;
Từ trước đến nay, việc quản lý, thu chi tiền công đức luôn được coi là một vấn đề khó và nhạy cảm (Ảnh minh họa)
Quyền đến thăm chùa chiền tự nguyện công đức, không phải tốn kém gì cả
Ai được hưởng lợi từ khoản tiền thu phí nơi cửa Phật ?*
Khi được ban hành, đây sẽ là văn bản pháp quy đầu tiên quy định cụ thể tiền công đức sẽ thu như thế nào và chi ra sao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những ý kiến băn khoăn.
Niêm phong, quyết toán tiền công đức hàng năm
Dự thảo thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di tích, quản lý trực tiếp di tích, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, ban tổ chức lễ hội và các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan.
Dự thảo quy định rõ nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Theo đó, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích phải mở sổ theo dõi thu, chi; mở tài khoản gửi tiền công đức tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Các hòm công đức tại di tích, lễ hội phải được niêm phong.
Cá nhân, đơn vị quản lý di tích, lễ hội phải lập tổ tiếp nhận tiền công đức để kiểm đếm số tiền trong hòm công đức, tiền tài trợ trước khi nộp vào tài khoản. Định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm, phải thực hiện kiểm kê tiền và tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ; thực hiện quyết toán hàng năm; thực hiện công bố công khai, minh bạch việc thu, quản lý, sử dụng; đồng thời cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Với trường hợp tài trợ bằng kim cương, đá quý, kim loại quý hoặc hiện vật có giá trị khác: Sau khi được sự đồng ý của nhà tài trợ, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải tổ chức bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá. Số tiền thu được sẽ quản lý như đối với khoản dâng cúng, công đức, tài trợ bằng tiền.
Việc làm cần thiết
Bàn về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, hiện nay chưa có một văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào, chi ra sao. Thông tư liên tịch 04/2014 của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng với Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc sử dụng tiền công đức, nhưng chỉ nói chung chung là tiền tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai.
Theo luật sư, Nghị định 110/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có giao Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Do đó, việc Bộ Tài chính ban hành thông này là thực hiện nhiệm vụ được giao và đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn. Bởi từ trước đến nay, việc quản lý, thu chi tiền công đức luôn được coi là một vấn đề khó và nhạy cảm.
Riêng với quy định bán đấu giá các khoản công đức bằng hiện vật để nguồn tiền thu về quản lý như tiền công đức, luật sư Bình ủng hộ nhưng lưu ý, có những thứ không thể bán, như tượng Phật bằng vàng, ngọc bích... Do đó, quy định nên nêu rõ, chỉ có hiện vật có tính dự trữ, thay thế phương tiện thanh toán bằng tiền mới phải bán.
Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thực tế cho thấy tình trạng khá lộn xộn trong thu - chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội. Những lộn xộn này dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và lễ hội.
“Các khoản công đức, dâng cúng tại di tích, lễ hội cần phải được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, dự thảo cần lấy ý kiến kỹ càng, nhất là cần có sự tham khảo của các tổ chức tôn giáo và cần được làm thí điểm trước, bởi đây là vấn đề khá nhạy cảm”, ông Trung cho hay.
Ủng hộ việc công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản tiền công đức, dâng cúng tại di tích, lễ hội Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh băn khoăn về nội dung “Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước”. Bởi theo Thượng tọa, nếu là tài sản của tổ chức hay cơ sở thờ tự tôn giáo, việc mở tài khoản hay không là quyền của người phụ trách, tôn giáo hay cơ sở tôn giáo đó,“anh không thể bắt người ta để vào đây, để vào kia được”.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển thì có nhiều cách để minh bạch số tài sản này và tổ chức, cơ sở quản lý sẽ minh bạch trong cộng đồng tôn giáo.Ví dụ tài sản của ngôi chùa A được quản lý bởi trụ trì A thì vị trụ trì này sẽ minh bạch với tăng ni phật tử ở ngôi chùa đó.
Đối với nội dung “các khoản công đức bằng hiện vật có giá trị, phải bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển thắc mắc: “Nếu một cá nhân cúng cho vị trụ trì nào đó một chiếc xe để họ đi lại cho thuận tiện, thì đây việc làm phát tâm của cá nhân người đó với vị trụ trì kia. Như vậy thì xử lý tài sản này thế nào?”.
“Tại Khu di tích Y Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã thành lập Ban quản lý gồm 17 người, trong đó Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Chủ tịch Hội Người cao tuổi là Phó ban thường trực và một số đoàn thể khác.
Ông Dương Minh Tuấn, Phó chủ tịch xã Hòa Sơn cho hay, tiền công đức, hay hiện vật công đức sẽ được kiểm kê hàng tháng, sau đó kế toán viết phiếu thu giao cho Ban quản lý số tiền đó. “Không chỉ có trưởng, phó Ban mà còn có kế toán, thủ quỹ và kiểm soát viên. Tất cả kinh phí thu được đều được ghi chép cụ thể, được công khai với chính quyền và nhân dân”, ông Tuấn cho hay.”
Phùng Đô
https://www.baogiaothong.vn/tien-cong-duc-se-phai-kiem-ke-gui-kho-bac-nha-nuoc-d461240.html?