;
Theo mô tả của báo chí, chiếc chuông này nặng khoảng 0,3 kg (có báo nói 0,5kg), có chiều cao khoảng 15cm, đường kính lòng chuông khoảng 10cm, làm bằng đồng, có màu nâu đỏ. Trên chóp chiếc chuông có hình nổi một con rồng, bên thân chuông có 3 vị Phật, giữa các vị phật là những dòng chữ tượng hình của Trung Quốc.
Chủ nhân chiếc chuông nói trên là ông Nguyễn Bông (48 tuổi) quê ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa). Về nguồn gốc của chiếc chuông, ông Bông cho biết, năm 2005 ông mua lại chiếc chuông này từ một thanh niên khi đó làm tại công trình Thủy điện Sơn La với giá rẻ.
Sau đó, ông Bồng mang chiếc chuông này đi khắp nơi nhờ các nhà sư giải mã những ký tự trên chuông, cũng như thẩm định được giá trị của cổ vật này. “Nhưng các nhà sư chỉ biết đây là “chiếc rung thiên long tam cõi”, là vật dùng để thờ phượng nhưng chưa một lần nhìn thấy chuông loại này. Các nhà sư cũng không thể dịch hết những ký tự trên thân trên thân chiếc chuông để xác định niên đại cũng như giá trị của nó”, ông Bông nói.
Tuy nhiên, quan sát kỹ hình ảnh chiếc chuông mà báo chí cung cấp, bất cứ người phật tử nào cũng có thể nhận diện được 3 vị Phật trên chuông ấy là 3 hình ảnh ngài Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen, một tay cầm nhành dương liễu, một tay cầm bình cam lồ (nhưng đúc không rõ nét).
3 vị Phật trên chuông là 3 hình ảnh ngài Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen
Cái được gọi là những "dòng chữ tượng hình của Trung Quốc" trên thân chuông thật sự chỉ là những chữ Hán thông thường. Người nào biết chữ Hán cũng đều đọc được đó là bài Bát Nhã Tâm Kinh, một bài kinh ngắn, chỉ gồm 260 chữ, nói về Tánh Không của Phật giáo Đại Thừa mà Bồ tát Quán Tự Tại, tức Bồ-tát Quán Âm chứng đắc. Nó cũng là bản kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
Bí ẩn "dòng chữ tượng hình của Trung Quốc" trên thân chuông là bài Bát Nhã Tâm Kinh
Các hoa văn họa tiết được khắc trên cái chuông này cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí đúc khá thô thiển. Mầu sắc của chuông thì rõ ràng không phải là mầu đồng nguyên thủy, mà là mầu xi mạ mà ta thường thấy trên các đồ vật làm giả đồng cổ ngày nay.
Còn kiểu dáng "chiếc chuông cổ thuộc hàng đại quý hiếm" này khá giống với chiếc đại hồng chung cổ được triển lãm tại một viện bảo tàng của Trung Quốc, nhất là phần bên dưới của chuông, phần quai treo chuông đã được thay thế bằng hai thỏi vàng giả.
Trong nhà Phật, không có cái chuông nào được gọi là "chuông rung thiên long tam cõi", mà chỉ có chuông bảo chúng, còn gọi là chuông Tăng đường, tức là chuông nhỏ, chỉ một người xách lên được. Kiểu dáng của nó cũng giống như chuông U minh (đại hồng chung), được treo ở trai đường, dùng để báo tin trong lúc họp chư Tăng biết vào những lúc: Nhóm họp chúng, thọ trai, giờ chấp tác (lao động,làm việc đã được phân công), giờ bái sám trong các tự viện.
"Chiếc chuông cổ thuộc hàng đại quý hiếm" này khá giống với chiếc đại hồng chung cổ được triển lãm tại một viện bảo tàng của Trung Quốc
Từ những phân tích trên có thể khẳng định đây là chiếc chuông nhái đại hồng chung theo kiểu giả cổ, nói theo Tiến sỹ Vũ Thế Long (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam), là chiếc chuông bình thường, mà ông cũng đã từng thấy bên Trung Quốc người ta bày bán những chiếc chuông dạng như thế này rất nhiều, chủ yếu làm quà lưu niệm cho khách du lịch.Nguồn gốc của nó có thể được chế tác từ Trung Quốc hoặc Đài Loan. Và giá trị thực của chiếc chuông "đại quý hiếm" này không quá vài trăm ngàn đồng.