;
Chân dung Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Hải (19/5/1906 - 7/6/1979).
Hòa thượng có pháp danh Thích Thanh Thao, thế danh là Đoàn Thanh Tảo, đạo hiệu Trí Hải, thuộc Sơn môn Tế Xuyên. Ngài sinh năm Bính Ngọ (ngày 19/5/1906) tại làng Quần Phương Trung, xã Hải Phương, Ngài có ba anh em (trong đó 2 gái), song thân là cụ ông Đoàn Văn Đích (tự Phúc Thực) và cụ bà Nguyễn Thị Tuất (hiệu Diệu Mậu).
Ngài có duyên với đạo và lúc 12 tuổi đã vào chùa làng theo học Sư cụ Thanh Dương. Khi 17 tuổi, được cha mẹ đồng ý và sư cụ hướng dẫn, giới thiệu, ông chính thức xuống tóc đi tu dưới sự truyền dạy của nhà sư Thích Thông Dũng, tại chùa làng Mai Xá thuộc xã Đồng Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Chẳng bao lâu Ngài được thọ giới Sa Di (Sư bác) ở Tổ đình Tế Xuyên (Chùa Tế Xuyên - Bảo Khám tự, thuộc thôn Tế Xuyên xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Trong những năm tháng học tại Tổ đình Tế Xuyên, Hòa thượng đã dùng thơ lục bát chuyển tải giáo lý Phật để dạy cho nhân dân, Phật tử trong làng học mỗi khi họ ra chùa lễ Phật. Vì thế, ngày nay người ta vẫn còn nhớ rất nhiều bài thơ do Hòa thượng làm để dạy Phật tử qua cách truyền khẩu, dễ nhớ, dễ thuộc. Hòa thượng Thích Trí Hải có năng khiếu hội họa chân dung.
Được biết, bức ảnh truyền thần thủy mạc Tổ Phổ Tụ đang được thờ tại Tổ đình Tế Xuyên chính do Hòa thượng Trí Hải trực tiếp họa chân dung với sự khen ngợi chính xác của nhiều người đương thời. Hòa thượng Thích Trí Hải còn là một người giỏi về kiến trúc mỹ thuật.
Ngôi Đại hùng bảo điện chùa Quán Sứ ngày nay và chùa Nam Hải - trụ sở hiện tại của Hội Phật giáo Hải Phòng chính do Hòa thượng vẽ mẫu.
Khi 19 tuổi, lúc còn là Sa di tập sự, nhìn vào thực trạng đau lòng của Phật giáo đang suy vi và bị chèn ép bởi Công giáo, Sa di Trí Hải đã ôm ấp hoài bão chấn hưng Phật giáo, làm sao cho Phật giáo Việt Nam trở thành một tôn giáo chân chính như nó vốn có. Ngài cùng một số tu sĩ trẻ, thành lập nhóm Tăng trẻ, lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ (nghĩa là: những người trong sạch làm bạn cùng nhau, tu theo 6 phép hoà thuận của Đức Phật).
Trong nhóm, người cao tuổi nhất là Thích Trí Hải cũng chỉ mới 25 tuổi, số còn lại chủ yếu từ 15 tuổi đến 18 tuổi. Lúc đầu tổ chức này thường bị các bậc cao tăng giễu là “Hội Trẻ Con”, “Hội Chấp Tác”. Nhưng dần theo thời gian, cùng với sự làm việc tích cực và những kết quả cụ thể đạt được, Lục Hoà Tịnh Lữ đã được một số vị cao tăng trong tỉnh Hà Nam tán thành tham gia. Sau đó, Lục Hoà Tịnh Lữ đã dần lan sang các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Cuối năm 1932, Lục Hoà Tịnh Lữ quyết định thành lập một nhà xuất bản Phật giáo có tên gọi “Phật Học Tùng Thư”, với các thành viên ban đầu mà phía xuất gia gồm Thích Thái Hoà, Thích Trí Hải, Thích Hải Châu và phía tại gia có các ông Lê Toại, Trần Văn Giác và Nguyễn Hữu Kha. Mục đích của Phật Học Tùng Thư là biên dịch kinh sách Phật giáo Hán ngữ ra chữ Quốc ngữ để ấn hành và truyền bá sâu rộng trong tăng ni, phật tử và quần chúng nhân dân với mong muốn sẽ tiến hành lập Hội Phật giáo khi đã được nhiều người hiểu biết tán thành, nhân duyên đầy đủ và cơ hội thuận tiện. Sử dụng chữ Việt và tiếng Việt cho việc hoằng dương đạo Phật là một chủ trương có tinh thần dân tộc của nhà sư Thích Trí Hải bởi ông cho rằng chữ Việt và tiếng Việt có thể truyền tải đầy đủ được ý nghĩa và thanh âm khi đọc kinh sách hay tụng kinh mà lại tiện cho người Việt khi rất ít người biết chữ Nho.
Từ cuối năm 1932 đến đầu năm 1934, Phật Học Tùng Thư đã dịch ra chữ Quốc ngữ được một số kinh sách Phật giáo, trong đó tiêu biểu là các bộ: Kinh Địa Tạng, Kinh Dược Sư, Kinh Phổ Môn, Lịch sử Phật Tổ.
Để hoàn thành được tâm nguyện chấn hưng Phật giáo, Thích Trí Hải đã phải vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, kể cả thất bại. Nhưng “cũng như con cá sông càng bị ngược nước càng cố tiến lên, việc có khó mới là những việc của những người có chí lớn, thua keo này bày keo khác?” (Hòa thượng Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2004). Trong việc theo đuổi mục đích thành lập Hội phật giáo Bắc Kỳ, Hòa thượng gặp phải sự cản trở của nhiều vị sư trụ trì mọt số ngôi chùa Hà Nội, nhưng ông đã không nản lòng và xác định hướng đi đúng đắn là phải liên kết với các cư sĩ có tâm, có tài và đoàn kết chặt chẽ với các Tăng sĩ nên cuối năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập cộng hưởng với việc chấn hưng Phật giáo trên khắp ba miền đất nước.
Trụ sở của “Phật Học Tùng Thư” ban đầu được đặt tại chùa Mai Xá, tỉnh Hà Nam, nơi Thích Trí Hải đang trụ trì. Nơi đây tuy khá xa thành thị nhưng vẫn thu hút được nhiều người mến mộ đạo Phật, trong đó có các học giả, nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Dư, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc, v.v…
Khi trao đổi về việc thành lập Hội Phật giáo, các vị này đều cho rằng đó cũng là hoài bão lâu nay của họ, là việc cần phải làm ngay để chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Để có thể phát triển công việc, thuận tiện cho việc giao dịch, Phật Học Tùng Thư cần phải có trụ sở ở Hà Nội.
Nhờ tích cực vận động và sự giúp đỡ của ông Lê Toại – một người làm việc trong tòa Đốc lý Hà Nội mà vào ngày lễ Phật Đản mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934), Phật học Tùng thư được phép chuyển về Hà Nội, ở tại chùa Quán sứ và Thích Trí Hải chính thức làm lễ nhập tự.
Ngày 16 tháng 11 năm 1934, với sự kiện Thống sứ Bắc Kỳ Auguste Tholance ký Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, (hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội) đã đánh dấu 10 năm khởi xướng và vận động chấn hưng Phật giáo do Thích Trí Hải và những đồng đạo của mình thực hiện thành công bước đầu.
Năm 1935, để truyền bá giáo lý và tạo nhận thức đúng về chủ trương của Hội trong việc tương trợ và hệ thống hóa các đoàn thể Tăng Ni Phật tử, Hòa thượng Trí Hải cùng với Hội Phật giáo Bắc Kỳ lập nhà in và xuất bản tuần báo “Đuốc Tuệ”(tiền thân của tập bán nguyệt san Diệu âm và Phương Tiện sau này). Hòa thượng còn chủ trương xuất bản nhật báo Tân Tiến.
Năm 1936, Ngài đứng ra hưng công tái thiết lại toàn bộ ngôi chùa Quán Sứ với qui mô và kiến trúc mới (trong đó tự tay vẽ thiết kế ngôi Đại hùng bảo điện. Đồng thời, ngài tổ chức đại lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Vĩnh Nghiêm lên ngôi Thiền gia Pháp chủ, và lập trường Tăng học đặt tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.
Không chỉ là một nhà cải cách Phật giáo, Thích Trí Hải còn là một người có đầu óc nhìn xa, thấy rộng trong việc tổ chức làm kinh tế phục vụ hoạt động Phật giáo. Ông đã tích cực vận động để có được 50 mẫu ruộng tại tỉnh Thái Bình nhằm giải quyết vấn đề kinh tế căn bản cho các Tăng sinh yên tâm tu học.
Năm 1943, Ngài phác thảo một chương trình kiến thiết một Đại Tùng Lâm rộng 20 hecta ở ga Thường Tín - Hà Đông, với qui mô rộng lớn trong đó có ngôi chùa, nhà Pháp Bảo, nhà Tổ, nhà Tăng trang nghiêm, tiện nghi, tiêu biểu cho một cơ sở hoằng dương chính pháp. Ngoài ra còn có những cơ sở giáo dục như trường Tiểu, Trung và Đại học, bệnh viện, siêu thị, nhà dưỡng lão v.v... nhằm phát huy văn hóa dân tộc.
Đối với thánh tích Phật giáo, Ngài cũng có kế hoạch trùng tu khu danh lam Trúc Lâm Yên Tử. Các công việc đang tiến hành thì phải dừng lại vì nạn đói khủng khiếp năm 1945 trên miền Bắc
Giàu lòng nhân ái, Hòa thượng đã làm nhiều việc từ thiện như nuôi trẻ mồ côi, cứu đói trong nạn đói năm 1945 - nạn đói kinh khủng nhất trong lịch sử nước ta.
Ngài cùng Hòa thượng Tố Liên và Cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng Hội Cứu Tế đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội để giúp đỡ những người đói khổ, dựng lên một cô nhi Viện nuôi hơn 200 trẻ thất lạc, bơ vơ và lập Trại nuôi đồng bào bị đói tại Ngã Tư Vọng - Giáp Bát (Hà Nội), cứu đói cho hàng nghìn người.
Ngày 30/8/1945, tại chùa Phương Mỹ (nay thuộc xã Mỹ Đồng - Thủy Nguyên), Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Thủy Nguyên được thành lập, do ông Lương Ngọc Trụ làm chủ tịch, Thượng tọa Thái Hòa làm Trưởng Ban Chấp hành. Đây là phủ bộ đầu tiên ở Bắc Bộ thành lập Phật giáo Cứu quốc. Các hoạt động đặc thù của Phật giáo như cứu tế xã hội tiếp tục được phát huy với vai trò nổi bật của các Thượng tọa Trí Hải, Tố Liên...
Với những đóng góp đáng kể, Thượng tọa Trí Hải được mời làm cố vấn cho ông Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội đầu tiên của nước ViệtNam Dân chủ cộng hòa.
Có thể nói, trong số các nhà sư và cư sĩ đầy nhiệt huyết với việc đổi mới Phật giáo miền Bắc, có Hòa thượngTrí Hải. Suốt cuộc đời tu tập và hoạt động của mình, Hòa thượng luôn chú tâm xây dựng các mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ Phật giáo và gắn kết với các tổ chức xã hội khác.
Năm 1951, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập tại Huế, 6 tổ chức Phật giáo suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ và Hòa thượng Trí Hải làm Đệ nhất Phó Hội chủ. Năm 1952, trong Đại hội Phật giáo miền Bắc, Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập tại chùa Quán Sứ Hà Nội.
Đại hội đã suy cử sư tổ Tuệ Tạng lên ngôi Thượng Thủ và bầu Thích Trí Hải làm Trị Sự Trưởng và tháng 11/1952 được cử làm Phó trụ trì chùa Quán Sứ. Khi đó Ngài mới 46 tuổi.
Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Hải Phòng nằm trong khu vực tập kết 300
ngày. Do sự tuyên truyền nói xấu cách mạng, lôi kéo di cư vào Nam của các thế lực thù địch mà nhiều người dao động, hoang mang, sinh ra cảnh kẻ ở người đi, Phật tử lo lắng. Hòa Thượng Trí Hải được điều xuống giúp Phật giáo Hải Phòng. Dù có người thuyết phục Ngài vào Nam để bảo đảm một tương lai tốt đẹp nhưng ông kiên quyết ở lại miền Bắc để hành đạo với niềm tin chính trực.
Trong việc xây dựng ngôi chùa trụ sở Hội Phật giáo Hải Phòng (chùa Nam Hải) Hòa thượng đã tự tay vẽ bản thiết kế chùa phù hợp tình hình tài chính có được và kiên trì vận động xây dựng. Trong 3 tháng chùa đã hoàn tất để làm Phật sự và ổn định tinh thần cho Phật tử rằng chính quyền tôn trọng tự do tín ngưỡng.
Ngày 30 tháng 11 năm Giáp Ngọ (1954), chùa làm xong bằng xi măng, cốt thép, nền cao 1m, diện tích 400 m2 , lát toàn gạch hoa. Ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (đầu năm 1955) chùa khánh thành. Có chùa mới, các Phật tử, cư sĩ ở Hải Phòng phấn khởi, vui mừng, nhiều người không đi vào Nam nữa mà ở lại Hải Phòng tu hành Phật đạo. Cơ duyên đã khiến Hòa Thượng gắn bó quãng đời còn lại với Hải Phòng tại ngôi chùa này.
Năm 1958, Hòa thượng tham dự Hội Phật giáothống nhất Việt Nam ra đời tại miền Bắc và chuyên tâm xây dựng tôn tạo lại một số ngôi chùa ở Hải Phòng; nghiên cứu kinh sách, hướng dẫn Phật tử; dịch tác phẩm văn học Phật giáo và hoàn thành dịch được 30 bản kinh có giá trị từ chữ Hán sang quốc ngữ. Hòa thượng có nhiều công lao cổ xúy thực hiện việc tụng kinh bằng tiếng Việt cho tăng ni, Phật tử miền Bắc thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc.
Với hơn 200 bài báo đăng trên các báo Đuốc Tuệ, Tinh Tiến, Phương Tiện và hơn 40 tác phẩm viết và dịch thuật, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải được coi là một trong những nhà văn hóa lớn của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại.
Năm 1971-1972, bằng khả năng am hiểu và thông thạo chữ Nho, Hòa thượng dịch hoàn tất choViện Triết học thuộc ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam 3 cuốn sách quý liên quan đến đạo Phật: Khóa Hư lục của Trần Thái Tông hoàng đế, Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Ngô Thì Nhậm, Phật giáo Triết học của Tiểu Dã Thanh Tú (tác giả Nhật Bản). Bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát ..v.v..., Ngài diễn giải một cách tài tình giáo lý của Phật tổ và đạo đức Phật giáo như Tâm chúng sinh, Truyện Phật Thích Ca, Phật học ngụ ngôn, Gia đình giáo dục...(Xem “Phật học ngụ ngôn” và “Gia đình giáo dục” của Sa môn Trí Hải, NXB. Tôn Giáo, 2009) làm cho người đọc dễ tiếp thu và làm theo. “Phật giáo nhân gian đại cương”, “Phật giáo Việt Nam”, “Phật giáo vấn đáp” là những tác phẩm thể hiện tâm huyết xây dựng một nền Phật giáo nhập thế nước nhà của ông. Cuốn Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của Ngài là một tài liệu lịch sử quý giá duy nhất trong thư tịch Phật giáo Việt Nam, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc qua ngòi bút chân thực của một chứng nhân lịch sử.
Năm 1979, Hòa thượng vào thăm quan miền Nam 3 tuần, được toàn thể Tăng ni, Phật tử đón tiếp trọng thị và kính mến. Trở về miền Bắc được ít hôm, Hòa thượng lâm bệnh, đã ra đi nhẹ nhàng vào ngày 7 tháng 6 năm Kỷ Mùi (30/6/1979) tại chùa Nam Hải - Hải Phòng. Tính ra, Ngài trụ thế 74 tuổi, tu đạo 57 năm.
Theo: Quảng Đức