;
Chân dung chư vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Trí Quang và Hòa thượng Thích Thiện Minh tại chùa Từ Đàm
Dâng hương tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; nhị vị Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Quang Nhuận, Hòa thượng Thích Chơn Hương; chư tôn đức giáo phẩm chứng minh, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Tăng Ni các tổ đình, tự viện, niệm Phật đường trên địa bàn tỉnh.
Sau thời cúng ngọ được cử hành tại chánh điện chùa Từ Đàm, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử đã đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng tại Tổ đường.
Hương án tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu cùng chư tôn Hòa thượng tại Tổ đường tổ đình Từ Đàm
Trưởng lão Hòa thượng họ Võ, huý Trọng Tường, pháp danh Tâm Phật, tự Trí Đức, hiệu Thiện Siêu. Ngài năm Tân Dậu (1921) trong một gia đình thâm Nho tín Phật ở làng Thần Phù, H.Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngài là con trưởng trong một gia đình có 5 anh em. Người em kế cũng xuất gia, đó là cố Thượng tọa Thích Thiện Giải, nguyên Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Lâm Đồng.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu là Thành viên Hội đồng Chứng ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Giáo dục T.Ư, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, trụ trì tổ đình Từ Đàm và Thuyền Tôn (cố đô Huế).
Chư tôn giáo phẩm đảnh lễ tưởng niệm
Vốn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi (1935), được sự đồng ý của song thân, ngài xin xuất gia. Ban đầu, ngài lên học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm - Huế, do Đại lão Hòa thượng Thích Giác Tiên chứng minh chủ trì, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Độ làm Đốc giáo, Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Phó Đốc giáo, cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám làm phụ giảng.
Cùng theo học lớp này với Hòa thượng có quý Hòa thượng như Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quang, Thích Trí Nghiễm (Thích Thiện Minh)...
Sau gần 10 năm theo học các khóa Sơ, Trung, Cao đẳng Phật học, ngài tốt nghiệp hạng ưu. Năm 28 tuổi (1949), được Hòa thượng Bổn sư là Đại lão Hòa thượng Trừng Thủy, hiệu Giác Nhiên cho phép thọ giới Cụ túc tại giới đàn Báo Quốc Huế do Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu.
Trong giới đàn này Hòa thượng đỗ Thủ Sa-di.
Hòa thượng dành trọn cuộc đời mình cho công tác Phật sự nước nhà qua các thời kỳ. Đặc biệt là công tác giáo dục Phật giáo. Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến khi viên tịch, ngài là một tấm gương sáng ngời về phạm hạnh và hoằng hóa cho Tăng, Ni, Phật tử noi theo.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Thanh thành kính dâng hương tưởng niệm
Bên cạnh các Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn Kinh, Luật, Luận để Tăng Ni, Phật tử nghiên cứu và tu học như: Thủ Lăng Nghiêm (1940) - dịch tiếp phần sau khi Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám ra Bắc; Phát Bồ-đề tâm văn (1952); kinh Kiến chánh (1953); Kinh 42 chương (1958); kinh Trường A-hàm (lược dịch - 1959); Pháp cú (1962); Tân Duy thức luận (1962); Đại cương luận Câu-xá (1978); Luận Thành duy thức (1995); Luận Đại trí độ (5 tập, 1997-2001); Trung luận (2001); Nghi thức tụng niệm (đồng soạn, 1958);
Nghi thức thọ Bồ-tát giới tại gia (1958); luận Câu-xá (1987); Vô ngã là Niết-bàn (1990); Tỏa ánh từ quang (1992); Lối vào Nhân minh học (1995); Cương yếu Giới luật (1996); Chữ Hiếu trong đạo Phật (đồng soạn, 1997); Ngũ uẩn vô ngã (1997); Kinh Pháp hoa giữa các kinh điển Đại thừa (1997); Trí Đức văn lục (9 tập, 1994-2001); và nhiều bài biên khảo đăng tải ở các tạp chí từ 1940-2001, như: Viên âm (1940); Phật giáo Việt Nam(1960); Liên hoa (1961); Giác Ngộ (1982); Tập văn - Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN (1985-2001).
Ngoài ra, ngài còn hiệu đính cho công trình dịch thuật Đại tạng kinh Việt Nam của Giáo hội, phần Hán tạng như: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm...
Ngài viên tịch vào lúc 16 giờ 30 ngày 3-10-2001 (nhằm ngày 17-8-Tân Tỵ) tại tổ đình Từ Đàm (Huế); trụ thế 80 năm, 52 hạ lạp.