;
>Người xuất gia nên tránh duyên và phòng hộ an trú như thế nào?
>Người Phật tử khi bị người khác đối xử xấu với mình thì nên làm gì?
“Tôi nguyện không nói lỗi lầm của người khác”. Trong truyền thống Phật giáo, đây là một trong những lời nguyện của Bồ tát. Đối với những vị tu sĩ thọ Cụ túc giới, một nguyên tắc tương tự được đề cập đến trong lời phát nguyện là không nói lời phỉ báng. Điều này cũng được nhắc đến trong lời khuyên của Đức Phật đối với tất cả mọi người để tránh 10 bất thiện nghiệp, đó là bất thiện nghiệp thứ năm: nói những lời gây bất hòa, chia rẽ...
Vậy mà đâu phải ai cũng hiểu được những điều Đức Phật dạy. Giống như khi chúng ta ra tiệm và gọi đồ ăn. Chúng ta chỉ thích gọi những món ăn với hình thức “đẹp, hấp dẫn” hoặc là những món ăn được nhiều người ngợi khen. Mấy ai dám gọi những món ăn có hình thức xấu xí, pha trộn, trừ phi người đó đã từng ăn món này và thấy ngon thật sự.
Cuộc sống cũng vậy, chúng ta hay có một tính cách rất “không công bằng” đó là nghe và tin vào những điều thị phi, mà đôi khi chưa biết điều đó đúng hay sai. Dân gian ta từ ngày xưa đã hay có văn hóa “Truyền miệng”. Văn hóa đó ứng với thời điểm ngày trước, khi công nghệ hiện đại chưa phát triển, thì thật sự rất tốt. Chính nhờ văn hóa truyền miệng, mà những câu chuyện dân gian, những ca dao tục ngữ, những sự tích hào hùng của dân tộc đã được cha ông ta truyền miệng đến đời con cháu.
Nhưng mà ngày nay, văn hóa “Truyền miệng” đã được biến tấu khá nhiều. Con người không còn truyền cho nhau nghe những điều giá trị trong cuộc sống, những câu chuyện bổ ích, mà thứ họ truyền đi lại là “thị phi”. Vậy rõ hơn, thị phi ở đây là gì? Thị phi ở đây chính là những điều không có thật, hoặc không đúng sự thật, hoặc từ một sự thật mà bị “Tam sao thất bản” ra những thứ méo mó, co rúm chỉ từ “khẩu nghiệp” mà thành. Cũng giống như việc chọn món ăn mà tôi vừa nói, con người chúng ta cũng hay như vậy. Hay tin vào những lời được nghe, hoặc tin vào cảm xúc của ta khi nhìn vào ngoại hình một ai đó. Chúng ta nghe, chúng ta có đánh giá, nhưng khi chưa tiếp xúc mà chúng ta đã vội “truyền miệng” cho nhau những điều “không rõ nguồn gốc” về ai đó, có vội vàng quá không? Tin vào cảm giác của chính mình là một điều rất tốt, nhưng sự thật là không phải lúc nào cảm giác của chúng ta cũng đúng.
Ví dụ, chúng ta sẽ rất mất thiện cảm khi nhìn thấy một người đàn ông xăm trổ đầy mình. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy người đàn ông đó mua một xuất cơm cho người nghèo đang nằm co ro vì đói ở vệ đường, hoặc dẫn một bà cụ sang đường thì các vị sẽ nghĩ sao? Ngoại hình không phải lúc nào cũng đi đôi với giá trị tâm hồn bên trong. Cũng như vậy, có thể với người đàn ông xăm trổ đó, họ có quá khứ không tốt, họ có lai lịch không tốt, nhưng tính thiện trong họ có, họ làm được nhiều việc lành, vậy tại sao chúng ta không ghi nhận, mà lại chỉ chăm chăm nhìn vào những điều “không đẹp” mà chúng ta đang nhìn thấy, rồi đi nói họ không ra gì? Có những câu chuyện rất “lạ đời” trong cuộc sống mà tôi rất hay gặp.
Tôi thường nghe mấy người bàn tán rằng ca sĩ này như thế nào, diễn viên kia ra sao,…mặc dù tôi không rõ có mấy ai trong những người đó quen “nhân – vật – bị - lên – thớt” hay không, nhưng có một điều tôi thấy rõ là mấy người đó đang bị “soi lỗi người bằng báo chí”. Báo chí là một kênh truyền thông, là một cơ quan ngôn luận, nhưng có phải lúc nào báo chí cũng đúng với sự thật đâu, tại sao quý vị cứ đọc trên báo, rồi lôi chuyện đó ra bàn qua bàn lại ngoài đời, thậm chí còn buồn thay, cho những vị - để khẳng định “sự thật” trong lời nói, còn tự nhận mình có quen người này người nọ, để nói xấu người đó.
Giống như từ một chiếc bánh bích quy chắc chắn, có hình thù cụ thể, qua tay quý vị bóp nát, nó vỡ vụn và tan tành. Từ những điều đã chia sẻ ở trên, tôi hi vọng chúng ta hãy cùng nhau quán chiếu lại, dùng “Từ nhãn thị chúng sinh” để nhìn nhận cuộc sống.
Đời sống vốn đã không đơn giản, vậy thì tại sao chúng ta phải cố gắng phức tạp cuộc sống lên? Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một lối sống, chúng ta hãy sống, hãy tinh tiến tu tập để chuyển hóa thân tâm của chính mình, đừng để tâm chấp trước và khẩu nghiệp chi phối. Đức Phật dạy Giới thứ 4 của hàng Phật tử khi quy y Tam Bảo phải phát lời nguyện “Không nói dối”, không nói dối ở đây bao gồm cả không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời độc ác.
Chúng ta nói lỗi người, phỉ báng người, rồi sẽ có lúc người khác nói lỗi chúng ta, phỉ báng chúng ta. Vì trên đời đâu có ai hoàn hảo toàn diện. Tôi mong quý vị tin sâu vào Nhân – Quả, và thực hành những lời Đức Phật dạy để áp dụng trong cuộc sống hiện tại này.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!