;
Quảng Đức Tự, ngôi Chùa thiêng, Phật hiện anh linh nơi xứ lạ
Vững Đạo Tâm, tu Chánh Pháp, Đạo vàng giải thoát cõi tâm linh
TT Thích Tâm Phương sinh trưởng tại làng Vĩnh Thái, Thành Phố
Nha Trang trong một gia đình thâm tín Phật Pháp, Thầy có hai người em
ruột cũng xuất gia tu học đó là Sư Cô Thích Nữ Tâm Vân hiện trụ trì Chùa
Thiên Long, quận Phú Nhuận, Sàigòn và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng,
hiện là Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức.
TT Thích Tâm Phương - Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức
TT Tâm Phương đã phát tâm xuất gia tu học với Hòa Thượng Thích Như Ý tại
Tổ Đình Linh Sơn Pháp Bảo, Cầu Dứa, Nha Trang. Thầy đã phát tâm nhập
thất tu tịnh và lễ bộ Vạn Phật ròng rã suốt một năm tại Chùa Linh Sơn
Pháp Ấn, Suối Dầu, Nha Trang, trước khi lên đường vượt biển tìm tự do
vào năm 1986. Năm ấy Thầy rời Chùa Pháp Vân, Gia Đình Sài gòn để về tham
dự khóa An Cư Kiết Hạ cùng 10 vị Tôn Đức tại Chùa Liên Hoa, Hố Nai,
Long Thành như Hòa Thượng Đức Trạch, TT Trí Lực, ĐĐ Tâm Thiện, Sư Cô
Hạnh Thân…v.v., nhưng tình hình hộ khẩu tạm trú ngày càng khó khăn, nên
mỗi người mỗi ngã phải tìm đường vượt biển tìm tự do. Nhờ sự phát tâm và
lo lắng của quý Phật tử thân hữu như gia đình Thiếu Tá Nguyễn Đình Lãng
(hiện đang định cư ở Seattle, Hoa Kỳ), gia đình cô Diệu Báu (hiện đang
định cư ở Santa Ana, California) và gia đình đệ tử Diệu Yên (hiện đang
định cư ở Sydney, Úc Châu) mà Thầy Tâm Phương đã yên tâm lên đường vượt
biển. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển Đông, chiếc tàu của Thầy đã
được cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cứu vớt và đưa đến Đảo Kuala Lumpur,
Malaysia. Thầy đã ở đây một năm, sau đó được định cư tại Úc vào đầu năm
1987 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc bảo lãnh, và Giáo
Hội đã cử Thầy về trụ trì Chùa Quang Minh tại vùng Sunshine, Melbourne.
Sau ba năm trụ trì và làm việc cho Giáo Hội, vì bệnh duyên, nên Thầy đã
xin rời Chùa Quang Minh và ra lập ngôi Tu Viện Quảng Đức tại vùng
Broadmeadows vào mùa An Cư năm 1990 tại số 30 Bamburgh St, Vùng
Broadmeadows, Melbourne.
Tu Viện Quảng Đức, được đặt tên của một vị
Bồ Tát Việt Nam, đó là Bồ tát Thích Quảng Đức, sinh năm 1897 tại làng
Hội Khánh, Quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Người đã vì sự sống còn và
tiền đồ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mà thiêu thân cúng
dường để đòi hỏi quyền bình đẳng Tôn Giáo vào thời Pháp nạn năm 1963.
Ngôi
Tu Viện Quảng Đức cách đây 20 năm, được thành lập theo phương cách
truyền thống của Phật Giáo VN ở Hải ngoại là “cải gia vi tự”. Sau 5 năm
sinh hoạt tại vùng Broadmeadows, Thầy Trụ Trì đã nỗ lực khôi phục lại
tín tâm cho hàng Phật tử địa phương, giúp họ từng bước ổn định đời sống
tâm linh trên hành trình tỵ nạn tha hương. Tuy nhiên sau một thời gian
sinh hoạt, Tu Viện Quảng Đức đã gặp phải khó khăn đối với Hội Đồng Thành
Phố địa phương và những người láng giềng bản địa, bắt buộc chùa phải
dời đến một địa điểm mới.
TT Tâm Phương, cố Huynh Trưởng Cấp Dũng
Nguyễn Đại Bột, Nhà báo Long Quân, anh Võ Đại Sinh, anh Ngọc Thiện Lý,
anh Quảng Tịnh Thiều Văn Bình, chị Hồng Hạnh Tú Hoài… là những người đầu
tiên đặt chân đến ngôi trường Tiểu học Fawkner với diện tích rộng 8000
mét vuông để tìm hiểu, và cuối cùng đã đi đến quyết định mua với giá
$350,000 Úc kim. Chư Tăng Ni và Phật tử ở đây chân thành tri ơn đến ông
Thủ Hiến Jeff Kennet và Bộ Giáo Dục của tiểu bang Victoria vào thời điểm
đó, đã hoan hỷ chuyển nhượng lại ngôi trường tiểu học cũ kỷ này để làm
cơ sở sinh hoạt cho Phật Giáo, và cuối cùng, ngôi trường cũ kỹ Fawkner
ngày nào bỗng chốc đã trở thành ngôi phạm vũ Quảng Đức trang nghiêm như
chúng ta thấy ngày hôm nay.
Quảng Đức Tự, Dấu chân vàng, Phật Đà ngời ánh đạo
Thuận Duyên Lành, Quy Chánh Pháp, Tăng Chúng Sáng hạnh tu
Sau
nhiều tháng tái tạo, sửa sang, trang trí thành hình một ngôi Tu viện.
Ngày 20/11/1997, Tu viện đã tổ chức an vị Phật và Khánh Tạ thật trọng
thể và trang nghiêm tại địa điểm mới này. Đến năm 1998, Tu viện đã xây
dựng thêm: Hàng rào mặt tiền (dài 90m), Cổng Tam Quan, Tượng đài Quan Âm
Lộ Thiên, Vườn Lâm Tỳ Ni, Vườn Lộc Uyển...
Vì Tu viện vốn là một
trường học được xây dựng trên 100 năm, tất cả mọi thứ đều xuống cấp, nên
buộc lòng phải xây cất điện Phật để đáp ứng nhu cầu tu học cấp bách của
Phật tử xa gần dù trong thời điểm khó khăn nhất về kinh tế.
Ngày 10
tháng 12 năm 2000, Tu viện đã tổ chức lễ Đặt Viên Đá đầu tiên để tiến
hành công trình xây dựng. Sau ba năm dài kiến thiết, ngôi chánh điện và
hội trường sinh hoạt được xây dựng hoàn thành với tổng chi phí là 2
triệu Úc Kim.
Tiếp đó là Đại lễ khánh thành Tu Viện Quảng Đức đã được
long trọng tổ chức vào ba ngày 10, 11 và 12 tháng 10 năm 2003, đánh dấu
một chặng đường mười ba năm có mặt Tu Viện Quảng Đức trên xứ Úc. Trong
dịp lễ đặc biệt này cũng là Đại hội Bất thường Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất và lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên
ngôi vị Đức Đệ Tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
trước một thính chúng uy nghi, nhiệt thành gồm 134 chư Tôn Đức Tăng Ni
và 5.000 Phật tử xa gần cùng về tham dự lễ. Trong dịp lễ khành thành
này, Thượng Tọa Tuệ Sỹ từ quê nhà đã gởi tặng Tu Viện câu đối như sau:
Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn.
Đức hành thế khoát tham phương, tỉ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu.
Có nghĩa là:
Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nan, vá áo chép kinh đất khách;
Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha.
Sau
6 năm tạm ngưng xây dựng, vào mùa Phật Đản năm 2008, TT Trụ Trì Thích
Tâm Phương đã phát nguyện xây thêm Tăng Xá Quảng Đức và Bảo Tháp Tứ Ân,
đây là công trình xây dựng quan trọng thứ hai của Tu Viện. Nhân vì ngôi
nhà Đông phía bên phải của chánh điện (vốn là văn phòng của trường Tiểu
học Fawkner được tạo dựng hơn 100 năm trước) đã xuống cấp trầm trọng,
nên Tu Viện tiến hành phá bỏ ngôi nhà và ngay trên khu đất này Bảo Tháp
Tứ Ân và Tăng Xá đã được khởi công xây dựng.
Bảo Tháp Tứ Ân được
thiết kế gồm 4 tầng, cao 14m và rộng 5m, trên nóc Bảo Tháp có tôn trí
pho tượng Phật A Di Đà cao 1m20; tầng cao nhất của Bảo Tháp thờ Xá Lợi
Phật và 3 pho tượng Tam Thánh Tây Phương: Phật A Di Ðà, Bồ Tát Quan Âm
& Bồ Tát Thế Chí (tượng đúc bằng đồng); tầng 2 và 3 thờ Bồ Tát Ðịa
Tạng và linh cốt của những hương linh quá vãng ký tự tại Tu Viện Quảng
Ðức. Tầng 1 tôn trí 5 pho tượng Phật A Di Ðà, thế giới Hoa Nghiêm, Liên
Hoa đài tạng.
Tăng Xá có chiều dài 20m, rộng 11m, gồm 2 tầng có 12
phòng ngủ, một phòng khách và một gác lửng 8x16m dùng làm Thiền đường và
phòng hội họp của chư Tôn Đức.
Kinh phí xây dựng công trình này theo
chiết tính của kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành và các kỹ sư xây dựng đã
lên đến $900,000 Úc kim. Sau một năm xây dựng, Tăng Xá đã hoàn tất và
được cắt băng khành thành nhân dịp lễ khai mạc chiêm bái Phật Ngọc vào
ngày 5-12-2009 vừa qua và hôm nay Bảo Tháp Tứ Ân đã xây dựng hoàn tất
như ước nguyện để mừng lễ khành thành và Đại Lễ Kỷ Niệm Chu Niên 20 năm
thành lập Tu Viện Quảng Đức trên đất Úc, được tổ chức trong 3 ngày 22,
23 và 24 tháng 10 năm 2010 nhằm lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19 tháng 09 âm
lịch năm Canh Dần.
Đến thăm Tu Viện Quảng Đức, sau khi leo lên 25 bậc cấp, khách hành
hương có ấn tượng sâu sắc khi đứng trước tòa kiến trúc của điện Phật.
Bên trên mặt tiền của Chánh Điện được trang trí với 8 bức phù điêu đắp
nổi rất công phu và độc đáo kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ Đản
Sanh, Vượt Thành Xuất Gia, Cắt tóc xuất gia, Sáu Năm Khổ Hạnh, Hàng Phục
Ma Quân, Thành Tựu Đạo Quả, Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn. Bên dưới
hai câu đối ở hai cột chính nói lên ý nghĩa của tên Tu Viện do HT Thích
Bảo Lạc đề tặng:
Quảng khai phương tiện như thị văn, như thị tư, như thị tu trì
Đức nhiếp hàm linh chân thật ngữ, chân thật ý, chân thật hành nghi.
Có nghĩa là:
Quảng phương tiện, khai môn Vô lậu học, Văn – tư – tu chân thật pháp nhiệm mầu;
Đức độ sanh, niệm đầu tịnh ba nghiệp, Thân – khẩu – ý ứng hiệp với hành nghi
Hai
cột bên ngoài cùng cũng là hai câu đối viết bằng tiếng Việt do TT Thích
Quảng Hiện ghi tặng Tu Viện Quảng Đức nhân dịp Ngài viếng thăm Úc Châu
vào mùa An Cư năm 2000:
Quảng độ chúng sanh giữ trái tim son ngời Phật Pháp
Đức thương muôn loại đốt thân trí tuệ cứu quần sanh.
Tu
Viện Quảng Đức do kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành thiết kế với sự cố vấn
của TT Trụ Trì Thích Tâm Phương, kiến trúc tổng quát của Tu Viện được
kiến lập theo kiểu chữ "Công" (工), mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á
Đông. Tu Viện gồm một tầng trệt, một tầng lầu, Tăng Xá và Bảo Tháo Tứ
Ân. Tầng trệt là hội trường sinh hoạt, dung chứa khoảng 700 người, bên
trái hội trường là quả Đại Hồng Chung cao 1m50, nặng 1000 kg, bên phải
là trống Bát Nhã, trước giảng đường có hai câu đối nói lên ý nghĩa đạo
hiệu của Thầy Trụ Trì:
Tâm Từ toả khắp, rời quê hương dốc cả tín tâm, xây nền Chánh Pháp
Phương thảo thơm xa, nơi Úc quốc, trút dâng chí nguyện phụng sự nhân sinh
Tầng
lầu có sân thượng rộng khoảng 10m và hành lang chạy dọc theo 2 bên hông
Chánh Điện; bên trong, Chánh điện thờ Phật là một tòa phạm vũ nguy nga,
bề rộng 15m, dài 35m, có thể dung chứa 300 người. Công trình chạm khắc
phù điêu ở đây có bao lam Cửu Long rất tinh xảo, đặc biệt trên hương án
thờ Phật chạm khắc các ngôi chùa danh tiếng trong nước như chùa Một Cột ở
miền Bắc, Tháp Linh Mụ Huế, Tháp Vĩnh Nghiêm ở Sàigòn
Bàn thờ Phật
được thiết trí rất trang nghiêm, chính giữa thờ tôn tượng đồng Đức Phật
Thích Ca thiền định trên tòa sen cao 2,50m, nặng khoảng 1,5 tấn, bên
dưới là pho tượng Phật Ngọc cao 5 tấc; hai bên là hai tôn tượng Hộ Pháp
Già Lam được mạ vàng. Hai bên có hai câu đối tiếng Việt nói ý nghĩa tên
của Tu Viện:
Quảng Bá năm châu đèn trí tuệ sáng ngời Chánh Pháp truyền đi khắp xứ
Đức truyền bốn biển nước từ bi rưới mát đạo mầu trải rộng mười phương.
Sau
điện Phật là Tổ Đường, thờ tôn tượng Bồ Đề Đạt Ma cao 1m20 cùng Chư Tôn
Đức viên tịch gồm 200 hình ảnh slideshow trên màn hình vi tính, đứng
đầu trong danh sách này là Tổ Sư Liễu Quán (1670-1742), Ngài quê ở Phú
Yên ra Huế vào cuối thế kỷ 17 để tu tập và cuối cùng đắc pháp với Thiền
Sư Tử Dung. Tổ Liễu Quán đã trở thành Sơ Tổ của Thiền Phái Lâm Tế Liễu
Quán, trước khi viên tịch đã để lại bài kệ truyền pháp cho đời sau:
Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong
Giới định phước huệ, thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công
Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không.
Tu Viện Quảng Đức là đệ tử truyền thừa theo Thiền phái này. Bên trên bàn thờ Tổ là bức hoành phi viết 4 chữ Hán “Truyền đăng tục diệm" 傳 燈 續 焰. Hai bên là câu đối khắc trên bảng gỗ do Hòa Thượng Thích Huyền Tôn gởi tặng:
Quảng đại Tâm, pháp giới tùy duyên quy diệu dụng
Đức lưu Phương, Tăng già nhập thế hiển chơn như.
Có nghĩa là:
Tâm lớn bao la, cõi pháp giới theo duyên quay về nơi diệu dụng
Đức tỏa muôn phương, bậc Tăng già nhập thế bày tỏ lẽ Chơn Như
Đối
diện bàn thờ Tổ là Án thờ hình Bồ Tát Quảng Đức cao 1m20, hai bên có
hai câu đối tiếng Việt nói lên ý nghĩa tri ân và báo ân:
Ơn Tam Bảo Sư Môn Phụ Mẫu Trọn Đời Luôn Ghi Nhớ
Nghĩa Chúng Sanh Dân Việt Tổ Quốc Suốt Kiếp Nguyện Đáp Đền.
Hai
bên là hai bàn thờ Hương Linh quá vãng ký tự tại Tu Viện. Từ năm 2008
Tu Viện đã thiết kế màn hình vi tính để trên 1000 hình chư Hương Linh
hiển thị 24 trên 24 giờ.
Nhìn
từ bên ngoài của Tu Viện, các mái ngói đều uốn cong theo kiểu chùa Á
Đông, giữa đỉnh nóc có bánh xe pháp luân và các góc chạm hình đầu rồng
và phượng.
Ngoài vườn chùa có các tượng đài lộ thiên như Phật Thích
Ca Thuyết Pháp, Phật Thích Ca Thiền Định, Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn,
Phật A Di Đà phóng quang, tượng đài Phật Di Lặc, Bồ Tát Quan Âm lộ
thiên, 18 pho tượng A La Hán, đặc biệt có Phật tích Vườn Lộc Uyển với
Đức Phật lăn chuyển bánh xe Chánh Pháp cùng năm anh em Ngài Kiều Trần
Như.
Nhìn chung, nhờ kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam
với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, Tu Viện Quảng Đức
tại Melbourne, Úc Châu đã trở thành một trong những danh lam của Phật
Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại nói chung và nói riêng tại Úc Châu.
Melbourne, viết kỷ niệm 20 năm xây dựng Tu Viện Quảng Đức
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng