;
>Vai trò tầm quan trọng của xe hoa, thuyền hoa Phật đản
Phản hồi một bài viết của tôi về việc cắt hủy, dẹp bỏ xe hoa, thuyền hoa Phật đản, bạn đọc Nguyễn Long Giang đã có ý kiến: “Anh Minh Thạnh mong đạo Phật trở thành một đạo cầu vui!”.
Chúng ta hiểu điều này ra sao? Thế nào thì “mong đạo Phật trở thành một đạo cầu vui!”? Nếu vậy hệ quả “cầu vui” sẽ là gì?
Xin trả lời như sau:
1) Cho dẫu là “cầu vui” đi nữa, thì mục tiêu của chúng tôi không phải là cầu vui cho chỉ riêng mình, mà là cầu vui chung cho toàn thể tu sĩ tín đồ Phật giáo trong ngày đại hoan hỷ, cực vui, là ngày Phật ra đời. Đó là một cái vui lớn, một cái vui chung, mà người đã theo đạo Phật không mong cầu, thì mới lạ!
2) Bản chất Phật giáo cũng đã là một đạo cầu vui. Vui thì sao lại không cầu? Đạo Phật là đạo “cứu khổ, ban vui”. Chính vì nhận thấy cuộc đời quá đau khổ, nên đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới xuất gia, mọi người mới tìm đến đạo Phật “Cầu vui” không hề đối lập với đạo Phật, không hề trái ngược với đạo Phật, mà chính là một phần của đạo Phật.
Xin lưu ý: vui (hỷ) là một trong 4 tâm vô lượng của đạo Phật (Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả). Đó là một trong những mục tiêu tu tập của đạo Phật. Cái vui ở đây là cái vui cao thượng, vui trong lý tưởng từ bi, vui vì mục tiêu hoằng truyền chính pháp.
3) Vì vậy, không nên hiểu cầu vui Phật đản chỉ là trò vui. Vui trong lễ Phật đản không phải là vui giải trí, vui cười cợt, mua vui, mà như đã nói, là niềm hoan hỷ, an lạc, tức cái vui trong bình an, hoan hỷ trước sự kiện Đức Phật ra đời.
4) Do đó mưu cầu niềm vui trong lễ Phật đản, trong đó, có hình thức xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một nhu cầu chính đáng, phù hợp với chính pháp.
Xe hoa, thuyền hoa Phật đản vừa là phương tiện mang lại niềm vui cho lễ Phật đản, vừa là phương thức biểu hiện niềm vui của lễ Phật đản.
Làm sao cho mọi người cùng vui niềm vui Phật đản? Thế thì chúng ta trang trí xe hoa, thuyền hoa Phật đản cho mọi người cùng xem. Vậy nên xe hoa, thuyền hoa Phật đản là những biểu hiện cụ thể, sinh động, nhiều màu vẻ của Đại lễ Phật đản.
Việc làm cho ngày Phật đản trở nên vui tươi, đáp ứng nhu cầu vui Phật đản của tuyệt đai đa số tín đồ là một điều cần thiết. Sao lại có thể đặt vấn đề? Sao lại có thể cắt hủy, loại bỏ niềm vui Phật đản?
Nếu loại bỏ xe hoa, thuyền hoa Phật đản, thì sự hiện diện vui tươi của lễ Phật đản trên đường phố, sông hồ nơi công cộng sẽ biến mất, hầu như không còn gì cả. Khi đó, lễ Phật đản bị bó hẹp lại trong khuôn viên sân chùa, với một buổi lễ vài ngàn người ở TPHCM, vài trăm người ở Hà Nội, những cuộc biểu diễn văn nghệ, hoa đăng cũng chỉ chừng ấy người xem. Phật đản nếu thế chỉ là vậy thôi, khép kín, tách biệt, chỉ có ở một số ít người. Phật đản không niềm vui, không xe hoa, không thuyền hoa dĩ nhiên là một Phật đản vắng, Phật đản buồn.
Người theo đạo Phật, tu sĩ đạo Phật không lo cho một ngày Phật đản vui, không cầu vui Phật đản thì sẽ còn vui với cái vui gì?
5) Nhưng cũng không nên quan niệm xe hoa, thuyền hoa Phật đản là những trò vui, những cuộc vui, là chuyện cầu vui. Xe hoa, thuyền hoa Phật đản trong thực tế LÀ NHỮNG BÀN THỜ PHẬT SƠ SINH CÁCH ĐIỆU NHIỀU HÌNH THỨC VÀ DI ĐỘNG, mang sự kính ngưỡng đến mọi nơi. Chỉ thấy cầu vui ở xe hoa, thuyền hoa Phật đản là chỉ thấy phiến diện, lệch lạc.
Chúng tôi viết bài cổ động xe hoa, thuyền hoa Phật đản vì thấy ở đó là những dạng thức bàn thờ Phật sơ sinh, những dạng thức cúng dường Phật đản, những dạng thức tạo tác hình ảnh Đức Phật và mang hình ảnh đó đến với đông đảo mọi người. Vì thế, mới mong ở đó nhiều công đức, phước báu.
Nếu chỉ nhìn xe hoa, thuyền hoa như một thứ đồ trang trí lòe lẹt, chớp sáng, xanh đỏ, phát nhạc chát bùm, phất phơ cờ quạt như cổ động phong trào, thì điều đó sẽ là một ngộ nhận đáng buồn, đáng tiếc.
6) Có lẽ nhìn nhận xe hoa, thuyền hoa Phật đản như diễn trò “cầu vui” hay cổ động phong trào như thế, nên vui thì làm, không vui thì bỏ. Nếu nhìn thấy xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một hình thức BÀN THỜ PHẬT SƠ SINH DI ĐỘNG, thì có lẽ không có việc dễ dàng cắt hủy, loại bỏ nó.
7) Về mặt lý luận tổ chức sự kiện lễ hội, thì phải vừa có lễ, vừa có hội, tức là vừa thành kính trang nghiêm, vừa vui tươi thu hút. Trong tôn giáo, tổ chức lễ dễ hơn là hội, nên Phật giáo chúng ta khi tổ chức sự kiện thì dễ bị nghiêng lệch trọng tâm về phần lễ, mà bỏ đi phần hội. Trong các buổi lễ Phật giáo, phần lễ là việc cúng bái, còn phần hội chỉ là việc cùng thọ trai sau đó (điều mà các tôn giáo khác ngày nay phải học tập Phật giáo).
Xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một buổi tiệc tinh thần, tiệc ánh sáng cho tất cả mọi người để mừng ngày sinh Đức Phật. Không thấy sự cần thiết của nó mà chỉ coi là làm trò, cầu vui tất sẽ làm buồn đi, vắng đi ngày lễ Phật đản.
MT
Thông tin, góp ý riêng tư: Vinsat132@yahoo.com và facebook.com/cusiminhthanh