;
Tới tham dự cuộc họp báo gồm có đại diện các báo đài: Tuổi trẻ, Thanh Niên, Vnexpress, Doanh nhân Sài Gòn, Vietnamnet, Tiền Phong, Dân trí điện tử, Lao Động, Văn hóa Phật Giáo, Báo Giác Ngộ, Vov, VTV, Truyền hình An Viên, HTV 7 - chương trình Chào Ngày Mới, HTV – TFS, HTV9 (thành phố hôm nay), …
Về phía khách mời có Ông Dương Đình Chuyền - Chủ tịch HĐQT Nhà xuất bản Trẻ, bà Hà Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cùng Ban Giám hiệu trường Trường Trung Cấp Du lịch và Khách Sạn Saigontourist - và sinh viên của trường tham dự.
Mở đầu buổi họp báo là đôi lời chia sẻ của chị Hướng Dương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới Cha Mẹ của chị và lòng biết ơn tới TT.Thích Nhật Từ đã có nhiều khuyến tấn Hướng Dương trên con đường đến với Phật pháp và cũng chính Thầy với Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay đứng ra đỡ đầu để cho xuất bản cuốn sách "Đứng Dậy và Bước Đi". Ngoài ra còn có rất nhiều ân nhân mà cuộc đời chị không thể nào cám ơn hết. Cuốn sách vì sao lại mang tên "Đứng Dậy và Bước Đi". Chị nói “Đối với một người lành lặn thì việc ngồi xuống, đứng lên là chuyện vô cùng dễ dàng, nhưng đối với Hướng Dương từ một cô gái 25 tuổi đang là một hướng dẫn viên du lịch của công ty Saigontourist mà bị một tai nạn khủng khiếp, cụt cả hai chân, phải nằm trên giường bệnh suốt mấy tháng trời. Từ tình trạng như thế giờ đây lại có thể đứng dậy và bước đi như ngày hôm nay là một cả quá trình vô cùng cam go mà trong cuốn sách đã thể hiện, xin các bạn đón đọc…”
TT. Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Tp.HCM - đã có đôi lời chia sẻ thêm “Tất cả chúng ta ngày hôm nay có mặt tại khán phòng vì mục đích duy nhất là để tôn vinh câu chuyện "Đứng Dậy và Bước Đi" một câu chuyện của người thật việc thật…những đóng góp to lớn của chị về lĩnh vực tạo ra thế giới tri thức cho những người khuyết tật về ánh sáng tri thức…”Thư viện sách nói dành cho người mù” đã được thành lập vào ngày 19-05-1998. Để Thư viện sách nói phục vụ cho hàng ngàn người mù trên toàn quốc, chị đã thành lập “Quỹ từ thiện sách nói cho người mù”. Từ những sách nói đầu tay, thu âm vào băng cassette, nay sách nói cho người mù đã trở thành một thư viện kỹ thuật số. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Sau 18 năm hoạt động, Thư viện sách nói có trên 270.000 băng cassette và đĩa CD cho hơn 90 Hội người mù và Trường mù trên toàn quốc, phục vụ trực tuyến với gần 1000 sách nói cho hơn 20 triệu lượt người.
…Tác phẩm của chị Hướng Dương không nói việc gì khác ngoài cuộc đời thật của chị, cho nên khi đọc tác phẩm này, chúng ta đều có một xúc cảm và cố gắng truyền xúc cảm đến với những người hữu duyên với quyển sách và những người đã làm việc trực tiếp với chị Hướng Dương… Các bất hạnh khổ đau, nghịch cảnh, chướng duyên có thể đến với chúng ta như những vị khách không mời mà đến, đi ngang qua cuộc đời ta như một trận cuồng phong, có lúc như một cơn sóng thần, thậm chí như quả bom dội xuống mà nếu thiếu bản lĩnh chúng ta đành phải đầu hàng cho số phận, trong khi theo đạo Phật là số phận không có thật…nếu giả sử có số phận thì chính chúng ta là tác giả viết kịch bản là đạo diễn là diễn viên chính và đóng vai cả diễn viên phụ và diễn viên phản biện đối lập với cuộc đời mình. Đứng dậy và bước đi không chỉ dành riêng cho những người khuyết tật mà ngay cả những người đang ở tột đỉnh của vinh quang cũng cần phải đứng dậy và bước đi không thể ngủ quên trong chiến thắng…”
Đến với buổi họp báo còn có nhiều nhà thơ, nhà văn và những bạn bè của chị ai cũng nể phục về bản lĩnh vươn lên của chị như một nhà thơ đã phát biểu “…Cuốn sách này, với bạn đọc, tôi hy vọng sẽ làm được một việc nho nhỏ là kích hoạt được vài điều trong kho tàng khả năng tiềm ẩn của con người…”. Bà Thanh Vân Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thì lại có một phát biểu rất xúc động: “… bất hạnh của Hướng Dương lại là niềm hạnh phúc của người mù…và cuộc đời của Hướng Dương đã làm thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều… thay mặt cho các em học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và người khiếm thị trong cả nước lời biết ơn Hướng Dương…” Còn nhà Thơ Lê Minh Quốc thì:“ …lời nói của vị Hiệu trưởng vừa nãy rất hay, không gì hay hơn thế: bất hạnh của Hướng Dương lại là niềm hạnh phúc của người mù đó là một thông điệp lớn lao, còn chia sẻ nào lớn hơn thế nữa …cuốn sách ít ra cũng đã làm cho tôi, chỉ là một nhà thơ làm thơ tình lăng nhăng…trong những lúc thất tình thì bù lu bù loa nên… thì ô hay! chuyện đó nó tầm thường quá.”
Vâng! Chỉ những câu nói như vậy thôi cũng đủ thấy là những đóng góp của chị Hướng Dương có ý nghĩa như thế nào đối với những người khiếm thị trong cả nước và ngay cả cho những người lành lặn.
Nhân dịp này, chị Hướng Dương trao tặng 500 cuốn sách cho Giảng viên và sinh viên Trường TCDL & KS Saigontourist, hy vọng những cuốn sách này sẽ mang đến cho các em một nghị lực sống vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phần giao lưu giữa tác giả và các phóng viên báo chí và sinh viên đã diễn ra thực sự xúc động với những câu hỏi dành cho tác giả và những câu trả lời rất hay của tác giả làm thỏa mãn những người đặt câu hỏi.
Buổi họp báo đã diễn ra trong một không khí rất cảm động. Người viết xin mượn lời TT.Thích Nhật Từ làm lời kết cho bài viết này: “Giá trị của quyển tự truyện này nằm ở chỗ, người đọc như được truyền sức mạnh, lên dây cót tinh thần, điềm tĩnh và bản lĩnh hơn, thay vì than trời trách đất, đổ lỗi cho hoàn cảnh, nguyền rủa cuộc đời, buồn tủi bản thân, để trong tình huống “cùng quẫn” do hoàn cảnh đưa đẩy hay hậu quả của nghiệp duyên, mỗi người hãy tự mình “thắp đuốc lên mà đi”. Câu chuyện của Hướng Dương là bài học quý giá và là tấm gương “vượt lên số phận”, làm lại cuộc đời từ chính nghị lực và nỗ lực đúng phương pháp.”
Rất mong mọi người hãy đón đọc, đừng bỏ qua một hữu duyên may mắn này.
Sài Gòn Tháng 11 năm 2014