;
Giáo lý Nhân Quả
Nhân quả là giáo lý cơ bản của nhà Phật, dạy cho con người thấy được sự luân hồi, biến đổi của vạn vật để từ đó vận dụng khéo léo trong cuộc sống thường nhật.
Chữ Nhân, được hiểu là nguyên nhân. Theo giáo lý nhà Phật chữ nhân là hạt giống, là mầm tạo ra quả. Tiếng Hán chữ nhân因thuộc bộ Vi gồm chữ đại bao quanh bởi ô vuông. Chữ đại 大nghĩa là lớn, hạt giống bị giam hãm trong cái vỏ nhỏ xíu nhưng nếu đủ duyên thì hạt giống sẽ “ lớn” thành quả. Chữ quả tiếng Hán 果 có nghĩa là trái cây, là thành quả. Hạt lúa giống là nhân tạo thành cây lúa. Cây lúa là quả. Từ tiếng Anh Nhân Quả là causes and effects. Causes là nguyên nhân, effects là kết quả. Từ nguyên nhân cho ra kết quả.
Chữ Duyên 緣nghĩa là thêm, là chất xúc tác để nhân tạo quả. Chữ Duyên thuộc bộ mịch糸, mịch là tơ nhỏ. Một cái áo đẹp thì phải thêm vào những sợi tơ nhỏ . Cây lúa tốt hay xấu, hạt lúa có chắc hay lép, không chỉ vì người trồng lúa chọn giống tốt, phân tốt, sạ đúng lịch, mà còn cái duyên của thiên thời địa lợi. Nếu thời tiết bất lợi thì “ nhân” có tốt mấy, “quả” vụ mùa năm đó cũng thất thu. Nhà Phật gọi đó là duyên xấu.
Trong tình cảm đôi lứa cũng vậy, có khi người con trai người con gái vun vén hạnh phúc cho nhau, nhưng duyên xấu, họ phải chia tay, dù chia tay đường ai nấy đi là việc chẳng đặng đừng.
“Còn duyên thì còn kẻ đón người đưa,
hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.
Bởi vì hết duyên nên phải vậy. Ngược lại nếu có duyên tốt thì dù bác nông dân chưa thạo nghề, thiếu kinh nghiệm nhưng bởi thiên thời địa lợi, vụ lúa năm đó bác có thể thắng lợi, thu hoạch mười phân vẹn mười. Bác nông dân thắng vụ đó là nhờ duyên tốt.
Trong hóa học mình biết chất Sodium có tên hóa học là Natri (Na) là một chắc rắn, và khí Chloride (Cl2) là một khí độc. Nhưng khi kết hợp hai chất hóa học lại với nhau thì tạo thành chất hữu ích đó là muối ăn. Sự kết hợp đó là sự kết hợp tốt làm cho Chloride từ chất độc hại trở thành chất có ích. Cái chất có ích đó chính là muối ăn hàng ngày. Nhà Phật gọi sự kết hợp đó là do Duyên tốt. Nhân xấu nhưng do duyên tốt mà tạo quả tốt. Natri (Na) là một chắc rắn không có tác dụng đối với đối sống, tác dụng với khí độc Chloride (Cl2) tạo thành một quả có ích cho con người là muối ăn Natri clorua ( NaCl ).
Khi nói đến nhân quả, thường đề cập đến luân hồi. Chữ luân輪có nghĩa là xe. Chữ hồi 迴có nghĩa là quay về, trở về. Giáo lý Phật giáo luân hồi là sự tiếp nối, sự chuyển hóa sự sống của một sinh vật qua nhiều kiếp theo sự tái sinh. Biểu tượng bánh xe luân hồi thường được dùng trong trang trí của Phật giáo.
Phật dạy, mọi vật, mọi hiện tượng đều vô thường, tức là nó không có thường hằng mà biến đổi trong từng phút giây. Sự biến đổi đó gọi là luân hồi. Đám mây luân hồi thành cơn mưa và cơn mưa luân hồi thành ra nước uống mỗi ngày. Khi cầm trong tay chén trà để uống. Nước trà là sự tiếp nối của cơn mưa, cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây và đám mây là sự tiếp nối của sức nóng mặt trời cùng nước ao, hồ, sông, biển. Cuộc sống luôn luôn có sự tiếp nối như vậy, gọi là luân hồi.
Làm thế nào để có một Luân Hồi tốt.
Chúng ta biết rằng hoạt động hàng ngày con người trong học tập, trong sinh hoạt giao tiếp thể hiện ở 3 trạng thái.
Thứ nhất là tư duy,
Thứ hai là ngôn ngữ,
Thứ ba là hành động của chúng ta.
Tư duy, ngôn ngữ, hành động trong đạo Phật gọi là thân, khẩu và ý. Để có nhân tốt thì Thân, Khẩu, Ý phải hướng thiện. Từ cái nhân tốt, nhờ duyên tốt, chắc chắn tạo ra quả tốt.
Mỗi tư duy được thể hiện bộc lộ ra bằng hành động. Tư duy tiêu cực như kỳ thị độc ác, giận dữ, thèm khát bộc lộ ra bằng hành động bất thiện. Hành động bất thiện chắc chắn sẽ gây cho những người xung quanh đau khổ và bản thân người đó cũng đau khổ. Tư duy đó không phải là chánh tư duy mà là tà tư duy.
Ngôn ngữ, lời nói cũng như vậy. Nói ra một câu tiêu cực gieo sự bất hòa, nghi kỵ, hận thù, câu nói đó chắc chắn sẽ gây cho những người xung quanh đau khổ và bản thân người đó cũng đau khổ. Lời nói đó không phải là chánh ngữ mà là tà ngữ.
Hành động cũng vậy. Nếu hành động gây chia rẽ, tàn phá, giết chóc thì hành động đó chắc chắn sẽ gây cho những người xung quanh đau khổ và bản thân người đó cũng đau khổ. Hành động đó không phải là chánh hành mà là tà hành.
Tất cả tư duy, ngôn ngữ, hành động con người gây ra là sự tạo nghiệp. Nhà Phật gọi thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Những nghiệp đó khi được tạo ra thì sẽ đi vào vòng luân hồi. Luân hồi cho con cháu, cho gia đình, cho những người mình thương. Dân gian có câu “ ở hiền thì gặp hiền, ở ác thì gặp ác. Cha ăn mặn con khát nước” là vậy.
Bởi vì nhân quả và luân hồi, cho nên nếu muốn có quả đẹp, luân hồi đẹp, sự tiếp nối cái đẹp để lại cho con cháu, cho gia đình, cho người thương, thì phải tạo nghiệp tốt. Tức là nói phải nói lời chánh ngữ, tư duy suy nghĩ phải là chánh tư duy và hành động phải là chánh hành. Chánh ở đây được hiểu đúng đắn.
Muốn có tiếp nối đẹp mình phải làm sao cho tư duy của mình là chánh tư duy, tư duy với tình thương, với sự hiểu biết.
Hành động nhân ái, biết bảo vệ sự sống tạo ra sự hòa thuận với gia đình với bạn bè thì hành động đó chắc chắn làm vui mình và những người quanh mình. Đó là chánh hành.
Nói một câu nói ân tình giúp người ta hòa giải với nhau, giúp người ta có niềm tin vào tương lai, đem lại sự hiểu biết và tình thương cho nhau. Đó là lời nói chánh ngữ chứ không phải là tà ngữ, đó là sự tiếp nối của mình.
Tư duy đúng đắn, nói lời nói ái ngữ, hành đồng đúng đắn sẽ tạo ra luân hồi đẹp. Đó là luân hồi mà ai cũng mong muốn. Các bạn trẻ phải nhớ, nghiệp tốt sẽ đưa đến kết quả tốt. Nghiệp xấu đưa đến kết quả xấu. Chữ nghiệp chỉ có nghĩa là hành động. Không có nhân nào mà không có quả cho nên phải cẩn thận trong suy nghĩ, hành động và lời nói.
Khi mình gieo một hạt bắp, nếu đủ duyên hạt đó chỉ có thể thành ra một cây bắp. Hạt bắp không bao giờ trở thành cây lúa hoặc cây đậu. Những hành động tạo nghiệp hàng ngày trong sinh hoạt, trong học tập, trong giao tiếp cần phải hướng đến nghiệp tốt.
Có những người rất dễ nổi giận. Có người mấy năm trước rất hiền lành nhưng bây giờ nóng tính và dễ nổi giận. Điều đó có nghĩa là môi trường sống và làm việc đã gây cho người đó tâm lý dễ nổi giận. Môi trường đó là môi trường xấu, tạo ra tâm lý xấu. Tâm lý tiêu cực đó có trong người đó bởi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý luôn tiếp xúc với những vấn đề tiêu cực. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý luôn tiếp xúc với những vấn đề tiêu cực. Làm cho tính tình người đó gắt gỏng.
Báo chí phim ảnh bạo lực, đồi trụy; rượu bia, thuốc lá, môi trường làm việc đầy cạnh tranh, môi trường làm việc học tập không thân thiện…môi trường đó dễ làm cho con người xấu đi.
Môi trường đó là môi trường ô nhiễm cho tâm lý. Mắt ta không nên nhìn, tai ta không nên nghe, thân ta không nên tiếp xúc với môi trường xấu đó. Nếu làm việc trong môi trường đầy sự ganh ghét, đầy rẫy sự gian dối, thì tất nhiên ta không nên duy trì làm việc lâu dài. Bởi ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó tạo ra nghiệp xấu.
Mỗi khi hành động cần phải xuy xét. Hành động đó có chuẩn mực hay không? Hành động đó có tạo ra khổ đau cho chính mình, khổ đau cho cha mẹ, khổ đau cho người mình thương hay không?
Đôi khi người thân của mình đã nói, đã làm những điều làm cho mình buồn. Những mình phải nghĩ những hành động. lời nói đó là do bản thân họ có quá nhiều khổ đau, gặp nhiều áp lực trong công việc, stress trong cuộc sống, buộc họ hành động đúng như gắt gỏng, la hét, nạt nộ mình. Người thân của mình nói với mình lời nói không chánh ngữ, hành động không đúng đắn là bởi vì họ đang gặp phải áp lực trong cuộc sống. Mình phải biết như vậy để lấy tình thương và lòng từ bi trong trái tim của mình mà hành động nói năng cho đúng. Các bạn đừng giận dữ, đáp trả lại. Những hành động đáp trả như vậy là tà hạnh, không khôn ngoan, thiếu trí tuệ và từ bi như Phật dạy.
Trong Kinh Pháp cú có một kệ rất hay, các bạn trẻ nên nhớ, nên học thuộc để mà hành xử
Lấy oán báo oán, oán thời chồng chất,
Lấy ân báo oán, oán thời tiêu tan.
Nếu làm theo lời Phật dạy, thì đã dừng được việc tạo ra những nhân xấu, tạo những quả xấu, và dừng lại được bánh xe luân hồi khổ đau. Đó là điều các bạn trẻ hoàn toàn có thể làm được ngay ngày hôm nay. Ai trong chúng ta cũng có lúc nổi giận, nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý cơn giận của mình.
Trong trường học, các thầy cô giáo phải biết cách xử lý cơn giận và phải có khả năng chỉ dạy lại cho các bạn học sinh biết cách xử lý cơn giận. Nếu các thầy cô giáo ở trường làm được và các bậc phụ huynh làm được thì đương nhiên các bạn học sinh cũng làm được. Khi thầy cô giáo nhẹ nhàng thì học sinh sẽ nhẹ nhàng. Cha mẹ nhẹ nhàng thì con cái sẽ nhẹ nhàng.
Thực hành Bát chánh đạo và giữ gìn Ngũ giới.
Vậy làm thế nào để các bạn hành động đúng tạo ra nghiệp tốt. Trong đạo Phật cũng có một tiêu chuẩn để xây dựng một con người sống giỏi, sống tốt đó là Bát chánh đạo.
Bát là tám, chữ chánh trong tiếng Hán có nghĩa là thẳng. Đạo là đường. Bát chánh đạo là tám con đường thẳng, tám con đường tu tập chân chính để giúp con người vượt ra khỏi khổ đau. Đó là :
1. Chính kiến: Thấy đúng.
2. Chính tư duy: Nghĩ đúng.
3. Chính ngữ: Nói đúng.
4. Chính nghiệp: Hành động đúng.
5. Chính mệnh: Phương tiện mưu sinh chân chính.
6. Chính tinh tiến: Cần mẫn và nỗ lực chân chính.
7. Chính niệm: Ý thức chân chính.
8. Chính định: Thiền định chân chính
Chánh kiến
Sự hành trì chân chính đầu tiên là chánh kiến. Kiến là cái nhìn, cái thấy. Kiến là cái thấy. Chánh có nghĩa là thẳng, là không cong quẹo. Tiếng Anh Chánh kiến có thể dịch là right view, nhìn đúng.
Theo giáo lý nhà Phật, trong tu tập, học hỏi, chúng ta có ba giai đoạn : văn, tư, tu. Văn tức là nghe giảng, đọc sách, nghe lời giảng. Tư là dùng trí thông minh, kinh nghiệm của mình mà chiêm nghiệm. Không vâng tin theo một cách ngây thơ những gì mình nghe, mình học. Tu là đem ra thực tập. Ở trường học thực tập này là quá trình rèn luyện các bài tập.
Tám nguyên tắc hành động ấy có liên hệ nhân quả rất mật thiết với nhau như sau: Nếu ta chiêm nghiệm và áp dụng tám nguyên tắc trên vào cuộc sống thường nhật ta sẽ thấy tính cách liên hệ nhân quả giữa những nguyên tắc ấy. Ai cũng bảo nếu thấy đúng thì hành động mới đúng, do đó chính kiến là cần thiết cho Chính nghiệp. Có nghiệp tốt thì mới có nhân tốt để tạo quả tốt. Nhưng làm thế nào để thấy đúng?
Theo đạo Phật, sự thấy đúng không phải chỉ có thể đạt được do sự học hỏi trong sách vở hay do sự suy tư phân tích bằng trí thức. Sự thấy đúng là kết quả của kinh nghiệm sống nữa. Chánh kiến là cái thấy về sự thực, sự thực bản thân cũng như sự thực xã hội. Ở trong trường học, quan điểm chánh kiến là quan điểm không a dua mà là quan điểm sự thực từ bản thân. Các bạn trẻ nên nhớ đều đó. Xã hội, trường học, gia đình, môi trường làm việc luôn ủng hộ quan điểm chính kiến của bạn.
Ngắm mặt trời lúc bình mình, chúng ta thường nghỉ giây phút ánh nắng mặt trời chiếu vào mắt là thời gian mặt trời tỏa nắng. Không phải, tia sáng mặt trời đã lóe lên trước đó 8 phút 20 giây. 8 phút 20 giây là thời gian để ánh sáng đi từ mặt trời đến trái đất và tác động vào mắt chúng ta. Cái thấy đó là cái thấy không chánh kiến. Not right view. Và cái thấy đó thường xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, trong học tập và giao tiếp. Chúng ta phải rèn luyện dần bỏ đi những cái thấy not right view đó.
Chính tư duy
Chính tư duy là nghĩ đúng, và nghĩ đúng ở đây có nghĩa là suy tư phù hợp với đạo lý duyên khởi. Muốn có cái nhìn chính xác sức học của lớp học của chúng ta đang theo học, ta phải theo nguyên lý duyên khởi mà tìm ra mọi nguyên nhân xa gần, những nguyên nhân hiển nhiên hoặc bị che dấu, ta mới có thể đạt được tới cái nhìn chính xác ấy, gọi là right think. Tại sao các bạn trong lớp học chưa giỏi, tại sao các bạn trong lớp không đoàn kết. Nếu ta chỉ tùy theo thói quen, thành kiến và khuynh hướng đơn giản hóa vấn đề, ta sẽ không thấy được cái đúng.
Chính ngữ
Chính ngữ là nói đúng. Lời nói là một hình thức của hành động gọi là khẩu nghiệp. Lời nói là dụng cụ để diễn tả điều ta thấy và nghĩ; nếu thấy sai ( not right view ) và nghĩ sai (not right think ) thì nói cũng sai (not right speak). Mà khi ta nói sai, ta gây tác động lầm lạc ( not right action ) cho chính ta và cho người khác. Lời nói chánh ngữ (right speak ) là lời nói không những cần phải diễn tả sự thực mà còn nhắm đến sự xây dựng; ta phải thấy tất cả hậu quả của lời ta nói. Ta phải biết cách nói để tạo nên hòa khí, làm tiêu tan không khí nghi kỵ, oán thù và sợ hãi quanh ta quanh trường học, quanh gia đình, quanh người thân của ta.
Bạn Nguyễn Trung Hiếu học sinh Trường Amsterdam trong một bài văn nêu quan điểm của bạn ấy về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, với lời mở đầu “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đọc bài văn của anh ấy, chúng ta thấy anh ấy đã nói dối với mẹ anh ấy nhiều lần, và đã nhịn ăn sáng nhiều lần để tiết kiệm cho gia đình. Cái nói dối đó là cái nói dối làm vui lòng mẹ bạn ấy. Làm cho mẹ bạn ấy bớt lo lắng. Đó là lời nói chánh ngữ chứ không phải tà ngữ. Khi học Phật chúng phải khéo léo vận dụng lời Phật dạy trong từng trường hợp.
Chính nghiệp
Chính nghiệp là hành động đúng. Một hành động thuận theo môi trường xung quanh là một hành động chắc chắn đem lại kết quả tốt. Một người nông dân canh tác giỏi là một người nông dân thông minh, nắm được hết mọi dữ kiện về hạt giống, phân bón, thời tiết, thị trường, người nông dân sẽ có nhiều cơ hội thành công. Hành động chính nghiệp là hành động tạo được hòa khí và thương yêu lẫn nhau mà không phương hại người khác.
Chính mệnh
Chính mệnh là phương tiện sinh sống chân chính. Một nghề nghiệp lương thiện, đó là chính mệnh. Nhưng thế nào là một nghề nghiệp lương thiện? Những phương tiện sinh sống không gây tai họa và khổ đau cho kẻ khác trong hiện tại cũng như trong tương lai. Những phương tiện sinh sống thẳng thắn, không lừa đảo, không gieo rắc lầm lạc, không bóc lột kẻ khác, không phá hoại môi trường sinh hoạt của con người đó là phương tiện sinh sống chính mệnh.
Chính tinh tấn
Chính tinh tấn là nỗ lực chân chính tức là sự cố gắng không ngừng trên mọi lãnh vực học tập, nghiên cứu, lao động. Ở trong trường học, tinh tấn là sự siêng năng cần mẫn trong học tập. Tinh tấn chính là nỗ lực của cá nhân trong con đường nghề nghiệp. Tuy nhiên, các bạn trẻ nên hiểu rõ những nỗ lực hướng danh lợi, tham lam hay căm thù đều không được gọi là chính tinh tiến, bởi vì kết quả của những nỗ lực này có thể là khổ đau cho những người khác và do đó là cho chính bản thân mình.
Chánh niệm
Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chính. Chúng ta đừng lầm chính niệm với chính tư duy. Tư duy là sự suy tưởng trong khi đó niệm là sự nhớ nghĩ, trái với sự quên lãng. Phải tập trung vào công việc mình đang làm gọi là chánh niệm. Đó là ý thức sáng tỏ về sự sống của chính bản thân mình. Người Phật tử chân chính là người biết tập sống thường xuyên trong chính niệm, nghĩa là sống có ý thức, biết mình đang làm gì, nghĩ gì, nói gì. Đó là sống có lý tưởng.
Chánh định
Chánh định là sự tập trung ý để đạt tới chính kiến tức là cái thấy chân chính. Định ở đây không có nghĩa là tư duy hay suy tưởng mà là những phương pháp tập trung tâm ý nhắm phát khởi trí tuệ. Những người làm việc ở trạng thái chánh định thường đạt hiệu quả cao, tìm tòi ra cái mới.
Đó là tám con đường tu tập chân chính để giúp con người vượt ra khỏi khổ đau, sống cuộc sống an lạc thân và tâm. Giáo lý căn bản của đạo Phật. Ngoài ra người Phật tử còn phải giữ ngũ giới. Ngũ giới là năm điều ngăn cấm do Đức Phật chế tác. Người Phật tử cần phải gìn giữ năm giới để đời sống được an lành hạnh phúc.
1. Không sát sanh
Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, người Phật tử nguyện không giết hại, không để kẻ khác giết hại và không tán thành bất cứ một hành động giết hại nào dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày.
2. Không trộm cướp
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, áp bức và bất công xã hội gây ra, người Phật tử không được lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Người Phật tử phải tri túc, thấy đủ hạnh phúc với những gì mình đang có.
3. Không tà dâm
Ý thức được những khổ đau do tà dâm gây ra, người Phật tử nguyện không có hành vi tà dâm. Người Phật tử phải biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau. Những liên hệ tình dục do sự thèm khát gây nên luôn mang tới những hệ lụy và đổ vỡ cho con và cho người khác. Người Phật tử phải nguyện không ăn nằm với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức lâu dài. Là người sống ngoài đời, ai cũng muốn có sự tiếp nối của mình tương lai. Bởi ước muốn tiếp nối, nên trong mỗi người luôn có hạt giống về tình dục và chức năng sinh sản. Tình dục và sinh sản là chức năng không thể phủ nhận. Mình cũng không nên nhầm lẫn tình dục với tình yêu. Tình dục có thể đem lại cảm giác vui sướng và gắn kết giữa hai người nếu ở đó có mặt tình yêu.
4. Không nói dối
Ý thức được những khổ đau do nói dối gây ra, người Phật tử phải nói lời Ái ngữ và Lắng nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt nỗi khổ đau của người. Người Phật tử phải tìm cách đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người bằng lời nói.
5. Không sử dụng chất kích thích:
Ý thức được khổ đau do sử dụng chất kích thích, người Phật tử phải nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và chuyện trò.
Học Phật là phương thức giúp cho cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta nhẹ nhàng hơn, thân tâm ta an lạc hơn. Nụ cười của ta tươi hơn. Đó là mục đích của người học Phật. Đó là niết bàn mà mỗi người muốn đạt đến.