;
Cuộc họp báo hôm thứ Ba ngày 13/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cảnh báo Việt Nam nên tôn trọng quan điểm của nước này tại quần đảo Trường Sa.
“Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể thật sự tôn trọng tinh thần của bản tuyên bố chung của các bên về Biển Nam Trung Hoa và Thỏa thuận Việt - Trung về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển,” ông phát biểu.
Chùa trên các đảo của Trường Sa đã được xây nhưng chưa có sư trụ trì
Trung Quốc yêu cầu Việt Nam "làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy hợp tác và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa, và kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình".
Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận nguyện vọng của sáu vị hòa thượng, đại đức trong tỉnh ra Trường Sa tiếp quản các ngôi chùa hiện không có người ở trên các hòn đảo kể từ năm 1975.
'Bảo vệ chủ quyền'
Trả lời BBC hôm nay, Đại đức Thích Giác Nghĩa, hiện đang trụ trì chùa Vạn Đức ở thành phố Nha Trang và là một trong sáu chư tăng phát nguyện ra đảo, nói rằng ông không e ngại trước sự phản đối của Trung Quốc.
“Chúng tôi khẳng định mảnh đất đó là của Việt Nam. Nếu Trung Quốc có đòi hỏi gì thì chư tăng chúng tôi sẵn sàng đứng lên để bảo vệ chủ quyền của đất nước,” ông quả quyết.
“Đó là mảnh đất thiêng liêng của chúng tôi mà nhiều đời anh em đã nằm xuống để bảo vệ,” ông nói.
Đại đức Nghĩa là người đã ba lần ra Trường Sa để tiến hành các lễ cầu siêu cho những chiến sỹ và người dân Việt Nam đã tử nạn trong quá trình khai phá và bảo vệ quần đảo.
“Nếu một tu sỹ như tôi mà có hy sinh cho Tổ quốc thì cũng là việc đáng làm,” ông nói.
Khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Đại đức Nghĩa nói "trên đảo đã có dân Việt Nam ở từ xa xưa; các ngôi chùa cũng đã có từ xa xưa và chư tăng cũng đã từng ở đảo".
“Dân tộc Việt Nam đi đến đâu thì ở đó có đền chùa miếu mạo,” ông nói.
“Thịnh suy, gián đoạn là tất yếu,” ông nói thêm, “Nhưng hôm nay Giáo hội có quan tâm sửa chữa trùng tôi thì chư tăng chúng tôi lại ra.”
Nguồn: BBC tiengviet