;
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, Bà la môn Sangàrava trú ở Sàvatthi là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh.
Rồi Bà la môn Sangàrava đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nói với Bà la môn Sangàrava:
Có đúng sự thật chăng, này Bà la môn, ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh?
Này Bà la môn, nhằm mục đích lợi ích gì, ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh?
Ở đây, Tôn giả Gotama, ban ngày tôi làm ác nghiệp gì, buổi chiều tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy; buổi tối tôi làm ác nghiệp gì, buổi sáng hôm sau tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy. Do mục đích như vậy, tôi là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước để tắm cho thanh tịnh.
Này Bà la môn:
Chánh pháp là ao hồ
Giới là bến nước tắm
Không cấu uế, trong sạch
Được thiện nhơn tán thán.
Là chỗ bậc có trí
Thường tắm trừ uế tạp
Khi tay chân trong sạch
Họ qua bờ bên kia.
Khi được nghe như vậy, Bà la môn Sangàrava phát tâm quy y Phật.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Sangarava, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.401)
LỜI BÀN:
Biết ý thức, quan tâm đến những hành vi của tự thân trong đời sống hàng ngày để nhận diện tốt xấu là điều đáng quý. Một người, muốn tự hoàn thiện mình thì phải thực tập tự vấn lương tâm mỗi ngày. Có thể vào mỗi buổi sáng, lúc mới thức dậy, dành vài phút yên lặng để xem ngày hôm qua ta đã làm gì và ngày hôm nay công việc sẽ đến với ta thế nào? Điều gì hại mình, hại người cần ăn năn để từ bỏ và điều gì lợi mình, lợi người thì tiếp tục phát huy.
Bà la môn Sangàrava là người có chí hướng thiện, tìm cách khắc phục những lầm lỗi của bản thân hàng ngày. Chỉ có điều, ông ta lạc vào tà kiến, tin tưởng rằng nước có thể rửa sạch tội lỗi.
Vì thế, ông tinh tấn tắm gội hàng ngày để mong rằng nước sẽ cuốn đi tất cả tội lỗi mà mình đã tạo ra. Và tất nhiên, kết quả của sự nỗ lực này vẫn rất khiêm tốn, chỉ ý thức mà không hóa giải được tội lỗi, có chăng chỉ là được cảm lạnh mà thôi.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, tội lỗi được tạo ra từ hành động (thân), lời nói (khẩu), tư duy (ý) thì phải nhằm ngay nơi ba nghiệp mà sám hối, thanh lọc và tịnh hóa. Trong đó, ý là cội rễ, tâm là điểm xuất phát đầu tiên để tạo ra ác nghiệp muôn hình vạn trạng. Do vậy, tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm được tịnh rồi tội liền tiêu là cốt lõi của phương thức diệt tội theo Phật giáo.
Người con Phật luôn ý thức về sự tạo nghiệp và luôn sám hối những tội lỗi của mình bằng cách nương theo bến bờ giới luật để tắm gội thân tâm trong Chánh pháp. Nương vào Pháp và Luật để chuyển hóa phiền não, rửa sạch tội lỗi, thanh tịnh thân tâm là biện pháp khả thi cho mọi người hướng đến giải thoát, an vui.