Tông truy phong làm Ni sư, như đã nói ở trên. Đây là một điểm khá khác lạ so với các công chúa khác, vì họ lúc mất rồi ít khi được nhắc tới. Thế mà Diệu Nhân mất từ năm 1113, đến khi vua Lý Thần Tông lên ngôi lại được truy phong là Ni sư. Thần Tông lên ngôi vào năm 1128 và việc truy phong này chắc cũng xảy ra sau khi lên ngôi vài ba năm. Tại sao xảy ra việc này ?
Rõ ràng các phu nhân họ Lê như: Minh Bảo, Cảm Thánh, Phụng Thánh v.v... đã được đưa vào cung làm vợ của Thần Tông, trong đó Minh Bảo được tuyển vào năm 1128, còn Cảm Thánh vào năm 1134, Phụng Thánh vào năm 1136. Chính do ảnh hưởng của các phu nhân này, mà mẹ của họ là công chúa Thụy Thánh (Ngọc Kiều) nên họ đã xin vua truy phong cho mẹ mình là Thụy Thánh làm Ni sư, để đền đáp lại công ơn và sự hy sinh của bà trong việc ở góa nuôi con khi chồng chết.
Bây giờ, căn cứ vào văn bia Phụng Thánh phu nhân, ta biết thêm Ni sư Diệu Nhân, ngoài tên húy là Ngọc Kiều, như Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi, còn có tên là Thụy Thánh công chúa. Việc có thêm tên này có trở ngại gì không ? Hoàn toàn không có trở ngại gì, bởi vì phu nhân Phụng Thánh còn có tên húy là Xuân Lan. Điểm lôi cuốn đối với chúng ta là nhờ văn bia Phụng Thánh phu nhân, ta có thêm một số thông tin mới về Ni sư Diệu Nhân, khi kết hợp với Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Ni sư nguyên là con gái cả của Phụng Càn Vương và có tên là Ngọc Kiều. Hẳn khi chưa có con, vua Lý Thánh Tông đã xin Ngọc Kiều, con gái của em mình đưa vào cung để nuôi và ban cho tên Thụy Thánh công chúa, vì thế cũng được coi là con gái của nhà vua. Đến khi lớn thì gả cho Châu Mục Chân Đăng là cháu của vua Lê Đại Hành. Châu Mục này từ đó thêm tước Phò Ký úy Chân Đăng châu bảo sở quan sát sứ, như đã ghi trong văn bia Phụng Thánh phu nhân.
Khi lấy chồng, Ni sư đã sinh được một người con trai là Lê Xương, tức Phụ Thiên đại vương sau này. Rồi khi chồng chết và con đã lớn khôn, bà đến xin xuất gia và thọ Bồ-tát với Thiền sư Chân Không (1046 -1100). Bà xuất gia lúc nào, hiện nay ta không biết, chỉ thấy Thiền Uyển Tập Anh ghi bà đã trở thành một bậc tôn túc kiệt xuất trong hàng Ni chúng Việt Nam thời bấy giờ. Có nhiều người đến tham học và Bà thường đem giáo lý Đại thừa giảng dạy.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA VÀ VIÊN TỊCH
Một hôm than rằng: “Ta xem thế gian, hết thảy các pháp cũng như mộng huyễn, huống gì bọn phù vinh có thể nương tựa được sao !”
Do đó, đem cho sạch các đồ trang sức, xuống tóc xuất gia, đến thọ Bồ-tát giới với Thiền sư Chân Không tại làng Phù Đổng, học hỏi tâm yếu. Chân Không vì vậy ban hiệu và cho phép trụ trì tại Ni viện. Bà giữ giới hành thiền, đạt được Tam-ma-địa, thật là bậc tôn túc trong hàng Ni giới. Có ai đến cầu học thì Bà tất đem pháp Đại thừa ra giảng dạy và nói : “Chỉ trở về nguồn tự tánh, thì đốn tiệm có thể tùy đó mà thể nhập, hãy thường tịch tịnh, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ”.
Có học trò hỏi : “Tất cả chúng sanh bệnh, cho nên ta bệnh, sao gọi là khi nào cũng tránh xa thanh sắc ?”
Ni sư đem giáo nghĩa đáp : “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là người làm tà đạo, không thể thấy Như Lai”.
Lại hỏi : “Sao gọi là ngồi yên ?”
Ni sư đáp : “Xưa nay không đi”.
Lại hỏi : “Sao gọi là không lời ?”
Ni sư đáp : “Đạo vốn không lời”.
Ngày mồng Một tháng Sáu năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113), Ni sư cáo bệnh nói kệ :
“ Sinh, già, bệnh, chết,
Từ xưa thường vậy,
Muốn cầu thoát ly,
Cởi trói thêm buộc,
Mê mới tìm Phật,
Lầm mới cầu thiền,
Thiền Phật chẳng tìm,
Ngậm miệng không nói”.
Bèn gội tóc, rửa mình, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi.
III. TƯ TƯỞNG CỦA NI SƯ DIỆU NHÂN
Giáo điển Đại thừa nói đến, chính là dựa vào các Kinh Duy Ma Cật và Kim Cương. Ni sư thường bảo “Chỉ trở về nguồn tự tánh thì đốn tiệm có thể tùy đó mà thể nhập, hãy thường tịch tịnh, tránh xa thanh sắc ngôn ngữ”. Khi bảo thế, thì có một môn đồ đứng lên hỏi: “Tất cả chúng sanh bệnh, cho nên ta bệnh, thì làm sao khi nào cũng tránh xa thanh sắc?”. Rõ ràng đặt câu hỏi như thế là dựa vào quan điểm của Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh quyển Trung trong Đại Tạng Kinh(9): “Dĩ nhất thiết chúng sanh bệnh, thị cố ngã bệnh” (vì hết thảy chúng sanh bệnh, cho nên ta bệnh).
Kinh Duy Ma Cật xuất hiện rất sớm trong lịch sử Phật giáo nước ta, ngay từ những thế kỷ II, thứ III., mà vết tích ta có thể tìm thấy trong Kinh Tạp Thí Dụ quyển Hạ trong Đại Tạng Kinh(10) . Tuy nhiên vào thời điểm ấy, tư tưởng được vận dụng là tư tưởng xem thân thể và sự sống của mỗi con người chúng ta dễ tan vỡ giống như bèo bọt. Vì thế, chúng ta không nên bám chặt vào tấm thân bèo bọt đó một cách mù quáng để hưởng thụ, để lo vun vén cho bản thân cá nhân, mà quên đi quyền lợi của nhiều người khác. Nói cách khác, thấy được tính dễ tan vỡ của xác thân mình để làm điều gì đó có lợi cho mình và người.
Tư tưởng này đã được truyền bá cho đến thời Diệu Nhân và đã có tác động nhất định lên quyết định xuất gia của cô công chúa cành vàng lá ngọc. Sau khi chồng chết, cô đã “tự thề ở vậy giữ nghĩa không tái giá”, chắc hẳn để nuôi con cho lớn khôn. Đến lúc đã trưởng thành trong Thiền Uyển Tập Anh đã ghi lời than của Ni sư : “Ta xem thế gian hết thảy các pháp cũng như mộng huyễn, huống gì bọn phồn vinh có thể nương tựa được sao !”.
Phần sau của lời than đó thì rõ ràng phản ánh tư tưởng xác thân bèo bọt của Kinh Duy Ma vừa nói. Thật vậy, bọn phồn vinh (phù vinh chi phối) có thể hiểu theo hai cách. Hoặc đó là những thứ của cải, danh tiếng, chức tước sang trọng trôi nổi không thể trông cậy được. Đó là những con người với vẻ sang trọng nổi trôi nhưng không thể trông cậy được, trong đó có cả chính bản thân mình. Dù hiểu theo cách nào đi nữa, nó cũng phản ánh tính dễ tan vỡ bèo bọt của xác thân con người.
Tính dễ tan vỡ bèo bọt của bản thân con người như thế cũng được Kinh Kim Cương trong Đại Tạng Kinh(11) nói tới qua bài kệ nổi tiếng ở cuối bản Kinh, mà ai cũng biết:
“ Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bọt bóng,
Như sương cũng như chớp,
Nên quan sát như thế ”.
Phần đầu lời than của Ni sư Diệu Nhân trên đã dùng hai câu đầu của bài kệ ấy để thể hiện quan điểm, mà tư tưởng bèo bọt của Kinh Duy Ma Cật nói tới và đã truyền bá rộng rãi tại nước ta từ lâu. Hai bản Kinh Duy Ma Cật và Kim Cương như thế đến thời điểm này đã cùng với Kinh Pháp Hoa và Tâm Kinh Bát Nhã trở thành những văn bản kinh điển Đại thừa làm cơ sở suy nghĩ cho giới Phật giáo nước ta và đã hình thành một quan điểm về sống chết đặc thù của giai đoạn Phật giáo này.
Ở trên, đã phân tích quan điểm sống chết của đạo hạnh phản ánh xu thế tư tưởng chung của thời đại mình, trong đó có cả vua Lý Nhân Tông cùng hai thầy trò Sùng Phạm và Trì Bát. Đó là một xu thế coi sống chết có tính quy luật không đáng phải quan tâm vướng bận. Ta cũng đề cập tới quan điểm của Ni sư Diệu Nhân về vấn đề này và nó cũng phản ánh xu thế ấy. Thực tế, bài kệ thị tịch của Ni sư đã nói đến tính thường nhiên của việc sanh già bệnh chết.
Một khi sống chết là quy luật thường nhiên thì tại sao con người lại tìm cách thoát ly nó, để cho thêm vướng bận, để “Cởi trói thêm buộc” chẳng ích lợi gì. Từ đó việc tìm Phật cầu thiền chỉ là một thứ mê hoặc, thiền Phật chẳng cần phải tìm cầu. Nói cách khác, hãy sống như Sùng Phạm đã bảo: “Đói ăn khát uống”. Phật và thiền nằm ngay trong những hành động bình dị của cuộc sống, chứ không ở đâu xa. Và khi đã sống giác ngộ qua những việc bình dị nhất như đói ăn khát uống, thì sống chết không còn làm cho ta phải vướng bận. Và thế là từng phút giây an nhiên đã đến với từng con người:
“ Sinh lão bệnh tử, Tự cổ thường nhiên, Dục cầu xuất ly, Giải phược thêm phiền. Mê chi cầu Phật, Hoặc chi cầu thiền, Thiền Phật bất cầu, Đỗ khẩu vô nghiêng (ngôn)”. Sinh, già, bệnh, chết,Từ xưa thường vậy,Muốn cầu thoát ly,Cởi trói thêm buộc.Mê mới tìm Phật,Lầm mới cầu thiền,Thiền Phật chẳng tìm,Ngậm miệng không nói.
Đọc bài kệ về quan điểm sống chết này của Ni sư Diệu Nhân, ta thấy phảng phất đâu đó một lời phê bình nặng nề quan điểm cho sống chết là một việc lớn (sinh tử sự đại). Quan điểm sống chết việc lớn ấy lần đầu tiên được nêu lên bằng văn Kinh trong phẩm Hành Do thứ nhất của Pháp Bảo Đàn (Lục Tổ Huệ Năng 638 – 713) và được ghi trong Đại Tạng Kinh(12); do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674) dạy đồ chúng : “Người đời sống chết là việc lớn. Các ngươi cứ suốt ngày chỉ lo tìm ruộng phước mà không tìm thoát ra khỏi biển khổ sống chết. Tự tánh nếu mê, thì phước làm sao cứu được. Các ngươi mỗi người hãy ra đi, tự xem xét trí tuệ, nắm lấy tánh Bát-nhã của bản tâm mình”. (Thế nhân sanh tử sự đại. Nhữ đẳng chung nhật chỉ cầu phước điền, bất cầu xuất ly sinh tử khổ hải. Tự tánh nhược mê, phước hà khả cứu? Nhữ đẳng các khứ, tự kháng trí tuệ, thủ tự bản tâm Bát-nhã chi tánh).
Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) khi đến tham bái Lục Tổ Huệ Năng, đã tỏ một thái độ kiêu mạn. Cho nên lúc Lục Tổ hỏi, Huyền Giác đã trả lời bằng hai câu “Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc”, như Pháp Bảo Đàn Kinh trong Đại Tạng Kinh(13) đã ghi. Tư tưởng sống chết việc lớn này cũng từng xuất hiện rất sớm trong lịch sử Thiền tông Việt Nam, mà dấu vết có thể thấy rõ trong truyện Vân Phong của Thiền Uyển Tập Anh(14) do Thiện Hội (?-900) nêu lên.
Tuy nhiên, đọc câu thuyết giảng đồ chúng của Ngũ Tổ Huỳnh Mai vừa dẫn trên, ta thấy nhiều chữ đã xuất hiện trong bài kệ thị tịch của Diệu Nhân. Họ cũng nói đến việc sống chết, việc tìm cách thoát ra khỏi sống chết, việc mê việc ngộ. Dẫu vậy, nếu Ngũ Tổ cho rằng sanh tử là việc lớn, phải tìm cách thoát ra, thì vị Ni sư của chúng ta đã nói ngược lại sống chết có gì là việc lớn. Nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng giây, từ xưa tới nay hết sức bình thường. Thế thì cần gì phải tìm cách thoát ra (xuất ly) như Ngũ Tổ đã kêu gọi. Đối với vị Ni sư, tìm cách thoát ra thì chỉ tổ trói buộc thêm mình mà thôi, có lợi ích gì.
Cho nên, đối với vị Ni sư chỉ mê mới đi tìm Phật, lầm mới học thiền. Thiền Phật chẳng cần tìm, ngậm miệng thì biết thôi. Nói thế, Diệu Nhân đã kế thừa cả một truyền thống học “Lý thiền Việt Nam”, tối thiểu bắt đầu từ thời Cảm Thành (?-860) cho tới Sùng Phạm (1004-1087). Cảm Thành đã cho rằng Phật ở khắp mọi nơi, còn Sùng Phạm thì bảo chân tâm là “đói ăn khát uống”. Với một quan điểm như thế về Phật, về tâm thì có gì phải nhọc công đi tìm, có gì phải cho sống chết là việc lớn.
Chính tư tưởng cho rằng phải tìm lại chân tâm bản tánh trong những công việc hàng ngày bình dị nhất, như đói ăn khát uống cũng ít nhiều phản ánh tư tưởng “bình thường tâm thị đạo” (tâm bình thường là đạo) mà Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834) đã nói với Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897), dù không phải hoàn toàn đồng nhất. Chính tư tưởng ấy đã khởi đầu cho một phong trào Phật giáo lấy tư tưởng hòa quang đồng trần của Trường Nguyên (1110-1165) và tùy tục của Thường Chiếu (?-1203) làm cơ sở. Nó sẽ phát triển mạnh mẽ về sau, để trở thành quan điểm cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông và sự ra đời của dòng Thiền Trúc Lâm.
Trước mắt, tư tưởng coi sống chết là bình thường, không đáng vướng bận đã tạo cho đời sống tinh thần của người dân Đại Việt thời kỳ này một sự an nhiên thoải mái trong cung cách hành xử. Nó không làm cho người ta quay cuồng trong việc đi tìm lối thoát khỏi sự sống chết thông qua những phương pháp tu luyện cực khổ, phí sức, mà chẳng đem lại kết quả gì. Do ảnh hưởng của tư tưởng ấy, con người thời đại này rất tỉnh táo, biết tìm lấy mặt mũi của chính mình trong những công việc hàng ngày bình dị nhất.
Từ đó, những người phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục làm những việc gì có lợi ích cho dân, cho đạo như tổ tiên họ đã từng làm và con cháu họ sẽ tiếp tục làm. Đó là sống đúng theo đạo làm vợ, có hiếu với cha mẹ tổ tiên, thương yêu kẻ dưới, đóng góp vào những công việc từ thiện công đức. Những người con cháu của Ni sư đã làm thế. Nhưng ngày nay ta chỉ có một văn kiện duy nhất là văn bia Phụng Thánh phu nhân đã đề cập ở trên. Dù khan hiếm tư liệu, văn bia Phụng Thánh phu nhân cũng cho ta thấy ít nhiều cuộc sống của người nữ Phật tử trong một đại gia đình Phật giáo Việt Nam.
Theo văn bia, phu nhân Phụng Thánh, tên húy Xuân Lan, là con út của Phụ Thiên đại vương và công chúa Phụng Thánh, sinh năm 1109. Năm Giáp Dần Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1134), lúc đã 26 tuổi, còn Thần Tông mới 18 tuổi, do chị là Cảm Thánh mà được đón vào cung. “Khi đón về làm Phi, mới vào cung, là đã hiểu rõ đạo làm vợ, trước lên tông miếu, giữ bền phong độ nữ lưu, ăn mặc điểm trang thì đúng nghi lễ, nói năng cử chỉ thì đúng khuôn phép”.
Đến năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) được sắc phong Phụng Thánh phu nhân, thì “vẫn giữ bền tâm hạnh, bớt việc trang điểm, việc thờ cúng đã đằng không thiếu, mà ơn huệ bé mọn cũng thấm đến gia nhân”. Tới lúc vua Lý Thần Tông mất vào năm 1137, thì phu nhân “gào khóc đưa tiễn xe vua, thề ở lại lăng tẩm để trông coi, lòng biếng nhác không bao giờ thấy được, dù không tu được đạo Thượng thừa, mà sự giáo hóa vẫn đủ”.
Khi vua Lý Anh Tông lên ngôi thì phu nhân cùng với chị mình là Cảm Thánh giúp rập vị vua thơ ấu. Dù sống hiển vinh mà lòng thường không quên cội nguồn tổ tiên, muốn dựng chùa để trả ơn tri ngộ của vua Thần Tông mà cũng để làm nơi gởi nắm xương tàn, khi từ giã cõi đời, cho gần gũi với cha mẹ mình. Thế là chùa Phúc Thánh Diên Linh được dựng lên tại hương Tuế Phong, châu Chân Đăng ngày trước, tức xã Hương Nộn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay.
Ngôi chùa đã không phụ lòng mong ước của phu nhân Phụng Thánh. Nhờ chùa mà văn bia Phụng Thánh phu nhân đã được giữ gìn và truyền lại cho chúng ta hôm nay, dù có chữ bị khắc sai, khắc lộn. Chúng ta cũng nhờ văn bia này, mà có được một số thông tin mới về sinh hoạt gia đình, xã hội và Phật giáo của tổ tiên ta gần cả nghìn năm trước nói chung và về bản thân Ni sư Diệu Nhân nói riêng.
Cuối cùng phu nhân Phụng Thánh đã mất vào tháng 9 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171), hưởng thọ 63 tuổi. Linh cửu đã được đưa về chôn trên núi Phác Sơn ở phía Tây chùa Phúc Thánh Diên Linh. Chùa Phúc Thánh hiện nay vẫn còn, cách phía Tây chùa 78 mét, người ta đã tìm thấy ngôi mộ nhưng không biết có phải là mộ Phụng Thánh hay không. Phía sau bia có ghi lại một số ruộng do bà chị là Cảm Thánh cúng cho chùa để kỵ giỗ phu nhân và tu bổ chùa(15).
Chú thích:
(1) Thiền Uyển Tập Anh tờ 66b8-67b3, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 463.
(2) Chính sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 3 tờ 16a7-9, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 463.
(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 6 tờ 30a-1, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 465.
(4) Đại Sử Việt Ký Toàn Thư 2 tờ 23a5-6, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 465.
(5) Đại Việt Sử Lược tờ 8a8, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 465.
(6) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 2 tờ 23a7-8, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 465.
(7) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tờ 2 tờ 24b9-25a2, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 466.
(8) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 3 tờ 16a7-9, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 466.
(9) Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh quyển Trung Đại Tạng Kinh 475 tờ 544b21, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 477.
(10) Kinh Tạp Thí Dụ quyển Hạ Đại Tạng Kinh 205 tờ 509 b-91, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 477.
(11) Kinh Kim Cương trong Đại Tạng Kinh 235 tờ 752b27-28, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 478.
(12) Pháp Bảo Đàn Kinh trong Đại Tạng Kinh 2008 tờ 348a, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 480.
(13) Pháp Bảo Đàn Kinh trong Đại Tạng Kinh 2008 tờ 357c11, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 480.
(14) Thiền Uyển Tập Anh tờ 7b4-8a4, Lê Mạnh Thát dẫn Lịch sử Phật giáo Việt Nam cuốn 3, trang 481.
(15) Theo Lê Mạnh Thát - Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, cuốn 3, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, năm 2002, trang 463- 485.
(Ni Giới Ngày Nay)
Diệu Nhân (妙因) là Công chúa nhà Lý; và sau khi xuất gia, bà là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi thời nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.
Thiền sư (hay ni sư, sư bà) Diệu Nhân trước khi xuất gia có tên là Lý Ngọc Kiều(李玉嬌) hay Lý Thị Ngọc Kiều(李氏玉嬌). Bà là con gái lớn của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung (con vua Lý Thái Tông).
Thuở nhỏ, bà được vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên được phong làm Công chúa. Khoảng năm 1058, bà được nhà vua gả cho châu mục Chân Đăng ( thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay) họ Lê (không rõ tên). Chồng mất, bà tự nguyện thủ tiết không chịu tái giá.
Theo Thiền uyển tập anh ngữ lục, thì một hôm bà than rằng: "Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được sao?". Sau đó, bà đem cho hết các đồ trang sức, đến xin xuất gia (thọ Bồ-tát giới) với Thiền sư Chân Không ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Thuận theo thỉnh nguyện của bà, nhà sư Chân Không xuống tóc cho, ban hiệu là Diệu Nhân và cho phép bà tu học tại ni viện Hương Hải (còn gọi là chùa Linh Ứng, hiện nay nằm bên cạnh chùa Kiến Sơ, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).
"Theo sử liệu, thì bà là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi thời nhà Lý.
Hằng ngày, bà gìn giữ giới luật và hành thiền được chánh định, là bậc mẫu mực trong Ni chúng thời ấy. Có người đến cầu học, bà thường dạy họ tu tập Đại thừa, dạy rằng:
- Chỉ tánh mình trở về nguồn, đốn tiệm liền tùy đó mà vào.
Thường ngày, bà chỉ thích ngồi lặng lẽ, có bệnh kỵ thanh sắc, ngôn ngữ. Có học giả hỏi:
- Tất cả chúng sanh bệnh nên ta bệnh, tại sao lại kỵ sắc thanh?
Bà nương theo kinh đáp:
Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
(Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.)
- Tại sao ngồi yên?
- Xưa nay không đi.
- Thế nào chẳng nói?
- Đạo vốn không lời."
Ngày mùng 1 tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh năm thứ 4 (1113), đời vua Lý Nhân Tông, ni sư Diệu Nhân lâm bệnh, gọi tăng chúng đến đọc kệ (thị tịch). Sau đó, ni sư gội tóc, tắm rửa sạch sẽ, ngồi kiết già mà viên tịch, thọ 72 tuổi.
Cuộc đời của ni sư Diệu Nhân, đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép gọn như sau:
Quý Tỵ, [Hội Tường Đại Khánh] năm thứ 4 [1113]...Mùa hạ, tháng 6, phu nhân của châu mục Châu Đăng là công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương, được (vua) Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục Châu Chân Đăng là người họ Lê, chồng chết, phu nhân tự thề ở góa, đi tu làm sư nữ, đến đây mất, thọ 72 tuổi. (Vua) Thần Tông tôn làm Ni sư
Tác phẩm: còn một bài kệ đọc trước lúc thị tịch.
Thị tịch kệ
Bản chữ Hán |
Phiên âm Hán Việt |
Dịch nghĩa
Bài kệ dặn trước khi mấti
Sinh, già, bệnh, chết,
Tự cổ xưa là lẽ thường.
Muốn cầu thoát khỏi,
Càng cởi trói thì càng buộc thêm.
Vì mê nên cầu Phật,
Vì lầm nên cầu thiền.
Thiền Phật chẳng cầu,
Mím miệng ngồi lặng im.
Các bản dịch thơ
Bài kệ dặn trước khi mất
Sinh, lão, bệnh, tử,
Lẽ thường tự nhiên.
Muốn cầu siêu thoát,
Càng trói buộc thêm.
Mê, phải cầu Phật,
Hoặc, phải cầu Thiền.
Chẳng cầu Thiền, Phật,
Mím miệng ngồi yên.
Bản dịch: Nguyễn Đức Vân - Đào Phương Bình
Sinh, già, bệnh, chết... thế thôi
Xưa nay vẫn vậy lẽ đời tự nhiên
Cầu cho siêu thoát về tiên
Càng cầu càng trói buộc thêm phận người
Vì lầm cầu Phật... thế thôi
Cầu Thiền bởi trót mê lời u mê
Cầu Thiền cầu Phật mà chi
Ngồi im chả nói năng gì là hơn.
Bản dịch: Nguyễn Duy
“Sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên”. Sanh già bệnh chết từ xưa tới nay là lẽ thường, có ai sanh ra ở đời này mà không già, không bệnh, không chết ? Như vậy sanh già bệnh chết là lẽ thường, đã là lẽ thường thì có quan trọng không ? Không quan trọng nhưng sao sợ chết ? Sanh già bệnh chết ai cũng phải trải qua, không ai tránh khỏi, vậy mà lo sợ thì vô lý làm sao ! Có người bào chữa tôi không sợ già không sợ bệnh mà chỉ sợ chết, chết cũng là lẽ thường sao lại sợ ? Ví dụ ở Đà Lạt năm nào tới mùa đông cũng lạnh. Biết vậy rồi mùa đông đến chúng ta có sợ không ? Nó đến thì nó đến, chỉ có điều chúng ta phải khôn ngoan là sắm chăn áo ấm cho đầy đủ, để mùa đông mặc cho ấm thì đâu có sợ ! Vì chúng ta không chịu sắm chăn áo ấm cho đầy đủ, để mùa đông mặc cho ấm thì đâu có sợ ! Vì chúng ta không chịu sắm áo ấm, nên mùa đông đến chúng ta sợ lạnh. Cũng vậy, vì chúng ta không chịu tu hành nên mới sợ chết. Vậy sợ có khỏi không ? Biết chắc ai sanh ra cũng phải già bệnh chết, có sợ cũng không khỏi nên không sợ, mà chuẩn bị thì khi sắp chết chúng ta an nhiên vui cười. Nếu không chịu tu khi chết đến, dù có cầu Phật trời cứu độ cũng không được cứu độ. Đó là một lẽ thật mà ai ai cũng phải chiêm nghiệm.
“Dục cầu xuất ly, giải phược thiêm triền”. Muốn cầu thoát ra, mở trói thêm buộc. Có một số người hiểu lầm cho rằng tu theo đạo Phật để giải thoát sanh tử, tức là tu tới già khỏi chết. Họ cho rằng giải thoát sanh tử là khỏi chết. Như vậy thì giống như mấy vị tu tiên luyện thuốc trường sanh bất tử sao ? Ý Ni sư nói, người muốn thoát ra cái sanh già bệnh chết giống như người muốn mở trói mà lại cột thêm. Tại sao vậy ? Vì theo luật vô thường thì con người sanh ra ai cũng già bệnh chết, không ai tránh khỏi. Nhưng nơi thân sanh già bệnh chết này, nếu chúng ta nhận ra thể chân thật thì chúng ta không bị sanh già bệnh chết chi phối làm cho khổ đau. Tu mà mong sống hoài không chết là quan niệm sai lầm. Quan niệm sai lầm ấy làm cho chúng ta thêm trói buộc, chớ không giải thoát được. Sau đây là câu chuyện cầu giải thoát của sai di Đạo Tín. Một hôm sa di Đạo Tín đến lễ Tam Tổ, thưa:
- Xin Hoà thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.
Tổ hỏi:
- Ai trói buộc ngươi ?
Ngài nhìn lại một hồi rồi thưa:
- Bạch Hòa thượng không ai trói buộc.
Tổ bảo:
- Không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì ?
Ngang đây Đạo Tín bừng ngộ. Ngài ngộ cái gì ? - Ngài Ngộ cái lý giải thoát mà không mong cầu giải thoát. Chúng ta ngày nay cầu giải thoát mà nghĩ rằng có pháp tu nào đó để cho mình sống hoài không chết đó là điều lầm lẫn rất lớn.
Bốn câu kệ này Ni sư dạy người học đạo phải dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật của cuộc đời, thấy bốn tướng sanh già bệnh chết là lẽ thường. Nhận chân được điều đó rồi chúng ta không còn lo sợ nữa, ngay trong cái vô thường của sanh già bệnh chết, chúng ta nhận ra cái chân thường bất tử, đó là giác ngộ giải thoát.
“Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu thiền”. Mê đó cầu Phật, lầm đó cầu thiền. Ni sư nói người mê mới cầu Phật, người lầm mới cầu thiền. Ni sư nói như vậy chúng ta tu thiền là mê lầm phải không ? Chúng ta đi chùa lạy Phật là mê phải không ? Chỗ này rất nhiều người hiểu lầm. Ở đây nói “mê đó cầu Phật” là cầu Phật ngoài mình. Bởi vì ngay nơi mình có sẵn tánh giác mà bỏ quên, chạy tìm ở non này núi nọ nên nói mê. Tại sao cầu thiền là lầm ? Vì thiền là một phương tiện sống để Phật tánh hiển lộ, chớ không phải là một phép lạ mầu nhiệm ở bên ngoài. Nếu cầu xin người này người kia cho mình được thiền là lầm. Thiền là định tâm để tánh giác hiển lộ. Cầu và tìm ở đây ngầm chỉ cho bệnh ỷ lại trông cậy bên ngoài. Hướng ra ngoài cầu là quên mình rồi vậy.
“Thiền Phật bất cầu, uổng khẩu vô ngôn”. Thiền Phật chẳng cầu, nhọc miệng không lời. Nếu không có niệm cầu Phật cầu thiền thì tâm yên không động, tức là không còn hướng ngoại thì dứt sạch vọng tưởng đảo điên, tâm an định thì miệng không nói, do đó mà nói nhọc miệng không lời. Sở dĩ chúng ta nói liên miên là vì tâm chúng ta lúc nào cũng động niệm. Tâm không khởi niệm thì có gì để nói ? Hằng ngày chúng ta tọa thiền tuy ngoài miệng không nói mà trong tâm thì nói liên miên. Nói chuyện mình nói chuyện người đủ thứ. Khởi nghĩ là đã nói rồi, vì khởi nghĩ là có ngôn ngữ, không phải đợi mở miệng mới có ngôn ngữ. Khi xưa có người hỏi: “Thế nào là Phật?”. Có thiền sư trả lời bằng cách im lặng. Cũng có thiền sư trả lời bằng cách nói đông nói tây. Như có một vị tăng hỏi ngài Động Sơn: “Thế nào là Phật ?”. Ngài đáp: “Ba cân gai”. Đáp như vậy khiến cho người hỏi không vin vào đâu để suy nghĩ. Người xưa quá chân thành, muốn chỉ lẽ thật cho chúng ta mà chúng ta thì quen chạy theo tâm vượn khỉ không chịu nhận. Thế nên khi hỏi, các Ngài chỉ cho chúng ta lẽ thật không cho chúng ta kẹt trong ngôn ngữ. Hỏi “Thế nào là Phật?”. Đáp: “Ba cân gai”. Ngài đáp không cho suy nghĩ, không suy nghĩ thì nhận ra ông Phật của mình liền. Còn nếu giải nghĩa Phật là giác, gồm có tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn... Giải nghĩa một hồi tâm vượn nhảy lung tung thì ông Phật đâu còn hiện tiền. Giải nghĩa Phật mà Phật mất tiêu ! Thiền sư không giải nghĩa Phật là gì, mà người nghe khéo nhận thì Phật hiện. Đó là một lẽ thật.
Xưa ngài Lâm Tế hỏi Tổ Hoàng Bá: “Thế nào là đại ý Phật pháp ?”. Tổ không trả lời mà lại đánh. Ba lần hỏi ba lần bị đánh. Khi ngài Lâm Tế đến thiền sư Đại Ngu, thiền sư Đại Ngu nói: “Bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi”. Ngay câu nói ấy ngài Lâm Tế đại ngộ. Đó là những giai thoại thiền cho chúng ta thấy tâm lão bà tha thiết của các bậc Thầy. Ngày xưa khi khai ngộ như thế thì được, ngày nay thì không được buộc lòng tôi phải nói, phải giảng cho nghe. Song nói rồi phải khỏa lấp những dấu vết của việc giải thích bằng cách dạy cho tọa thiền. Nếu người nghe không chiụ ứng dụng lời dạy bằng cách tọa thiền, mà cứ mãi mê suy nghĩ luận đàm suông những kiến giải về thiền, về chân tâm... thì lâu ngày sanh bệnh đa ngôn đa lự, nói nhiều là do nghĩ nhiều.
Tóm lại hai câu kết Ni sư dạy chúng ta, nếu không huớng ra ngoài để cầu Phật cầu thiền thì tâm an nhiên lặng lẽ. Tâm an nhiên lặng lẽ thì không còn gì để trình thưa, không còn gì để đàm luận nên nói nhọc miệng không lời, nói ra là mỏi miệng. Đa số chúng ta thì không sợ cái miệng nhọc mà thích nói đủ thứ, nên không có giây phút nào yên lặng và thân tâm luôn luôn trạo cử rộn ràng. Đây là bài kệ ý nghĩa thâm trầm của một thiền sư ni Việt Nam đã thấy đạo đến chỗ rốt ráo.
Nguồn: Thư Viện Hoa Sen