;
Niết Bàn là bờ của an lạc, là giải thoát mọi khổ đau trong sinh tử, là đích của người tu. Kinh Phật đề cập đến cõi Niết Bàn, một nơi chốn cực đẹp, ở đó có bảy tầng lan can, bảy tầng lưới mành, bảy lớp hàng cây, tất cả đều bằng bốn vật châu báu, vây quanh trọn khắp (七 重 欄 楯。七 重 羅 網。七 重 行 樹,)。皆 是 四 寶 周 匝圍 繞, Kinh A Di Đà).
Nhưng thực tập như thế nào để đạt được cõi Niết Bàn. Xin mời quý vị học lời dạy của Phật, từ Kinh văn ngắn được ghi lại trong Kinh văn Tạp A Hàm (Quyển thứ nhất, trang 409-410).
Dịch Nôm
Như thị ngã văn. Nhất thời, Phật trụ Xá Vệ Quốc, Kỳ thụ Cấp Cô Độc viên. Nhĩ thời, hữu dị Tỳ kheo lai nghệ Phật sở, đầu diện lễ túc, khước trụ nhất diện, bạch Phật ngôn: Thế Tôn, như Thế Tôn sở thuyết, đắc kiến pháp Niết Bàn, vân hà Tỳ kheo đắc kiến pháp Niết Bàn?
Phật cáo Tỳ kheo: Thiện tại! Thiện tai! Nhữ kim dục tri kiến pháp Niết Bàn da?
Tỳ kheo bạch Phật ngôn: Duy nhiên, Thế Tôn!
Phật cáo Tỳ kheo: Đế thính, thiện tư, đương vi nhữ thuyết.
Phật cáo Tỳ kheo: Ư sắc sanh yếm, ly dục, diệt tận, bất khởi chư lậu, tâm chánh giải thoát, thị danh Tỳ kheo, kiến pháp Niết Bàn. Như thị thọ, tưởng, hành, thức sanh yếm, ly dục, diệt tận, bất khởi chư lậu, tâm chánh giải thoát, thị danh Tỳ kheo kiến pháp Niết Bàn.
Thời, bỉ Tỳ kheo văn Phật sở thuyêt, dũng dược hoan hỉ, tác lễ nhi khứ.
Dịch Việt
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Bấy giờ, có vị Tỳ kheo, đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa Phật: Thế Tôn, như Thế Tôn đã dạy thấy và chứng Niết Bàn. Vậy, thế nào là Tỳ kheo thấy và chứng Niết Bàn?”
Phật bảo Tỳ kheo: Thật khéo! Thật khéo! Nay thầy muốn biết như thế nào là thấy và chứng Niết Bàn?
Tỳ kheo bạch Phật: Dạ thưa, Thế Tôn.
Phật bảo Tỳ kheo: Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho khéo, điều ta sẽ dạy thầy.
Phật bảo Tỳ kheo: Khi không còn mê muội với sắc, không đam mê sắc, không còn phát sinh những ham muốn, tâm chân chánh được giải thoát, thì đó gọi là Tỳ kheo thấy và chứng Niết Bàn. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không còn mê muội, không đam mê, không còn phát sinh những ham muốn, tâm chân chánh được giải thoát, thì đó gọi là Tỳ kheo thấy và chứng Niết Bàn.”
Vị Tỳ kheo sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.