;
Tất cả những nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của một khu vực, một cộng đồng dân cư mà chủ đề của cuộc trưng bày triển lãm “sức sống Phật giáo” chào mừng Hội thảo Hướng dẫn phật tử năm 2011 của Phật tử Đà Nẵng do Ban văn hóa THPG Đà Nẵng vừa khai mạc tại chùa Linh ứng Bãi Bụt là một minh chứng dẫn dắt người xem tiếp cận với đời sống văn hóa của người Phật tử, luôn đậm đà bản sắc trên tinh thần ham tu hiếu học.
Chư tôn đức cắt băng khai mạc triển lãm
Với hơn 200 pho tượng các vị Phật, các vị La-hán, trong đó có những bộ tượng nổi tiếng như Tam Thế phật gồm: Phật quá khứ với biểu tượng bảo tháp, Phật hiện tại với biểu tượng Bình bát, và Phật vị lai với biểu tượng hoa sen trên tay, ba vị Phật này còn thường được gọi là Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật, Hiện tại Thích Ca Phật, Vị lai Di Lặc Phật. Ngoài ra người yêu thích còn được thưởng lãm những bộ tượng đặc sắc như Tây phương Tam Thánh gồm phật Dược sư Lưu Ly, Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu, Bồ tát Nguyệt Quang Biến Chiếu; Linh sơn Tam Thánh gồm Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền, các vị Bồ Tát ở hai bên Phật thường biểu tượng cho đại Trí và đại Bi. Riêng tượng Phật Quan Âm được chính nhà sưu tập là TT. Thích Từ Nghiêm – Trưởng ban Hoằng pháp THPG TP. Đà Nẵng đã bỏ công tìm kiếm trên mười năm qua với hơn 40 tượng và nhiều tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có những nét tinh tế đặc thù của Ngài như tượng Phật Thích Ca Niêm hoa vi tiếu, Thích Ca hiện pháp lạc trú, Phật Thích Ca đại định, Phật Thích Ca niết bàn, Phật Thích Ca có 9 Rồng che mưa…
Hiện vật cổ được trưng bày tại triển lãm
Tại gian trưng bày chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều pho tượng quí, hiếm từ thế kỷ 12 đến TK18 với nhiều chất liệu như đồng vàng, sứ men rạng, gổ quý, đất nung hoặc bằng đá sa thạch cổ xưa với các pho tượng các vị Bồ tát được dân gian ưa chuộng và tôn kính như Phật Di Lặc với nhiều phong thái, nụ cười gần gũi, đường nét chạm khắc tinh xảo, hiện hữu dung dị. Trên 30 Tượng các vị La Hán, mỗi vị một đặc thù riêng như đang hàng phục hổ, vị đang hàng phục Long, vị dang thiền định, vị đang ngoáy tai… hoặc tượng các vị tôn giả như Bồ Đề Đạt Ma - Sơ tổ thiền tông Trung Hoa, Tế công - Trưởng lãoTế Điên Hòa thượng, các vị Long tượng của Phật giáo như Tam Tạng pháp sư Huyền Trang, Long Thọ tôn giả thường được tôn là Thích Ca tái thế… một gian trưng bày đặc quánh chất Phật cổ kính và hiếm gặp bởi nhiều thiện duyên mới sưu tầm được.
Bên cạnh phòng trưng bày hiện vật cổ, không gian sân chùa Linh Ứng còn được khoe sắc với hơn 30 tác phẩm ảnh phản ánh đời sống, sinh hoạt, văn hóa và hoạt động xã hội trong ba năm qua của Phật tử Đà Nẵng, các bức ảnh khổ lớn 60 x 75 lamina trên chất liệu gổ được treo trang trọng trên giá lưu động ghi lại những khoảnh khắc tâm thành cầu nguyện trong các đêm hội Vu lan, tưng bừng sắc màu với diễu hành xe hoa mừng ngày Phật Đản, các nghi lễ trang nghiêm trong các Phật sự đã được ghi lại trong nhiều thời điểm khác nhau, ở cùng khắp các địa bàn, các chùa, tự viện đã được tác giả Nguyễn Thanh Nam – Cộng tác viên báo Gíac Ngộ tại Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc và giàu tính nghệ thuật. Các nghệ nhân thư pháp đến từ câu lạc bộ thư pháp chùa Quan Thế Âm (NHS) đã đem đến không gian triển lãm một không khí rộn ràng, người xin chữ nghệ thuật trong giờ giải lao cũng đông vui không kém. Bác gia trưởng Hồ Trinh đến từ GĐPT Phổ Hiền - Đà Nẵng đã thốt lên “Thật tuyệt vời… một gian trưng bày đẹp và mang đậm bản sắc Phật giáo thiêng liêng, tượng cổ quí giá và các bức ảnh cũng rất đẹp…”
Trong buổi khai mạc, chư Tôn giáo phẩm Trung ương Giáo hội đã chiêm ngưỡng rất lâu các bức tượng quí, những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp và đánh giá cao những nổ lực của Ban văn hóa Thành hội Phật giáo TP Đà Nẵng khi đón tiếp các đại biểu bằng những giá trị văn hóa tinh thần phong phú, tạo nên sự kiện kết nối chặt chẻ với các vị khách là đại biểu đến từ khắp các Tỉnh, Thành thêm thắm tình đạo vị trong Hội thảo Hướng dẫn Phật tử đang diễn ra tại chùa Linh ứng Bãi Bụt – TP. Đà Nẵng thêm hấp dẫn, lôi cuốn góp phần đưa các hoạt động phục vụ Hội thảo thành công tốt đẹp.
Theo : Giác Ngộ