;
"Mới hôm qua người ta gọi mình bằng "thằng", nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng "thầy", có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài.." - Ông Dương Ngọc Dũng.
Ý kiến trao đổi cùng tiến sĩ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng
Phật giáo sẽ đi về đâu bởi những phát ngôn xuyên tạc của người có trách nhiệm?
Trả lời phỏng vấn trên https://news.zing.vn của tác giả Hoài Thanh, trong bài "Đi tu mà có 300 tỷ là không biện luận được"( https://news.zing.vn/di-tu-ma-co-300-ty-la-trai-luat-phat-giao-khong-bien-luan-duoc-post1000413.html) ông tiến sĩ Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng không ngớt lời miệt thị chư tăng, đây là hành động khiếm nhã, với cách trả lời thiếu chính kiến và đầy ác ý, có thể gây ảnh hưởng tín tâm của cộng đồng Phật tử sơ cơ. Điều này, rất mong cộng đồng Phật giáo lên tiếng để bảo vệ danh dự và hình ảnh cao đẹp tăng đoàn do bọn cầu danh, thừa nước đục thả câu cố tình làm hỏng.
Ông Ngọc Dũng nói: “Người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng.
Mới hôm qua người ta gọi mình bằng “thằng”, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng “thầy”, có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài”.
Dân Việt Nam có truyền thống tối đẹp là tôn trọng Tăng ni, thấy sư là chắp tay, cúi đầu, bất kể sư gì, tu thiệt hay tu giả.
Những “sư giả” chỉ cần rèn kỹ năng về giao tiếp, chịu khó đọc kinh đọc sách giống như hổ mọc thêm cánh. Thiên hạ sẽ tới quỳ bái vì thầy không những có đạo đức, chân tu mà còn uyên bác, hiễu rõ về đạo Phật”.
Nói như ông thì tất cả chư tăng đều xuất thân từ mồ côi và không cần trải qua tu học thử thách sáu năm, tuần tự thọ giới Sa Di, rồi mới được thọ giới Tỳ Kheo làm thầy? Quả là thiếu thực tế và phi lý.
Nếu trình độ tiến sĩ tôn giáo học mà trả lời như thế thì tưởng đâu phường vô học. Vì đó là hạng tiến sĩ giấy, chứ chẳng nghiên cứu và am tường Phật học tới đâu. Thậm chí bóp méo lý tưởng của người xuất gia chân chính.
Lời ký trong Sa di luật giải có chép: “Người xuất gia chẳng bị thế lực nhà vua ép bức, chẳng vì tham cầu mạng sống, chẳng vì lánh nạn, chẳng vì thiếu nợ, vốn vì mong cầu chánh pháp, vì lòng chánh tín mà vào trong của Phật Pháp nên gọi là HẢO TÂM XUẤT GIA”. [1]
Người hảo tâm xuất gia có năm tịnh đức:
1. Phát tâm xuất gia vì thiết tha với giáo pháp.
2. Xả bỏ thân hình tốt đẹp vì ứng với pháp phục.
3. Cắt ái từ bỏ mọi ràng buộc, vì không còn thân sơ.
4. Xả bỏ thân mạng vì tôn sùng đạo pháp.
5. Chí cầu Đại thừa, vì độ chúng sanh.
Do đó, nếu nhà báo Hoài Thanh cho rằng đi tu là một cái nghề thì lầm. Thậm chí, đó là thiếu hiểu biết. Nhà Phật cũng có phân loại tặc tâm xuất gia, nhưng biển lớn không dung chứa tử thi, thì đặc tính tăng đoàn cũng vậy. Nếu ngay từ đầu bài báo, ông Dương Ngọc Dũng cố tình đem bộ luật Tứ Phần của Tỳ Kheo ra loè thiên hạ, thì tại sao điều cơ bản nhất trong quyển luật trường hàng gối đầu của Sa Di lại không biết.
Đâu phải người xuất gia nào cũng là hạng giá áo túi cơm như ông khinh thị. Ông đã bóp méo hoàn toàn tâm nguyện hy sinh vì lý tưởng phụng sự chúng sanh của hàng xuất sĩ. Như Quy Sơn Cảnh Sách, có dạy:” Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”, nghĩa là:”Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền trả 4 ân, cứu giúp 3 cõi”(2) Nên nghĩa của Tỳ Kheo là Bố Ma, Khất Sĩ và Phá Ác đó là nhân của quả A Lá Hán gồm Sát Tặc, Ứng Cúng và Vô Sanh.
Trong đó, hạnh Hạnh Khất Sĩ là truyền thống của bảy đời chư Phật, mà chư tăng là người tiếp nối. Tuy nhiên tuỳ theo quốc độ, hình thức có khác nhau, nhưng bản chất vẫn là:” Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh” chứ không phải chư tăng là hạng ngồi không ăn bám như định hướng báo chí và các tri thức nữa mùa gần đây xuyên tạc.
Vào năm 579 trước Tây Lịch, Phật đến làng Elakala, ở phía nam thành Vương Xá, lúc người điền chủ Bharadavaja đang phân phối cơm sữa cho các nông dân, Đức Phật im lặng xếp hàng để xem mình có được bố thí hay không. Điền chủ Bharadavaja tỏ vẻ không hài lòng nói:”Tôi cày và gieo. Sau khi xong việc tôi mới ăn.
Này Sa Môn, ngài phải cày và gieo thì mới được nhận cơm. Đức Phật dạy:” Này Bà La Môn ta cũng cày và gieo rồi ta mới ăn”. Điền chủ nói:” Thưa Sa Môn, tay ngài chỉ cầm bình bát, chớ có cầm ách, cầm cày đâu?”. Đức Phật đáp:” Ta gieo hạt giống chánh tín, cây cày là trí tuệ, đuôi bò là tinh tấn. Thành quả lao động là trạng thái bất sanh bất diệt”. (3)
Trong giáo pháp nhà Phật, tất cả chúng sanh đều bình đẳng, dù xuất thân từ dòng dõi cao quý hay hạ tiện đều chẳng quan trọng, quan trọng là giữ được giới pháp thanh tịnh và đắc được Sa Môn Quả. Nên Đức Phật không chỉ hoá độ cho giới quý tộc thượng lưu mà còn độ cho giai cấp hạ tiện như người gánh phân Ni Đề, thợ Cắt Tóc Ưu Ba Li và dâm nữ Liên Hoa Sắc. Về sau đều chứng A La Hán. Kinh Sa Môn Quả, Đức Phật từng hỏi Ðức vua Ạàtasattu như sau:
Nếu những người của Ðại vương đến tâu với Ðại vương. "Ðại vương có biết chăng? Có người nô bộc của Ðại vương, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Ðại vương).
Tâu Ðại vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh".
Này Ðại vương, Ðại vương có nói như sau chăng?: "Người ấy hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái chú ý từng nét mặt?"
- Bạch Thế Tôn, không như vậy. Trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.
- Này Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu quả như vậy, thì đó có phải chăng là kết quả thiết thực hiện tại hạnh Sa-môn?
- Bạch Thế Tôn, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.
- Này Ðại vương đó là kết quả thiết thực hiện tại thứ nhất của hạnh Sa-môn mà Ta đã trình bày. (4)
Do đó, trong luật Tỳ Kheo, cấm chư tăng không được đem dòng dõi ra mà phê bình. Nếu tiến sĩ Dương Ngọc Dũng nói như vậy, chứng tỏ kiến thức rỗng tuếch của mình. Trong khi vỗ ngực xưng tên, lấy bộ luật Tứ Phần ra áp đảo dư luận.
Xin thưa ông tiến sĩ, nếu như cho rằng người tu chỉ là cái túi cơm gánh nặng của xã hội thì ông đã lầm. Nếu như không có những bậc thiền sư lỗi lạc như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho đến Bồ tát Thích Quảng Đức và chư vị lịch đại tổ sư Phật giáo Việt Nam thì vận mệnh dân tộc sẽ đi về đâu? Tất nhiên là sẽ rẽ sang một trang sử khác, chẳng phải viết bằng lòng tự cường bất khuất của dân tộc.
Bởi không có Phật giáo thì lấy gì làm chất liệu thống nhất lòng dân tại hội nghị Diên Hồng? Làm gì kết tinh nên bao triều đại minh quân huy hoàng trong lịch sử dân tộc nhất là triều đại Lý Trần. Vậy mà ông dám gọi các nhà sư ấy, hôm trước làm “thằng” bữa sau cạo đầu mặc bộ đồ lam vào làm “thầy”. Nếu mồ côi như Lý Công Uẩn được sự giáo dưỡng của Thiền Sư Vạn Hạnh, làm nên một triều đại thuần hậu như đời Lý, thì chẳng phải đáng khâm phục lắm ư? Chính ông đã phỉ nhổ lên tiền nhân và lịch sử dân tộc bằng cái nhìn miệt thị về giai cấp sang hèn.
Không những vậy, luật nào nói công dân có 300 tỷ là sai? Đến nay đã có cơ quan điều tra nào thống kê ba mới đất nông nghiệp của sư Toàn trị giá chừng ấy. Hay chỉ nghe lời thầy ấy ngẫu hứng nói rồi báo chí lên đồng? Chính Ông cũng đã quá vội vàng. Người tu cũng có quyền con người, cũng có quyền công dân, miễn tài sản đó là hợp lý. Còn việc công dân kinh doanh thì nhà nước nào cấm. Hãy nhìn qua các xứ Phật giáo Đại thừa như Nhật Bản và Tây Tạng, hoàn toàn nhập thế, nhà sư tự kinh doanh, thậm chí tại Nhật Bản còn mở quán Bar thiền, ngồi tụng kinh như tinh thần “ trà đình, tửu đếm giai thị đạo tràng”, để quảng bá văn hoá Phật giáo đây thôi. Đã là tuỳ thời Phật học, hằng thuận chúng sanh thì lẽ nào sai chánh pháp?
Ông bàn chi luật Tỳ Kheo cho xa vời, nói chư tăng giữ tiền là sai luật. Thưa ông, sau khi Đức Phật niết bàn khoảng 100 năm, nội bộ tăng đã phân ra làm hai nhánh là Thượng Toạ Bộ và Đại Chúng Bộ vì cãi nhau mười điều phi pháp, trong đó có nên giữ tiền hay không. Về sau lại chia thành 20 bộ phái khác nhau, như lời Đức Phật thọ ký, dù vậy, về bản chất:” Giáo pháp Như Lai chỉ có cùng chung một vị mặn, đó là vị giải thoát”.
Nhất là sự truyền bá qua các quốc độ, Phật giáo luôn uyển chuyển theo tinh thần tuỳ duyên nhi bất biến để tồn tại và phát triển. Đặc biệt là tại các nước Phật giáo Đại Thừa, như Trung Quốc, Việt Nam, do được sự bảo hộ của vua quan và các tầng lớp quý tộc, chư tăng được hiến cúng tự viện, ruộng rẫy như tinh thần Bá Trượng Thanh Quy:” Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, nghĩa là một ngày không làm, một ngày không ăn”, thì bỏ hẳn sự khất thực, nhưng vẫn tiếp nhận sự hiến cúng của thập phương tín thí để duy trì Phật sự.
Như luật Sa Di dạy: “Kim nhân bất năng câu hành khất thực, hoặc nhập tòng lâm, hoặc trú am viện, hoặc xuất viễn phương, diệc vị miễn hữu kim ngân chi phí.” Nghĩa là: "Người xuất gia thời nay không phải ai cũng khất thực, mà hoặc nhập tòng lâm, hoặc ở am viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi cần đến tiền bạc”. (5)
Nên đây chỉ là giới phụ, chẳng phải tánh giới, có thọ trì được hay không tuỳ theo hoàn cảnh. Nếu muốn chư tăng giữ được giới này thì mọi chi phí ăn ở, đi lại, sanh hoạt của chư tăng đều phải có nhà nước bảo hộ như các nước Phật giáo là Quốc giáo. Tinh thần của giới luật là biệt giải thoát, nên không có gì để cố chấp.
Lục Tổ Huệ Năng nói: “ Tâm bình không cần trì giới Hạnh trực không cần tu thiền”. Vì bản chất tâm thanh tịnh là giới. Nên thời Đức Phật, đã có chư thánh tăng như Ca Lưu Đà Di và nhóm Lục Quần Tỳ Kheo, thị hiện sai phạm mọi thứ cho Đức Phật chế giới. Nên tất cả những việc ông cố tình đề cập là bình thường, khi Đức Phật trụ thế, các hiện tượng hữu lậu đã phát sanh sau 12 năm đầu thành lập tăng đoàn.
Nên y cứ theo các trường hợp Thầy Thanh Toàn, Thầy Thái Minh, Thầy Giác Nhiên nếu có đều chẳng phải Ba La Di, không hoàn toàn mất tư cách Tỷ Kheo, dù thầy Thanh Toàn Tự Nguyện xả giới ra đời. Đáng tiếc là trình độ tiến sĩ nghiên cứu như ông lại tự hạ mình, bởi thái độ phát biểu trịch thượng và không am tường.
Khi đề cập về Giới trong Phật giáo, con người trước hết cần phải thấu triệt đúng đắn về khái niệm của giới, sự tuân thủ giới chính là nhằm vào ý thức đạo đức cá nhân để giải thoát con người khỏi sự thống khổ của tham sân si; vì vậy, đức Phật đã dùng phương tiện thiện xảo để thiết lập các điều luật. Do vậy, sự thực hành giới chỉ là những phương tiện tạm thời nhằm hướng con người đến sự giải thoát mọi phiền não khổ đau ở đời; là chiếc bè từ bi đưa người vượt biển sanh tử; và là chiếc cầu đa năng dẫn dắt con người qua sông ái dục.
Thế cho nên, trong kinh Trung Bộ I, đức Phật đã dạy:“Cũng vậy, này chư Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ kheo, các ông cần hiểu ví dụ chiếc bè. Chánh pháp còn phải bỏ huống nữa là phi pháp.”Từ đây, chúng ta có thể mạnh mẽ nói rằng sự thực hành giới sẽ không còn hữu dụng nếu con người đã nhổ bật toàn bộ cội rễ phiền não và khổ đau từ nội tâm của chính mình. (6) Nên trong nhà Phật vẫn có Bồ tát Nghịch hạnh thị hiện để giáo hoá chúng sanh. Huống chi cõi này là ngũ thú tạp cư địa làm sao đủ sức phân định được ai phàm, ai thánh?
Như vậy, bằng sự thiếu hiểu biết của mình, tác giả đã viết nên một bài báo không đáng có; với những lời miệt thị thiển cận và không cân nhắc của ông Dương Ngọc Dũng, gây nên rất nhiều bức xúc cho Tăng ni và Phật tử.
Thậm chí muốn hướng đếm kiểm soát tài sản đàn na tín thí dâng cúng cho Tăng Ni như mô hình công ty thế gian, để tận thu là hoàn toàn sai với luật Phật. Vì đó là của thập phương tam bảo.
Huống chi tài sản tự viện hiện nay đã được giáo hội và luật pháp bảo hộ rất ổn định như HT. Thích Thanh Huân đã trả lời phỏng vấn(https://tintaynguyen.com/nhan-vu-su-toan-kiem-toan-quy-c…/…/). Chúng tôi chỉ muốn hỏi tiến sĩ, ông lấy tư cách gì miệt thị chư tăng?
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=0bU-ILL_TcQ|500|500}
Chí Ngu
Chú thích
(1). Năm Đức Của Người Xuất Gia- Thích Nữ Lệ Thành
(2) Quy Sơn Cảnh Sách, HT Thích Thanh Từ Việt dịch
(3) Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Bằng Tranh, Lý Thái Thuận & Trương Quân, Nxb.Tôn Giáo, 2010.
(4) Kinh Trường Bộ 1. HT Thích Minh Châu
(5) Sa Di Luật Nghi Yếu Lược , HT Trí Quang
(6)Bổn Phận Của Người Xuất Gia- Thích Quang Thạnh
Bội Châu
Dùng hai từ mất dạy cho ông ta không có gì là quá đáng cả. Có bằng cấp của các trường đại học danh tiếng cấp cho, từng học và làm việc ở nước ngoài mà phong cách và lời nói chẳng khác gì phường vô học. Tác giả bài viết đã rất lịch sự rồi. May cho ông ta là Phật giáo là một tôn giáo chủ trương hoà bình, bất bạo động chứ đụng thử đến Hồi giáo cực đoan xem có còn mạng để mà ba hoa, bốc phét.
khanhuyen
"Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007. Ngoài ra, ông từng giữ những vị trí quản lý cao cấp, đào tạo và tư vấn cho những tổ chức lớn như Samsung, LG Vina, Tổng lãnh sự Mỹ, Úc, New Zealand..." học hành tu ngiệp ở Mỹ va châu âu mà có người lại nhận xét ông Dũng là tiến sĩ giấy, mất dạy là hơi quá rồi đấy nghen
Hứa Nguyễn như Tuấn Tài
Tôi có một vài lời muốn nhắn nhủ đến người đã viết bài này, nội dung bài viết giải thích thì đúng, nhưng chúng ta đã học Phật thì không nên dùng chính thái độ, thành kiến của ông Dũng để viết bài này.
Ví dụ: "Nếu trình độ tiến sĩ tôn giáo học mà trả lời như thế thì tưởng đâu phường vô học. Vì đó là hạng tiến sĩ giấy, chứ chẳng nghiên cứu và am tường Phật học tới đâu. Thậm chí bóp méo lý tưởng của người xuất gia chân chính." Tôi xin bỏ đi thái độ, thành kiến và viết lại như sau "Nếu trình độ tiến sĩ tôn giáo học mà trả lời như thế thì thiếu sự chính xác và thiếu hiểu biết về đạo phật. Dùng môt vài trường hợp cá biệt để áp đặt cho toàn bộ những người tu học phật" Vì một vài lời nói sai của ông Dũng để đánh giá ông là "phường vô học","hạng tiến sĩ giấy" thì cũng như chính ông ấy lấy những người tu sai để đánh giá đạo Phật.
Tôi thấy ông ấy nói cũng có phần đúng chứ không hẳn sai hoàn toàn. Đừng để người khác nhìn vào lại thấy hình ảnh thiếu "tiến sĩ tôn giáo" như ông Dũng. Tôi cũng thấy rất đau lòng khi đạo Phật nói chung và đạo Phật nhiều đời của nhà tôi nói riêng bị hiểu sai. Và thật ra tôi nghĩ đến hơn 50% người Phật tự đã và đang học chưa đúng lời Phật dạy. Có cả người trong gia đình, bạn bè tôi. Rất đau lòng.
luc pham
Loại này là tiền sĩ dỏm chứ học hành gì thầy nào dậy những ngôn từ mất dạy đó. Nếu có học thì muốn nói gì và phát ngôn cho chuẩn mực một người có học thì phải nhai đi nhai lại câu từ cho kỹ rồi hãy nhả ra chứ,nhả lung tung mất vệ sinh ô uế môi trường vơ đũa cả nắm, xúc phạm đức tin của cộng đồng thì chết chắc rồi còn gì.
tran van tra
Về ông Dũng: ổng học chung chung abc lý thuyết giáo khoa về các tôn giáo, mỗi tôn giáo học vài ngày theo course, chứ đâu biết bài kinh nào, và càng không biết gì về cái nghĩa căn bản abc của sự nhẫn nhịn, khiêm tốn, và phi hung bạo phi bôi bác của đạo Phật.
Nói hay quở trách như vậy về những cá nhân rõ ràng suy đồi thì có thể không sao, nhưng quơ hết cả giáo đoàn và giễu cợt như vậy là thiếu hụt về đạo đức phàm thường và bôi bác niềm tin về những người chân tu là có thật. Ổng chả có theo tôn giáo hay tâm linh hay đạo nào khác đâu: đó chỉ là tính cách và bản chất của ổng từ nhỏ đến giờ, có lẽ do không có dữ liệu hay bài vở để nói hay giảng giải 1 cách sư phạm cho người nghe, nên ổng chọn cách đem 1 câu chuyện ra giễu cợt để những sinh viên thiếu hiểu biết nghe và hùa theo cười cho có vẻ sống động.
Quá mạt thấp! Bản thân ông Dũng mấy chục năm là người ăn nhậu, ca hát, bỏ vợ, nhiều vợ nhỏ có nhiều con bằng tuổi cháu nội ông, và sống với gái gú và cả chục phụ nữ suốt mấy chục năm qua, đa số là học trò bị ông dụ dỗ.
Vo Danh
"Ý dẫn đầu các pháp". Xem qua lơi nói và hành động của Lương Ngọc Dũng đẫ thây rõ tâm địa, suy nghĩ của ông là hàng gì rồi. Chỉ có những suy nghĩ ÁC mới tạo ra lời nói ÁC và hành động NGÔNG NGÊNH này. Xem như là bản chất ngạ quỷ rồi.
Thích Trả lời 4/14/2020 8:56:02 PM