;
Xuân này cũng gần trăm tuổi, tôi chẳng dám so với ai nhưng có lẽ sống đến tận ngày hôm nay, trải qua bao biến cố đau thương, mất mát, rồi thăng trầm của đời sống tu hành trong xã hội mà vẫn còn có sức khỏe để tụng kinh, niệm Phật thì hạnh phúc nào bằng nữa
Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng, dòng ký ức tự sự về cuộc đời tu hành của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Sơn, vị giáo phẩm gần 100 tuổi “ở ẩn” trong ngôi tổ đình Vạn Thọ bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Q.1, TP.HCM, cũng đã được ghi nhận kịp cho số Xuân Quý Mão này.
Chí nguyện xuất gia
“Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường ngồi tụng kinh với bà nội của mình, câu kinh tiếng kệ ban đầu khó hiểu lắm. Cũng đúng thôi, nếu kinh điển dễ hiểu thì con người đâu phải khổ đau nhiều! Nhưng nghe lâu cũng có cái hay của nó, mình không hiểu nhưng nó thấm vào tâm thức, đến thời điểm nào đó trong đời thì tự nhiên ngộ ra, lúc đó mới thấy hết sự nhiệm mầu.
Ba mẹ tôi không theo Phật, phần lớn người thân của tôi đều tham gia kháng chiến, họ dành hầu hết thời gian để phục vụ cho cách mạng, có người còn chỉ huy đánh giặc Tây ở Gò Công, rồi bị bắt, tra tấn, giết chết cũng rất nhiều. Còn nhỏ nhưng tôi tận mắt chứng kiến những đau thương đó, vì vậy mà ý nguyện xuất thế cũng dần hình thành.
Ban đầu, tôi cùng với người bạn thân chuẩn bị lên đường nhập ngũ nhưng mẹ tôi chết sống không cho. Bẵng đi một thời gian, chúng tôi gặp lại, mỗi người một ba-lô nhưng chí hướng lại khác, người thì trực tiếp cầm súng chống lại kẻ thù, người thì lặng lẽ khoác áo nâu sồng, muốn đem tinh thần từ bi, bất bạo động để giúp đỡ nhân sinh.
Ngã rẽ ấy cũng đầy sóng gió, những năm 1960, từ nhà lên được nơi xuất gia, tôi phải vượt qua những bãi mìn dưới hàng thép gai của mấy ấp chiến lược lúc 1-2 giờ sáng. Lúc đó, tôi nghĩ nếu thoát thì ý nguyện của mình thành, còn nếu chết ở đây thì có ba mẹ mang xác về, nên cắn răng liều mạng. May Phật thương nên tôi cũng vượt qua, rồi sau đó đi bộ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, gặp ai thì đi nhờ đó, đói thì ghé xin ăn, mất 3 ngày mới tới nơi.
Cuộc sống nhiệm mầu
Trong quá trình xuất gia, bản thân cũng suýt chết mấy lần bởi bom rơi đạn lạc. Có lần, khi tôi đang ngồi cùng một vị sư đệ trong phòng thì thấy lạnh sống lưng, thế là đứng dậy thì nghe một tiếng rít, rồi tiếng bom nổ, căn phòng tan hoang, chỉ một tích tắc thôi là chẳng biết có còn ngồi đây nữa không.
Rồi một dạo, tôi đi bộ về Mỹ Tho thì bị máy bay rải bom bên cạnh, bao nhiêu đất đá đổ ập lên người. Trong đầu khởi lên ý niệm: “Phật Bà Quan Âm ơi, chắc con không thể về chùa được nữa rồi”. Lạ kỳ thay, tôi chẳng bị sao cả, thế là bật dậy rồi nhảy tiếp để né tránh bom nổ liên tục bên người. Bản thân tôi đến giờ cũng không hiểu sao mình lại sống sót qua trận mưa bom đó.
Chưa kể, 2 năm sau, giữa lúc tình hình Phật giáo bị chèn ép ở Sài Gòn, tôi tham gia vào biểu tình chống đối Chính phủ Ngô Đình Diệm. Bản thân hồi đó được phân công làm rào cản để ngăn trở chính quyền tiếp cận Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Giờ nhớ lại vẫn còn hãi hùng, họ cố vào còn Tăng Ni thì tay nắm chặt tay, quyết không để điều đó xảy ra. Những chiếc dùi cui quất túi bụi lên những thân thể gầy ốm vẫn không thể phá vỡ vòng tuyến quyết tâm của mọi người.
Khi tận mắt thấy Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, nhiệt huyết nổi lên, tôi cũng hăng hái xin làm điều tương tự nhưng nhiều người ngăn cản nên thôi. Sau đó, vì tham gia biểu tình chống chiến tranh, tôi bị chính quyền chế độ cũ bắt nhốt 2 tháng trời, mặc dù không bị đánh đập nhưng lại bị cho ăn những thứ thức ăn mà mình chẳng nuốt nổi, vất vả lắm mới bình an trong giai đoạn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua như vậy.
Khởi lên tâm lành xuất gia là rất khó, con đường tu đạo cũng vất vả gian nan vô cùng, đừng vì chút nghịch duyên nhỏ mà sinh lòng nản chí, thối thất tu hành, uổng hạt giống Bồ-đề vừa chớm nảy sanh
Duyên với võ công và y thuật
Con đường tu gian nan là vậy, con đường hành đạo giúp người còn trắc trở hơn. Lúc mới vào tu, bất bình trước cảnh cậy mạnh bắt nạt kẻ yếu, rồi việc chùa lại nhiều nên tôi quyết chí học võ để rèn luyện thân thể, có khí lực để tụng kinh niệm Phật cũng như giúp đỡ mọi người.
Việc học không dễ như bây giờ, lắm khi phải học chui ở đình hay dưới hiên chùa với các võ sư phiêu bạt giang hồ khắp mọi nơi. Kiên gan bền chí mãi rồi cũng thành công với môn phái Thiếu Lâm Bắc truyền. Nhờ việc này mà đến bây giờ, bản thân đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn đi lại, nói pháp cho Phật tử nghe được. Chưa kể, nhờ học võ mà tôi cũng có duyên lành tiếp độ rất nhiều dân giang hồ trở thành học trò của mình, giúp họ hiểu được tinh thần nghĩa hiệp cũng như đạo lý nhân quả trong mỗi hành động, lời nói của mình, tránh làm tổn hại đến mọi người xung quanh.
Tôi cũng phát nguyện học thêm nghề thuốc để chữa các bệnh bong cơ, trật khớp cho người nghèo yếm thế, không có tiền điều trị thuốc thang. Chẳng ai dạy chính thức nên tôi phải học lỏm chỗ này, chỗ kia một ít, rồi tranh thủ ngồi xem người ta thực hành, ngày này qua tháng nọ mới thạo nghề được.
Bấy giờ, nhiều thầy thuốc sử dụng các phương thuốc dân gian gia truyền làm tổn hại sinh mạng của các loài vật để chữa bệnh. Mình là người tu hành, lấy từ bi làm gốc nên muốn tìm ra phương thuốc mới nhằm hạn chế việc đó. Nghe ai có cách hay là tìm tới, nhiều lúc bản thân phải lần mò lên tận An Giang, biên giới Campuchia để học hỏi. Khổ cực lắm mới tìm ra loại thảo dược thay thế, cứu người mà không làm hại vật kể cũng thành công phần nào.
Nhờ học võ mà tôi cũng có duyên lành tiếp độ rất nhiều dân giang hồ trở thành học trò của mình, giúp họ hiểu được tinh thần nghĩa hiệp cũng như đạo lý nhân quả trong mỗi hành động, lời nói của mình, tránh làm tổn hại đến mọi người xung quanh
Về với ngôi tổ đình bên dòng kênh Nhiêu Lộc
Đến năm 1980, khi thầy tôi là Hòa thượng Thích Thiện Tường tin tưởng giao tiếp quản tổ đình Vạn Thọ, tôi phải gánh vác thêm trọng trách tu chỉnh lại chùa vì đã bị xuống cấp, chắp vá nhiều chỗ. Từ năm 1981, vừa lo việc chùa, tôi còn mở các đạo tràng tu Bát quan trai, lớp học tình thương, phổ cập văn hóa cho trẻ em nghèo, lò dạy võ thuật cho thanh niên, mở phòng thuốc Đông y miễn phí. Phật sự cứ quấn mãi quanh thân, công việc thầy tổ giao phó tôi phải kiên trì liên tục hơn 25 năm, cho đến năm 2004 mới hoàn thiện được công trình khang trang như bây giờ.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Sơn, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM vừa viên tịch tại tổ đình Vạn Thọ
Năm mới, nhắc lại vài chuyện xưa không phải để tự hào mà muốn để mọi người hiểu rằng, khởi lên tâm lành xuất gia là rất khó, con đường tu đạo cũng vất vả gian nan vô cùng, đừng vì chút nghịch duyên nhỏ mà sinh lòng nản chí, thối thất tu hành, uổng hạt giống Bồ-đề vừa chớm nảy sanh. Bản thân tôi những lúc gặp khó khăn, người này nói, người kia chê hoặc thối chí trong quá trình tu học đều dựa vào lời Thầy Tổ đã răn dạy mình làm gốc để nương tựa vào, phát tâm dõng mãnh tiến tới mỗi khi gặp sóng gió nên cũng lướt qua.
Xã hội cũng phát triển hơn xưa, Tăng Ni đừng quá dễ duôi, phụ thuộc vào những tập khí thế gian, nên tập trung trui rèn cái tâm của mình cho kiên định, làm việc gì cũng phải đặt hết cái tâm của mình vào và cố gắng giữ giới luật để bảo hộ mình trước những nghịch duyên khó tránh, có như vậy thì tu hành mới mau thành tựu, ra phụng đạo, giúp đời có hiệu quả hơn.
Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ