;
Chùa Vân Sơn ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Đi theo tuyến đường ven biển đến thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, sẽ thấy một tấm bảng nhỏ giới thiệu về Thiên Bửu Thạch tự (dân gian gọi là chùa Ông Đá). Nếu lần đầu đến đây, bạn có thể sẽ đôi chút… hoang mang bởi đường đi quanh co lượn theo sườn núi, xuyên qua những tàng cây, lên cao dần... nhưng vẫn chưa thấy chùa ở đâu. Bạn đừng nóng vội. Hãy cứ túc tắc, chậm rãi dừng chân ven đường, ngắm cảnh đẹp làng mạc, đồng quê, biển xanh bên dưới. Phải đến độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển, mới thấy ngôi chùa nằm ẩn mình giữa núi rừng.
Bạn sẽ thấy bất ngờ trước ngôi chánh điện ở trong một hang đá khá lớn. Tương truyền cách đây hơn 300 năm, một vị sư từ phương xa đến và chọn hang đá này làm nơi tu hành, trị bệnh cho dân. Ông còn cảm hóa được cả đàn cọp hung dữ trên núi không hại người. Đứng ở chánh điện, nếu lắng tai bạn sẽ nghe được tiếng suối ngầm chảy, một vài nơi có thể thấy nước rỉ qua vách đá. Quả thật, từ những gộp đá trong hang có dòng suối róc rách chảy lượn qua nhiều tượng Phật được bài trí hài hòa dưới tán cây. Ngôi chùa như hòa quyện vào cỏ hoa, cây rừng, mây trời và gió núi.
Chùa Ông Đá ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.
* * *
Chùa Nhơn Từ ở thôn Nhơn Nghĩa Tây, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn nổi tiếng với hệ thống tượng La Hán rất sinh động, riêng chánh điện được thiết kế ẩn khuất một cách khéo léo trên tầng hai. Sân chùa rộng rãi, có nhiều cây kiểng đẹp thu hút khách đi dạo.
Sư thầy Thích Như Độ, trụ trì chùa Nhơn Từ, cho biết: Chùa hình thành từ năm 1790. Tương truyền khi ấy ở thôn Nhơn Nghĩa Tây cùng lúc có đến 4 ngôi chùa tọa lạc ở các vị trí tương ứng với 4 đỉnh của một hình bình hành, ở giữa có lối đi nối 4 ngôi chùa lại với nhau. Đó là chuyện ngày xưa, cả nhà chùa cũng chưa có điều kiện xác tín, nhưng đến giờ chỉ còn lại chùa Nhơn Từ như hiện nay. Chùa mới được tôn tạo lại cách đây 5 năm.
Chùa Nhơn Từ ở thôn Nhơn Nghĩa Tây, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn.
Có lẽ vì thế nên khi đến thăm chùa Nhơn Từ, du khách sẽ dễ cảm nhận được nét tiêu sơ vẫn còn bảng lảng ở đây.
* * *
Đi dọc QL 19 từ hướng Đông lên, khi còn cách thị trấn Phú Phong khoảng 1 km, để ý nhìn bên trái bạn sẽ thấy tượng Phật nằm (Phật Thích Ca nhập niết bàn) màu vàng nổi bật giữa nền trời, được chùa Phước Hưng (thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) xây dựng và hoàn thành năm 2017. Trong sân chùa, một số tượng Phật được đặt trang trọng, ngoài ra còn có hồ sen nuôi cá koi, hòn non bộ được làm công phu, cây kiểng, cây me cổ thụ vài trăm năm tuổi.
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn là công trình do trụ trì chùa sư thầy Thích Quảng Dũng phát nguyện xây dựng. Tượng dài khoảng 20 m, cao hơn 2 m. Du khách có thể đi lên theo cầu thang dựng sẵn để chiêm ngưỡng toàn cảnh tượng Phật, đồng thời có thể ngắm toàn cảnh sân chùa và cánh đồng rộng lớn phía trước. Đến đây vào khoảng 4 - 5 giờ chiều, khách càng thêm thích thú khi hoàng hôn buông xuống, nhiều chim bay về trú ngụ trên cây trong sân chùa sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc. Bình yên là đây.
Đường vào chùa Phước Hưng, ở thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn.
Chỉ chưa đầy chục phút đi xe máy từ TP Quy Nhơn theo QL 19 mới, bạn sẽ đến chùa Vân Sơn (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Ruộng lúa bao quanh đến sát chân hàng rào chùa được xây thấp. Đứng ở sân chùa có thể ngắm cảnh đẹp đồng quê, nhất là vào mùa lúa chín.
Chùa đã tồn tại hàng trăm năm, đến nay trải qua 3 lần tôn tạo. Chánh điện được xây mới đẹp, với những linh vật, họa tiết trang trí tinh xảo. Chùa thường xuyên làm đẹp cảnh quan bằng cách trồng nhiều hoa, tạo nhiều tiểu cảnh hơn vào dịp lễ, tết, cùng hệ thống đèn lồng, đèn trang trí, hút ánh nhìn của mọi người vào ban đêm.
HOÀI THU
Nguồn: http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=148873