nguoiphattu.com Trong đống đổ nát của tu viện Phật giáo ở Afghanistan, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một bức tượng đá được cho là tượng của hoàng tử Tất Đạt Đa trước khi ông sáng lập Phật giáo.
Theo Live Science, bức tượng được tìm thấy năm 2010 này đã được nhiều nhà khoa học nhắc tới, trong đó có Gérard Fussman, một giáo sư tại Collège de France ở Paris. Cao khoảng 28 cm và được chạm khắc trên đá, bức tượng mô tả một hoàng tử cùng với một tu sĩ. Dựa trên một đồng xu bằng đồng được tìm thấy gần đó, Fussman ước tính bức tượng này có niên đại ít nhất 1.600 năm.
Hoàng tử Tất Đạt Đa được mô tả đang ngồi trên một chiếc ghế tròn, mắt nhìn xuống, chân phải gối lên đầu gối trái. Ông mặc dhoti (trang phục truyền thống cho nam giới ở Ấn Độ), quấn khăn tubar, trên cổ đeo một chuỗi hạt, ngồi dưới tán cây đa. Nhà sư đứng ở phía bên phải của hoàng tử, tay phải cầm một bông hoa sen hoặc cành cọ (hiện nay tay phải của bức tượng nhà sư đã bị hỏng nên chi tiết này chưa được khẳng định).
Tượng Phật được tìm thấy ở Afghanistan được cho là mô tả hoàng tử Tất Đạt Đa trước khi thành Phật. Ảnh: Live Science.
Dựa trên một số đặc điểm được mô tả lại, đặc biệt là tán lá đa, Fussman tin rằng vị hoàng tử được chạm khắc trên đá chính là Cồ Đàm Tất Đạt Đa, người sau này đã trở thành Phật. Bức tượng này mô tả hoàng tử Tất Đạt Đa khi ngài chưa bắt đầu cuộc hành trình định mệnh về giác ngộ của mình.
Fussman cũng cho biết việc phát hiện ra bức tượng này cho thấy có thể có một tu viện trong thời cổ đại dành riêng cho Tất Đạt Đa trước khi giác ngộ. Ý tưởng này lần đầu tiên được giáo sư Gregory Schopen nhắc đến năm 2005.
Schopen đã tìm thấy bằng chứng cho điều này khi nghiên cứu các phiên bản giới luận tại các tu viện của Tây Tạng. Hiện các nhà khoa học vẫn tiến hành các cuộc khai quật nhằm cứu các hiện vật quý trước khi khu vực này bị xáo trộn bởi các khai thác mỏ đồng.