;
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức sự kiện này sau 2 lần đăng cai thành công vào các năm 2008 và 2014 để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Vesak là Đại lễ được tổ chức trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và được Chính phủ các nước đăng cai, chấp thuận, bảo trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện.
Đại lễ Vesak 2019 dự kiến diễn ra tại tỉnh Hà Nam từ ngày 12-14/5/2019 với chủ đề “Cách tiếp cận Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Dự kiến khoảng 1.500 đại biểu, khách quốc tế từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 10.000 đại biểu trong nước và Phật tử sẽ dự Đại lễ.
Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, Đại lễ sẽ có 5 Hội thảo với các chủ đề như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững; sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như triển lãm, các chương trình nghệ thuật, tham quan...
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự kiện mang tầm quốc tế này và nếu tổ chức tốt, sẽ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam; đồng thời thể hiện Việt Nam tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng; các tôn giáo đều bình đẳng.
Đánh giá cao sự tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, Thủ tướng cho rằng, đối với sự kiện quốc tế lớn như thế này thì việc tổ chức chu đáo, an toàn, bảo đảm uy tín của Việt Nam là rất quan trọng. Do đó, Giáo hội Phật giáo cần xây dựng đề án tổng quát về việc tổ chức Đại lễ; tiếp tục chủ động, không chỉ đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất mà tập trung cả vào nội dung sự kiện. Địa phương cần phối hợp với Giáo hội Phật giáo trong tổ chức thực hiện các công việc thuộc địa phương mình, nhất là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ Đại lễ khi chỉ còn mấy tháng nữa là bắt đầu sự kiện. “Các vướng mắc ở địa phương thì phải được các địa phương quan tâm giải quyết chứ chúng ta không phải chỉ nói trên bàn hội nghị”, Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm xây dựng nội dung, kịch bản chi tiết, chất lượng các hoạt động. Các bộ, cơ quan liên quan có đề án cụ thể để phục vụ Vesak 2019, bao gồm cả đề án tuyên truyền.
Bộ Nội vụ, trực tiếp là Ban Tôn giáo Chính phủ hướng dẫn, tạo điều kiện, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam sớm hoàn thiện đề án tổng thể tổ chức Vesak 2019 và các đề án thành phần, trong đó có kịch bản, nội dung, chương trình, khách mời… và các vấn đề khác. Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch chương trình điều phối các cơ quan, địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ Giáo hội Phật giáo tổ chức sự kiện này.
Với Bộ Công an, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Đại lễ.
Đối với tỉnh Hà Nam, nơi diễn ra sự kiện, cần thành lập ban tổ chức riêng, tổ chức giao ban thường xuyên, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư để bảo đảm tiến độ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Đại lễ.
Về đề nghị cho phép tỉnh Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam)-Chùa Hương (Hà Nội)-Vân Long (Ninh Bình)-Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Thủ tướng cho rằng, đây là sáng kiến hay và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đức Tuân
Nguồn:http://baochinhphu.vn/