;
Hỏi: Thiền tông này do Phật Thích Ca niêm hoa thị chúng, truyền pháp cho ngài Ca Diếp, nhưng tại sao trong Kinh Nikaya không thấy ghi nhận?
Đáp : Kinh Nikaya gồm Trường A hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm, thuộc pháp Tiểu thừa. Ông đã thọ giới Bồ tát chưa? Trong Bồ Tát Giới 48 giới khinh dạy: “Nếu mình tu theo pháp Tiểu thừa, hoặc dạy người khác tu, đều là phạm giới.” Đã thọ giới Bồ tát, phải học theo Bồ tát Đại thừa. Nay tạm gác qua pháp xuất thế gian, chỉ nói theo pháp thế gian:
Tiểu thừa(*) là tiểu học, Trung thừa (**) là trung học, Đại thừa(***) là đại học; trong bài của tiểu học làm sao lại có ghi bài của Đại học? Tiểu học chỉ thích hợp cho căn cơ tiểu học, người đã vào đại học, chẳng lẽ lại lui sụt trở về học bài của tiểu học? Nay lại đem bài tiểu học dẫn chứng bài đại học là sai, như thế có phải phạm giới không?
Mặc dù Tiểu học cũng do Phật Thích Ca dạy, nhưng đó chỉ thích hợp cho căn cơ thấp, khi nào học xong rồi phải lên lớp, lên trung học, đại học. Người không chịu lên lớp, Phật quở là “tiêu nha bại chủng,” là “hạt giống cháy.” Nay lại đem những bài tiểu học ra để dẫn chứng bài đại học không đúng, chẳng có trong tiểu học, vậy có đáng buồn cười không?
Cho nên, học Phật không biết nghĩa chữ Phật, học tham thoại đầu không biết nghĩa hai chữ “thoại đầu,” đối với những người mới học không nói làm chi, nhưng những người đã học lâu năm mà vẫn còn chấp vào câu thoại, Đức Phật nói là “thật đáng thương xót !”
Ghi chú:
(*) Tiểu thừa – Thinh Văn: 小乘
Dụ cho xe nhỏ chở một mình. Pháp tiểu thừa phá nhân ngã chấp, nghi ngơi nơi Hóa thành chẳng đến Bảo sở (quả Phật), cũng gọi là Thinh văn thừa.
(**) Trung thừa – Duyên Giác: 中乘
Dụ cho xe vừa có thể chở mình và người. Hành giả tu tập pháp Thập nhị nhơn duyên, là nguyên nhân của sinh tử luân hồi rồi y theo đó tu hành quán lưu chuyển và hoàn diệt cho đến khi thuần thục giác ngộ giải thoát, thành Bậc Bích Chi Phật.
Ngoài ra còn một hạng người không gặp Phật, không nghe pháp của Phật, nhưng nhờ có trí tuệ sáng suốt, tự mình quan sát thấy được cảnh vô thường biến đổi của vạn vật của nhơn sanh mà giác ngộ được nguyên nhân sanh tử luân hồi rồi đắc đạo gọi là độc giác Phật.
(***) Đại thừa - Bồ tát: 大乘
Dụ cho xe lớn chở được nhiều người. Kinh đại thừa liễu nghĩa phá trừ tất cả chấp trước, cuối cùng chứng được Tam Không (Nhân không, Pháp không, Không không) thẳng đến đẳng giác, diệu giác, cũng gọi là Bồ tát thừa.