;
Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” là phù hợp với pháp luật và địa vị tổ chức hợp pháp của Giáo hội.
Tuy nhiên, hiện nay, tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” không được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp cho cơ sở Phật giáo. Còn các giấy tờ sở hữu nhà đất được chế độ cũ cấp thì tất nhiên không có!
Như thế, tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” không có trên tất cả mọi giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản nhà và đất.
Việc này đương nhiên là trở ngại lớn trong việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố quyền sở hữu đối với tự viện. Tuyên bố quyền sở hữu, nhưng tất cả mọi giấy tờ sở hữu không có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì làm sao thực hiện được quyền sở hữu?
Đối với tài sản là nhà và đất, khi đứng trước câu hỏi ai sở hữu, thì hiện nay giấy tờ được căn cứ để xác định người có quyền là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nội dung dưới đây sẽ tìm hiểu tại sao lại phát sinh ra vấn đề như trên, cũng như hệ quả của nó.
1. Tình trạng chung cho các tôn giáo
Việc thể hiện người sử dụng đất chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo luật pháp hiện hành được nói rõ tại “Thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” của Bộ Tài nguyên Môi trường, số 23/2014 TT-BTN MT, ký ngày 19/5/2014.
Trong thông tư trên, nếu người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là tổ chức thì theo điều 5, khoản 1 mục đ, là tổ chức trong nước thì “ghi tên tổ chức, tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân (là giấy tờ về việc thành lập, công nhân tổ chức hoặc giấy chứng nhận về giấy phép, về đầu tư, về kinh doanh theo quy định của pháp luật), địa chỉ trụ sở chính của tổ chức”.
Nếu áp dụng mục này của Thông tư liên hệ đối với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì về giấy tờ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất và tài sản khác gắn liền với đất cụ thể.
Nhưng pháp luật không cho phép áp dụng điều trên với cơ sở tôn giáo. Cơ sở tôn giáo được quy định tại mục h: “Cơ sở tôn giáo thì ghi tên của cơ sở tôn giáo và địa chỉ nơi có cơ sở tôn giáo”.
Quy định như thế là rõ ràng, chi tiết, áp dụng chung cho mọi tôn giáo.
Không chỉ riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà tất cả các tổ chức tôn giáo, từ lâu đã tuyên bố quyền sở hữu của giáo hội đối với đất đai, công trình xây dựng tôn giáo như Giáo hội Ca tô La Mã, đều không được ghi tên tổ chức trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ sở tôn giáo.
2. Cơ sở pháp lý của quy định không ghi tên tổ chức tôn giáo trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Quy định chi tiết dẫn trên thông tư hiện hành của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có cơ sở là Điều 211 - Sở hữu chung của cộng đồng, Bộ Luật Dân sự sẽ áp dụng (đối với Bộ luật Dân sự đang áp dụng cũng có điều khoản này, nhưng đánh số khác). Điều luật đó cũng rất rõ ràng, cụ thể:
“Điều 211. Sở hữu chung của cộng đồng
1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.”
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với tự viện”?
Căn cứ Điều 211 Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư Quy định về Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số 23/2014/TT-BTN MT, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo không thuộc diện được ghi tên lên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với cơ sở tôn giáo.
Khi căn cứ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xác định chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất của tự viện, thì chủ sử dụng và chủ sở hữu đương nhiên không phải là các tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Quan điểm về cơ sở tôn giáo là sở hữu chung của cộng đồng tôn giáo thể hiện qua điều 211 Bộ luật Dân sự 2015, không xác định là sở hữu của tổ chức giáo hội nào, phù hợp với quan điểm về sở hữu trong luật dân sự của nhiều nước trên thế giới, phù hợp với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Quan điểm không xác định tên bất kỳ giáo hội nào của bất cứ tôn giáo nào cũng như bất kỳ cá nhân nào trên giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là quan điểm và việc làm thực tế tiến bộ, có lợi chung cho các tôn giáo và chính sách của nhà nước đối với tôn giáo.
Quyền định đoạt tài sản tôn giáo của cộng đồng tôn giáo như sở hữu chung của cộng đồng vẫn được xác định rõ ở điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, việc làm cụ thể được quy định là trong giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ ghi tên cơ sở tôn giáo và địa chỉ cơ sở tôn giáo khiến không cá nhân nào trong tôn giáo và các nhóm người không đại diện cho cộng đồng tôn giáo có thể giao dịch cơ sở tôn giáo, cụ thể không còn dễ dàng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, trao đổi, cầm cố, thế chấp toàn phần, hay một phần như đối với tài sản riêng cá nhân, tài sản của tổ chức…
Bộ luật Dân sự có quy định các thành viên của cộng đồng cùng quản lý sử dụng định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận, hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng, nhưng rất khó để thỏa mãn quy định này. Vì vậy, cơ sở tôn giáo sẽ tránh khỏi việc người đứng tên giấy tờ mua bán, chuyển nhượng, thừa kế… là điều vốn rất dễ xảy ra với cơ sở Phật giáo.
Một vài giáo hội, như giáo hội đạo Ca tô La Mã, do không có tên trong giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có sở tôn giáo, sẽ không còn lợi dụng việc sở hữu cơ sở tôn giáo để đưa ra những yêu sách đối kháng với chính quyền.
Các cá nhân không còn được ghi tên vào giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất các cơ sở tôn giáo, các cá nhân có chức vụ trong các tổ chức tôn giáo như linh mục, giám mục, trụ trì, trưởng ban hộ tự, trưởng ban trị sự các cấp Phật giáo… cũng vậy.
Phật giáo Việt Nam nên nhìn thấy đây là cơ hội rất tốt để bảo vệ tài sản là bất động sản Phật giáo Việt Nam. Quyền sở hữu riêng, trước đây Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gọi là quyền tư hữu đối với tự viện, như vậy đã bị xóa bỏ, các cơ sở Phật giáo Việt Nam chỉ còn “sở hữu chung của cộng đồng” như Bộ luật Dân sự 2015 quy định.
Điều này là một bước ngoặt lớn, toàn diện và triệt để trong sở hữu tài sản Phật giáo Việt Nam, đem lại lợi ích căn bản cho Phật giáo Việt Nam, bảo vệ hiệu quả và chặt chẽ bằng luật pháp tài sản Phật giáo Việt Nam.
4. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những nội dung phù hợp với pháp luật bảo vệ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với cơ sở Phật giáo
Để phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015 (sắp có hiệu lực), phù hợp với thể hiện trong giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên loại bỏ tất cả các nội dung về quyền sở hữu đối với tự viện, thay vào đó, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên thể hiện các nội dung:
- Sở hữu tài sản Phật giáo Việt Nam là sở hữu chung của cộng đồng, theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu những người có trách nhiệm tại cơ sở Phật giáo làm thủ tục đăng ký để được cấp mới giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các cơ sở Phật giáo.
- Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các cơ sở Phật giáo ghi tên cơ sở Phật giáo và địa chỉ nơi có cơ sở Phật giáo theo quy định của nhà nước. Cộng đồng Phật giáo liên hệ có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam nghiêm cấm thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam xâm phạm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất các cơ sở Phật giáo đã được nhà nước công nhận bằng giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dưới mọi hình thức.
Và như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phải thu hồi mọi văn bản trái với nội dung trên mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành, đồng thời với việc ban hành những văn bản mới đúng pháp luật, đúng với thực tế được nhà nước công nhận bằng giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.