;
Sáng chủ nhật, ngày 21/04/13 là ngày thứ 2 của Tết Sách tại TP HCM, bạn đọc và người dân đất Việt có cơ hội may mắn giao lưu trực tiếp với bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, hiện là Viện trưởng Viện Hợp tác Quốc tế (thuộc Đại học Tôn Đức Thắng) và ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là tọa đàm thứ thứ 5 trong 7 tọa đàm dày kín và hút khách của Tết Sách năm nay. Tất cả được diễn ra tạo sân khấu triển lãm Ngày Đọc Sách 2013, cung Văn hóa lao động – 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP HCM.
Ai cũng biết rằng bà Tôn Nữ Thị Ninh, với cương vị của mình trong ngành ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển hình ảnh và sự hội nhập của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Ông Jean-Noël Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã từng nói: "Bà là một người phụ nữ của ánh sáng, một phụ nữ của văn hóa, đồng thời là một nhà ngoại giao và một nữ chính khách, và bà hết sức coi trọng việc truyền bá kiến thức cho các thế hệ trẻ"
Ông Phạm Phú Ngọc Trai là một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam và là một trong số ít những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật của Việt Nam trong suốt hai thập niên qua, giai đoạn kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế thế giới. Khi làm việc cho Pepsi, ông đã vinh dự và suất sắc đưa Pepsi Việt Nam 4 lần liên tiếp giành hạng nhất của giải thưởng DMK - giải thưởng cao quý nhất của tập đoàn PepsiCo toàn cầu.
Điểm đặc biệt là sau gần 30 năm làm việc, từ năm 2010, ông Trai đã quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 để chuyển sang công việc của một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, để đóng góp cho các doanh nghiệp Việt.
Cả hai nhân vật nói trên đều trải qua những cương vị quan trọng và thành công trong sự nghiệp. Với tâm huyết và kỳ vọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam, mặc dù rất bận rộn, Bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Phạm Phú Ngọc Trai dành thời gian tham dự buổi giao lưu này, với mong muốn chia sẻ những chiêm nghiệm của bản thân cùng các bạn sinh viên, thanh niên và doanh nhân trẻ. 2 vị khách rất tâm huyết với đất nước Việt Nam, với tinh thần Việt, với khí thế Việt. Những chia sẻ của 2 vị chuyên gia về những chiêm nghiệm của bản thân cùng với tâm huyết và kỳ vọng với thế hệ trẻ nước Nam, mang lại tinh thần mới cho tương lai của đất nước. Trong chương trình này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TW hội Xuất bản Việt Nam tham gia giao lưu với giới trẻ TP HCM.
Cũng trong ngày chủ nhật diễn ra buổi tọa đàm số 6 mang tên TÔI TƯ DUY - TÔI THÀNH ĐẠT. Khách mời là tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà (Thái Hà Books).
Tọa đàm nhấn mạnh về nguyên tắc “như lý tác ý” của Đạo Phật. Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, bằng những trải nghiệm đích thực của bản thân mình cho thấy rằng, những người có tư duy đúng đắn luôn có rất hạnh phúc. Rằng trong quá trình tu, học, cần biết đặt câu hỏi làm thế nào để tìm được một công việc hợp lý. Rằng những người biết đặt câu hỏi tại sao thì luôn luôn trở thành nhà lãnh đạo. Những người có tư duy đúng đắn có thể giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, họ luôn luôn dồi dào ý tưởng và luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
TS Nguyễn mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng những người vươn tới đỉnh cao nghĩ khác với mọi người. “Không có gì thu hẹp thành quả như tư duy nhỏ mọn, không có gì phát triển những cơ hội như tư duy được tháo cũi xổ long” như lời của William Arthur Ward.
Mỗi người vươn tới thành công và hạnh phúc theo những cách khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung đó là cách tư duy đúng – chánh tư duy. Đây chính là điểm duy nhất phân biệt những người thành công và hạnh phúc những người khác. Ông khuyên cần tiếp thu và học hỏi cách tư duy của những người đi trước, nhất là những bậc thiện tri thức. Đọc và nghiên cứu kinh sách giúp bạn học được điều đó. Nếu bạn thay đổi suy nghĩ, cuộc sống của bạn cũng sẽ đổi thay!
Trước đó, vào sáng thứ 7 ngày 20/04, chủ đề số 1 của Tết Sách lần thứ 6 có tên: Thói quen đọc sách của người công chức lãnh đạo với khách mời là bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch Hội Đồng Nhân DânTP HCM.
Bà Phạm Phương Thảo là một tấm gương về người phụ nữ lãnh đạo gương mẫu và hết mình vì nhân dân. Bà đã chia sẻ ảnh hưởng của sách đối với cuộc sống, sự nghiệp, thời gian dành để đọc sách và việc xây dựng thói quen đọc sách của giới trẻ hiện nay. Người nghe đã thực sự hiểu về sự cống hiến của người phụ nữ đã và đang “Phụng sự để dẫn đầu” bằng “Trí óc, trái tim, khí phách” cho nhân dân và xã hội.
Tọa đàm số 2 mang tên Đọc để sáng tạo và đồng cảm với sự tham gia của họa sĩ - thạc sĩ Nghệ thuật - nhà thiết kế nổi tiếng Sĩ Hoàng. Ông cũng là 1 Phật tử là thường xuyên tổ chức các chương trình “Thiền trăng rằm” tại nhà vườn Long Thuận, quận 9 TP HCM.
Trong tọa đàm, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã nhấn mạnh rằng đọc sách khuyến khích sáng tạo và đồng cảm ở cả trẻ em và người lớn. Ông chia sẻ nhiều về vai trò của sáng tạo và đồng cảm trong thế kỉ 21. Người nghe đã hiểu tại sao đọc sách lại giúp chúng ta sáng tạo và đồng cảm và các phương pháp để phát triển khả năng này.
Chương trình số 3 là Kĩ năng đọc trên internet. Khách mời là ông Hà Thân – Tổng giám đốc Công ty Tin học Lạc Việt. Ông nói nhiều về việc văn hóa nghe nhìn phát triển rầm rộ, rằng các bạn trẻ ngày càng có xu hướng đọc sách theo cách đọc nhanh, đọc ngắn và không dành thời gian suy ngẫm.
Thông qua buổi giao lưu này, độc giả đã hiểu rõ hơn về cách đọc như thế nào để khai thác tốt nhất tri thức từ sách cũng như sự tiện lợi của công nghệ số mang lại. Ông Hà Thân rất tâm huyết với giới trẻ, đặc biệt những ai muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống và công việc. Lạc Việt cũng là cơ quan cung cấp sách điện tử uy tín hiếm hoi tại Việt Nam.
Tọa đàm thu hút nhiều người đến dự là “Dân ta phải biết sử ta” với khách mời là Phó Giáo Sư Hà Minh Hồng. Ông làm mọi người ngạc nhiên về giá trị của lịch sử và môn lịch sử, rằng học môn này rất hay, và cần thiết. Những chia sẻ về ý nghĩa của việc đọc sách lịch sử và phương pháp đọc sách lịch sử sao cho hiệu quả nhất làm cho nhiều người bất ngờ. Ông cũng đã nói về cách giúp độc giả nhớ lâu hơn và hiểu rõ hơn về lịch sử nước Việt Nam ta.
Kết thúc 2 ngày Tết Sách tại TP HCM là tọa đàm tổng kết với khách mời là tất cả các diễn giả, chuyên gia tham dự 6 buổi tọa đàm đã diễn ra. Đây là chương trình giao lưu của tất cả vị khách tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với sách và tri thức để tổng kết “Ngày Đọc Sách 2013” của Tết Sách lần thứ 6. Các chuyên gia cũng đóng góp ý tưởng cho chủ đề: “Văn hoá đọc góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Hai ngày Tết Sách tại TP HCM diễn ra thành công trên mọi mong đợi. Trước đó Tết Sách đã diễn ra 2 ngày 19 và 20 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Được biết Tết Sách cũng đã và đang diễn ra tại Thái Bình, Đà Nẵng, Huế, Bắc Giang, bộ Quốc phòng, thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện Tổng hợp TP HCM, đại học Thủy lợi, đại học Thương mại, học viện Ngân hàng,… và rất nhiều địa phương và cơ quan trên cả nước.
Ngày chính của Tết sách là 23/04 (trên thế giới gọi là ngày Sách và Bản quyền), nhằm thứ 3. Do rơi vào ngày thường nên Tết Sách lần thứ 6 đuược đón sớm.
Mạnh Tuấn