;
Nhóm Free Tibet (Tây Tạng Tự do) có trụ sở tại London, Anh cho hay, việc phá dỡ diễn ra hôm 20/7, bắt đầu ở những ngôi nhà mà chính quyền không cho cư trú. Nhiều người dân sống ở đó đã không còn nhà ở.
Hình ảnh các ngôi nhà đã bị phá dỡ tại Học viện Phật giáo Tây Tạng. Ảnh: Nhóm Tây Tạng Tự do.
Nhóm cũng đăng tải một số hình ảnh và video lên Youtube, cho thấy các căn nhà gỗ bị phá hủy, trở thành những đống đổ nát.
Nhóm này cũng cho biết, cảnh sát và các lực lượng vũ trang Trung Quốc có tham gia giám sát việc phá dỡ nhưng họ mặc thường phục.
Lý do Trung Quốc đưa ra cho hành động trên là nhằm giảm số lượng cư dân sinh sống ở Larung Gar xuống chỉ còn một nửa, tương đương với 5000 người. Trước đó, các quan chức Trung Quốc thường xuyên bày tỏ sự lo ngại về tình trạng quá đông dân tại khu vực này. Larung Gar được cho là Học viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, được thành lập từ năm 1980. Học việc nằm trên một sườn núi ở quận Sertar, miền đông Tây Tạng. thu hút hàng ngàn tăng ni tới học tập.
Khuôn viên của học viện được mở rộng đáng kể trong những năm gần đây.
Ảnh: Nhóm Tây Tạng Tự do
Tây Tạng Tự do dẫn lời một tăng ni tại Larung Gar đặt câu hỏi: "Nếu cách duy nhất để giải quyết việc dân số quá đông là phá hủy các ngôi nhà, thì tại sao không áp dụng chính sách đó với các thành phố và thị trấn cũng rất đông dân khác của Trung Quốc?”.
Người này bức xúc nói: "Bình đẳng ở đâu, các quy định pháp luật, phúc lợi công cộng, tự do tôn giáo và quyền bình đẳng của các dân tộc (như Bắc Kinh nói) ở đâu khi họ phá dỡ nhà của những người theo tôn giáo vô tội, đang sống một cuộc sống bình thường?"
Giám đốc Tây Tạng Tự do Eleanor Byrne-Rosengren cho biết: "Việc phá dỡ tại Larung Gar rõ ràng không liên quan gì tới tình trạng dân số quá đông - nó chỉ là một chiến thuật khác của Trung Quốc nhằm phá hoại ảnh hưởng của Phật giáo ở Tây Tạng".
Hiện chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về hành động trên.
Trong khi đó, một quan chức chính quyền quận Sertar đã liên lạc với hãng tin AP để khẳng định rằng, Bắc Kinh muốn cải tạo chứ không phải định phá hủy các ngôi nhà.
Theo BBC, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền từ nhiều thế kỷ qua đối với vùng Himalaya. Nước này đã gửi hàng ngàn binh sĩ tới đây để khẳng định tuyên bố chủ quyền vào năm 1950. Hiện một số khu vực đã trở thành Khu tự trị Tây Tạng và những nơi khác bị sáp nhập vào các tỉnh lân cận Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng, Tây Tạng đã phát triển đáng kể dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh. Nhưng các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc liên tục vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị và tôn giáo. Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc trên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)
Nguồn: http://infonet.vn/trung-quoc-pha-bo-hoc-vien-phat-giao-lon-nhat-the-gioi-o-tay-tang-post204460.info
********************************************
Cuộc sống của 40.000 người ở học viện Phật giáo Tây Tạng
Nằm ở độ cao gần 4.000 mét so với mực nước biển, Larung Gar là học viện Phật giáo lớn nhất thế giới, thu hút hàng chục nghìn tăng ni tới sinh sống và theo học.
Nằm giữa thung lũng Larung trên cao nguyên Tây Tạng, cách thị trấn Sertar 15 km, Học viện Phật giáo Larung Gar là trung tâm Phật giáo lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất thế giới.
Học viện nằm trên một sườn đồi cao 3.800 mét so với mực nước biển, theo Telegraph. Ảnh: Bodhicitta.
Các nhà sư tụ tập ngoài bãi đất trống trên đỉnh đồi. Ảnh: Shinya Itahana
Học viện được Jigme Phuntsok, một Lạt ma có ảnh hưởng về truyền thống Nyingma (phái Nyingma thuộc Phật giáo Tây Tạng), thành lập vào năm 1980 trong một thung lũng không có người ở.
Mặc dù nằm tại vùng xa xôi, hẻo lánh, Larung Gar vẫn không ngừng phát triển, từ một môi trường khắc nghiệt ít người thành một trong những trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới. Ngày nay, học viện này có hơn 40.000 tu sĩ, nữ tu và các chư vị giáo sư.
Một con dê đang ăn rau trong giỏ, cảnh tượng thường thấy trên đường phố khu Học viện Phật giáo. Ảnh: Shinya Itahana
Nhà cửa ở đây chủ yếu xây từ gỗ. Căn nọ nối tiếp căn kia, tạo thành từng lớp nhà gỗ hàng nghìn căn trải dọc sườn đồi. Trong nhà không có nhà vệ sinh riêng, thay vào đó, họ sử dụng nhà vệ sinh công cộng xây bên ngoài. Ảnh: Shinya Itahana
Các nhà sư Tây Tạng đi lấy nước ở giếng công cộng. Ảnh: Shinya Itahana
Một tòa nhà của học viện Phật giáo. Ảnh: Bodhicitta
Hai nhà sư đi bộ ở Larung Gar. Ảnh: The Land of Snows
Những người hành hương đi bộ dọc theo một ngôi chùa ở Larung Gar. Ảnh: The Land of Snows
Quang cảnh ngoài sân tu viện chính ở Larung Gar. Ảnh: The Land of Snows
Bên trong học viện là các tăng ni đang ngồi đọc sách. Ảnh: Shinya Itahana
Một ni cô đang ngồi đọc kinh Phật. Ước tính có khoảng 9.000 ni cô ở Larung Gar. Ảnh: The Land of Snows
Không chỉ thu hút những học viên thuộc dân tộc thiểu số của Trung Quốc, học viện còn thu hút học viên từ nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Malaysia. Những học viên này được học trong các lớp riêng biệt bằng tiếng Trung Quốc phổ thông, trong khi các lớp học lớn hơn được dạy bằng tiếng Tây Tạng.
Người hành hương ở Larung Gar. Ảnh: The Land of Snows
Ngày 8/6, chính quyền Trung Quốc thông báo kế hoạch giảm dân số tại đây. Hiện nay học viện có khoảng 10.000 tăng ni thường trú, con số tạm trú có thể gần 40.000 người. Việc phá dỡ là một phần trong chiến dịch giảm quy mô dân số nơi này xuống còn 5.000 người vào tháng 9/2017 theo lệnh của chính quyền.
Có rất nhiều những cửa hàng nhỏ thế này ở Larung Gar. Ảnh: The Land of Snows
Đã có 60-70% ngôi nhà bị đánh dấu phá bỏ. Từ ngày 18/6, người ngoại quốc cũng không được phép tới thăm Larung Gar hoặc Sertar, thị trấn lân cận.
Trung Quốc hôm 20/7 bắt đầu phá dỡ một số khu nhà ở học viện, sớm hơn 5 ngày so với thông báo.
Hồng Hạnh
Nguồn: http://vnexpress.net/